Điểm sách
: LE MAGE DU KREMLIN
Jean-Jacques ROTH
Nguyễn Ngọc Giao dịch
27/06/2022
15:07
https://www.diendan.org/sang-tac/diem-sach-le-mage-du-kremlin
Putin : một chân dung nghẹt
thở và những trò ma giáo
Jean-Jacques
Roth
Hình : https://www.diendan.org/sang-tac/diem-sach-le-mage-du-kremlin/biaGdE.jpg
Tiểu thuyết
của Giuliano da Empoli :
Le Mage du Kremlin (Gallimard 2022, 280 trang)
Cuộc đụng
chạm nảy lửa giữa một cuốn sách và thời sự nóng hổi : Giuliano da Empoli, tác
giả Ý – Thụy Sĩ đã viết Le Mage du Kremlin (Cẩm Linh
Pháp Sư) trước khi Nga tấn công Ukraine. Nhà văn không ngờ cuốn
tiểu thuyết của mình, một bức tranh sáng ngời về nước Nga và “ Sa hoàng ”
hiện đại, lại ra mắt độc giả chính giữa cuộc chiến tranh, cuốn sách đã soi rọi
nhiều bí ẩn.
Bạn đừng
ngần ngại gì nữa : nếu muốn đọc một cuốn sách để hiểu Putin, hiểu những động
cơ thầm kín của Putin và của giới cầm quyền Nga, thì bạn nên ngốn ngấu đọc ngay Le
Mage du Kremlin. Hãy đọc ngấu nghiến vì cuốn tiểu thuyết mô tả quá
trình hai mươi năm đăng quang của “ Sa hoàng ”, với những tiết tấu giật gân,
nhưng đầy ắp tư liệu thông tin chính trị. Chân dung một nhân vật đầy bí ẩn, biểu
trưng tâm lý một dân tộc, đồng thời là một chẩn đoán lâm sàng về những cơ cấu tạo
thành một quyền lực độc đoán, với tất cả những chiêu trò cần thiết.
Cẩm Linh Pháp Sư được viết dưới dạng
những lời tự bạch của nhân vật cố vấn nấp bóng Putin, kể lại cuộc đời chìm nổi
của mình trong ba mươi năm qua. Nhân vật mang tên Vladimir Baranov. Nhưng nó gần như là bản sao của một con người có
thật : Vladislav Sourkov, được
coi là nhà tư tưởng chủ yếu của điện Kremlin những năm 2000. Sourkov là người
đã triển khai hai định hướng cơ bản của « học thuyết Putin » :
« quyền lực dọc » và « dân chủ chủ quyền ».
Giống như nhân vật Sourkov, Baranov là một bộ óc sắc sảo, xuất thân từ giới quảng
cáo, sân khấu kịch tiền phong, rồi từ những đài TV nằm trong tay những tài phiệt
làm mưa làm gió ở Nga những năm rệu rã 1990. Baranov thực hiện những chương
trình tivi-hiện thực thô tục nhất. Được tôi luyện trong cái lò xy-nic của tài
phiệt Berezovsky, được tay này giới thiệu cho Putin khi Putin bắt đầu con đường
thăng tiến. Từ đó, Baranov làm đạo diễn cho quá trình quyền lực của “Sa hoàng”,
cho đến ngày bị sa thải – giống như nguyên mẫu Sourkov hình như đang bị Putin
quản thúc tại gia.
Được phát hành mấy tuần lễ sau khi xe tăng Nga xâm nhập Ukraine, Le
Mage du Kremlin đã gây chấn động. Bởi vì cuốn truyện (viết xong
vào mùa hè năm ngoái) đã soi sáng như một lời tiên tri cuộc chiến tranh của
Putin và bài bản tuyên truyền của điện Kremlin : nó vạch rõ nguồn gốc
chính trị và lịch sử và những dạng thức tinh vi nhằm « tổ chức sự hỗn loạn ».
Tưởng như Giuliano da Empoli đã gắn được camera trên trần của điện Kremlin.
Thật ra, cuộc đời của Giuliano da Empoli (GdE) chẳng dính dấp gì mấy tới nước
Nga. Cha người Ý, mẹ Thụy Sĩ (vùng nói tiếng Đức), ngay từ nhỏ (ở tuổi 12), đã
nếm mùi bạo lực chính trị khi cha anh là đối tượng một vụ mưu sát của nhóm cực
tả Ý. Ông thoát chết, cận vệ của ông bắn chết được hung thủ. Từ ấy, cả gia đình
sống dưới sự hộ vệ của cảnh sát, và GdE hiểu rõ sự gắn kết giữa quyền lực và bạo
lực.
GdE học luật ở Roma, khoa học chính trị ở Paris, thành thạo cả hai ngôn ngữ
(anh viết Le Mage du Kremlin bằng tiếng Pháp), công bố nhiều tiểu luận về đề
tài chính quyền, và từng làm cố vấn cho nhiều chính khách, trong đó có thủ tướng
Matteo Renzi. Bước sang tuổi ngũ tuần, anh hiện đang chủ trì một think tank ở
Ý, giảng dạỵ ở học viện chính trị Sciences Po Paris. Anh thật bất ngờ khi cuốn
tiểu thuyết (đầu tay) đã gây tiếng vang như vậy. Gặp tôi ở ngoài vườn nhà xuất
bản Gallimard, anh nói : « Tôi không thể tưởng tượng rằng cuốn
sách đã trở thành trung tâm điểm thời sự “tuyệt đối” của cả một phần thế giới ».
Le
Temps : Làm thế nào anh đã để ý tới Vladislav Sourkov, khuôn mẫu của
nhân vật «Cẩm Linh Pháp Sư» ?
Giuliano
da Empoli : Cuốn
sách trước đó của tôi, Les Ingénieurs du chaos (Những kỹ
sư chế tạo hỗn loạn, Fayard, 2019), là một chuỗi chân dung những
« spin-doctors » của chủ nghĩa dân túy toàn cầu hóa. Tôi đã tính đưa
Vladislav Sourkov vào đó, nhưng nhân vật này quá thú vị, nên rốt cuộc tôi đã để
dành viết một cuốn sách riêng. Và tôi đã chọn hình thức tiểu thuyết để độc giả
đi vào trung tâm của trải nghiệm quyền lực. Vì thế, tôi không tìm cách gặp
Sourkov. Và nhân vật Baranov của tôi cũng khác Sourkov trên nhiều điểm.
Vậy
mà người đọc có cảm tưởng đi sâu vào thâm cung Kremlin, tiếp cận Putin và những
người thân cận trong bóng tối. Phần tư liệu trong «Le Mage du Kremlin», anh đã
làm thế nào ?
Tôi sang
Nga nhiều lần, nhưng không hề đặt chân vào Kremlin. Tôi dựa vào cả một hệ thống
tư liệu phong phú và phỏng vấn những người đã tiếp cận Putin và Sourkov. Bản
thân tôi cũng có kinh nghiệm về giới quyền lực. Một số tình huống trong truyện,
tôi đã nghiệm sinh, thí dụ như phiên họp Đại hội đồng LHQ. Tôi cho rằng vận
hành quyền lực thì ở đâu, thời nào cũng giống nhau. Khác nhau là ở thể cách và
những giới hạn mà mỗi xã hội đặt ra cho quyền lực. Điều này, các bạn ở Thụy Sĩ
biết rất rõ.
Anh
mô tả Moscow như một trung tâm siêu quyền lực.
Đặt chân tới
Moscow là anh cảm nhận ngay tới một thứ quyền lực đè nặng lên người. Một thứ
quyền lực tồn tại từ nhiều thế kỷ, nó quy định mọi thứ. Nó mạnh hơn cả quyền lực
ở Bắc Kinh, mặc dầu ở Bắc Kinh, nó có cấu trúc và toàn diện hơn quyền lực ở
Nga. Ý đồ của tôi chính là như vầy : viết tiểu thuyết về một nơi chốn siêu
quyền lực.
Sourkov
(hay Baranov) là một thứ thiên tài về những trò ma giáo, vừa nắm rõ những bài bản
về nghệ thuật tuyên truyền của thế kỷ XX vừa thành thạo các kỹ thuật truyền
thông đương đại.
Đây đúng
là một mô hình tiên tiến. Trong thập niên 1990, đã diễn ra sự kết hợp giữa một
bên là truyền thống tuyên truyền ma mị của Nga (từ thời Liên Xô, thậm chí từ thời
Sa hoàng), một bên là những công nghệ truyền thông chính trị Tây phương tân tiến
nhất. Đó là cuộc bầu cử tổng thống năm 1996. Họ đưa ra một tay nghiện rượu quẫn
trí là Boris Eltsin – mà các cuộc thăm dò dư luận xếp lè tè ở mức 4% – và thắng
cử nhờ bàn tay của 7 tên đại bợm. Mỗi tay bỏ ra 200 triệu đô la : không kể
nước Mỹ, đây là cuộc tranh cử tốn kém nhất trong lịch sử chính trị thế giới. Họ
dựa vào những chuyên gia Mỹ và vào những người mà ở Nga gọi là công nghệ gia
chính trị, một ngành nghề ra đời vào thời kỳ đó. Và Sourkov là một điển hình
thú vị nhất.
Sourkov
đã mang lại điều gì đặc biệt ?
Anh ta xuất
hiện vào đúng lúc khái niệm sự thật tan vỡ, đẻ ra cái gọi là « những sự thật
thay thế ». Và người ta chứng kiến sự thành hình một hệ thống những
« câu chuyện » so với những lời dối trá to đùng của Nhà nước thời
xô-viết thì tinh vi hơn nhiều.Thời ấy, để cho người ta tin rằng bệnh AIDS
(SIDA) là do Mỹ tạo ra virut, KGB đã tạo ra một bộ máy khổng lồ : sản xuất
một cuốn phim tài liệu khoa học, kể chuyện một phái bộ khảo cổ học phát hiện dưới
đáy hồ Tiệp Khắc những bằng chứng âm mưu của kẻ địch. Còn năm 2014, khi chiếc
máy bay của hãng Malaysia Airlines bị bắn rơi trên vùng trời Ukraine, thì đầu
tiên người Nga tung ra một câu chuyện thứ nhất (là người Ukraine bắn rơi), sau
đó lại đưa một câu chuyện thứ nhì (là do Mỹ), rồi tiếp theo….
Câu chuyện
không cần phải đáng tin, cũng chẳng cần khéo léo. Miễn sao được lan tỏa nhanh
chóng như một thứ virut, miễn sao phải “viral” (có thể dịch là vi
lan chăng ? ND), bởi vì ở thời buổi này, cái gì “viral”
là có thực. Tung ra càng nhiều chuyện, không phải là để người ta tin, mà ngược
lại, để làm người ta lạc hướng, không còn muốn tin bất cứ điều gì nữa. Đó là
phương pháp tuyên truyền mới, phù hợp với thời đại của các mạng xã hội. Trong
thời đại chúng ta, người Nga đi đầu trong việc thích ứng chiến thuật này một
cách có hệ thống và không mảy may mặc cảm.
Không
mặc cảm ?
Đúng như vậy.
Đây là một chiều kích tối quan trọng. Mục tiêu không còn là lèo lái, dẫn dụ,
không còn là ném đá giấu tay, mà ngược lại phải làm thế nào để bị bắt quả tang.
Vì sao ? Bởi vì, nói như hồng y giáo chủ de Retz, « cái gì làm cho
người ta tin ở sức mạnh càng làm cho nó mạnh thêm ». Tất cả vấn đề là làm
cho chính kẻ địch xây đắp lên huyền thoại về sức mạnh của ta. Để cho địch vạch
trần âm mưu của ta chính là giai đoạn tột cùng của âm mưu. Nếu người ta nghĩ rằng
Donald Trump thắng cử là do Nga, càng hay chứ sao !
Anh
còn nói tới kỹ thuật « bẻ dây thép » trong chiến lược nhằm làm cho
các xã hội phương tây mất ổn định.
Vâng, để bẻ
gãy một sợi dây thép, phải bẻ nó theo một chiều, rồi bẻ theo chiều ngược lại. Tức
là phải ủng hộ những nhóm xã hội đối nghịch nhau. Một nhân vật trong truyện cắt
nghĩa như sau : « Chớ tìm cách cải đạo ai nữa, mà phải khám phá ra
họ tin vào điều gì, và tìm cách làm cho họ tin hơn nữa. Một bên là những người
bảo vệ súc vật, một bên là bọn đi săn bắn. Một bên là Black Panthers, một bên
là bọn ưu đẳng da trắng. Một bên là nhóm đồng tính đấu tranh, một bên là bọn tân
nazi ». Thực chất vấn đề là sử dụng những mối cuồng nộ đối kháng nhau
để kích động, khuếch đại lên. Để làm được việc này, chỉ cần dùng những thuật
toán mà chính Mỹ, chứ không phải Nga, đã tạo ra.
Trong
một hệ thống như vậy, sự thật, chân lý đã hoàn toàn biến mất. Nhân vật Baranov
của anh đã nói một câu thật kinh khủng : « Một quyền lực có khả năng
sáng tạo vô hạn miễn là nó biết tôn trọng những quy luật trong sự xây dựng câu
chuyện. Giới hạn không nằm trong việc tôn trọng sự thật, mà bằng việc tôn trọng
hư cấu »…
Nhân vật
đó của tôi làm chính trị theo những quan niệm xuất phát từ diễn xuất nghệ thuật.
Mà người Nga lại rất giỏi chuyện này. Họ không chỉ đạo tất tật mọi chuyện. Họ
chỉ tạo điều kiện để mọi sự diễn ra, bằng cách khai thác một cách phi thường những
nhược điểm của đối phương. Vì vậy mà rất khó phân biệt đâu là chính chúng ta tạo
ra bởi những thuyết âm mưu, đâu là do họ tác động. Tôi thiên về cái ý
này : tác động của họ không quan trọng bằng những nhược điểm mà họ dựa vào
đó để tiến hành cuộc chơi.
Thế
là các « fake news » toàn thắng…
Theo tôi,
vai trò của các tin phịa, fake news không quan trọng
bằng sự chọn lựa thông tin theo một định hướng. Chẳng cần phải tạo ra tin phịa
làm gì : thế nào đi nữa, nhất định sẽ xảy ra câu chuyện một người bị nhiễm
khuẩn covid xoa tay vào một hòn đá thiêng và khỏi bệnh. Giữa hai sự việc :
anh ta sờ hòn đá và anh ta khỏi bệnh, không có quan hệ nhân quả gì hết. Nhưng
xem nặng một sự việc không có một chút sức nặng, như thế lại hiệu lực hơn fake
news rất nhiều. Mà ngày nay, những loại sự việc ấy lại đầy rẫy trên mạng
internet. Người Mỹ có câu cách ngôn nổi tiếng : mỗi người đều có quyền có
ý kiến riêng của mình, nhưng không thể có « sự thực » riêng được.
Trong xã hội media đương đại, câu cách ngôn ấy không còn ý nghĩa gì nữa. Ai
cũng cho rằng mình có quyền chẳng những có ý kiến riêng, mà còn có cả « sự
thực » riêng của mình nữa.
Cuốn
sách của anh cho người đọc cảm nhận được nỗi uất hận phát sinh từ việc phương
Tây đã « hạ nhục » nước Nga sau khi Liên Xô sụp đổ. Riêng anh có
thông cảm với tâm trạng đó không ?
Cuộc chiến
tranh đã làm thay đổi tất cả, và tôi xin khẳng định rằng đây là một cuộc chiến
tranh phi nghĩa. Nhưng giải thích không có nghĩa là biện minh. Giữa hai từ ngữ ấy,
có một khác biệt rất lớn. Cuốn sách cuả tôi tìm cách giải thích. Triết gia người
Đức Carl Schmitt từng nói : khuyết điểm của kẻ thẳng cuộc là không hề tò
mò tìm hiểu tâm tư của kẻ thua cuộc. Điều này đã xảy ra giữa người phương Tây
và người Nga. Người phương Tây thì cho rằng mình đã chiến thắng trong cuộc Chiến
tranh lạnh, còn người Nga lại cho rằng chính mình đã phá sập bức tường và tự giải
phóng mình khỏi chế độ cộng sản.
Cuộc
xâm lược Ukraine có làm anh bị bất ngờ không ? Đọc cuốn sách, người ta có
cảm tưởng chiến tranh tất yếu sẽ xảy ra.
Ngày 24
tháng hai, tôi bị bất ngờ, cũng như mọi người. Nhưng tôi cho rằng những nhân tố
đang triển khai tới cực điểm thực ra đã tồn tại ngay từ đầu. Yếu tố nền tảng
cho quyền lực của Putin đã nằm trong cuộc họp báo của Putin năm 1999, khi một số
chung cư ở Moscow bị đánh bom phá sập. Hôm ấy, Putin nói ông ta sẽ truy tầm
quân khủng bố « đến tận chuồng xí ». Đột nhiên, một viên chức khắc khổ
đã hóa thân thành tử thần. Bạo lực trần trụi đã trở thành bệ phóng cho Putin.
Không ngạc nhiên, nếu ngày nay chúng ta đối diện với bạo lực trần trụi.
Anh
có nghĩ như một số người là không nên hạ nhục Putin ?
Tôi không
có cảm tình với lập luận này. Nhà sử học lớn người Mỹ, Timothy Snyder, đã nói sự
khác biệt giữa Putin và Zelensky, là : ở Nga, Putin có thể tạo ra hiện thực,
nghĩa là Putin bao giờ cũng có cách không bị mất mặt, bất luận kết cục ra sao,
vẫn có thể nói là mình toàn thắng. Tôi nghĩ quyền lợi của chúng ta là phải đối
đầu cương quyết, vì Putin chỉ hiểu được ngôn ngữ của sức mạnh. Vẫn biết rằng, sớm
muộn cũng sẽ phải tương tác, với chính Putin hay với người của ông ta, bởi vì
thời điểm thương lượng rồi cũng phải tới mà thôi.
Bản dịch của Nguyễn Ngọc Giao
NGUỒN :
Jean-Jacques Roth, Le suffocant portrait de Poutine et de ses manipulations (nhật
báo Thụy Sĩ Le Temps, 25.6.2022)
No comments:
Post a Comment