Chiến
lược mới của NATO và mối lo của Trung Quốc
30 tháng 6, 2022
https://saigonnhonews.com/thoi-su/the-gioi/chien-luoc-moi-cua-nato-va-moi-lo-cua-trung-quoc/
NATO thông qua một tầm nhìn mới cho mười
năm tới, coi Trung Quốc là một thách thức chiến lược
https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2022/06/GettyImages-1405825928.jpg
Tổng thư ký NATO
Jens Stoltenberg họp báo về hội nghị thượng đỉnh NATO hôm 29 tháng Sáu 2022,
công bố chiến lược mới của Liên minh, lần đầu tiên xác định Trung Quốc là một
thách thức chiến lược. Ảnh Denis Doyle/Getty Images
Hội nghị thượng đỉnh Liên minh Bắc Đại Tây Dương
(NATO) đang diễn ra tại Madrid, thủ đô Tây Ban Nha đã công bố những bước đột
phá: Mở rộng từ 30 lên 32 nước thành viên bằng cách mời Phần Lan và Thụy Điển
gia nhập – hai quốc gia có truyền thống trung lập và không liên kết; thông qua
một tầm nhìn chiến lược mới cho thập niên sắp tới, trong đó xác định Nga là đối
thủ chính còn Trung Quốc là một thách thức chiến lược; quyết định gia tăng lực
lượng quân sự thường trực ở sườn phía Đông, sẵn sàng đối phó với một cuộc tấn
công quân sự từ Nga.
NATO thay đổi đường
lối
Chiến lược mới là sự thay đổi căn bản của NATO
từ thời Chiến tranh Lạnh. Là một liên minh phòng thủ đa phương thành lập năm
1949 để đối phó với nguy cơ an ninh từ Liên Xô và các nước cộng sản Đông Âu,
sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, NATO đã thay đổi rất nhiều: Giảm ngân sách đầu
tư cho quân đội, kết nạp các nước thành viên của hiệp ước Warsaw (liên minh
quân sự của các nước cộng sản cũ) nhưng vai trò ngày càng mờ nhạt. Thay vì đối
phó với các mối đe dọa an ninh, NATO chủ trương coi Nga là đồng minh tiềm năng
và hoàn toàn không để ý tới Trung Quốc. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron từng
nói NATO là một tổ chức đã “chết não”; cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump nhiều lần
dọa rút Hoa Kỳ khỏi NATO vì cho rằng liên minh này đã “lỗi thời”.
Cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine hôm 24 Tháng
Hai 2022 và liên minh mới giữa hai cường quốc theo thể chế chuyên chế và bành
trướng Nga – Trung Quốc đã làm thay đổi hoàn toàn các tính toán địa chính trị
khu vực và NATO như sống lại và mạnh mẽ hơn rất nhiều. Cuộc phiêu lưu quân sự của
ông Vladimir Putin và ông Tập Cận Bình đã có tác dụng ngược.
“Quan
hệ đối tác chiến lược ngày càng sâu sắc giữa Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa và
Liên bang Nga, những nỗ lực hỗ trợ lẫn nhau của họ nhằm đảo lộn trật tự quốc tế
dựa trên luật lệ đang đi ngược lại các giá trị và lợi ích của chúng tôi”, các nhà lãnh đạo NATO cho biết trong một tuyên bố sứ mệnh mới được
đưa ra trong hội nghị thượng đỉnh tại Madrid. “Các hoạt động hỗn hợp
và mạng độc hại của CHND Trung Hoa cũng như những luận điệu và thông tin mang
tính đối đầu của Bắc Kinh nhằm vào các đồng minh đang gây tổn hại đến an ninh của
liên minh”, tuyên bố nhấn mạnh.
Ông Putin nói rằng sự kiện NATO mở rộng về
phía Đông, chuẩn bị kết nạp Ukraine làm thành viên là mối đe dọa an ninh quốc
gia của Nga, buộc ông phải thực hiện một “chiến dịch quân sự đặc biệt” lật
đổ chính phủ ở Kyiv. Nhưng nay, với sự gia nhập của Phần Lan và Thụy Điển, đường
biên giới chung giữa Nga và NATO đã kéo dài thêm 1,300 cây số và các lực lượng
quân sự của NATO sắp áp sát nước Nga. Đơn xin gia nhập NATO của Phần Lan và Thụy
Điển còn phải được các nước thành viên hiện thời chấp nhận, nhưng với việc Thổ
Nhĩ Kỳ rút lại lời phản đối và Ban lãnh đạo NATO chính thức mời hai nước Bắc Âu
gia nhập hôm nay, hình ảnh một NATO 32 nước sẽ thành hiện thực sau vài tháng nữa.
Trong phát biểu đưa ra vào chiều Thứ Tư 29
Tháng Sáu, ông Putin cảnh báo Nga sẽ đáp trả nếu liên minh phương Tây mở rộng sự
hiện diện của mình ở các nước này. “Nếu lực lượng quân sự và vũ khí [của
NATO] được triển khai ở đó, chúng tôi sẽ phải đáp trả bằng thực lực và tạo ra
các mối đe dọa tương tự đối với các vùng lãnh thổ mà từ đó các mối đe dọa được
tạo ra chống lại chúng tôi”, ông Putin nói.
Đáp lại, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg,
thông báo sẽ bố trí hàng chục nghìn binh sĩ tại tám quốc gia ở sườn phía Đông của
NATO. Quân số của NATO ở mặt trận phía Đông sẽ tăng từ 40,000 người hiện nay
lên khoảng 300,000 người trong thời gian tới. Về Trung Quốc, ông Stoltenberg nhận
định: “Trung Quốc không phải là đối thủ của chúng ta nhưng chúng ta phải
nhìn rõ những thách thức nghiêm trọng mà nó đặt ra.”
Tổng thống Biden cũng cho biết Hoa Kỳ sẽ thiết
lập một sở chỉ huy quân đội và một trung đoàn hỗ trợ thực địa ở Ba Lan – lực lượng
đầu tiên của Hoa Kỳ thường trú ở sườn phía Đông của NATO. Trong phát biểu của
mình, ông Biden gọi hội nghị thượng đỉnh đang diễn ra tại Madrid là một trong
những cuộc họp mặt quan trọng nhất của NATO và tuyên bố nhóm này cam kết “bảo
vệ từng inch” lãnh thổ của các thành viên.
“NATO châu Á”?
Điểm mới của hội nghị thượng đỉnh NATO năm nay
là có sự tham gia của nguyên thủ quốc gia châu Á: Nhật Bản, Nam Hàn, Úc và Tân
Tây Lan. Sự hiện diện của bốn nhà lãnh đạo Á châu tại Madrid, cùng với sự thay
đổi tầm nhìn chiến lược của NATO chú trọng vào thách thức chiến lược từ Trung
Quốc đã khiến Bắc Kinh nổi giận và phản ứng.
Đại sứ Trung Quốc tại Liên Hiệp Quốc Zhang Jun
(Trương Quân) lên tiếng: “Chúng tôi phản đối một số phần tử đang kêu
gọi sự can dự của NATO vào Châu Á-Thái Bình Dương hoặc lập một phiên bản Châu Á
– Thái Bình Dương của NATO dựa trên liên minh quân sự”. “Không
được tái khởi động kịch bản lạc hậu của thời Chiến tranh Lạnh ở Châu Á-Thái
Bình Dương. Tình trạng hỗn loạn ở các phần khác của thế giới không được phép diễn
ra ở Châu Á-Thái Bình Dương,” ông Trương nói, theo báo The
New York Times.
Cục diện chiến tranh ở Ukraine, trong đó NATO
viện trợ vũ khí tối tân, chiến cụ, thông tin tình báo, huấn luyện binh sĩ cho
cuộc kháng chiến của Ukraine “đến lúc nào nước này còn cần” khiến Trung Quốc
toát mồ hôi lạnh khi nghĩ tới phản ứng quốc tế khi Bắc Kinh thực hiện tham vọng
xâm chiếm Đài Loan hoặc các nước láng giềng ở châu Á. Cho đến nay Trung Quốc vẫn
không lên án cuộc xâm lược của Nga mà đổ lỗi cho NATO mở rộng về hướng Đông đe
dọa an ninh của Nga, đồng thời tố cáo Mỹ đang tìm cách thiết lập một liên
minh “NATO châu Á” tại khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương để
chống lại Trung Quốc như phát biểu dẫn trên của đại sứ Trung Quốc.
Cho đến nay, Hoa Kỳ và các đồng minh đều nói
rõ họ không có ý định thành lập một liên minh quân sự kiểu NATO ở châu Á. Trong
lịch sử, thời Chiến tranh Việt Nam, Hoa Kỳ và một số cường quốc đã thành lập khối
Liên Phòng Đông Nam Á (Southeast Asia Treaty Organization – SEATO) tương tự như
NATO ở khu vực để ngăn cản làn sóng đỏ của Chủ nghĩa cộng sản Liên Xô-Trung Quốc
tràn xuống Đông Nam Á; nhưng tổ chức này gặp nhiều vấn đề và đã tan rã năm
1977, sau khi miền Nam Việt Nam thất thủ mà không xảy ra hiệu ứng domino ở các
nước Đông Nam Á khác.
https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2022/06/GettyImages-1241613950.jpg
Họp báo tại hội nghị
thượng đỉnh NATO ở Madrid, tân Tổng thống Nam Hàn Yoon Suk-yeol , nói ông sẽ hợp
tác chặt chẽ hơn với Mỹ và NATO để “bảo vệ lợi ích của Nam Hàn trước sức ép của
Bắc Kinh trong trường hợp ảnh hưởng của Mỹ ở khu vực Thái Bình Dương suy giảm. Ảnh
Celestino Arce/NurPhoto via Getty Images
Ghét của nào trời
trao của nấy
Hiện ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, Hoa Kỳ
chỉ có hiệp định an ninh song phương lâu đời với một số đồng minh Nhật, Nam
Hàn, Philippines và Úc và một số diễn đàn đối thoại an ninh như nhóm Bộ Tứ
(QUAD), AUKUS (Mỹ, Anh, Úc). Gần đây chính những âm mưu lấn chiếm đất đai và
hành động hung hăng của Trung Quốc đã thúc đẩy các nước láng giềng tăng cường hợp
tác quân sự với Mỹ.
Sự kiện Trung Quốc khơi lên vụ tranh chấp quần
đảo Senkaku – mà Trung Quốc gọi là đảo Điếu Ngư – đã thúc đẩy Chính phủ Nhật
nâng cấp quân đội, tăng chi tiêu quốc phòng vượt quá giới hạn 1% tổng sản phẩm
quốc nội có từ nhiều năm nay và sửa đổi hiến pháp hòa bình để quân đội Nhật có
vai trò tích cực hơn. Tân Tổng thống Nam Hàn Yoon Suk Yeol, một người bảo thủ mới
đắc cử, đã tìm cách gắn kết đất nước của mình chặt chẽ hơn với Mỹ và các đồng
minh của Mỹ ở châu Âu, để “bảo vệ lợi ích của Nam Hàn trước sức ép của
Bắc Kinh trong trường hợp ảnh hưởng của Mỹ ở khu vực Thái Bình Dương suy giảm
trong dài hạn”,
Tại Madrid, Thủ tướng Úc Anthony Albanese, vừa
nhậm chức vào tháng trước, đã cảnh báo mối đe dọa ngày càng tăng của Trung Quốc
ở Ấn Độ-Thái Bình Dương. Ông Albanese nói với các nhà lãnh đạo NATO rằng Trung
Quốc đặt mục tiêu trở thành “quốc gia hùng mạnh nhất thế giới”, việc
tăng cường quan hệ giữa Bắc Kinh và Moscow gây ra nguy cơ cho tất cả các quốc
gia dân chủ. Và ông dẫn chứng chuyện Úc đang bị Trung Quốc “cưỡng bức
kinh tế” do Úc không làm theo những yêu sách của Bắc Kinh để minh họa
cho tham vọng của Trung Quốc ở khu vực.
Ngay một nước nhỏ và xa xôi như Tân Tây Lan
cũng hết sức lo ngại trước sự hiện diện quân sự của Trung Quốc ở Nam Thái Bình
Dương, do việc Bắc Kinh bí mật ký kết hiệp ước an ninh với quần đảo Solomon. Tại
hội nghị Madrid, Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern than phiền với các nhà
lãnh đạo NATO về việc Bắc Kinh ngày càng “thách thức các quy tắc và chuẩn
mực quốc tế”.
Châu Á hiện không có một tổ chức phòng thủ
chung như NATO nhưng nếu Bắc Kinh cứ tiếp tục phô trương sức mạnh cơ bắp, đe nẹt
các nước láng giềng và phá hoại sự ổn định của trật tự quốc tế dựa trên luật lệ
thì biết đâu một ngày không xa nỗi lo sợ của họ sẽ trở thành hiện thực khi các
nước láng giềng hợp tác với nhau thành một khối để tự vệ. “Ghét của nào
trời trao của ấy,” bài học tác dụng ngược của ông Putin với Ukraine và
NATO đáng để ông Tập và bộ sậu của ông nghiền ngẫm.
-----------------
Đọc thêm:
·
NATO:
Tham vọng quân sự của Trung Quốc là “thách thức cần giải quyết”
No comments:
Post a Comment