Friday, December 26, 2008

MỞ CỬA VỚI TRUNG QUỐC

Project Syndicate
Mở cửa với Trung Quốc, Khi đó và Bây giờ
Opening China, Then and Now
by
Richard Holbrooke
http://www.project-syndicate.org/commentary/holbrooke8

WASHINGTON, DC - Quyết định mở cửa của Mỹ đối với Trung Quốc do Tổng thống Richard Nixon và cố vấn Henry Kissingger thực hiện vào năm 1971-1972 là một cú đột phá khẩu có tính chất lịch sử. Ít nổi tiếng song quan trọng tương đương, và là bước tiến khổng lồ tiếp theo, được thực hiện bởi Tổng thống Jimmy Carter đúng 30 năm trước, bằng việc thiết lập các mối quan hệ ngoại giao đầy đủ giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ. Nếu như không có hành động này, được loan báo vào ngày 15-12-1978, thì các mối quan hệ Hoa Kỳ-Trung Quốc có thể đã không tiến xa được tới một cuộc tiếp xúc nhỏ, ở cấp cao với một chương trình nghị sự có giới hạn.
Khi họ rời vị trí vào năm 1977, Tổng thống Gerald Ford và ông Kissinger đã để lại phía sau một mối quan hệ không đầy đủ và vì thế mà không được vững chắc với Trung Quốc. Hoa kỳ vẫn còn công nhận Đài Loan, dưới cái tên Cộng hòa Trung Hoa, không khác với chính phủ duy nhất và hợp pháp ở Trung Quốc. Từ năm 1972, Mỹ và Trung Quốc đã duy trì “các văn phòng liên lạc” nhỏ tại thủ đô mỗi nước, mà không có sự thừa nhận chính thức. Những liên lạc cấp nhà nước rất hạn chế, và mậu dịch song phương hàng năm chỉ dưới 1 tỉ đô la. (Ngày nay, nó là một con số đáng kinh ngạc 387 tỉ đô la).
Tổng thống Carter khi nhận chức đã hy vọng bình thường hóa các mối quan hệ với Trung Quốc. Điều đó sẽ đòi hỏi phải chuyển hướng công nhận từ Đài Loan sang đại lục. Một số người nhìn nhận nó tựa như là một sự thừa nhận đơn giản tình trạng hiện hữu, song trên thực tế nó lại là một bước đi quan trọng đòi hỏi sự khéo léo về ngoại giao và thái độ can đảm chính trị.
Một phương pháp phải đạt được đối với Hoa Kỳ, trong khi công nhận Trung Quốc, là tiếp tục cư xử với chính phủ ở Đài Loan theo cách không thừa nhận yêu sách của họ đòi đại diện cho Trung Quốc; điều quan trọng nhất, là Hoa Kỳ phải giữ quyền bán vũ khí cho Đài Loan. Từ một quan điểm chính trị, đã có cuộc vận động hành lang nổi tiếng của Đài Loan, một trong những hoạt động mạnh mẽ nhất tại Hoa Kỳ, vẫn bị chế ngự bởi cánh bảo thủ trong giới chính trị Mỹ.
Được dẫn dắt bởi “Ngài Bảo Thủ” của Mỹ, Thượng nghị sĩ Barry Goldwater, và đối thủ hàng đầu cho đợt bổ nhiệm của Đảng Cộng hòa năm 1980, ông Ronald Reagan, nhóm vận động hành lang cho Đài Loan định chống lại việc bình thường hóa [với Trung Quốc] bằng mọi cách. (Ông Goldwater đã đưa chính phủ Hoa Kỳ ra Tòa án Tối cao để thách thức hành động của ông Carter, nhưng không thành; ông Reagan, trong chiến dịch vận động tranh cử tổng thống năm 1980, đã hứa trịnh trọng một cách không vô tư rằng sẽ hủy bỏ việc bình thường hóa, và rồi ông chỉ từ bỏ lập trường đó sau khi thắng cử.)
Câu chuyện dài đã mở ra trong hai năm đầu tiên của chính quyền Carter, hoàn toàn thoát khỏi tầm nhìn của công chúng, ngoại trừ hai chuyến đi quan trọng tới Trung Quốc, một của Ngoại trưởng Cyrus Vance, và một của Cố vấn An ninh Quốc gia Zbigniew Brezinski. Đáng kinh ngạc là những người đó trong số chúng ta từng dính líu vào tiến trình này (tôi lúc đó là trợ lý ngoại trưởng phụ trách Đông Á và Thái Bình Dương) đã giữ trong vòng bí mật hoàn toàn những cuộc điều đình rất lớn đó.
Người Trung Quốc đã đòi hỏi một quyết định cắt đứt hoàn toàn các quan hệ chính thức giữa Đài Loan và Hoa Kỳ, bao gồm cả việc bán vũ khí. Hiểu rõ rằng một động thái như vậy sẽ kích động một thái độ giận dữ ghê gớm ở trong nước, chúng ta đã tìm kiếm một công thức cho việc tiếp tục các mối liên lạc chính thức và việc mua bán vũ khí với Đài Loan thậm chí sau khi chúng ta đã tái công nhận họ và chấm dứt hiệp ước an ninh chung được phê chuẩn trong những năm dưới thời Tổng thống Eisenhower.
Không có tiền lệ cho vấn đề này trong luật của Mỹ hay luật pháp quốc tế. Với lời khuyên của cựu Tổng Chưởng lý của Tổng thống Eisenhower, ông Herbert Brownell, các luật sư của Bộ Ngoại giao đã phác thảo Luật về Các mối Quan hệ với Đài Loan, một bộ luật không giống với bất cứ bộ luật nào khác trong lịch sử nước Mỹ, cho phép chính phủ Hoa Kỳ kiểm soát hoạt động thương mại với Đài Loan, bao gồm cả mua bán vũ khí, mà không cần phải có sự công nhận nước này.
Thế nhưng khi chúng ta giải thích với Trung Quốc lý do vì sao điều này là cần thiết trong trình tự tiến tới công nhận họ, họ đã không chấp nhận. Họ muốn giao thương và các lợi ích khác qua việc công nhận, là thứ đem lại lợi ích cho cả hai quốc gia trong thời buổi Chiến tranh Lạnh đó, khi Trung Quốc là kẻ thù ghê gớm đối với Liên bang Xô Viết, với những biểu hiện gần như sắp đi tới chiến tranh chỉ trong một vài năm trước đó. Song Đài Loan vẫn còn là một chướng ngại vật khổng lồ có vẻ như không thể vượt qua được.
Cú đột phát đã đến vào cuối năm 1978, và được chọn đúng thời điểm một cách thận trọng bởi Tổng thống Carter theo sau các cuộc bầu cử quốc hội giữa nhiệm kỳ. Nhân tố quan trọng nhất nằm trong cú đột phá khẩu này có lẽ là sự xuất hiện của ông Đặng Tiểu Bình như là nhà lãnh đạo tối cao mới nổi lên của Trung Quốc. (Ông Mao đã chết năm 1976).
Ông Đặng, người đã bị buộc phải đội một chiếc mũ lừa bằng giấy và tự tố cáo mình trong tình trạng mất trí của cuộc Cách mạng Văn hóa, đã hoàn tất cuộc trở lại vĩ đại nhất mà ta có thể mường tượng được, và vào mùa thu năm 1978, ông cuối cùng đã nắm được đủ sức mạnh quyền lực để phớt lờ một thỏa thuận với Hoa kỳ: Trung Quốc sẽ không “chấp nhận” việc bán vũ khí hay các hoạt động khác của Mỹ với Đài Loan, dù cho họ có thể tiến tới bình thường hóa với Trung Quốc. Đó là một ví dụ thuộc hàng kinh điển trong lối thương thuyết của Trung Quốc: cứng rắn trên nguyên tắc, mềm dẻo trong từng chi tiết.
Tôi đang bỏ quên nhiều điều ở điểm này - đây là một cuộc thương thảo phức tạp - song đó là bản chất của nó. Vào tháng Một năm 1979, ông Đặng đã thực hiện một chuyến đi lịch sử của mình tới Hoa Kỳ, bắt đầu bằng một bữa tối riêng tư tại nhà của ông Brzezinski và đã đạt đến thành công tột đỉnh với bữa tối theo nghi thức Quốc gia hiếm hoi nhất trong những năm Tổng thống Carter tại vị (cũng là ngoại lệ đối với chuyến viếng thăm đầu tiên của Tổng thống Nixon tới Wasington kể từ khi ông từ chức; tôi ngồi cùng bàn với Nixon, và đã giữ lại một cái thực đơn mà mọi người cùng ký vào buổi tối hôm đó).
Tại nhà ông Brzezinski, ông Đặng đã kể về những giấc mơ của mình cho một nước Trung Hoa mà ông biết mình có lẽ sẽ không còn sống để nhìn thấy. Ông tin rằng Trung Quốc có thể sẽ nhảy vọt để bù đắp lại những năm tháng mà thế giới đã đi qua, song chỉ với sự trợ giúp của mỹ. Ông sẵn sàng hợp tác để kìm chế Liên Xô, thậm chí thỏa thuận thiết lập những trạm nghe lén tình báo bí mật của Mỹ dọc theo biên giới Trung Quốc để theo dõi tên lửa Sô Viết.
Ông Đặng đã đoán trước một cách chính xác những trao đổi rộng lớn về đào tạo sinh viên, phát triển công nghệ hiện đại, và thương mại. Hơn bất cứ quan chức Mỹ nào khác, ông ta đã lường trước được những gì mà việc mở cửa của Mỹ với Trung Quốc sẽ đạt tới. Song thậm chí ông Đặng có thể đã không hình dung ra hoàn toàn những gì được mở ra bởi thông báo vào ngày 15-12-1978 - không có gì ít ỏi bằng sự phát triển mối quan hệ song phương quan trọng giữa hai quốc gia trên thế giới vào lúc này.

Richard Holbrooke, trợ lý Ngoại trưởng phụ trách Đông Á và Thái Bình Dương vào thời điểm bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc năm 1978, ông thường viết cho chuyên mục hàng tháng của tờ The Washington Post.

Hiệu đính:
Trần Hoàng
Bản tiếng Việt © Ba Sàm 2008
http://anhbasam.wordpress.com/2008/12/26/21m%e1%bb%9f-c%e1%bb%ada-v%e1%bb%9bitrung-qu%e1%bb%91c-khi-do-va-bay-gi%e1%bb%9d/


No comments: