Monday, December 29, 2008

TỰ DO hay BÁCH HẠI ?

Tự do hay bách hại?
Hoàng Cúc
29-12-2008
http://www.dcvonline.net/php/modules.php?name=News&file=article&sid=5856
Thông tin về việc khắp giáo phận Hà Nội không rầm rộ mừng lễ Giáng Sinh như mọi năm đã gây ra những phản ứng và lời đồn thổi khác nhau. Kẻ thì cho rằng Tổng Giám mục làm thế là phải, vừa có thêm chút gì giúp đỡ những người khốn khổ, vừa là cách để tang Đức Mẹ ở Toà Khâm Sứ cũ, hiện vẫn còn chưa biết còn đang bị giam giữ hay phiêu bạt phương nào. Người khác lại cho rằng làm thế là ích kỉ, là giận mất khôn, không quan tâm tới “nhu cầu tâm linh của một bộ phận đồng bào theo đạo”. Kẻ đa sự như tôi thiết tưởng cũng nên đưa ra vài ý kiến quê mùa với các bậc thức giả.

Chuyện ngược đời

Trong khi tại Hà Nội, cụ Tổng Giám mục dường như chủ động tổ chức lễ Giáng Sinh cách âm thầm đơn giản, khiến cho không ít kẻ hậm hực vì mất đi cơ hội ngàn vàng rêu rao với toàn thế giới rằng ở cái nước Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam này đồng bào được sống trong bầu khí rất chi là “tự do tín ngưỡng” nhé. Kẻ nào thối mồm thối miệng nói nọ nói kia thì hãy giương mắt lên mà nhìn những cuộc rước linh đình, hàng ngũ cơ man nào là giáo dân, tu sĩ, chủng sinh và linh mục cứ gọi là dài dằng dặc nhé. Ở cái thế giới được gọi là tự do của các chú có nằm mơ cũng không thấy được điều đó nhé. Chẳng hiểu sao cụ Tổng Giám mục lại không chịu rộng rãi bố thí cho mấy kẻ kia chút sĩ diện hão. Cụ làm thế thì đám kia còn biết “ăn làm sao nói làm sao bây giờ”.

Cũng ở nước Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam, cách Hà Nội chừng 300 cây số, tại Sơn La, đồng bào Công giáo muốn họp nhau tổ chức lễ Giáng Sinh, thì nào là chủ tịch phường, nào là “quần chúng tự phát” tìm đủ sách ngăn chặn. Trước năm 2005, Giám mục Vũ Huy Chương đã làm hết đơn này đến đơn khác xin với chính quyền các tỉnh Sơn La, Điện Biên, Lai Châu tới thăm dân Công giáo ở những tỉnh này, vì đó là địa bàn thuộc trách nhiệm của cụ. Bao lá đơn gửi đi chẳng có hồi âm, hoạ chăng có được hồi âm, thì nội dung của những hồi âm này thật khiến người ta không thể hiểu nổi chúng do con người hay quỉ dữ chấp bút:
Chúng tôi không có thời gian tiếp cụ hay tỉnh chúng tôi không có nhu cầu về tôn giáo!

Giám mục Vũ Huy Chương từng trực tiếp gọi điện thoại cho Thủ tướng chính phủ và tuyên bố rằng:
Tại Sơn La, Điện Biên và Lai Châu không hề có tự do tôn giáo. Tôi muốn được chính phủ trả lời minh bạch về việc này.

Đáp lại lời nói thẳng thắn này vẫn là những câu đãi bôi đại loại:
Xin cụ bình tĩnh. Chính phủ luôn chủ trương tôn trọng tự do tín ngưỡng, chỉ vì các đồng chí tại địa phương chưa nắm được chủ trương này nên mới gây ra những chuyện hiểu lầm đáng tiếc!

Ai đó lạc quan sẽ nghĩ ngay rằng nếu quả đúng như vậy, chắc chỉ vài tuần hoặc chậm lắm là vài tháng tình hình sẽ thay đổi. Mà quả vậy, tình hình thay đổi thật, nghĩa là những nhóm theo đạo sẽ bị quản lí và giám sát chặt chẽ hơn nhiều.

Cũng chẳng hiểu sao chính quyền Việt Nam hiện tại lại lo lắng về vấn đề có thêm nhiều người theo đạo hơn cả vấn đề biên giới và hải đảo đang bị “đồng chí tốt bạn bè tốt” dùng chính sách láng giềng hữu nghị và hợp tác toàn diện đớp dần từng mảng!Chuyện gần chuyện xa

Nhớ lại chỉ mới hồi những năm 80 của thế kỉ trước thôi, cứ nhằm các dịp lễ trọng bên Công giáo là thế nào nhà trường cũng tổ chức nào là tiêm phòng, nào là phát sách giáo khoa, nào là phát vở học tập ... cứ làm như họ cũng đang hồ hởi phấn khởi mừng lễ với dân Công giáo. Nhưng làm thế nào có khác gì kiểu dằn mặt đám học sinh Công giáo rằng cuộc đời chúng mày không có nhiều lựa chọn đâu, nếu đi lễ, chúng mày sẽ bị nguy cơ nhiễm bệnh, sẽ không có sách giáo khoa, sẽ không có vở viết bài ... Đó là kiểu tự do tín ngưỡng “theo định hướng xã hội chủ nghĩa”. Những tưởng làm thế chừng vài thế hệ sẽ không còn mống nào theo đạo, nào ngờ đám dân Công giáo thật cố chấp, dù khó khăn trăm bề, số người chối bỏ niềm tin dường như không nhiều lắm!

Ngày nay ở các tỉnh miền xuôi, tình hình kể đã khá hơn xưa phần nào, nên không còn chuyện giáo dân tập hát lễ cũng bị công an xã, huyện, rồi tỉnh hành hạ gọi lên gọi xuống, có khi giam cho khi xong lễ mới cho về. Nhưng ở các tỉnh miền núi xa xôi, đồng bào Công giáo đang sống trong cảnh bị trấn áp hành hạ. Có những nhóm người ở tận Lai Châu, Điện Biên, làm ăn dành dụm quanh năm để dành chút tiền chung nhau thuê xe về xuôi dự lễ, nửa đường bị những kẻ xưng danh công an và chính quyền chặn đường đuổi ngược trở lại.

Mới hồi cuối những năm 90 của thế kỉ 20, chẳng hiểu ma đưa lối quỉ dẫn đường thế nào, từng nhóm từng nhóm người H’mông tại các tỉnh tây bắc cứ thi nhau theo đạo Công giáo và Tin lành. Khổ nỗi, đám người này khi đã theo đạo thì lời nói của cán bộ nhà nước cứ bị họ vặn cho hết đường chống đỡ. Đã vậy, việc bảo họ bỏ đạo thật chẳng khác gì chuyện mò kim đáy bể. Vậy nên không thuyết phục được thì đàn áp, mà bài này dường như chính quyền thạo lắm. Nào là nếu theo đạo thì không được phát hạt giống ngô lúa để trồng trọt. Chú mày gọi là hết đường làm ăn nhé. Ngày tư ngày tết, có những kẻ ép từng gia đình phải dán bùa ở nhà. Dịp bầu cử lại đám người này đi ép kí cam kết không theo đạo mới được đi bầu. Thậm chí, kì quái hơn, họ còn nghĩ ra bài đánh thẳng vào túi tiền của đám dân đã nghèo ở mức không thể nghèo hơn: chú nào theo đạo cứ nộp cho anh 50 ngàn đồng tiền mặt. Còn chú nào cứ cố tình theo đạo, lại còn máu mê đi dạy giáo lí giáo liếc thì chỉ cần một gói thuốc phiện ném vào nhà chú mày thì chú mày cứ gọi là tù mọt gông. Có những gia đình không thể chịu nổi cảnh đàn áp dã man đã bỏ bản làng đùm bế nhau chạy vào Thanh Hoá và các tỉnh trung phần.

Tất cả những điều đó, khi được các vị hữu trách trong giáo hội Công giáo trình bày bằng văn bản hoặc trao đổi trực tiếp với ông chủ tịch ban tôn giáo chính phủ và các cấp lãnh đạo, câu trả lời thuộc lòng vẫn là: xin quí vị thông cảm, vì các cấp địa phương chưa quán triệt đường lối chính sách của đảng và nhà nước. Rồi những vấn đề, những câu hỏi được nêu ra sẽ giống hệt những viên sỏi ném vào khoảng không vô tận!

Chuyện đạo hay chuyện đời?

Những kẻ tỏ ra khó chịu với một lễ Giáng Sinh âm thầm tại Hà Nội hoặc là đám chính quyền cảm thấy chuyện này như một cái tát vả thẳng vào mặt họ, hoặc là đám dân thích chơi bời nhảy múa, thích tỏ ra ta đây cũng là người văn minh lắm, cũng mừng lễ Giáng Sinh như ai, giống như ở bất cứ đất nước văn minh tiến bộ nào khác. Mất cơ hội mỗi năm chỉ có một lần thì đương nhiên phải kêu ca rồi và Tổng Giám mục Hà Nội ngày càng tỏ ra thực sự là một cái gai cứ muốn chọc thẳng vào mắt đám người này.

Việt Nam và các nước trong vùng (Chỉ số cao: tự do thấp
Nguồn: crf.hudson.org/© The Economist Newspaper Limited, London (July 11, 2007)
http://www.dcvonline.net/php/images/122008/tudotongiao.jpg

Đối với dân Công giáo, tôi tin rằng những người phàn nàn nếu có cũng chỉ là thiểu số. Đối với họ, chuyện căn bản nhất là đi dự lễ mừng Chúa Giáng Sinh. Việc này quả thực rất đơn giản với những ai thực tâm muốn làm. Các nhà thờ trong thành phố Hà Nội cũ như Phùng Khoang, Thái Hà, Hàng Bột, Kẻ Sét, Cổ Nhuế, Thượng Thuỵ, Bưởi, Cửa Bắc, Hàm Long, Nhà Thờ Lớn đều có chương trình lễ cụ thể. Ai không thể đi lễ tối ngày 24, thì ngày 25 họ vẫn còn hẳn một ngày để làm việc này. Lễ đêm Giáng Sinh được tổ chức trong những cộng đoàn nhỏ luôn rất ấm cúng và mang đậm bầu khí tôn giáo.

Nghĩ lại cũng thật lạ, đến tận bây giờ, những ngày cuối cùng của năm 2008, chính quyền Việt Nam hiện nay vẫn chưa chịu công nhận ngày 25 tháng 12 là ngày lễ nghỉ. Tất cả học sinh sinh viên, công nhân viên chức vẫn đi học đi làm như mọi ngày. Thậm chí, qua thư gửi giới học sinh của Giám mục Kontum Hoàng Đức Oanh, dường như các nhà trường ở cao nguyên trung phần còn tổ chức kì thi học kì đúng vào ngày 25 tháng 12. Nếu vậy, những kẻ thắc mắc về chuyện Tổng Giám mục Hà Nội tổ chức lễ Giáng Sinh âm thầm đáng lẽ phải nêu thắc mắc với chính quyền nước Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam mới phải chứ. Tại sao các người lại vừa thích tổ chức lễ Giáng Sinh cho thật long trọng để mát mặt các người, để các người có được vẻ mặt con người như ai, trong khi vẫn cố tình coi ngày này như mọi ngày bình thường trong năm? Nếu quả thật các người thích dự lễ thì 365 ngày, ở bất cứ nơi nào có linh mục Công giáo, ngày nào cũng có thánh lễ. Còn nếu các người thích ăn chơi đàn đúm, thì nhà thờ cũng như lễ Giáng Sinh thực sự không dành cho mục đích đó.

Lời đáp cho câu hỏi nêu ra ở tiêu đề bài viết, người viết xin nhường lại cho quí vị độc giả.

---------------------------------
Bài do tác giả gởi. DCVOnline biên tập và minh hoạ

No comments: