Tuesday, December 23, 2008

VỀ CUỘC HỘI THẢO VIỆT NAM HỌC TẠI HÀ NỘI

Hội thảo Việt Nam Học tại Hà Nội
Vũ Khánh Thành
Đăng ngày 23-12-2008
http://danchimviet.com/articles/701/1/Hi-tho-Vit-Nam-Hc-ti-Ha-Ni/TrangPage1.html
Qua mạng của đài BBC London, tôi đã theo dõi phần nào tuần lễ Hội Thảo về Việt Nam Học tại Hà Nội từ ngày 5 đến 7 tháng 12 vừa qua.
Tôi thật thất vọng vì hội nghị xem ra rất đồ sộ với rất nhiều nhà trí thức, nhiều nhà nghiên cứu trong và ngoài nước tham gia với số lượng các bài tham luận mà chỉ tóm lược thôi đã hơn 700 trang. Đọc một số bài tường thuật trên mạng BBC tôi chỉ thấy những vấn đề được đặt ra cho Việt Nam hôm nay chỉ là những vấn đề ngoài da thuộc xã hội, chính trị, kinh tế …. mà chưa đi vào cốt lõi của vấn đề Việt Nam hôm nay là vấn đề văn hóa, tức là tìm một lối thoát cho dân tộc đã bị tàn phá tận cùng của các thế lực phong kiến phương bắc suốt một ngàn năm nô lệ giặc Tàu, tới 100 năm nô lệ giặc Tây rồi 30 năm nội chiến quốc cộng và nhất là 30 năm giải phóng tức là mất trọn vẹn bản sắc, cá tính dân tộc. Xã hội Việt Nam hôm nay là một xã hội tha hoá đến tận cùng từ đạo trị nước, đến đạo làm người.

Một hội nghị Việt nam học phải đi vào mấy điểm then chốt sau đây:

1. Dân tộc Việt là ai ? Cái hồn của dân tộc đó là gì ?

Đây là thời điểm thuận lợi nhất để khẳng định không hồ nghi rằng dân tộc Bách Việt từ khởi thủy đã chiếm lĩnh và khai phá lục địa Trung Hoa ngày nay, khai sáng nền văn minh nông nghiệp đầu tiên của nhân loại. Từ văn minh nông nghiệp, biết nhìn trời đất trăng sao để làm nên kinh dịch nguyên thủy, có ngôn ngữ và chữ viết riêng (chữ con quăng rồi chữ tượng hình), sống hợp quần trong làng xã, có lễ nghĩa làm nền tảng cho kinh thi, kinh lễ, kinh nhạc. Hết thời kỳ du mục, người Mông Cổ từ phương bắc, nhờ có sức mạnh và lãnh đạo giỏi, đã vuợt Hoàng hà chiếm đất của Bách Việt. Sự hoà huyết giữa người Mông Cổ và người Bách Việt thành người Hoa Hạ, là tổ tiên của người Hán ngày nay. Họ bắt đầu làm nên đô thị, trọng thương nghiệp, coi người Bách Việt là dân nhà quê, man di. Họ hoàn bị chữ tượng hình thành chữ Hán ngày nay, viết lại sách vở xuyên tạc Việt Nho thành Hán Nho, đốt sách chôn Nho để làm mất tích nền văn hoá Bách Việt nhân bản để phục vụ chế độ quân chủ chuyên chế.

Khoảng 30% người Bách Việt không chịu sự đồng hoá của Mông Cổ đã lui dần trở lại phía nam sông Dương Tử tới miền bắc Việt nam hiện nay làm nên nước Văn Lang với văn hoá Hoà Bình rực rỡ. Sau đó với 1000 năm đô hộ, người Hán đã làm cho Việt Tộc không còn nhận ra mình nữa, mất cả tổ quốc lẫn tổ người. Tới nay mọi người đều nhận định một cách hồn nhiên rằng Việt Nam không có dân tộc tính mà tất cả đều bắt chước Trung Hoa vĩ đại !

Việt Nam Học, nếu có, phải đào về tận nguồn để tìm một CHỦ ĐẠO để làm nền tảng cho việc cứu nước và dựng nước. Chúng ta không thể tìm ở đâu khác như ở Tây, Mỹ hay ở Tàu mà phải tìm về chính bản thể của văn hoá Việt. Mới rồi đây ông Lê Hồng Hà đã gióng lên một tiếng trống đi tìm một chủ đạo cho Việt Nam thay thế cho đạo Mác, Lê Nin hay đạo Tây Mỹ vô hướng vô hồn hiện nay, tất cả đều không được. Vậy hồn của dân tộc nằm ở đâu ? Xin thưa ở mấy điểm chính sau đây:

1a. Nhân chủ, Thái Hòa, Tâm Linh: Con người là nơi hội tụ của trời cùng đất, là điểm giữa của 2 thái cực. Đạo chính là hợp được cả trong và ngoài, cả có và không. Nói giản tiện là khi có sự giằng co thí dụ giữa vợ với chồng thì là tìm ra được điểm quân bình không được vợ, mất chồng, giữ được gia đình hạnh phúc. Đó chính là đạo. Khi có tranh chấp giữa gia đình và xã hội, tìm ra được một đường lối đẹp cả 2, đó là đạo, là HOÀ, lấy chính tâm thành ý của mình là thước đo cho mọi hành động.

1b. Chính danh, trí nhân dũng, tam cương, ngũ thường: Những giá trị này là bất biến, thời nào và nơi nào cũng phải theo để có được trật tự xã hội. Đạo Việt không dạy con người làm thánh, lên trời mà làm người, ở đây và bây giờ, sống ở trần gian này. Phật hay Chúa ở ngay chính tận đáy lòng của con người.

2. Việt Nam Học phải thiết lập được một nền giáo dục quân bình

Quân bình giữa thành công và thành nhân: Nói theo lối xưa là “Tiên học lễ, hậu học Văn”. Nói cụ thể ra là nền giáo dục Việt nam bây giờ và mai sau là bậc tiểu học phải cho các em học tiếng Việt, tiếng Trung và tiếng Anh là chính. Ngoài tiếng Việt để giữ tiếng mẹ đẻ cần học tiếng Trung để tiếp xúc với nửa phần nhân loại. Mặt khác học sách cổ để trở về nền văn hoá sâu rộng của Lạc Việt, biết cội nguồn sâu thẳm của văn minh Đông Phương, đạo học Việt Nho. Học tiếng Anh để liên hệ với thế giới khoa học văn minh hiện đại. Cần cho các em tiểu học học ngay vào các kinh điển Tứ Thư Ngũ Kinh, dù các em chưa hiểu ở tuổi nhỏ này, nhưng chôn vào đầu óc các em những nguyên tắc dẫn đạo cuộc sống. Bậc tiểu học giải quyết xong sinh ngữ, tử ngữ để lên Trung học dồn vào khoa học kỹ thuật và đến Đại Học đi vào chuyên ngành, đào tạo ra các con người có khả năng kỹ thuật cao trong một tấm lòng nhân ái phục vụ xã hội hết lòng.

3. Việt Nam Học phải đặt trên một nền chính trị chân chính, nhân bản, tôn trọng nhân quyền

Vấn đề này đã bàn rất nhiều về những giá trị của nền chính trị hiện nay, đặt trên một xã hội nhân trị, pháp quyền. Một chính thể do dân bầu ra trong một cuộc bầu cử tự do và trong sạch. Hiến pháp có 3 quyền biệt lập: Hành pháp, Lập pháp và Tư pháp v.v…

4. Một nền kinh tế bình sản

Bình sản là không cộng sản cũng không tư bản, kinh tế chủ nô như lịch sử cận đại đã chứng minh. Cộng sản đã chết và tư bản cũng đang khủng hoảng trầm trọng. Bình sản đựa trên khuyến khích cá nhân phát triển, làm giầu. Những ai may mắn hơn, thành công hơn, phải chia sẻ cho người kém may mắn, kém hoàn cảnh, thiếu phương tiện. Phương thức thực hiện là thuế lũy tiến. Làm được nhiều, thu được nhiều, lương cao, thì đóng thuế nhiều hơn. Lấy thí dụ bên nuớc Anh hiện nay, lương một người dưới £40,000 một năm đóng 22% thuế (Income Tax) 10% bảo hiểm xã hội (social security). Chủ còn đóng thêm 11% nữa thuế (Employer contribution). Nếu là cơ sở kinh doanh, phải đóng mỗi quí 3 tháng 15% thuế trị giá gia tăng (VAT). Cuối năm tổng kết thu nhập còn đóng thêm 17% Corporation Tax. Tiền lời của công ty cho chủ gọi là Share Capital Dividens khi lấy tiền ra tiêu phải đóng 26% thuế nữa. Nhờ những khoản thuế lũy tiến này chính phủ thu được một số tiền kếch sù để làm những công trình công ích cho xã hội như xây trường học, bệnh viện v.v… (tiền của tax payers). Nền học vấn tiểu học, trung học, đại học đều miễn phí. Riêng mỗi cá nhân khi thất nghiệp hay khi ốm đau bệnh nạn không có thu nhập được xã hội cho lãnh tiền xã hội đủ sống, tiền nhà, tiền bệnh viện, tiền bác sĩ v.v… không phải đóng. Thu nhập cao hơn nữa đóng 40% - 60% thuế theo căn bản nêu trên. Các nước Bắc Âu ngày nay là những nước tiêu biểu của nền kinh tế bình sản.

5. Phát triển nông thôn cũng như thành thị

Xin mời tham quan Anh Quốc và các nước Bắc Âu để thấy rõ điều này.

Việt Nam chúng ta bao giờ mới xây dựng được một xã hội Dân Chủ, Tự Do, Bình Sản như vậy. Việt Nam Học phải hướng vào việc xây dựng một xã hội hiện đại như thế giới đang đi tới.

Nói tóm lại, Hội Nghị về Việt Nam Học kỳ 3 dù rất vĩ đại ở mặt tổ chức, hữu ích về nhiều phương diện nhất là cho những học giả nước ngoài nhưng đó mới chỉ là điều kiện cần nhưng chưa đủ. Rất tiếc, nó đã ở dưới tầm của thực tế cuộc sống. Không thể gọi là Việt Nam Học đích thực khi người ta chưa giải quyết được 2 vấn đề cội nguồn người Việt là gì? Văn hóa Việt như thế nào? Trước đây, ở Hội Nghị Việt Nam Học lần 2 chưa trả lời được thì nay, với thành tựu của công nghệ sinh học, nhiều công trình nghiên cứu về cội nguồn và văn hóa Việt đã được công bố ở trong và ngoài nước của các học giả và đại học quốc tế thì không thể bỏ qua. Một Hội Nghị Việt Học mà không đề cập những vấn đề cốt tử rất mới đó, chứng tỏ nó không bắt kịp những khám phá mới của thời đại. Mặt khác vấn đề giáo dục của Việt Nam hiện nay đã xuống tận cùng của sự phá sản, thì hội thảo về Việt Nam Học của các bậc trí thức được coi là thượng thặng của đất nước mà bỏ qua, không đưa ra mổ xẻ thì phải chịu trách nhiệm to lớn đối với dân tộc.

© 2008
www.danchimviet.com


No comments: