Monday, December 22, 2008

NỖI ÁM ẢNH Ở LÀNG ĐẠI HỌC

Nỗi ám ảnh ở làng đại học
21-12-2008 22:32:39 GMT +7
http://www.nld.com.vn/tintuc/chinh-tri-xa-hoi/249847.asp
Thái độ thờ ơ, thiếu cảnh giác của sinh viên là một trong những nguyên nhân dẫn đến các loại tệ nạn xã hội ở làng đại học Thủ Đức

Làng đại học Thủ Đức nằm giáp ranh giữa quận Thủ Đức - TPHCM, Bình Dương và Đồng Nai, là nơi tập trung hơn 20.000 sinh viên đang sinh sống và học tập. Tình trạng trộm cắp, cướp giật và những tệ nạn khác ngày càng có xu hướng gia tăng tại đây đã gây nên nỗi e sợ, lo lắng trong giới sinh viên, nhất là những người có công việc phải về khuya.

Trộm cắp, cướp giật lộng hành

Theo Công an ấp Tân Lập, xã Đông Hòa, huyện Dĩ An - Bình Dương, trong 10 tháng của năm 2008, trên địa bàn làng đại học đã xảy ra hơn 30 vụ trộm cướp. Người bị hại chủ yếu là sinh viên, học sinh. Đặc biệt, tại các khu vực hồ đá, nhà điều hành ĐH Quốc gia TPHCM và hồ cá thuộc địa phận quận Thủ Đức- TPHCM, nạn trộm cướp càng nghiêm trọng. Ông Nguyễn Văn Cường, Trưởng Công an xã Đông Hòa, cho biết do địa bàn phức tạp, nhiều đoạn đường vắng, dân cư không rõ nguồn gốc về sinh sống ngày càng tăng... nên dù lực lượng công an, dân quân thường xuyên tuần tra, kiểm tra, song tình hình vẫn rất phức tạp, nhất là vào cuối năm. Hơn nữa, từ lâu hồ đá được giới sinh viên xem như một “thiên đường tình yêu”, thường tới tâm sự rất đông, nhất là vào ban đêm, đã tạo điều kiện cho kẻ xấu ra tay. Thậm chí, tại đây đã từng xảy ra trường hợp nữ sinh viên bị cưỡng hiếp rồi cướp tài sản.
Điều đáng lo ngại là thủ đoạn trộm cắp xe máy ngày càng tinh vi. Kẻ gian thường đi từ 4 đến 6 người, giả làm sinh viên vào các dãy phòng trọ tìm bạn rồi lấy tài sản khi sinh viên sơ hở hay đang ngủ trưa. Cũng có khi chúng vào các quán cà phê, quán nhậu chờ sinh viên đi xe máy đến, đợi lúc họ bận rộn tìm chỗ ngồi liền nhảy lên xe tẩu thoát. Không ít trường hợp kẻ xấu dùng chìa khóa vạn năng, chỉ trong vòng 10 giây đã có thể mở được khóa bất cứ loại xe nào. Ngô Thị Yến, sinh viên Khoa Kinh tế ĐH Quốc gia TPHCM, nạn nhân của một vụ mất xe, kể: “Tôi chỉ mới vào phòng vệ sinh một tí, khi ra xe đã không còn, dù đã khóa cổ cẩn thận”.

Đường đi biến thành “phòng the”

Từ khoảng sau 19 giờ trở đi, con đường dài khoảng 300 m không có hệ thống chiếu sáng dẫn vào nhà điều hành ĐH Quốc gia TPHCM đã trở thành nơi hò hẹn và sinh hoạt yêu đương thoải mái của các cặp tình nhân sinh viên. Một tối đầu tháng 12-2008, chúng tôi đến đây vào khoảng 20 giờ và nhận thấy khu vực này gần như không còn chỗ trống. Một đôi sinh viên khuyên: “Phải đi sớm mới có chỗ, chứ ra muộn là không còn nơi để mà đứng đâu, nhất là thứ bảy và chủ nhật”. Quan sát xung quanh, chúng tôi thấy dù có không ít người qua lại, song những cặp đôi yêu nhau vẫn có những hành vi thoải mái, quá trớn như ở phòng riêng.
Một người dân có nhà trong khu vực bức xúc: “Đường đi công cộng đã biến thành “phòng the” của các sinh viên khiến cho những người có việc đi qua đó cũng phải ngại ngần. Trước đây, tôi hay dẫn con gái đi tập thể dục buổi tối nhưng bây giờ không dám nữa, sợ cháu thấy những cảnh ấy bị ảnh hưởng”. Những buổi sáng có việc đi ngang khu vực này, chúng tôi còn bắt gặp nhiều bao cao su vất rải rác cùng với nhiều loại rác thải khác.

Sinh viên còn kém ý thức

Hiện tượng trộm cắp và các tệ nạn khác ngày càng nhiều là do thái độ thờ ơ, thiếu cảnh giác của các sinh viên. Dù công an, dân phòng đã nhiều lần nhắc nhở nhưng nhiều sinh viên yêu nhau thường tìm tới những nơi vắng vẻ để tâm sự rồi biến thành miếng mồi ngon cho bọn côn đồ lợi dụng khống chế, trấn lột. Nhiều sinh viên còn lơ là trong việc bảo quản tư trang cá nhân, tạo điều kiện cho bọn trộm cắp “đục nước béo cò”.

Theo ông Nguyễn Văn Cường, do chưa có hình thức xử phạt nặng đối với những sinh viên đi về quá khuya nên nhiều sinh viên thiếu ý thức đã bất chấp sự nhắc nhở của những người có trách nhiệm, làm cho việc kiểm soát phức tạp hơn. Ngoài ra, việc hợp tác giữa các trường đại học và ký túc xá với lực lượng công an địa phương vẫn chưa thường xuyên cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự lộng hành của các loại tệ nạn xã hội ở làng đại học.
Đồng Yên Huyền

No comments: