Tuesday, June 28, 2022

CLARENCE THOMAS : 'KẺ HỦY DIỆT' (Phạm Vũ / Saigon Nhỏ)

 



Clarence Thomas: ‘Kẻ huỷ diệt’

Phạm Vũ
27 tháng 6, 2022

https://saigonnhonews.com/thoi-su/van-de-hom-nay/clarence-thomas-ke-huy-diet/

 

Từ bỏ giấc mơ linh mục

 

Nếu Mục sư Martin Luther King không bị ám sát vào năm 1968, Clarence Thomas, một người Mỹ gốc Phi đã trở thành linh mục rao giảng giáo lý ở một nhà thờ nào đó trên nước Mỹ. Nhưng, Chúa đã gọi Sir Martin Luther King, và ông ta (Thomas) quyết định hoán đổi giấc mơ phụng sự để đi theo con đường chính trị.

 

Clarence Thomas ra đời ngày 23 Tháng Sáu, 1948, ở một ngôi làng nhỏ phía ngoài thành phố Savannah, Georgia. Người cha bỏ đi năm Thomas hai tuổi, để lại người vợ và hai con. Thomas còn một người chị lớn. Cuộc sống gia đình khó khăn và càng khó khăn hơn khi mẹ Thomas sinh thêm đứa con trai sau đó.

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2022/06/GettyImages-50467108-1280x834.jpg

Ngôi nhà nơi Clarence Thomas lớn lên. Ảnh: Thomas S. England/Getty Images

 

Sau một trận hoả hoạn, cả gia đình họ trở thành những người vô gia cư. Người mẹ đưa Thomas đến sống với ông ngoại – người có ảnh hưởng lớn nhất đến cuộc đời của Clarence Thomas, truyền cho anh thanh niên đang lớn ý thức kỷ luật và sức mạnh vượt khó. Năm 16 tuổi, Thomas đấu tranh quyết liệt để được nhận vào trường dòng nội trú, theo đuổi tâm nguyện trở thành linh mục. Cậu là sinh viên da màu đầu tiên của St. John Vianney. Điểm học tập thuộc hàng xuất sắc nhưng đổi lại, Thomas trải qua nhiều áp lực trong suốt thời gian học vì màu da của mình, bị bắt nạt thường xuyên vì nạn phân biệt chủng tộc.

 

Năm 1967, Thomas vào cao đẳng của Chủng viện Conception. Chính trong môi trường giáo dục này, Clarence Thomas đối phó với lập trường thụ động của Giáo hội Công giáo dùng để giải quyết các vấn đề nhân quyền – một khổ nạn của người da đen thời bấy giờ. Cái chết của nhà lãnh đạo đấu tranh bất bạo động, Mục sư Martin Luther King do bị ám sát năm 1968 là tờ giấy thông hành để Thomas quyết định dừng ước mơ trở thành vị chủ chăn, theo đuổi con đường nhân quyền.

 

Clarence Thomas chuyển đến trường College of the Holy Cross và tốt nghiệp bằng cử nhân Văn học Anh năm 1971. Sau đó, vì khao khát vấn đề nhân quyền, Thomas giành được một suất học ở Yale Law School, trở thành một trong những sinh viên đầu tiên nhận quyền lợi từ chương trình tuyển sinh dành cho người da màu tại các trường đại học của người da trắng.

 

Sau khi tốt nghiệp, Thomas làm việc cho văn phòng của Bộ trưởng Tư pháp Missouri. Năm 1977, ông trở thành trợ lý cho Thượng Nghị Sĩ John C. Danforth. Đến 1981, cựu Tổng Thống Reagan bổ nhiệm Thomas làm Trợ lý Bộ trưởng Nhân quyền của Bộ Giáo Dục Hoa Kỳ. Một năm sau, quan lộ của Thomas tiến xa hơn khi được bổ nhiệm làm Chủ tịch Ủy ban Cơ hội Việc làm Bình đẳng (EEOC) trong chính quyền Reagan.

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2022/06/GettyImages-515561910-1280x857.jpg

Clarence Thomas (thứ tư từ phải) trong một buổi phát biểu của Tổng Thống Reagan (thứ hai từ phải).

 

Ít ai biết, tại thời điểm này, cũng như bao công dân bình thường khác, cuộc đời Thomas vẫn còn bị “nợ học” vây bủa. Đừng quên Thomas bước ra từ trường Yale, một trường đại học danh giá và đắt đỏ nhất nhì của Mỹ. Món nợ tiền học của Thomas trở thành nỗi ám ảnh đưa đẩy ông ta đến chứng nghiện rượu. Chỉ cho đến khi không còn đủ tài chính để làm vừa chu cấp rượu cho cơ thể thì Thomas mới quyết định từ bỏ. Như đã nói ở phần trên, Thomas lớn lên trong guồng giáo huấn kỷ cương của ông ngoại. Chiến thắng bản thân, vượt qua bản ngã không phải là điều khó khăn với ông ta.

 

Sau tám năm phục vụ trong EEOC, năm 1990, cựu Tổng Thống Bush một lần nữa rải hoa hồng cho Thomas, bổ nhiệm ông vào Tòa Phúc thẩm Liên bang.

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2022/06/GettyImages-499747823-1280x863.jpg

Chính trị gia, sau này là Thẩm phán TCPV Clarence Thomas trong thời gian làm việc ở ECEC, 1982. Ảnh: Afro American Newspapers/Gado/Getty Images

 

Năm 1991, Clarence Thomas 43 tuổi với kinh nghiệm pháp lý chưa đầy một năm trong lĩnh vực Tư pháp, được cựu Tổng Thống Bush đề cử vào Tối Cao Pháp Viện (TCPV), thay thế cho Thẩm Phán Thurgood Marshall, người Mỹ gốc Phi đầu tiên trở thành Thẩm phán toà Tối Cao, tuyên bố nghỉ hưu sau 34 năm.

 

Đường vào Tối Cao Pháp Viện

 

“Ngày cựu Tổng Thống Bush đề cử Clarence Thomas, là một ngày hè nắng đẹp ở Kennebunkport, thành phố ở tiểu bang Maine thơ mộng. Hôm đó, nước biển xanh trong, lấp lánh. Mọi người dùng bữa trưa với món salad cua và bánh bông lan kiểu Anh” – nữ ký giả Maureen Dowd, người đoạt giải Pulitzer 1999 hạng mục “Bài bình luận xuất sắc” nhớ lại ngày khoảnh khắc bà có mặt ở Kennebunkport để tường trình sự kiện đó. “Và Clarence Thomas đứng trước một ngôi nhà tranh lợp lá của khu du lịch, trông không được thoải mái lắm khi Bush lúc đó đang bảo vệ quyết định đề cử bảo thủ của ông ta.”

 

Thượng Nghị Sĩ Đảng Dân chủ Howard Metzenbaum của Ohio khi đó đe doạ sẽ điều tra những báo cáo của Thomas về việc phá thai. Ông Metzenbaum nói không ủng hộ ứng viên của Reagan – Bush vào TCPV nếu người đó vẫn giữ im lặng về quyền của phụ nữ, rồi sẽ làm nhẹ giá trị này khi mang vào toà án.

 

Nếu so với tài năng và phẩm hạnh của Thẩm Phán Thurgood Marshall – “con sư tử tự do và người hùng nhân quyền” theo mô tả của nữ ký giả Maureen Dowd, thì Clarence Thomas còn ở một khoảng cách rất xa, từ phía sau. Dù là một người Mỹ gốc Phi, Thomas quyết liệt phản đối “Affirmative action” – chính sách đặc cách dành cho những nhóm sắc dân hay chủng tộc thiểu số, bù đắp cho tình trạng phân biệt đối xử đã khiến những nhóm dân này chịu thiệt thòi suốt nhiều thập kỷ. Cho dù, chính sách nhân đạo này đã góp phần không nhỏ vào con đường chính trị của ông ta, đưa ông ta từ một sinh viên Văn học Anh trở thành một luật sư, rồi ứng cử viên của TCPV lúc 43 tuổi. Thomas đã được các nhà hoạt động chống phá thai ủng hộ với niềm tin rằng ông ta sẽ làm suy yếu quyền lựa chọn của người phụ nữ.

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2022/06/GettyImages-515177752-1280x1934.jpg

Cựu Tổng Thống Bush đứng cạnh Clarence Thomas tại Kennebunkport, Maine. Thomas đang trả lời truyền thông về đề cử vào TCPV.

 

Khi George H. W. Bush tiến cử Thomas – một người cực kỳ bảo thủ vào TCPV, đó là một “quân bài không hơn không kém.” Theo nữ ký giả Maureen Dowd, nhằm khoả lấp sự nghi ngờ của phe cực hữu và hy vọng tái tranh cử, Bush đã bổ nhiệm Thomas. Đồng thời, Bush muốn tìm nhiều lá phiếu từ những cử tri da đen. Clarence Thomas là chiến lược đẹp nhất cho đường vào Toà Bạch Ốc của George H. W. Bush.

 

Trong các phiên điều trần để được chuẩn thuận vào TCPV, Thomas sử dụng tối đa “quyền im lặng” bằng cách tránh né không nêu lên quan điểm chính trị bảo thủ của ông ta về các vấn đề gây tranh cãi như quyền phá thai. Thomas hoàn toàn thành công và nắm chắc chiếc vé vào TCPV.

 

Nhưng trong ba tháng đó, Thomas đã phải trải qua những phiên điều trần nghiêm khắc và đầy kịch tính khác ở Thượng Viện. Chiếc ghế thẩm phán TCPV của ông ta tưởng như bị gãy đổ. Anita Hill, cựu nhân viên ở EEOC buộc tội ông ta tội quấy rối tình dục. FBI đã vào cuộc nhưng sau đó gửi ra một bản báo cáo “không kết luận.” Thượng viện đã dự tính “cho qua” để tiếp tục những phiên điều trần chuẩn thuận vị trí thẩm phán. Nhưng cáo buộc đã bị rò rỉ đến báo chí. Các nhóm bảo vệ quyền lợi của phụ nữ trên toàn quốc yêu cầu Thượng Viện phải điều tra. Anita Hill được gọi để làm chứng trước Quốc hội, kể việc Thomas đã hành hạ tinh thần của cô bằng những hành vi cố tình gây chú ý và những lời nói bậy bạ về phim khiêu dâm mà ông ta thích xem. Chủ toạ của các phiên điều trần ở Thượng Viện lúc đó là ông Joe Biden, tổng thống đương nhiệm của Hoa Kỳ.

 

Đương nhiên, Clarence Thomas phủ nhận tất cả các cáo buộc. Thậm chí, với vốn liếng luật từ Yale của mình, ông ta tố cáo quá trình tố tụng là không chuyên nghiệp. Nhân chứng phía Thomas còn đưa ra nghi ngờ về tình trạng tâm thần của Anita Hill.

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2022/06/GettyImages-1264317314-1280x841.jpg

Clarence Thomas (thứ hai, hàng đứng từ phải qua) bắt tay ông Joe Biden trong ngày nhận quyết định trở thành thẩm phán TCPV. Ảnh: Arnie Sachs/CNP/Getty Images

 

Ký giả Maureen Dowd vẫn chưa quên sự kiện này, bà nhắc lại: “Ông Joe Biden khi ấy đã để những người đảng Cộng Hoà xé toạc Anita Hill một cách tàn nhẫn và sau đó kết thúc phiên điều trần, huỷ bỏ cả sự xuất hiện của hai nhân chứng của Hill.” Nhiều thượng nghị sĩ trong ủy ban điều trần, hoàn toàn là da trắng, nói riêng tư với nhau “đó là cuộc tình lãng mạn nơi công sở.” Họ cho rằng, “chẳng đáng gì khi để cuộc sống của mình bị hủy hoại bởi một người mà họ nghĩ, hoàn toàn không có bằng chứng, là một người yêu cũ trả thù.” Anita Hill còn bị bôi nhọ là một kẻ cuồng dâm bạo lực. Và ông Biden, khi đó đã lãng phí vai trò là lãnh đạo khối đa số của đảng Dân Chủ ở Thượng Viện, cho phép một kẻ nói dối, một kẻ hư hỏng và một kẻ quấy rối tình dục được ngồi cả đời trên chiếc ghế thẩm phán TCPV.

 

Nữ ký giả Maureen Dowd cho rằng, quyền của phụ nữ đã bị đẩy lùi vì mong muốn của Biden lúc đó là nhằm thúc đẩy mối quan hệ lưỡng đảng với các vị phe bảo thủ. Và với Thomas, phe cánh hữu cực đoan đã có được “phán quyết” đầu tiên cho giấc mơ của họ.

 

Kẻ huỷ diệt

 

Từ đó, Clarence Thomas là thẩm phán da màu thứ hai của TCPV Hoa Kỳ. Thomas được biết đến là một người ít đưa ra câu hỏi trong các cuộc ngôn luận. Trong khi các thẩm phán khác thường dùng câu hỏi để thể hiện chủ kiến về một vấn đề hoặc trong lúc trao đổi với nhau về suy nghĩ đối với một vụ án, Thomas luôn im lặng. Nhưng điều đó không ngăn cản các thẩm phán khác hiểu thấu về Thomas. Ông ta vốn nổi tiếng về chủ nghĩa cực đoan bảo thủ. Ai cũng biết điều đó, và họ luôn có câu trả lời về quan điểm của Thomas trong mọi vấn đề.

 

Mặc dù Thomas kiệm lời trong các cuộc tranh luận, nhưng tư duy của ông ta thì không thể thiếu đối với nhóm bảo thủ. Thomas đóng vai trò rất lớn trong vụ án nổi tiếng District of Columbia v. Heller về quyền dùng súng; trong ý kiến của Kennedy về vụ Citizen United v. Federal Election Commistions (Ủy ban bầu cử liên bang) – một vụ án về tài chính lớn. Thomas cũng là người soạn thảo quyết định của nhóm bảo thủ trong vụ Good News Club v. Milford Central School, nơi ông ta tuyên bố rằng trường công lập đã vi phạm Tu Chính Án Thứ Nhất vì không cho phép câu lạc bộ tôn giáo họp ở đó.

 

Jeffrey Toobin – Trưởng ban phân tích pháp lý của CNN nhắc lại, kể từ khi Clarence Thomas bước vào TCPV, ông ta là người phản đối quyết liệt nhất án lệ Roe v. Wade cho phép phụ nữ quyền được phá thai. Trong một ý kiến bất đồng đưa ra hai năm trước, Thomas đã nói, “tiền lệ phá thai của chúng ta là sai lầm nghiêm trọng và cần phải xoá bỏ.”

 

Cho đến khi Donald Trump xuất hiện, kéo theo một lịch sử phạm tội tình dục tồi tệ, những người đảng Cộng Hoà không xem nặng giá trị gia đình và không quan trọng quyền tôn giáo. Họ chỉ biết Trump là người có thể đưa họ đến một “Valhalla” thần thoại trong TCPV.

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2022/06/GettyImages-1232480746-1280x853.jpg

Ảnh: Erin Schaff-Pool/Getty Images

 

Khi Trump tranh cử tổng thống, Trump hiểu rõ vai trò trọng tâm của TCPV – cũng như tầm quan trọng của việc lật ngược án lệ Roe v. Wade đối với phong trào bảo thủ ở Mỹ. Trump đã hứa sẽ bổ nhiệm các thẩm phán, những người có “sứ mệnh” bỏ phiếu để lật đổ Roe v. Wade. Đó là những Neal Gorsuch, Brett Kavanaugh và Amy Coney Barrett. Ba người này cộng với Thomas và Thẩm phán Samuel Alito (cũng là người phản đối quyền phá thai từ lâu) đã mang lại cho Clarence Thomas năm phiếu “Yes” cần thiết để hoàn thành nhiệm vụ lật ngược án lệ Roe v. Wade – trả nước Mỹ quay về 50 năm trước.

 

Chưa dừng lại, Thomas tiếp tục đe doạ nền Dân Chủ Hoa Kỳ và những quyền cơ bản của con người bằng tuyên bố, “trong tương lai, chúng ta nên xem xét lại các tiền lệ tố tụng của TCPV, bao gồm Griswold (quyền sử dụng các biện pháp tránh thai), Lawrence (quan hệ đồng giới) và Obergefell (bảo đảm quyền bình đẳng trong hôn nhân).

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2022/06/GettyImages-1232480534-1280x853.jpg

Ảnh: Erin Schaff-Pool/Getty Images

 

Trở lại năm 1991, khi quyết định đề cử Clarence Thomas vào TCPV bị phản đối, chính quyền Bush đã “dùng” và “bán” ông ta như một hình ảnh điển hình về người đàn ông da đen cơ hàn, bị chà đạp nhân phẩm nhưng đã vươn lên từ những ô nhục phân biệt chủng tộc. Ngày hôm đó ở Kennebunkport, Thomas đã kể mạch lạc về việc được ông bà ngoại, những người vùng nông thôn Georgia nuôi dưỡng. Nhưng ngày nay, trên tòa án, ông ta tỏ ra tàn nhẫn, thúc đẩy thực thi những quan điểm có thể nghiền nát người dân nghèo và người kém may mắn trong xã hội đa sắc dân này.

 

Ông Jeffrey Toobin, trong bài viết cho CNN, lặp lại câu nói của nhà thơ Maya Angelou đã nói với Oprah Winfrey cách hay hơn hai thập niên: “Khi ai đó chứng tỏ cho bạn thấy họ là ai, hãy tin họ.”

 

Hãy tin “Kẻ Huỷ Diệt’ Clarence Thomas. Ông ta sẽ làm những gì ông ta đã nói!

___

 

ĐỌC THÊM:

 

Tối Cao Pháp Viện bị bao phủ bởi ‘Uterus’ và ‘Abortion Rights’

Chấn động với phán quyết của TCPV về quyền phá thai

Nước Mỹ hỗn loạn chia rẽ dữ dội

Florida, chiến trường chính giữa phe chống và ủng hộ phá thai

Hollywood và các công ty phản ứng khi luật phá thai liên bang bị huỷ

 





No comments: