Monday, December 22, 2008

THỰC TRẠNG NGƯỜI LAO ĐỘNG XUẤT KHẨU

Bài 4:
"Chị Dậu" và bản án... 5.000USD
14:15' 16/12/2008 (GMT+7)
http://vietnamnet.vn/xahoi/2008/12/818848/
Chị Thoa rơm rớm nước mắt khi vẫn không thể tin rằng thay vì được xuất khẩu lao động và có việc làm ổn định tại Ảrập Xê út, kiếm được tiền thì chị lại phải chịu những ngày bị bỏ đói tại nhà chủ, bị trả về nước. Thậm chí, khi về được đến nhà thì chị bị ngay một món tiền phạt 5.000USD giáng xuống đầu, số tiền mà cả gia đình chị có lẽ mơ cũng không bao giờ nghĩ tới.

"Bản án” 5.000USD!

Về tới nhà sau nhiều ngày bị đầy đoạ khổ sai, chưa kịp hoàn hồn, chị Lý Thị Thoa (trú tại thôn Pác Pậu, xã Bình Trung, huyện Chợ Đồn, Bắc Kạn) và gia đình đã choáng váng khi nhận được công văn số 171/TB- MOPHA ngày 22/04/2008 của Công ty Mopha thông báo việc chị Thoa quay về nước là vi phạm hợp đồng và phải chịu phạt số tiền 5.000USD!

Nội dung Công văn này của Công ty Mopha ghi rõ: Căn cứ vào thông tin đối tác gửi về thì chị Thoa đã vi phạm nghiêm trọng điều 7 của hợp đồng đã ký, phía công ty và chủ sử dụng đã nhiều lần nhắc nhở và thuyết phục chị Thoa song không hiệu quả... Trong trường hợp chị Thoa cố tình đòi về nước thì thân nhân gia đình chị phải đến công ty nộp toàn bộ chi phí về nước và các chi phí liên quan với số tiền 1.500USD tương đương 24 triệu đồng. Đồng thời chị Thoa bị phạt toàn bộ chi phí đã tham gia chương trình xuất cảnh, phạt vi phạm hợp đồng với số tiền 5.000USD tương đương 80 triệu đồng.
Chị Thoa rơm rớm trình bày: Đến giờ chị vẫn không hiểu tại sao như vậy, trong khi đi học tiếng là tiếng Anh, sang xứ người họ đâu có dùng tiếng Anh. Không biết tiếng, không có tiền, bị đối xử ngược đãi nhưng tại sao bị trả về mà không thông báo đến giờ chị vẫn chưa giải thích được trong khi món nợ 80 triệu đồng lơ lửng trên đầu.

Lá đơn kêu cứu của chồng chị Thoa gửi lên Phòng LĐTB-XH huyện Chợ Đồn (Bắc Kạn) và quyết định nộp phạt 5.000 USD của Công ty Mopha gửi cho chị Thoa. (Ảnh: Linh Sơn).
http://images.vietnamnet.vn/dataimages/200812/original/images1670969_don.jpg

Anh Quý, chồng chị Thoa cũng bức xúc: Ngày 17/04/2008, anh có nhận được thông báo từ UBND xã và anh có trao đổi với một người tên Duyên (làm việc cho Công ty Mopha), chị Duyên động viên anh khuyên bảo vợ ở lại làm việc và hứa sẽ thông tin với nhà môi giới để can thiệp. Từ đó tới ngày 30/04, anh không có thêm bất cứ thông tin nào và thực sự ngạc nhiên khi thấy vợ mình về nhà. Cùng đi với vợ anh còn có chị Quyên, quê Bình Thuận cũng đã thuật lại những ngày tủi cực tại xứ người. Anh Quý cũng ghi trong đơn gửi Phòng Lao động Thương binh và Xã hội huyện rằng: Vợ anh bị chủ lao động trả lại nhà môi giới chứ đâu phải tự ý phá hợp đồng mà phải đền bù thiệt hại?

Điều đáng nói là chị Thoa khẳng định với chúng tôi trong tay chị hiện không có bất cứ một bản hợp đồng nào đã ký, toàn bộ giấy tờ Công ty Mopha giữ, chị chỉ có những bản thông báo việc phạt mình vi phạm hợp đồng. Công ty Mopha cũng chỉ ghi rất chung chung rằng chị đã vi phạm nghiêm trọng điều 7 hợp đồng, còn chị đến giờ vẫn chưa nhớ được rằng điều 7 có nội dung ra sao.

Cảnh 200 người LĐXK sống khổ cực trong khu nhà trọ ổ chuột tại Maldives
Hình ảnh do người lao động cung cấp
http://vietnamnet.vn/xahoi/2008/12/818848/

Trao đổi với chúng tôi, ông Nông Văn Hậu, cán bộ Phòng Lao động Thương binh và Xã hội huyện cho biết: Phòng đã có công văn gửi tới Công ty Mopha đề nghị giải thích rõ vụ việc này, tuy nhiên ý kiến trả lời của công ty vẫn là chị Thoa đã vi phạm hợp đồng và phải chịu phạt.
Trong công văn phúc đáp, công ty nêu rằng: Chị Thoa không chịu làm việc, cố tình không thích ứng hoàn cảnh và công việc của một lao động giúp việc gia đình, cố tình phản ánh sai sự thật về tình hình công việc bản thân, luôn có ý định trở về Việt Nam. Điều lạ là trong công văn phúc đáp này công ty lại ghi chị Thoa vi phạm điều 8 hợp đồng đã ký trong khi ở công văn số 171/TB- MOPHA lại ghi là điều 7?!
Món nợ mà chị Thoa phải gánh thật quá khổng lồ cứ như một bản án lơ lửng trên đầu. Hơn thế nữa, đọc những dòng nhật ký của 6 chị em khác thật không khỏi băn khoăn về thực tế những gì chị em đã phải chịu bên xứ người và việc xuất khẩu lao động của Công ty Mopha. Mong mỏi của chị lúc này là có một lời giải thích xác đáng từ phía công ty.

Công ty tuyển dụng LĐXK nói: Không!

VietNamNet đã có cuộc trao đổi với bà Nguyễn Thị Tích, trưởng phòng pháp chế Công ty Cổ phần Tiến Bộ Quốc tế (AIC) - Công ty liên kết với Công ty Mopha trong việc đưa người đi XKLĐ về trường hợp của những lao động trở về nước trước thời hạn.

Theo bà Nguyễn Thị Tích, Trưởng phòng pháp chế Công ty AIC,
trường hợp của các chị Lý Thị Thoa (thôn Pác Pậu, xã Bình Trung, huyện Chợ Đồn (Bắc Kạn); Nguyễn Thị Quyên, xóm 3, thôn 4, Bắc Ruộng, Tánh Linh, Bình Thuận; Nguyễn Thị Thắm, Thôn 5, Vĩnh Sơn, Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc; Diệp Thị Năm, ấp Nhội, Thiện Kế, Sơn Dương, Tuyên Quang là những trường hợp vi phạm hợp đồng lao động với công ty (do không chịu lao động nên bị chủ nhà trả về phía người môi giới, và phải trở về Việt Nam trước thời hạn).

"Những trường hợp như thế, người lao động sẽ phải chịu trách nhiệm thanh toán chi phí về nước và bồi hoàn cho công ty theo mức phạt đã ghi trong hợp đồng lao động" - bà Tích nói.

Tuy nhiên, tất cả những thông tin mà AIC tiếp nhận được lại chỉ căn cứ trên lá thư tay của nhà môi giới bên Ả rập gửi về qua đường thư điện tử. Ông Bati, người Ả rập và là đối tác với công ty AIC, có trách nhiệm nhận các lao động đã được tuyển dụng từ Việt Nam sang, bố trí lao động tới làm công việc trong các gia đình bản xứ…

Trong thư điện tử, ông Bati cho rằng, các LĐXK đã "lười biếng không chịu làm việc nên bị trả lại cho người môi giới". Tuy nhiên, AIC cũng không có cơ hội xác minh những thông tin từ phía đối tác Ả rập, bởi tại thị trường Ả rập, AIC chỉ có một đại diện duy nhất và những hạn chế về địa lý đã không cho phép AIC kiểm chứng lại thông tin!

Về mức phạt 5.000USD đối với các LĐ vi phạm hợp đồng, theo bà Tích, đó là quy định chung của AIC được áp dụng chung cho tất cả các LĐXKNN, không phân biệt nội dung LĐ. Bà Tích cũng không đưa ra lời giải thích, rằng mức phạt ấy được xây dựng trên những tiêu chí gì, bởi trên thực tế, tuỳ theo nội dung công việc và các thị trường LĐ, mức phí ban đầu mỗi LĐ phải đóng cho công ty là khác nhau.

Lẽ ra, mức phạt đối với những HĐLĐ phải được xây dựng dựa trên những đối tượng và thị trường cụ thể. Bởi, mức phí để sang LĐ tại Ả rập của các chị Thoa, chị Quyên… là hơn 10 triệu đồng; mức lương theo tháng của các chị khoảng 200USD, tương đương với hơn 3 triệu VN đồng thì mức phạt 5.000USD là quá lớn. Những người đi XKLĐ làm giúp việc gia đình, là những người có hoàn cảnh khó khăn, chắc chắn không có khả năng bồi hoàn với mức phạt cao như thế!

Một điều khá “mập mờ”, đó là những người đi LĐXK hoàn thành thủ tục, hợp đồng, đóng tiền phí… cho Công ty Mopha, nhưng quyết định thanh lý hợp đồng và nộp phạt đối với các trường hợp vi phạm HĐLĐ (bị về nước trước thời hạn) lại do Công ty AIC gửi đến. Bà Tích giải thích, đó là do AIC và Mopha có sự liên kết chặt chẽ trong lĩnh vực tuyển dụng LĐXK. Mopha lo tuyển dụng còn AIC lo xuất khẩu lao động.

Mặc dù sự liên kết của 2 công ty này có được nhắc đến trong HĐLĐ với các LĐXK, tuy nhiên, rõ ràng việc một bên đứng ra làm thủ tục xuất nhập cảnh, bên khác lại đứng ra ký quyết định xử phạt lao động…, người lao động hoàn toàn bất ngờ và không thể biết!

Địa phương thì bất lực!?

Trở lại với trường hợp của chị Nguyễn Thị Hằng tại xã Tiến Dũng (Yên Dũng - Bắc Giang), chị cùng nhiều gia đình có người thân đi XKLĐ tại Ảrập đang phải đối mặt với khoản nợ ngân hàng sắp đến kỳ hạn thanh toán. Bản thân chị Hằng may mắn được về nước nhưng hiện tại, sức khoẻ của chị bị ảnh hưởng nặng nề vì những ngày tháng lao động vất vả, bị chủ nhà bỏ đói, đánh đập…, không đủ khả năng lao động như trước.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Dũng, Phó Phòng Lao động Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) huyện Yên Dũng, đây là huyện có số lượng các công ty về tuyển dụng LĐXK lớn nhất so với các huyện trong cả nước với 22 công ty. Các thị trường LĐXK của Yên Dũng tập trung ở các nước Đài Loan, Nga, CH Síp và các nước Trung Đông với công việc lao động chân tay là chủ yếu. Thời điểm hiện tại, trước trào lưu xuất ngoại lao động, số lượng cò lao động xuất khẩu ở Yên Dũng cũng xuất hiện rất nhiều, và Phòng LĐTBXH huyện cũng không kiểm soát được.

"Sự việc của chị Nguyễn Thị Hằng cùng nhiều chị em khác đi XKLĐ tại Ả rập Xê út, Phòng LĐTBXH và UBND xã cũng… chưa được biết" - ông Dũng nói.

Được hỏi về trách nhiệm của địa phương về "số phận" của những LĐ địa phương bị trả về nước, ông Dũng trả lời: “Theo chức năng và thẩm quyền, Phòng LĐTBXH cũng chỉ làm một công việc duy nhất là kiểm tra tính pháp lý của các công ty tuyển dụng LĐXK về địa phương tuyển dụng lao động, vì cơ quan cấp phép là cơ quan chủ quản của Phòng LĐTBXH.

Chúng tôi chỉ được phép làm công văn yêu cầu những công ty tuyển dụng xem xét lại trách nhiệm của họ khi Phòng nhận được những kiến nghị, ý kiến của người lao động, nghĩa là nếu có đơn kiện của người lao động gửi lên Phòng LĐTBXH thì Phòng mới có ý kiến với các công ty. Điều đó đồng nghĩa với việc, Phòng LĐTBXH không bảo vệ được quyền lợi cho người lao động, nhất là LĐXH Việt Nam tại nước ngoài!”.

Trao đổi với VietNamNet, ông Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch UBND xã Tiến Dũng cũng cho rằng: Tiến Dũng là một trong những xã có số lượng lao động đi XKLĐ nước ngoài nhiều nhất huyện với 420 lao động. Nhưng theo thẩm quyền, chính quyền địa phương chỉ được phép kiểm tra tư cách pháp nhân của các công ty về địa phương tuyển dụng. Nếu họ không đủ tư cách pháp lý thì xã mới có thẩm quyền không cho phép họ về địa phương làm môi giới. Còn lại, các vấn đề khác nằm trong hợp đồng giữa người lao động và công ty, xã không được phép… can thiệp!?

Vậy là, đến thời điểm này, quyền lợi của các LĐXK vừa trở về từ Ả rập như chị Thoa, chị Hằng, chị Quyên… vẫn chưa biết trông cậy vào "cửa" nào.
Kiên Trung - Linh Sơn

TIN LIÊN QUAN
Bài 3: Nhật ký 17 ngày không… “làm người”
Bài 2: Đi tìm những công ty "vẽ mộng"
Bài 1: Bốc sỏi, vật vờ, lao động khổ sai trên đất khách

No comments: