30/01/2022
https://vietbao.com/p301409a311002/tinh-xuan-qua-nhac-xuan
Khi Tết gần
kề, như hiện tại, các diễn đàn thân hữu thường thả cho nghe vài bản nhạc Xuân.
Và cứ lập lại khoảng mươi bài quen thuộc, không đủ để khích động tình xuân đang
khuấy động trong lòng người chờ đón Xuân. Nhân cơ hội này mình vào lục soạn,
tìm thấy quá nhiều bản nhạc về Xuân. Cả một kho tàng văn học nghệ thuật của Miền
Nam Việt Nam – loại nhạc Vàng mà CS muốn giết nhưng vẫn sống mạnh và làm thay đổi
hướng cảm nhận tình quê hương và lòng người lan rộng từ Nam ra Bắc.
Nhạc của Tết
Dương Lịch hay còn gọi là Tết Tây ít hơn và bị choàng bởi nhạc Giáng Sinh. Chẳng
qua vì New Year xẩy ra trong mùa Đông lạnh lẽo (ở Miệt Dưới lại vào mùa Hạ khô
nóng) và hai lễ lớn này cách nhau có một tuần, và Tết Tây chỉ quan trọng trong
đêm Countdown với bản nhạc Ce N’est Qu’un Au Revoir (Auld Lang Syne) và sau khi
trái táo rơi, nhảy qua ngày New Year, thiên hạ ôm nhau hát ngay với bản Happy
New Year. Tết Ta, hay Tết Âm Lịch, còn gọi là Tết Nguyên Đán, mang dấu hiệu của
cả mùa Xuân và một bừng vui trong lòng mọi người, từ già đến trẻ, vì tinh thần
vui chơi hội hè không chỉ trong các ngày Mùng của đầu Tết, mà còn nguyên cả
tháng Giêng gọi là tháng ăn chơi, kéo theo tháng Hai cờ bạc rồi tháng Ba rượu
chè. Do đó, mùa Xuân là biểu tượng của Tết. Và những bản nhạc về mùa Xuân được
xem như những bản nhạc hát trong mùa Tết.
Khi nghe
những bản nhạc Xuân, những lời hát vang lên, trong âm điệu trang nhã, người người
đều cảm thấy hân hoan, rạo rực, tâm hồn xao xuyến, như có cái gì thôi thúc dẫn
đến sự hoan lạc êm dịu của một không khí hiền lành thanh bình, của một mái ấm
gia đình chờ đón Xuân. Một chút gió Xuân, một chút hương tình, một chút nôn
nao, một chút rộn ràng, ôi những cảm nhận mùa Xuân đang bên ta. Là những tiếng
đồng ca tươi thắm của mừng Xuân, mừng hoa cỏ xanh mướt, mừng cây lá tốt tươi, mừng
tình yêu chứa chan, mừng tình quê hương đậm đà thắm thiết. Hay là những nỗi buồn
vơ vẩn khi người thân còn nơi biên cương, khi tình yêu chưa trọn mà nay Xuân đã
về. Hoặc để thầm mơ một mùa Xuân hội ngộ, một ước mơ cho hoa nở mãi không già,
hay mong xuân đi xuân đến hãy còn xuân…
Đúng không
nhỉ khi mùa Xuân luôn là hình ảnh của sức sống, của vạn vật đâm chồi nẩy lộc,
mang theo tinh thần vươn lên của một bình minh chan hòa ánh sáng, của một chặng
đường chưa vấp ngã, của một cuộc tình e ấp đang lên ngôi!!? Đúng chăng khi Tết
đến mọi gia đình quay quần hạnh phúc sum họp, con nít vui đùa trong nắng mới,
làng xóm bừng dậy bên cạnh những chậu Mai Vàng, chậu Cúc, chậu Thủy Tiên, hay
những luống hoa Vạn Thọ, Thược Dược… sắc màu rực rỡ.
“Hoa Xuân
say đắm hồn thơ
Bướm Xuân quanh quẩn như chờ nụ hôn” (Kiều Mộng Hà)
Nghe nhạc Xuân để cho mình cảm thấy lòng phơi phới, đón chờ Tết trong một tinh
thần hoan lạc, mừng Xuân đến trong lời ca tiếng nhạc. Còn gì vui thú cho bằng!
Còn món chơi nào tao nhã hơn! Giờ đây, bất cứ khi nào, bất cứ nơi nào - lúc tờ
mờ sáng khi vừa thức giấc, trong buổi điểm tâm bên cạnh ly cà phê hay tách trà,
khi thư thả đi dạo, khi tư lự trong xế chiều, hoặc ru cho giấc ngủ đầy mộng đêm
- mời quý bạn thưởng thức những bản nhạc Xuân từng làm chúng mình mê mẩn từ thuở
thanh xuân, và nay vẫn làm tim chúng mình rung động – như là một chứng tích
thăng hoa khi nắng đang dần xa, một chứng từ cho cuộc tình mãi trong xanh. Mình
không có ý định sắp xếp các bản nhạc, từ thuở tiền chiến hay sau này tại Miền
Nam VN rồi qua đến hải ngoại, vì quá khó và vượt khả năng nếu chấm điểm theo thứ
tự hay dở - vì rõ ràng nhạc Xuân gồm toàn những tuyệt tác từ nhiều nhạc sĩ tên
tuổi để lại cho thế hệ sau, qua tiếng hát của những ca sĩ được yêu thích.
Bài đầu tiên, thường được hát hợp ca, không hề vắng mặt trong bất cứ buổi liên
hoan, họp mặt nào của các hội đoàn, nhóm bạn trong mùa Tết, dù là Tất Niên hay
Tân Niên. Với người hát chính trên sân khấu, khách mời cũng hát theo với bản nhạc
được in cầm trên tay. Để khi hát xong, tất cả đều nâng cao ly rượu chúc mừng
nhau năm mới, người người hạnh phúc. Bài Ly Rươu Mừng là
bản xuân ca với lời ca thánh thót, tươi vui trong thể nhạc Valse, do nhạc
sĩ Phạm Đình Chương sáng tác. Sau 1975, bản nhạc này bị chính
quyền CS cấm hát, có lẽ vì lời hát không diễn tả về tình yêu đôi lứa hay ca ngợi
tình xuân mà lại vang lên những lời chúc hòa bình đến với non sông, cho những
ngày máu xương thôi tuôn, chúc binh sĩ lên đường quên mình để chiến đấu thành
công… Trước sự bất chấp của quần chúng, cuối cùng chính quyền cũng đành chịu
thua, thả lỏng chính thức cho tự do hát từ năm 2016.
Nhân đọc được một câu thơ “Nụ hoa vàng ngày Xuân” của nhà thơ Kim Tuấn, nhạc
sĩ Nguyễn Hiền sáng tác Anh Cho Em Mùa Xuân chỉ
trong vòng một tiếng đồng hồ. Đơn giản: khi ta có tình yêu, đó là mùa Xuân. Mãi
mãi bên nhau là mùa Xuân bất tận. “Anh cho em mùa xuân, nụ hoa vàng mới nở, chiều
đông nào nhung nhớ - Đường lao xao lá đầy, chân bước mòn hè phố, mắt
buồn vin ngọn cây. Anh cho em mùa xuân, trẻ nô đùa khắp trời - Niềm yêu đời
phơi phới
Bàn tay thơm sữa ngọt, giải đất hiền chim hót, mái nhà xinh kề nhau”…
Đây là một
bản nhạc để đời, làm rung động người nghe và được mọi tầng lớp dân chúng yêu mến
vì lời thơ 5 chữ rất đơn giản, chân thật và hiền hòa.
Có đôi khi, dù bên ngoài nắng ấm, dù xác pháo đỏ trải đầy trên đường làng,
trong nhà gia đình sum họp chơi đổ Tam Hường, vẫn có người cảm thấy cô
đơn, rảo bước một mình đi tìm một hình bóng nào đó. “Chiều Xuân có một người
ngơ ngác đi tìm một tình thương nơi… phương trời cũ – Chiều nay hoa Xuân bay
nhiều quá, chiều tàn dần phai trên ngàn lá – Tìm đâu bóng… hình ai?” Phải chăng
đó là hình ảnh của anh lính chiến về thăm quê mình, nhận ra người mình thầm yêu
nay đã về nhà chồng. Vì trong tiếng thì thầm của tình yêu thời chiến đã có sẵn
chữ hy sinh. Vì khi tình yêu vừa len nhẹ vào đời người lính nó đã mang theo mầm
mống của lo sợ tan vỡ, của mất mát chia ly và chết chóc. Nhạc sĩ Nguyễn Văn
Đông đã mang tâm sự người lính qua sáng tác Nhớ Một Chiều
Xuân.
Bản nhạc Xuân
Đã Về của nhạc sĩ Minh Kỳ là một bản nhạc không thể
thiếu trong bất cứ buổi tiệc mừng Xuân nào, và thường được chọn trình diễn
trong phần đầu khi nhập tiệc vui. “Xuân đã về, Xuân đã về. Kìa bao ánh Xuân về
tràn lan mênh mông. Trên cánh đồng chim hót mừng, đang thướt tha từng đàn
tung bay vui say- Xuân đã về, Xuân đã về, ta hát vang chào mừng Xuân sang… Xuân
sang”. Lời ca đậm đà tình quê hương, nhạc nhanh tươi vui.
Xuân rồi lại
Xuân! Có những đôi tình nhân giữ lời hẹn gặp nhau mỗi khi giao thừa
đến. “Đón Xuân này tôi nhớ Xuân xưa, hẹn gặp nhau khi pháo giao thừa. Em đứng
chờ anh dưới song thưa. Anh qua đầu ngõ, hỏi nhau thầm Xuân đã về chưa.” Nhưng
lần Xuân này, thì hỡi ôi “Mong tìm cô gái Xuân xưa, cho vơi bao niềm nhớ - Có
ngờ đâu Xuân vắng người thơ.” Tiếng nhạc buồn làm người nghe cảm thông với nỗi
buồn của nam nhân. Đó là tâm sự trong bản Đón Xuân Này Nhớ Xuân Xưa của
nhạc sĩ Châu Kỳ & Anh Châu.
Là một bản
nhạc mừng Xuân với điệu nhạc nhanh, vui tươi sống động, nhạc sĩ Văn Phụng bày
tỏ niềm vui khi “Xuân đã về, xuân vẫn mơ màng. Trong nắng vàng, khắp chốn tiếng
reo vang. Xuân đã về, xuân vẫn huy hoàng. Trong gió ngàn mừng đón xuân sang.”
Cũng vì vậy nhạc bản XUÂN HỌP MẶT không bao giờ thiếu trong
các liên hoan mừng Xuân.
Vào tháng 3 mỗi năm, khi mùa Xuân đến, từng đoàn chim én (Swallows), sau 3
tháng trốn lạnh tại vùng Mexico, hợp đàn bay trở về đậu lại trên mái nhà thờ
Mission San Juan Capistrano, không xa với nơi mình cư ngụ, và được dân thị xã
và du khách phương xa mừng rỡ đón chào, với nhiều đội diễn hành, nhiều đoàn ca
nhạc Mariachi, hội chợ, gian hàng bán đồ ăn… Trong một bản nhạc về Xuân, mình
cũng từng nghe “Xuân thắm tươi, én tung bay cao tít trời – Vui sướng đi, cao tiếng
ca mừng vui reo” với thể điệu Valse vui tươi, hân hoan và trữ tình của bản nhạc Xuân
và Tuổi Trẻ của nhạc sĩ La Hối phổ nhạc từ bài thơ của Thế Lữ.
Bản nhạc bắt đầu với câu “Nhà tôi bên chiếc cầu soi nước- Em đến tôi một lần.
Bao lũ chim rừng họp đàn trên khắp bến xuân” nghe qua thật lãng mạn. Như báo
trước Em và Tôi sẽ không tìm gặp nhau lần thứ hai. Ca khúc Bến Xuân là
một bản nhạc tiền chiến của nhạc sĩ Văn Cao với lời nhạc của
Phạm Duy mang đến cho người nghe nỗi buồn man mác, thầm nhớ khi “nhà tôi sao vẫn
còn ngơ ngác – Em vắng tôi một chiều – Người đi theo mưa gió xa muôn trùng.”
Đây cũng là câu chuyện tình thật sự của người nhạc sĩ tài ba khi ấy trong lứa
tuổi 20.
Một bản nhạc
hân hoan, réo gọi Nàng Xuân bằng những lập lại “Xuân Xuân ơi, Xuân ới, Xuân ơi
– Xuân ơi, Xuân ới, Xuân ơi” được bắt đầu từ khi cha mẹ lấy nhau “một đêm gối
chăn phòng the đón cha mẹ về”, lớn lên đi tìm mùa Xuân qua tình yêu “tình Xuân
là Xuân, có khi mừng vơi, có khi sầu đầy.” Rồi cuối “thì Xuân hãy cho tình nhân
sống thêm vài lần.” Đó là nỗi niềm của nhạc sĩ Phạm Duy gởi
qua bản nhạc Xuân Ca hay còn có tên Xuân Trong Tôi.
Bản Hoa
Xuân, cũng của nhạc sĩ tài hoa Phạm Duy, lần này có lời nhạc và
điệu nhạc vui tươi, sống động hơn. Lời mở đầu dẫn ngay người thưởng thức nhạc
vào ngay vườn địa đàng tươi thắm trong mùa Xuân “Xuân vừa về trên bãi cỏ non –
Gió Xuân đưa lá vàng xuôi nguồn” với lời chúc cuối thật thân huyền mơ “Chúc cho
Xuân vui vẻ thái hòa – Có một vài tóc trắng thầm mơ, ước cho hoa nở mãi không
già.”
Một cách tài tình, người nhạc sĩ thả hồn theo gió Xuân, cảm nhận được “Xuân reo
khắp nơi, trời ngát hương trầm, lòng mang vấn vương. Hồn
say mộng ước cùng những đóa hoa, ấp ủ trái tim hưởng những phút say mơ.” Bản Gió Mùa
Xuân Tới của Hoàng Trọng được người nhạc sĩ làm ra để
tặng cho chúng ta “reo hát ca vang mừng trời Xuân.” Qua bản nhạc người nghe có
thể mường tượng một bức tranh thủy mạc “muôn sắc khoe tươi / thắm cho đời muôn
màu”, vẽ mùa Xuân thật tuyệt đẹp, mang theo những cảnh vật màu sắc rực rỡ thân
thuộc, làm xao xuyến lòng người nghe.
Khúc Nhạc
Ngày Xuân, một
sáng tác của nhạc sĩ Nhật Bằng, đưa chúng ta vào hồn Xuân,
lòng Xuân ngay liền phần mở đầu “Ngàn hoa thắm tươi hé môi mừng cháo đón Xuân –
Bầy chim tung cánh bay trên muôn cành cùng hát vang.” Càng nghe càng bị mê hoặc
bởi điệu nhạc tươi sáng, nhẹ nhàng allegra quấn quit.
Đọc biết, khi tìm tập thơ Mây Tần của
Nguyễn Bính, nhạc sĩ Từ Vũ dừng lại trên bài Gái Xuân với một
cảm xúc đặc biệt. Hà Đông, nơi nhạc sĩ từng lớn lên, là xứ sở của nghề làm lụa
có con sông Vân chảy qua, và qua những giòng thơ tuyệt vời “Lòng Xuân lơ đãng,
ý Xuân nồng – Cô gái Xuân mơ chuyện vợ chồng – Đôi tám Xuân đi trên mái tóc –
Đêm Xuân cô ngủ có buồn không,” người nhạc sĩ đã sáng tác ngay một bản nhạc để
đời – cho dù về sau, sông Vân đã khô cạn, chỉ còn lại một rãnh nước bẩn. Xin được
nhắc là trong bản nhạc Gái Xuân, chỉ có 2 câu “Xuân đi, Xuân đến, hãy còn Xuân
– Cô gái trông Xuân biết bao lần” là của nhạc sĩ Tô Vũ, phần còn lại hoàn toàn
từ bài thơ của Nguyễn Bính.
Tết đến, mọi gia đình đều chộn rộn, chợ
búa đông người mua sắm. Bến xe náo nhiệt với những người con tìm về
thăm nhà. Xuân về với những cánh đồng lúa chín vàng trĩu nặng và dân làng kêu gọi
giúp nhau trong vụ gặt mùa, hy vọng cho một năm mới sung túc hơn. Người thương
gia với niềm vui nhìn gian hàng Tết của mình có nhiều khách mua đông đúc. Ở tiền
đồn xa xôi, người lính vẫn ghìm tay súng canh giữ cho địa phương an toàn vui
Xuân. Và ngay trong tâm thức từng người, gác tay nghĩ lại chuyện đời năm vừa
qua, rồi chuyện tương lai năm tới – cầu nguyện, xin lộc, xin xăm, cúng ông bà –
Chỉ khi nào tránh xa được mê hoặc phù phiếm, biết sinh tử là quy trình của trời
đất, sống hài hòa và chấp nhận, tự thấy hạnh phúc và bình an của tâm hồn. Xin
“Hãy ôm trọn, ôm trọn tuổi Xuân. Có một lần vui thôi em, đừng cho chết hương
tình ngọt ngào. Đỉnh bình yên trên non cao xin em giữ kín cho lâu dài một
mùa Xuân đã thắm trong tôi. Đó là chính là Mùa Xuân Trên Đỉnh
Bình Yên thật sư của mỗi chúng ta. Cám ơn nhạc sĩ Từ Công Phụng.
Có một thời,
những lời chúc đầy mỹ từ của thân bằng quyến thuộc viết vào những thiệp chúc Tết
từ xa gởi đến được trân trọng treo trên cành cây Mai mang lại niềm vui cho gia
đình. Nhìn những thiệp Xuân có đủ cỡ lớn nhỏ, đủ màu sắc, ảnh hoa, pháo nổ hay
đồng tiền, hình con Giáp tượng trưng cho năm, lòng con nít chúng tôi thật rộn
ràng thích thú. Đọc lời viết bên trong cánh thiệp lại càng thú vị hơn. “Tôi
chúc gì đây vào mùa xuân này, Khi nắng vàng tươi nhuộm làn tóc ai. Khi gió nhẹ
lay hoa đào hồng thắm Trong khi xuân ấm mới tô đẹp tháng năm”. Mời bạn thân lắng
nghe bản nhạc Cánh Thiệp Đầu Xuân của nhạc sĩ Minh Kỳ
- Lê Dinh.
Bài Mùa
Xuân Đầu Tiên của nhạc sĩ Tuấn Khanh có dòng nhạc buồn
hơn, tha thiết hơn mang lời tâm sự của một chinh nhân trở về nhà sum vầy bên vợ
hiền “Đâu ngời bến bờ hạnh phúc là đây.” Do đó bản nhạc của Tuấn Khanh đã được
sự đồng cảm của đông đảo quần chúng biết thưởng thức nhạc. Bài mở đầu với “Bao
nhiêu thương nhớ gom nhặt đầy, anh trở về thăm em. Bao lần ngồi thâu
đêm nghe mùa Xuân vừa đến. Em ơi hoa thắm rơi ngập đường, trời nắng xế
vương vương. Lòng nhớ đến em luôn khi chiều tàn chim gọi đàn.
Từ một bản nhạc không lời sáng tác khi
chỉ 11 tuổi, là lúc nhạc sĩ Quốc Dũng đang học tại trường Quốc
Gia Âm Nhạc Saigon, Quốc Dũng đã soạn lại, viết lời. Em Đã Thấy Mùa Mùa
Xuân Chưa ra đời lúc nhạc sĩ chỉ 17 tuổi. Tiếng nhạc nghe réo rắt, lời
nhạc ủy mị, chuyện tình buồn gãy đổ, tuyệt hay với điệp khúc “Vì mình xa nhau
nên em chưa biết Xuân về đấy thôi.”
Bản Tình
Khúc Mùa Xuân có 2 nhạc sĩ sáng tác. Với nhạc sĩ Ngô Thụy Miên,
chuyện tình như qua 4 mùa. Vào Xuân, lòng người phơi phới, vội đến tìm em “Một
hôm gió Xuân sang, Mây lang thang cài tóc em mang, đến thăm em chiều nắng
miên man.” Nhưng vào Đông, tình biến mất. Để vào Xuân tới, tự hỏi “Mùa Xuân đến
chưa em? Bước chân ai dìu tiếng mưa đêm.” Đây là một trong những bản nhạc Xuân
có chút tình buồn, âm điệu quyến rũ khiến nhiều người thích nghe và cũng thích…
hát.
Người thứ hai sáng tác bản nhạc Tình Khúc Mùa Xuân là bác sĩ
kiêm nhạc sĩ Phạm Anh Dũng. Anh từng phục vụ trong Quân Y VNCH
trong thời chiến. Từ hải ngoại cũng như tại VN, dòng nhạc của anh được nhiều
người ái mộ, mà cá nhân tôi là một. Khi sáng tác bản nhạc này, có lẽ tâm trạng
của người nhạc sĩ vui và thoải mái, nên giai điệu của bản nhạc này nhẹ nhàng,
du dương, duyên dáng, vui và mang trọn ý nghĩa của Xuân đoàn tụ, của Xuân yêu
đương, của tình yêu thành tựu “Người yêu dấu, xin đến với anh trong nắng Xuân
vàng- Cùng nhau hãy vui Xuân thắm tươi, hát khúc tương phùng.” Để “Và đôi ta,
như bướm với hoa, ngạt ngào trao hôn” - Mình đặc biệt thích từ “trao hôn” hơn
trao duyên, nghe nhẹ nhàng trong trắng làm sao – Bản nhạc này còn có thêm một
chút để “nâng niu” vì người trình bày là em gái của BS Phạm Hiếu Liêm, cũng một
quân y sĩ thuộc Không Quân VNCH, là một bạn học với mình từ thuở Tiểu Học trường
Đồng Khánh, Huế. Tuy là amateur, giọng hát ngọt ngào của Hiếu Trang còn hay hơn
cả ca sĩ chuyên nghiệp.
https://www.youtube.com/watch?v=9bCjb5mo5UU
Bản nhạc
sau đây được xem như một bản nhạc kinh điển cho mình trong những năm còn miệt
mài trên ghế đại học, qua tiếng hát dặt dìu thanh nhã trong điệu luân vũ làm
mình không ngừng say mê. “Ngày ấy khi Xuân ra đời, một trời bình minh có lũ
chim vui. Có lứa đôi, yêu nhau rồi, hẹn rằng còn mãi không
nguôi” Rồi “Rồi nắm tay cùng nói vui, Những câu êm êm không rời vai.
Rồi lả lơi, hình dáng ai, khuất xa biến vào nẻo khơi”. Bản nhạc Khúc
Hát Thanh Xuân được nhạc sĩ Phạm Duy sáng tác rất tài
tình từ một bản nhạc ngoại quốc.
https://a.msn.com/07/vi-vn/BB1dna7P?ocid=se
Bản nhạc Đón
Xuân của nhạc sĩ Phạm Đình Chương, với một giai điệu
vui tươi, nhịp beats rung cảm, không bao giờ vắng mặt trong trình diễn nhạc
Xuân. Đôi khi ngay trong phần mở đầu chương văn nghệ. “Xuân đã đến rồi, gieo
rắc ngàn hồn hoa xuống đời. Vui trong bình minh, muôn loài chim hót vang mọi
nơi
Đem trong tiếng cười, cho kiếp người tình thương đắm đuối. Ánh Xuân
đem vui với đời”. Nghe xong bản nhạc này cảm thấy yêu đời thêm.
Ba bản nhạc
liên tiếp sau đây không bao giờ thiếu trong những liên hoan mừng Xuân, nhất là
của những hội đoàn cựu quân nhân. Được xem như nỗi niềm tâm sự của lính chiến
khi mùa Xuân là mùa sum họp gia đình, nhưng với những chiến sĩ trong các tiền đồn,
dọc theo biên giới, trong rừng núi xa xôi, nơi vùng chiến trận, họ vẫn làm nhiệm
vụ trấn giữ biên cương chống quân thù. “Đầu Xuân năm đó, anh ra đi. Mùa Xuân
này đến anh chưa về - Mùa hoa năm đó ta chung đôi, mùa hoa này nửa xa nhau rồi.”
“Con biết bây giờ Mẹ chờ tin con, khi thấy mai đào nở vàng bên nương. Năm trước
con hẹn đầu Xuân sẽ về, nay én bay đầy trước ngõ, mà tin con vẫn xa ngàn xa”.
Mãi cho đến khi thấy mai rừng nở mới biết Xuân về, người lính đành “đón giao thừa
một phiên gác đêm”, ước mong nhận được một cánh thư Xuân đầy thương nhớ. Nay mời
bạn nhạc của mình thưởng thức :
Phiên
Gác Đêm Xuân của
nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông
ĐỒN VẮNG
CHIỀU XUÂn của
nhạc sĩ Trần Thiện Thanh
và XUÂN
NÀY CON KHÔNG VỀ của nhạc sĩ Trịnh Lâm Ngân
Hầu như những
bản nhạc của nhạc sĩ Văn Phụng mang âm hưởng vui tươi, trong
sáng, nặng tình người tình quê hương dân tộc. Sau đây là bản nhạc Xuân
Miền Nam của ông, “Từ phương xa, đêm nay Xuân về duyên dáng, bên đôi
môi nàng thiếu nữ thấm nét sống.” Và “Miền Nam! Niềm vui chan chứa
đêm mơ hồ. Miền Nam! Tình Xuân sưởi ấm thêm đôi bờ. Giờ đây, mùa Xuân đang xóa
tan mây mờ. Quên đi đau thương sầu nhớ. Vui ca tung gieo nguồn sống. Đắp xây Tư
Do”. Tiếc thay cho sự thể không như ước muốn!!
Bài nhạc
nghe qua có âm điệu như một bản nhạc dân ca Miền Nam. “Xuân ôi! Xuân vẫn muôn đời
yêu mến Xuân – Nhấp chén vui ta chúc nhau ly rượu mừng. Ngày đầu năm hạnh phúc
phát tài. Người người gặp nhiều duyên may. Xuân thắm tươi, Xuân nồng say”. Mời
bạn thích nhạc Xuân thưởng thức bản Đoản Xuân Ca, một sáng tác của
nhạc sĩ Thanh Sơn.
Bài nhạc Mùa
Xuân Không Còn Nữa của nhạc sĩ Lam Phương có thể nói
là một trong những bản nhạc Bolero được yêu thích nhất tại Miền Nam VN. Dù mang
một đề tựa rất ư về mùa Xuân, nhưng chỉ có một chữ Xuân trong nguyên bài “Anh
biết em hững hờ, để rồi mùa Xuân không còn nữa” và đây là một bài nhạc buồn,
than khóc, nước mặt lưng mi “Anh tiếc thương vô cùng lời xưa ước muốn chung đường,
niềm vui nỗi nhớ chia đôi, giờ đây mỗi người một nơi.” Và “Mặc anh đếm bước
lang thang, nghìn năm mối sầu còn mang.”
Cũng như
bài nhạc trên, bản nhạc Lạc Mất Mùa Xuân, do nhạc sĩ Lữ
Liên sáng tác từ một bản nhạc ngoại quốc, là một bản nhạc u buồn về mất
nhau trong đời, khóc cho cuộc tình trắng bay khi tàn cơn say. Để “Xuân về cho
cây xanh lá, có riêng mình anh lạc mất mùa Xuân.” Tuy bản nhạc không mang âm hưởng
của vui Xuân, nhưng mình vẫn nhận thấy bản nhạc này vẫn được hát trong những dịp
vui Xuân, với các nhóm thân hữu nhỏ, và cũng làm xao xuyến con tim.
Em Còn
Nhớ Mùa Xuân của
nhạc sĩ Ngô Thụy Miên rất được cộng đồng người Việt tỵ nạn mến
chuộng, và trình diễn cho nhau nghe quanh năm chứ không chờ chỉ đến mùa Xuân.
Chỉ cần nghe 2 câu nhập “Em có bao giờ còn nhớ mùa Xuân – Nhớ tháng năm xưa của
tuổi dại khờ,” là đã cảm nhận sự nhức nhối xao dộng trong lòng với bao hình ảnh,
kỷ niệm vui buồn, ê chề đau khổ khi còn sống trong nhà tù lớn tại VN CS. Để nhớ
đến quê hương, nhớ đến một Saigon “Nhưng có đâu bằng Saigon hôm qua – nhưng có
đâu bằng Saigon mai sau – Em có mơ ngày hát câu hồi hương.” Ông đã cho chúng
mình niềm tin.
TÌNH TỰ
MÙA XUÂN của nhạc
sĩ Từ Công Phụng đúng là một bản tình ca đón mừng mọi người
yêu nhau, trong bối cảnh “khi mùa Xuân khẽ sang, chừng như không gian đang sưởi
ấm những giọt tình nồng.” Này em hỡi “Tay, này tay nắm tay, nhìn nhau đắm say
như chưa bao giờ. Nghe chừng trong mắt nâu, hồn anh đã tan thành mùa Xuân, ngọt
ngào phủ ấm thiên đường đôi ta.” Để sau đó “Em, lại đây với anh, ngồi đây với
anh trong cuộc đời này”. Cả hai chúng tôi đều mê thích bài này, chỉ cần thay đổi
ngôi vị khi hát (anh thành em, hay ngược lại) là cảm thấy lâng lâng trong “hạnh
phúc mênh mang.” Cũng vì vậy, xin giới thiệu bản nhạc nầy với ý nghĩa
save the best for last – Như chỉ muốn dành cho riêng mình.
Cho phần kết
nhạc mùa Xuân, bản nhạc Hơi Thở Mùa Xuân, một sáng tác của nhạc
sĩ DươngThu, chiếm cảm tình của trọn gia đình mình. Âm hưởng bản nhạc
mang chút gì của dân tộc thiểu số miền núi; lời nhạc diễn tả niềm hạnh phúc
trung thực và thanh tao, nghe thật dễ thương “Cho em nắm tay, nắm tay anh khi
mùa Xuân về - Cho em khát khao, khát khao anh khi mùa Xuân về.” Người ấy vừa ê
a hát vừa trong chừng con gái Bồ Câu, lại vừa nấu nướng. Nên xin các bạn độ
lương khi mở nghe.
Ba mươi
hai bản nhạc Xuân chọn lọc vừa được gởi đến quý bạn nhạc. Mình mong các bạn chọn
nghe một vài bài. Vậy là đã thỏa mãn lắm rồi. Nhiều hơn nữa thì quá quý. Nghe hết
tất cả là trên tuyệt vời. Có vậy mới thấu hiểu giá trị một thời của nền âm nhạc
Miền Nam VN như thế đó.
Trước thềm
năm Nhâm Dần, thân mến chúc quý bạn nhạc cùng gia đình một năm mới thân tâm an
lạc, vạn sự cát tường.
Vĩnh
Chánh, cận
Tết Nguyên Đán Nhâm Dần
No comments:
Post a Comment