Tuesday, December 30, 2008

CHYỆN THỊ THỰC NHẬP CẢNH VỀ VIỆT NAM

Chuyện 'thị thực'
Phạm Việt Vinh
Đăng ngày 30/12/2008 lúc 00:00:00 EST
http://www.thongluan.org/vn/modules.php?name=News&file=article&sid=3408
Elsenstrasse- một đường phố thoáng rộng gần trung tâm thủ đô Berlin. Một ngày đầu năm 2008. Sứ quán Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam toạ lạc trong một biệt thự khá sang trang. Cách toà nhà khoảng 200 mét là dòng sông Spree. Giữa sông lừng lững một pho tượng nhôm trắng cao 30 mét với ba người đàn ông đang choàng vai trong tư thế sẽ ôm chầm lấy nhau. Nhiều đoạn của dòng Spree trước đây đã bị dùng làm giới tuyến chia cắt Đông và Tây Berlin. Pho tượng mang tên “Molecule Man” trên được dựng sau khi nước Đức thống nhất – song song với ý tưởng nêu lên tính vẹn toàn và thống nhất của thế giới, nó mô tả cảnh tay bắt mặt mừng của những đứa con cùng một mẹ Tổ quốc đã tìm về với nhau sau cuộc chia cắt địa lý và ý thức hệ. Pho tượng là ý nguyện, là kết quả của sự hoà giải, sự liên kết đồng bào. Điều này trái ngược với những gì đã diễn ra với hắn.

Bước vào phòng tiếp khách của sứ quán, sau khi sắp hàng chờ tới lượt, hắn trình với nhân viên sứ quán tờ giấy hẹn đến lấy kết quả xin thị thực vền thăm thân nhân tại Việt Nam. Lướt xem qua tờ giấy hẹn, nhân viên tiếp nhận đơn từ của sứ quán bảo hắn chờ một lát. Hắn là người Việt đã nhập quốc tịch Cộng hoà liên bang Đức. Xa quê hương đã lâu, cha mẹ hắn ở nhà tuổi đã cao, như ngọn đèn dầu trước gió, nên về thăm quê nhà, gặp lại cha mẹ, anh em luôn là điều hắn đau đáu trong lòng. Trước đây khoảng một tháng, do bận việc, hắn làm giấy ủy quyền nhờ vợ hắn đến sứ quán Việt Nam nộp đơn xin thị thực về thăm nhà. Nhân viên sứ quán hẹn một tuần sau đến lấy kết quả. Đúng một tuần sau đó, vợ hắn đến và được thông báo là đối với trường hợp của hắn, sứ quán phải xin ý kiến trong nước nên tuần sau mới có trả lời. Thông thường thì đối với người mang quốc tịch nước ngoài, kể cả thời gian xin ý kiến của Bộ ngoại giao trong nước, thời hạn xét và cấp thị thực không kéo dài quá một tuần. Hai tuần câu trả lời đối với vợ hắn vẫn là “chưa có kết quả“. Thế là đã rõ: việc xin thị thực của hắn đã gặp khó khăn. Và hôm nay, hắn phải xin nghỉ việc để trực tiếp đến nhận sự giải đáp cuối cùng.

Sau khoảng 30 phút chờ đợi, nhân viên sứ quán gọi hắn lại và nhẹ nhàng cho biết trường hợp của hắn vẫn chưa có trả lời. Cũng rất nhẹ nhàng, hắn nói rằng thời gian chờ đợi thị thực của hắn là quá bất bình thường, nên hắn đã bỏ ý định xin thị thực, và yêu cầu sứ quán Việt Nam trả lại cho hắn quyển hộ chiếu Đức. Nhân viên sứ quán trả lời quyển hộ chiếu của hắn hiện do một bộ phận khác của sứ quán quản lý, và hẹn hắn hai giờ sau quay lại. Đúng hai giờ sau, hắn trở lại phòng chờ. Sau khoảng 15 phút, cánh cửa phụ, nơi dành riêng cho nhân viên sứ quán hé mở, một người đàn ông khoảng trên 40 tuổi, mặc com lê xám, gọi to:
- Ai là anh P?
Hắn đứng dậy:
- P là tôi đây.
Người đàn ông nói:
- Mời anh vào trong này!

Đi theo người đàn ông, hắn lên tầng gác và bước vào một phòng tiếp khách với một bộ xa-lông da và một chiếc bàn mặt kính có bầy sẵn nhiều đồ giải khát. Sau khi khép cửa, người đàn ông bắt tay hắn:
- Anh còn có tên nữa là A, đúng không?
Hắn mỉm cười:
- Đúng vậy.

A là tên hắn dùng trong các bài viết đã đăng trên một số báo chí của người Việt xuất bản tại hải ngoại.

Người đàn ông mời hắn ngồi, rót nước mời rồi nhìn thẳng vào mặt hắn:
- Tôi là B, bí thư thứ nhất của sứ quán phụ trách công việc liên quan tới anh. Anh chắc không biết tôi đâu, nhưng chúng tôi biết khá nhiều về anh. Thậm chí, tôi đã biết anh từ rất lâu do đây là nhiệm kỳ công tác thứ hai của tôi tại Đức.
Hắn hơi cười, và cũng nhìn thẳng vào mắt người cán bộ sứ quán:
- Tôi không lạ là các anh biết nhiều về tôi, vì thực ra, mọi việc tôi làm đều rõ ràng, không có gì phải giấu giếm.
Im lặng một lúc, người cán bộ sứ quán nói tiếp:
- Các anh cũng biết tôi mời anh vào đây vì việc gì. Xin thông báo với anh là trong nước không đồng ý cấp Visa về thăm Việt Nam cho anh. Lý do là do quan hệ của anh đối với các tổ chức chính trị phản động.
Hắn lập tức phản ứng:
- Theo tôi, chữ “phản động”có nhiều cách hiểu, và anh không nên dùng nó ở đây! Tất cả các tổ chức mà tôi có quan hệ tuy có nhiều cách biệt khác nhau, nhưng đều có mục đích chung là đóng góp xây dựng cho đất nước khá hơn. Vì vậy, chữ “phản động”ở đây là không hợp lý!

Nét mặt người cán bộ hơi sững lại, nhưng sau một hai giây, anh ta lại từ tốn:
- Tôi hiểu anh, vậy thì tôi sẽ gọi là các tổ chức đối kháng, có được không?
Hắn tiếp lời:
- Gọi như vậy thì tôi đồng ý.

Toàn bộ câu chuyện gần 60 phút sau đó giữa hắn và người cán bộ sứ quán diễn ra trong một không khí hoà nhã, và gần như là thân mật:
- Cách đây mấy hôm, anh có đến dự một buổi nó chuyện chính trị của tổ chức V, chúng tôi cũng có mắt tại đó. Tôi thấy ý kiến anh nêu ra hôm đó khá sâu sắc, và có thể nói là có chất học giả.
- Hôm đó, tôi không thống nhất với cách nhìn của ông C, diễn giả buổi nói chuyện, và đã đưa ra những phản biện của mình. Theo ý tôi, để xã hội Việt Nam theo hướng đi lên, sách lược của tổ chức V khó dẫn đến kết quả.
- Vậy thì theo anh, làm như thế nào là tốt nhất: Xin nói thêm là chúng tôi biết rõ các anh đã bỏ các hoạt động ồn ào và đang cố gắng đi vào chiều sâu.
- Tôi nghĩ rằng tất cả các tổ chức tôi quen biết đều đang trong quá trình tìm kiếm một cách đi tối ưu nhất, nhưng tinh thần cơ bản là sự thay đổi xã hội Việt Nam phải diễn ra trên tinh thần hoà giải, bất bạo động.
- Thực ra thì trong nước đã phát triển và tiến bộ rất nhiều. Cách đây một thời gian ngắn, chúng tôi đã để anh về thăm lại Việt Nam, và anh phải nhận ra điều đó!
- Đúng là Việt Nan đã có nhiều thay đổi. Tuy ở xa nhà, nhưng do thường xuyên theo dõi, nên tôi không lạc hậu với tình hình đất nước. Qua lần về nước mới đây, tôi đã trực tiếp tiếp cận với những chuyển biến tích cực, thông thoáng hơn ở Việt Nam. Nhưng tôi vẫn nhận thấy và phải khẳng định là Việt Nam vẫn cần phải có những thay đổi căn bản hơn. Anh có nghĩ là như vẫy không?
- Ở đây, tôi không đưa ra nhận định cá nhân, mà chỉ nêu ra những ý kiến từ trong nước!
- Sao hơn mười năm ngăn cấm, cách đây hơn một năm, các anh đã cấp thị thực để tôi về thăm nhà, theo tôi, đó là một thay đổi tích cực. Nhưng hôm nay, các anh lại từ chối. Theo tôi, đó là một sự thụt lùi. Tại sao lại như vậy?
- Thực ra thì chúng tôi chưa dứt khoát về trường hợp của anh. Tất nhiên là nội dung cuộc nói chuyện ngày hôm nay tôi sẽ báo cáo về trong nước. Và theo tôi, anh vẫn còn có cơ hội để trong nước có thể thay đổi ý kiến.
- Cơ hội đó là gì vậy?
- Đề nghị anh hiểu rõ ý tôi! Đây không phải là chúng tôi bắt anh phải viết bản kiểm điểm hoặc viết báo cáo gì. Tôi chỉ đề nghị anh viết và đưa cho tôi một bản nêu ra những nhận định và suy nghĩ của anh về tình hình đất nước.
- Anh biết là tôi đã viết rất nhiều về vấn đề này, nay tôi viết lại thì sẽ là thừa. Và hơn nữa, tôi là người không có nhiều thời gian.
- Anh có thể viết tóm tắt ngắn cũng được. Thậm chí, nếu anh muốn, tôi sẽ không gửi bản viết của anh về trong nước. Tôi chỉ cần báo cáo với cấp trên là anh đã viết, thế là đủ. Thực ra thì chúng tôi chỉ cần có một bằng chứng là anh đã có một hành động đáp lại thiện chí của chúng tôi.
- Mục đích về của tôi là để tham hỏi cha mẹ, gia đình và bạn bè. Vì thế, việc các anh ngăn cản là một điều vô lý. Tôi biết anh đang làm nhiệm vụ của mình. Nhưng việc anh ngồi nói chuyện một cách hoà bình với tôi ở đây là một dấu hiệu tốt. Vì vậy, để đáp lại, tôi sẽ suy nghĩ lại trong vòng một hai ngày về đề nghị của anh
- Vâng, anh cứ suy nghĩ kỹ đi! Đây là số Handy của tôi. Anh có thể gọi điện cho tôi vào bất cứ lúc nào.

Đứng dậy bắt tay từ biệt, nhìn thẳng vào người cán bộ sứ quán, hắn nói thật chậm rãi:
- Tôi xin nói rõ: nếu tôi có viết ra ý kiến của mình gửi cho các anh, thì đó là do lương tâm, chứ hoàn toàn không phải là để xin các anh cấp thị thực cho tôi!

Lương tâm mà hắn nói ở đây là hy vọng lé loi vào sự khởi đầu của việc trao đổi ý kiến về tình hình đất nước. Để xây dựng được một nước Việt Nam thực sự dân chủ và văn minh, hắn cho rằng xuất phát điểm lý tưởng là sự đối thoại hoà bình giữa các tổ chức có chính kiến khác nhau, trong đó có cả lực lượng cầm quyền trong nước. Nhưng sau một hồi suy nghĩ, hắn nhận ra sự nhẹ dạ của mình: chính quyền vẫn chưa hề muốn đối thoại với những ai nói khác điều chính quyền mong muốn! Hàng trăm, hàng nghìn những nhận định, những đề nghị của các nhà bất đồng chính kiến trong và ngoài nước còn uyên thâm, sâu sắc hơn nhiều lần so với một vài ý kiến của hắn đã và vẫn đang bị chính quyền và Đảng cộng sản Việt Nam coi là kẻ thù nguy hiểm và tìm cách triệt hạ. Bản nhận định của hắn dù có đúng đắn tới đâu cũng sẽ chỉ là một tờ giấy lộn tự hạ thấp mình được gửi tới cơ quan an ninh chính trị. Nó sẽ không tìm được người đối thoại và sẽ chỉ mở đầu cho một sự lấn lướt và phiền nhiễu lâu dài. Sự lấn lướt và phiền nhiễu sẽ kéo dài cho đến khi người ta hạ gục hắn bằng cách này hay cách khác.

Hai ngày sau buổi nói chuyện, hắn gọi điện cho người cán bộ sứ quán:
- Chào anh B, sau khi suy nghĩ kỹ, tôi quyết định sẽ không viết bản nhận định như anh đề nghị.
- Tại sao vậy? Anh cứ suy nghĩ kỹ nữa đi!
- Tôi đã suy nghĩ kỹ, và thấy rằng nếu có được viết ra, thì bản nhận định của tôi cũng chẳng mang lại điều gì tốt đẹp.
- Nếu anh như vậy thì trong nước sẽ không cho anh về đâu!
- Tôi biết vậy, và tôi chấp nhận như vậy!
Hắn chấp nhận nỗi nhớ, nỗi đau xa cách quê hương, cha mẹ, gia đình. Để bảo vệ một cơ chế chính trị lạc hậu, hệ thống cường quyền đã muốn tận dụng cả tình cảm gia đình thiêng liêng để dồn ép hắn, để ngăn cản hắn trong việc đền ơn cha, nghĩa mẹ. Nhưng hắn tin cha mẹ hắn sẽ hiểu rằng chính nhà nước cộng sản Việt Nam mới là thủ phạm không cho hắn được phần nào vẹn tròn chữ “Hiếu”. Một chính thể như vậy phải mang tội bất nhân! Và rất nhiều người Việt Nam tại Đức cũng phải chịu số phận như hắn.

***
Cách đây hơn mười năm, vợ chồng anh Đ ở Hannover, sau khi được Lãnh sự quán Việt Nam tại Bonn cấp thị thực về thăm Việt Nam, đã về đến sân bay Nội Bài, Hà Nội. Gia đình anh người Bắc, di cư vào Nam năm 1954. Mục đích về của anh là được thăm lại quê cha đất tổ sau hơn 40 năm lưu lạc. Tại cửa khẩu sân bay, công an Việt Nam thông báo chỉ cho người vợ nhập khẩu, còn đối với anh Đ, công an tuyên bố hủy bỏ thị thực và yêu cầu anh ngay lập tức phải rời khỏi Việt Nam. Lý do được đưa ra cho việc hủy bỏ thị thức là tại nước ngoài, anh Đ đã có những hành vi làm phương hại đến lợi ích và an ninh của nhà nước Việt Nam. Là một người của Trung tâm nhân quyền Hannover, “hành vi”của anh Đ là tổ chức những buổi sinh hoạt văn hóa, tư vấn giúp đỡ trong vấn đề hội nhập cho người Việt tại CHLB Đức, và tham gia tổ chức những buổi hội thảo, toạ đàm về tình hình đất nước. Khi nói về quê hương, anh có tiếng là điềm đạm và chưa bao giờ khơi gọi bạo lực, hận thù. Bài thơ anh vẫn ngâm say sưa trong mỗi lần gặp gỡ bạn bè là “Đôi mắt người Sơn Tây”của Quang Dũng. Sơn Tây là quê anh. Sắc mặt anh khi nói đền Sơn Tây bao giờ cũng rạng rỡ một tình yêu. Nhưng lòng yêu quê nhà và quan điểm chính trị khoan hoà vẫn không giúp anh được gặp lại quê hương. Chính quyền Việt Nam vẫn căm ghét những ai vì lòng yêu nước và chính kiến mà dấn thân vào những hoạt động khi Đảng cộng sản không có quyền kiểm soát.

Anh E là một kỹ sư, trước đây là công nhân hợp tác lao động tại Tiệp khắc, sau đó vượt biên xin tỵ nạn tại Đức và được nước Đức chấp thuận. Anh và gia đình mở hãng kinh doanh tại Osnabrueck. Cách đây khoảng bảy năm, anh cũng đã được sứ quán Việt Nam cấp thị thực về thăm quê. Khi về đến cửa khẩu sân bay, công an Việt Nam thông báo họ biết rõ rằng tại nước Đức, anh đã từng là thành viên của một tổ chức chính trị tuy ôn hoà nhưng đòi hỏi “đa nguyên, đa đảng”là một điều “nhà nước Việt Nam còn cấm kỵ”. Công an cũng thông báo họ biết rằng anh không có vai trò nổi bật nào trong tổ chức đó, nhưng điều kiện để nhập khẩu là anh phải khai báo kỹ càng về tổ chức trước đây anh đã tham gia, và phải tuyên bố hối hận về sự tham gia đó. Anh E từ chối, và bị ngăn không cho nhập khẩu. Ngay hôm đó, anh phải rời khỏi cửa ngõ quê hương. Chính quyền Việt Nam e sợ tất cả những ai đứng trong bất kỳ một tổ chức chính trị nào không phục tùng theo họ.

Trước đây sáu năm, anh H, một nhà khoa học có nhiều công trình nghiên cứu đã được công bố tại Đức và thế giới cũng bị sứ quán Việt Nam tại Berlin từ chối không cấp thị thực về thăm gia đình. “Tội”của anh H là ngoài các công bố về khoa học kỹ thuật, anh cũng là tác giả của một số bài viết phân tích tư duy chính trị lạc hậu tại Việt Nam. Anh là người ra đi từ Hà Nội và đã trực tiếp trải qua những trận ném bom B 52 “giải thảm”của không quân Mỹ tại Hà Nội tháng 12 năm 1972. Sau những trận bom khốc liệt nhà sập, thịt rơi, máy chảy, anh cùng bạn bè cũng như bao người Hà Nội khác đã dùng cuốc xẻng và cả tay không lao vào đào bới những đống đổ nát với hy vọng tìm kiếm và cấp cứu những người còn sống. Anh kể lại, một lần bên đống gạch nát tan của khu bệnh viện Bạch Mai, anh và đám thanh niên đã khóc nức lên khi họ ôm ra được từ ngăn hầm sập một chú mèo con còn sống sót. Những người như anh sẽ không bao giờ kêu gọi sự tàn phá quê hương. Nhưng chính quyền vẫn không cho anh về thăm hỏi, chăm sóc người mẹ đã già và người cha đã yếu. Khi nghe tin ông Nguyễn Cao Kỳ, nguyên phó tổng thống chế độ Việt Nam Cộng hoà, người trước đây đã từng lái máy bay dội bom lên miền Bắc, sau đó sang tỵ nạn tại Mỹ, nay được mũ áo xêng xang về thăm Việt Nam, anh nói:”Mình ngày xưa chạy dưới làn bom để cứu người thì họ cấm về, còn người đã ném bom ngày ấy thì nay họ trống dong cờ mở đón chào”. Anh bị cấm về khi vẫn còn viết ra những điều trăn trở, còn ông Kỳ thì được về sau khi lớn tiếng ngợi ca chính thể đương thời. Tức là nhà nước Việt Nam vẫn không muốn chấp nhận những ai vì danh dự và trí tuệ mà không chịu “bó giáp xin hàng”.

***
Ở một góc nhìn nào đó, đã có vài ý kiến cho rằng chính sách của Đảng cộng sản Việt Nam đối với trí thức đã có nhiều thay đổi, rằng tiếng nói của trí thức đã được nhà nước tôn trọng hơn. Đã có nhiều nhà văn, nhà báo ở trong nước được công khai đăng tải những quan điểm phi cộng sản và tố cáo sự yếu kém và tham lạm của chính quyền ở một cấp độ nhất định. Đã có những hội nghị không phải do nhà nước tổ chức nhưng được nhà nước chấp thuận, bàn đến một số vấn đề nhậy cảm. Vào tháng 7 năm 2008 vừa qua, một hội nghị như vậy đã được tổ chức tại thành phố Nha Trang với sự tham gia của nhiều trí thức ít nhiều có tên tuổi tại trong và ngoài nước. Bên cạnh những vấn đề về kinh tế, giáo dục…đề tài “Xã hội dân sự”- một trong những biểu hiện của một nền dân chủ đích thực cũng được bàn thảo tại hội nghị.

Trong một thể chế toàn trị, việc tổ chức hội nghị có thể được coi là một bước tiến tích cực. Tại hội nghị, hầu hết các tham luận đều đưa ra những ý kiến bức xúc và đề nghị nhà nước phải có thay đổi trong nhiều chính sách cụ thể. Một điểm son nữa của hội nghị là đã có những đòi hỏi, trong đó có cả đòi hỏi của ông Chu Hảo, một trong những người đứng ra tổ chức hội nghị, và là cựu thứ trưởng Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường của chính quyền Hà Nội, rằng Đảng cộng sản và chính quyền phải tạo điều kiện cho trí thức tham gia vào việc hoạch định các chính sách của nhà nước. Theo ý của ông Hảo, hoạt động “tham gia”của trí thức ở đây là “đưa ra những góp ý xây dựng và phản biện đối với Đảng và nhà nước”. Ý kiến này đã được ông Hảo đưa ra liên tục và nhiều lần khi ông tìm cách định nghĩa “thế nào là trí thức”. Việc trí thức phải được và phải có dũng khí “phản biện”, theo ông Hảo và nhiều nhà trí thức trong nước, là một cách tân quan trọng. Đáng tiếc là cách nhìn này còn rất thiếu sót! Việc “tham gia”vào công việc quốc gia không thể chỉ được giới hạn vào hành động góp ý hay phản biện. “Góp ý”hay kể cả “phản biện”chỉ là một việc làm gián tiếp. Đơn thuần góp ý hay phản biện tức là đứng ngoài vòng quyền lực và chỉ quẩn quanh trong vai trò “quân sư”khá rụt rè của trí thức Á Đông, một điều đã bị không ít học giả đương thời phân tích và chỉ ra những yếu điểm chết người. Phải thấy rằng, phần quan trọng nhất của việc tham gia là các hoạt động trực tiếp được biểu hiện thông qua tuyên truyền tư tưởng, chính kiến, thành lập, tham gia đảng phái, được tự do bầu cử và ứng cử với mục tiêu thực thi đường lối chính trị của mình nếu được người dân tín nhiệm. Trí thức chỉ có thể thực sự tham gia vào công việc quốc gia khi họ trở thành những lực lượng cụ thể trong xã hội với tất cả các quyền trên. Nhưng, đó là mà chính quyền hiện nay còn lo sợ. Nỗi lo này chứng tỏ sự yếu kém của chính quyền và được trấn an bằng một hệ thống đàn áp điêu luyện. Sống trong sự dình dập và đàn áp này, hầu hết trí thức trong nước, dù muốn hay không, cũng đang phải tạm hài lòng với những “phản biện”khá êm dịu của mình.

So với bạn bè trong nước, trí thức bất đồng chính kiến tại hải ngoại không bị trực tiếp đè nén, đe doạ hay bắt bớ, tù đày. Nhưng, để bảo vệ cho quyền lợi của họ trong một thể chế cực kỳ trì trệ trong não bộ, chính quyền cộng sản Việt Nam vẫn đang sử dụng những biện pháp cơ bắp cuối cùng để ngáng trở, triệt hạ những ai không muốn đầu hàng và muốn dùng khối óc của mình trực tiếp tham gia vào tiến trình canh tân đất nước. Cùng với việc đàn áp, đánh đập, giam cầm những nhà bất đồng chính kiến và những nhà báo, nhà văn còn dũng khí ở trong nước, việc ngăn cản những người bất đồng chính kiến tại hải ngoại không được về Việt Nam ngay cả khi mục đích về của họ rất hoà bình và rất riêng tư chứng tỏ nhà cầm quyền Việt Nam đã tự tạo ra con dấu “thị thực yêu nước” một cách vô cùng phi lý. Điều này, họ không được phép; và trước sau, họ cũng phải trả lại cho tất cả người dân Việt Nam lương thiện quyền được tự do đi lại trên quê hương, quyền được trực tiếp sửa sang, dựng xây quê cha, đất tổ. Khi đó, toà đại sứ Việt Nam tại Berlin mới không còn là một phản thể đối với bức tượng “Molecule Men”kế bên kêu gọi sự đoàn kết nhân loại, giống nòi.

Berlin, 12.2008
Phạm Việt Vinh

(*): Hắn là từ nhân xưng đã được nhà văn Bùi Ngọc Tấn sử dụng thành công trong tiểu thuyết Chuyện kể năm 2000, mô tản thân phận một nhà văn bị chính quyền cộng sản Việt Nam vùi dập. Nhận thấy có điểm tương đồng giữa ý tưởng của tiểu thuyết đã nêu và nội dung bài viết trên, nay mạn phép nhà văn Bùi Ngọc Tấn được dùng từ hắn trong vài dòng trên.

No comments: