Tuesday, December 23, 2008

HỘI ÁI HỮU TÙ NHÂN CHÍNH TRỊ & TÔN GIÁO KỶ NIỆM 2 NĂM

Hội Ái Hữu Tù Nhân Chính Trị & Tôn Giáo Việt Nam Kỷ niệm 2 năm ngày thành lập
Vinh danh Thượng Tọa Thích Thiện Minh
Bài & hình: Vũ Ðình Trọng/Người Việt

Monday, December 22, 2008
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/anmviewer.asp?a=88468&z=1

Giới thiệu tác phẩm “26 Năm Lưu Ðày” của TT Thích Thiện Minh

WESTMINSTER, California (NV).- Chiều ngày Thứ Bảy, 20 Tháng Mười Hai năm 2008 tại Thư Viện Việt Nam, số 10872 Westminster Ave., thành phố Westminster, California, Hội Ái Hữu Tù Nhân Chính Trị & Tôn Giáo Việt Nam (TNCT&TGVN) đã long trọng tổ chức lễ Kỷ Niệm 2 năm ngày thành lập hội và vinh danh TT Thích Thiện Minh, người tù lương tâm với hai bản án tù chung thân, vừa được Mạng Lưới Nhân Quyền Việt Nam trao giải Nhân Quyền Việt Nam năm 2008.

Cũng trong buổi lễ, nhà văn Ðỗ Tiến Ðức đã giới thiệu tác phẩm “26 Năm Lưu Ðày” của TT Thích Thiện Minh. Ðây là một cuốn hồi ký của một người tù dưới chế độ Cộng Sản, viết về những chuyện xảy ra cho mình, mà theo nhà văn Ðỗ Tiến Ðức, đây là những điều mà “con người không thể tưởng tượng được trênt rái đất vào thời điểm này lại có những xã hội hung bạo, gian ác, khát máu, tồi tệ, dã man hơn cả thời tiền sử.”

Tham dự buổi lễ, chúng tôi nhận thấy có đại diện Câu Lạc Bộ Hùng Sử Việt, đại diện Mạng Lưới Nhân Quyền Việt Nam, giáo sư Lê Tinh Thông, cùng một số nhân sĩ cộng đồng và đồng hương. Ngoài ra, Ban Tù Ca Xuân Ðiềm cũng mang đến cho buổi lễ một không khí rực lửa với những bài hát đấu tranh. Ông Phan Tấn Lạc, điều hợp chương trình.

Sau nghi lễ khai mạc và chào mừng quan khách, ông Phạm Trần Anh, thay mặt Hội Ðồng Ðiều Hành Hải Ngoại Hội Ái Hữu TNCT&TGVN, tường trình hai năm hoạt động của hội. Ông nói:
“Hai năm trước đây, Hội Ái Hữu TNCT&TGVN bất chấp những khó khăn sách nhiễu, đe dọa của chính quyền CSVN, đã công khai hoạt động ở trong nước. Sự ra đời của hội cùng với cơ quan tự do ngôn luận và hàng loạt tổ chức khác đã được toàn thể đồng bào hải ngoại cũng như công luận toàn thế giới ủng hộ nhiệt tình.”

Ðược biết, mục đích của Hội Ái Hữu TNCT&TGVN là giúp đỡ, tương trợ những cựu tù nhân gặp hoàn cảnh khốn khó, đau ốm bệnh tật, hậu quả của thời gian bị giam cầm trong nhà tù CSVN, đồng thời tiếp tục đấu tranh giành quyền sống, quyền tự do dân chủ, thúc đẩy tiến trình Dân Chủ hóa Việt Nam một cách ôn hòa, bất bạo động.

Trong nước, Hội Ái Hữu TNCT&TGVN đã tập hợp được rất nhiều các nhà lãnh đạo tinh thần tôn giáo như LM Nguyễn Văn Lý, LM Phan Văn Lợi, mục sư Trần Mai, mục sư Nguyễn Hồng Quang, cư sĩ Trần Hữu Duyên, cư sĩ Lê Quang Liêm PGHH, giáo sư Nguyễn Mạnh Bảo Cao Ðài, cùng nhiều chiến sĩ đấu tranh dân chủ như Bác Sĩ Nguyễn Ðan Quế, kỹ sư Trương Minh Nguyệt, nhân sĩ Hoàng Minh Chính, Hà Sĩ Phu, Tiến Sĩ Nguyễn Thanh Giang, Bác Sĩ Phạm Hồng Sơn, nhà văn Trần Khải Thanh Thủy, nhà báo Nguyễn Vũ Bình, Nguyễn Khắc Toàn... Ðặc biệt, nhà văn, kịch tác gia Valac Havel, nguyên tổng thống Tiệp Khắc đã nhận lời mời làm cố vấn danh dự cho hội. Ngoài chi hội Ái Hữu TNCT&TGVN tại Hoa Kỳ, một số chi hội khác cũng được thành lập tại Úc Châu, Liên Hội Âu Châu, Pháp, Ðức, Anh, Tiệp Khắc, Vương Quốc Bỉ và chi hội Cambodia-Thái Lan.

Ông Phạm Trần Anh cũng nhắc lại những chặng đường đấu tranh gian khó dưới nhà tù CSVN của những tù nhân chính trị. Ông cho biết:
“Tại các trại tù, chúng tôi tìm gặp nhau để thành lập Hội Bảo Vệ Tù Nhân Chính Trị. Năm 1985 tại trại tù Z30A Xuân Lộc, TT Thích Thiện Minh đã cùng với chúng tôi âm thầm tổ chức Hội. Năm 1995, hội đã cùng với tất cả anh em tù nhân Xuân Lộc đấu tranh chống học tập chính trị và biến buổi học tập chính trị thành diễn đàn công khai trực diện: Ðòi cải thiện chế độ lao tù khắc nghiệt, đòi CSVN phải bỏ điều 4 Hiến Pháp quy định sự độc quyền lãnh đạo của Ðảng CSVN, đòi nhà nước CHXHCNVN phải dân chủ hóa đất nước, tôn trọng các quyền tự do căn bản của người dân, phải trả lại tài sản của các tôn giáo... Anh em tù nhân chính trị trại tù Xuân Phước cũng đã tiến hành cuộc tổng nổi dậy chống lại chế độ lao tù khắc nghiệt và đòi tự do dân chủ cho Việt Nam.”

Từ trong nước, kết hợp với các chi hội tại hải ngoại, ngày 11 Tháng Năm, 2007, Hội Ái Hữu TNCT&TGVN đã công bố Tuyên Ngôn Nhân Quyền cho Việt Nam tại Thượng Viện Hoa Kỳ nhân ngày Nhân Quyền Việt Nam. Hội cũng đã ra tuyên cáo Hoàng Sa, Trường Sa, công bố bản án tội ác của chế độ CSVN. Ðặc biệt, ngày 16 Tháng Giêng năm 2007, trong cuộc họp báo quốc tế về Tình Trạng Nhân Quyền tại Việt Nam, Hội Ái Hữu TNCT&TGVN công bố danh sách 103 tù nhân chính trị Việt Nam bị CSVN xử tử hình, trong đó có LM Nguyễn Ngọc Hiệu và Nguyễn Công Nghi, và một phụ nữ đang mang thai 3 tháng.

Ông Phạm Trần Anh xúc động nói:
“Hôm nay, chúng ta ngồi đây để vinh danh những chiến sĩ dân chủ kiên cường bất khuất, đã thay mặt toàn dân Việt Nam, anh dũng đứng lên đấu tranh trực diện với bạo quyền cộng sản, chấp nhận mọi gian nguy kể cả mạng sống của chính họ, trong đó có TT Thích Thiện Minh, LM Nguyễn Văn Lý, Phan Văn Lợi, Câhn Tín của tờ Bán Nguyệt San Tự Do Ngôn Luận vừa được vinh danh qua Giải Nhân Quyền Việt Nam năm 2008.”
“Việc làm đầy ý nghĩa của Mạng Lưới Nhân Quyền Việt Nam thể hiện tấm lòng yêu nước thương nòi, trân trọng quý mến các chiến sĩ dân chủ nơi quê nàh của tất cả đồng bào chúng ta.”

Nói về nhiệm vụ của đồng bào hải ngoại, ông Phạm Trần Anh cho rằng, “chúng ta không chỉ yểm trợ trong nước mà chúng ta phải đoàn kết, gạt bỏ mọi tỵ hiềm đố kỵ và chia rẽ phân hóa để thống nhất sức mạnh của hơn 3 triệu chiến sĩ dân chủ ở hậu phương lớn hải ngoại, cùng nắm chặt tay hàng hàng lớp lớp chiến sĩ dân chủ trong nước, cùng đồng bào dân oan cả nước đứng lên làm lịch sử.”

Ðại diện Mạng Lưới Nhân Quyền Việt Nam có mặt tại buổi lễ, Luật Sư Ðoàn Thanh Liêm đã chia sẻ suy nghĩ và đóng góp một số ý kiến về việc phát triển Hội Ái Hữu TNCT&TGVN trong tương lai. Ông nói:
“Cái đặc sắc của Hội Ái Hữu này là ở chỗ nó quy tụ được nhiều thành phần tù nhân chính trị cũng như tôn giáo ỏ cả ba miền đất nước. Mặc dầu sinh sau đẻ muộn, nếu đem so sánh với rất nhiều hội, Tổng Hội Cựu Tù Nhân Chính Trị ở khắp nơi tại hải ngoại, nhưng hội ái hữu này lại hoạt động nhiều tại quốc nội, nhiều hơn là tại hải ngoại. Ðó là điểm hay, vì nó tránh được 'sự trùng dụng' đối với số đông các hội đã ra đời trước đây nhiều năm ở hải ngoại.”

Luật Sư Ðoàn Thanh Liêm cho rằng vấn đề thiết yếu là làm sao kết hợp nhuần nhuyễn giữa sinh hoạt của các cựu tù nhân chính trị và tôn giáo ở trong nước với ở ngoài nước. Các đơn vị nên cùng nhau thỏa thuận với nhau về một vài chương trình hành động chung, lấy “đơn vị cơ sở” là các cựu tù nhân từng trại tù để sinh hoạt được thuận thảo, nhịp nhàng ăn ý với nhau. Ông cho biết thêm:
“Cần phát huy thêm cho uy tín của hội xuyên qua việc cựu Tổng Thống Vaclac Havel của Tiệp khắc đã nhận làm cố vấn danh dự cho hội. Thì cần tìm cách trực tiếp liên hệ với tổng thống để ngài có hành động cụ thể, thiết thực cho sinh hoạt riêng biệt của hội. Việc này sẽ giúp ích rất lớn lao cho phong trào tranh đấu của dân tộc chúng ta, vì hội nhập được với phong trào Tự do, Dân chủ và Nhân quyền của toàn thế giới tiến bộ ngày nay”.

Phần thứ hai của buổi lễ, giới thiệu cuốn hồi ký của TT Thích Thiện Minh “26 Năm Lưu Ðày”, cũng được mọi người quan tâm qua sự trình bày của nhà văn Ðỗ Tiến Ðức. Ông cho rằng, nếu những người Việt Nam viết hồi ký, thì chúng ta sẽ có hàng trăm ngàn cuốn sách kể về những cảnh đọa đày của dân tộc từ nhà tù nhỏ cho đến nhà tù lớn XHCN.
Qua những gì TT Thích Thiện Minh viết trong cuốn hồi ký, cùng với những việc ông đã trải qua trong nhà tù CSVN, nhà văn Ðỗ Tiến Ðức đã phác họa những nét sống động nhưng đầy cay đắng của những người tù, mà ông cho rằng “dân tộc Việt Nam bị kéo xuống hàng súc vật”.

Câu chuyện về cái chết vì đói, khát trong tù của LM Nguyễn Huy Chương là một trong muôn ngàn chuyện có thật. Tác giả viết:
“Hôm nào có người trong phòng được gọi lên làm việc, khi đi ngang chỗ lò rèn, ghé tạt ngồi xuống thật nhanh, uống thật nhiều nước ngâm sắt lò rèn, để về phòng tiểu lại cho bạn tù uống.”
Dù đã ở tù cộng sản nhiều năm, nhưng theo nhà văn Ðỗ Tiến Ðức, ông “chưa thấy những cảnh khủng khiếp người tù này đái cho người tù kia uống!”

Ðọc cuốn hồi ký của TT Thích Thiện Minh, mới thấy, người đối với người còn thua xa súc vật đối với nhau.
Tác giả viết rằng một lần ông bị bệnh nặng, phải chống hai cây nạng mới lết đi từng bước. Tên cai tù thấy ông đi quá chậm, nóng phùng mang trợn mắt chửi bới, rồi đạp ông té bổ nhào, nằm gục bên đường. Thấy thế, tên cai tù đi chặt tàu lá dừa, đặt ông nằm lên, lấy dây cột lại rồi kéo lê khiến ông trầy trụa xây xát rướm máu. Ðã thế, nó vừa kéo ông đi, vừa chửi bới tục tĩu.

Những chuyện không thể tưởng tượng đã xảy ra giữa người và người. Ðối với nhà văn Ðỗ Tiến Ðức, chuyện người tù bị đem đi chôn sống mà ông đã gặp, chắc chắn sẽ ám ảnh ông suốt cuộc đời.
Cái hạnh phúc duy nhất mà những người tù được hưởng, có lẽ là tình bạn của những người cùng chí hướng. Hình như, sống giữa đám bùn lầy ngập ngụa, không một cành cây bám víu, thì tình bạn đó đã trở thành một cứu cánh để người tù sống kiên cường hơn, đấu tranh quyết liệt hơn. Có một thứ tình bạn như thế, như một đóa hoa tỏa hương thơm ngát, đánh bạt mùi tanh hôi bùn lầy. Tình bạn giữa TT Thích Thiện Minh và LM Nguyễn Luân, hay tình anh em kết nghĩa với ông Phạm Trần Anh là một thứ tình bạn, tình huynh đệ cao quý. TT Thích Thiện Minh viết:
“Anh Phạm Trần Anh đối với tôi có 4 điểm: Anh vừa là người anh em kết nghĩa, vừa là người bạn đồng tù, vừa là một phật tử rất kính trọng thầy tu, lại vừa là mạnh thường quân, hộ giúp tôi rất nhiều trong những năm tháng lưu đầy nghiệt ngã.”

Ðịnh mệnh đã gắn chặt hai người trong dòng xoáy lịch sử dù họ có hai số phận khác nhau, hai con đường đấu tranh khác nhau. Trong nhà tù CSVN, tấm lòng chân thật của họ với bạn tù, tinh thần dấn thân, tranh đấu bất khuất với kẻ thù đã khiến hai người trở thành anh em. Một tình huynh đệ cao đẹp của những chiến sĩ kiên cường.

Kết thúc phần giới thiệu cuốn hồi ký “26 Năm Lưu Ðày”, nhà văn Ðỗ Tiến Ðức đã thay mặt những người tham dự gởi đến TT Thích Thiện Minh “lời cảm phục tấm lòng yêu nước và khí phách của thầy, đã để lại cho nhân loại bản cáo trạng máu và nước mắt về chế độ cộng sản ở Việt Nam.”
Và đây cũng là tâm tình của đồng bào hải ngoại gởi đến một người hết lòng vì tương lai của đất nước, dân tộc Việt Nam.

Hình 1:
Ông Phạm Trần Anh, thay mặt Hội Ðồng Ðiều Hành Hải Ngoại Hội Ái Hữu Tù Nhân Chính Trị & Tôn Giáo Việt Nam, tường trình hai năm hoạt động của hội, trong buổi Lễ Kỷ Niệm 2 năm ngày thành lập Hội Ái Hữu Tù Nhân Chính Trị & Tôn Giáo Việt Nam, tại Thư Viện Việt Nam, thành phố Westminster, ngày Thứ Bảy, 20 Tháng Mười Hai, 2008.
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/articlefiles/88468-medium_NVHN-081222-TBCT-TGVN-01.JPG

Hình 2: Toàn cảnh buổi lễ Kỷ Niệm 2 năm ngày thành lập Hội Ái Hữu Tù Nhân Chính Trị & Tôn Giáo Việt Nam và vinh danh Thượng Tọa Thích Thiện Minh nhân dịp ông được Mạng Lưới Nhân Quyền Việt Nam trao giải Nhân Quyền Việt Nam 2008.
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/articlefiles/88468-medium_NVHN-081222-TBCT-TGVN-02.JPG

Hình 3: Nhà văn Ðỗ Tiến Ðức giới thiệu tác phẩm “26 Năm Lưu Ðày” của Thượng Tọa Thích Thiện Minh trong buổi buổi lễ Kỷ Niệm 2 năm ngày thành lập Hội Ái Hữu Tù Nhân Chính Trị & Tôn Giáo Việt Nam.
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/articlefiles/88468-medium_NVHN-081222-TBCT-TGVN-03.JPG

Hình 4: Luật Sư Ðoàn Thanh Liêm tại buổi lễ Kỷ Niệm 2 năm ngày thành lập Hội Ái Hữu Tù Nhân Chính Trị & Tôn Giáo Việt Nam.
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/articlefiles/88468-medium_NVHN-081222-TBCT-TGVN-04.JPG


No comments: