Friday, January 28, 2022

TÀI LIỆU MỸ về BIỂN ĐÔNG giúp ích TRONG TRANH CHẤP VỚI TRUNG QUỐC (Thanh Hà - RFI)

 



Tài liệu Mỹ về Biển Đông giúp ích nhiều trong tranh chấp với Trung Quốc

Thanh Hà  -  RFI

Đăng ngày: 28/01/2022 - 11:41

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20220128-t%C3%A0i-li%E1%BB%87u-m%E1%BB%B9-v%E1%BB%81-bi%E1%BB%83n-%C4%91%C3%B4ng-gi%C3%BAp-%C3%ADch-nhi%E1%BB%81u-trong-tranh-ch%E1%BA%A5p-v%E1%BB%9Bi-trung-qu%E1%BB%91c

 

Ngày 12/01/2022 bộ Ngoại Giao Mỹ công bố tài liệu cập nhật về « Ranh giới trên biển ». Bản nghiên cứu này xem xét các yêu sách hàng hải của Trung Quốc tại Biển Đông và đưa ra kết luật : những đòi hỏi chủ quyền của Bắc Kinh tại vùng biển này « không phù hợp » với luật pháp quốc tế đã được phản ánh trong Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982. 

 

https://s.rfi.fr/media/display/342dcf60-8023-11ec-a01b-005056a90284/w:1024/p:16x9/AP940033353044.webp

Bản đồ căn cứ theo tuyên bố Tứ Sa của Trung Quốc về chủ quyền Biển Đông. Ảnh tháng 6/2014. AP

 

Đâu là những điểm nổi bật trong báo cáo mới của Hoa Kỳ về chủ quyền Biển Đông ? Mục đích của bộ Ngoại Giao Mỹ là gì và văn bản đó có giúp được gì cho các quốc gia đang có tranh chấp chủ quyền lãnh hải với Trung Quốc hay không ?

 

RFI tiếng Việt mời giáo sư Ngô Vĩnh Long, Đại học Maine- Hoa Kỳ phân tích về nghiên cứu mới của Mỹ : « Ranh giới trên biển- Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa : Các yêu sách tại Biển Đông ».  

 

RFI : Xin kính chào giáo sư Ngô Vĩnh Long, thưa ông, Cục Đại Dương và Các Vấn Đề Môi Trường-Khoa Học Quốc Tế trực thuộc bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ hôm 12/01/2022 cho công bố nghiên cứu mới về ranh giới ở Biển Đông nhằm mục đích gì và xin ông cho biết qua về những điểm nổi bật trong tài liệu đó ?  

 

GS Ngô Vĩnh Long : « Trước hết Mỹ đưa ra bản nghiên cứu này để cho biết là Hoa Kỳ không đồng ý với Trung Quốc trên vấn đề Biển Đông. Trung Quốc phá hoại luật biển quốc tế ở mọii nơi cho nên Mỹ phải đưa ra tài liệu nói rõ phân tích của Mỹ về biển nói chung, về Biển Đông nói riêng và theo văn bản mới này thì yêu sách của Trung Quốc làm suy yếu nghiêm trọng luật quốc tế về biển. Thứ hai nữa là Hoa Kỳ muốn cho biết những đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc là vô lý. Nếu chúng ta nhớ lại thì trước đây, Bắc Kinh đưa ra đòi hỏi « đường 9 đoạn » mà không có căn cứ gì hết, chỉ khoanh vùng rồi bảo đó là thuộc chủ quyền của Trung Quốc. Hoa Kỳ phản đối lập luận đó của Trung Quốc đặc biệt là sau phán quyết của Tòa Án Trọng Tài Quốc Tế La Haye hồi năm 2016, bác bỏ những đòi hỏi của Trung Quốc và xem những yêu sách đó là bất hợp pháp ».  

 

.

RFI : Giáo sư vừa nhắc đến phán quyết của Tòa trọng tài La Haye bác bỏ cái mà Trung Quốc gọi là « quyền lịch sử » để vin vào đó khẳng định chủ quyền ở Biển Đông. Tuy nhiên phán quyết năm 2016 không cấm cản Bắc Kinh tiếp tục cải tạo bồi đắp các thực thể ở Trường Sa và thậm chí cho rằng Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982 đã có những thiếu sót, để từ đó Trung Quốc tiếp tục bảo vệ những yêu sách hàng hải ở Biển Đông. Vậy tài liệu mang số 150 của bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ về ranh giới trên biển căn cứ vào những cơ sở pháp lý nào để bác bỏ đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc tại Biển Đông ?  

 

GS Ngô Vĩnh Long : « Có hai vấn đề. Vấn đề lớn là Trung Quốc nói rằng tất cả các đảo ở Biển Đông là thuộc về Trung Quốc mặc dù trong số đó có nhiều bãi đá nửa chìm nửa nổi và Bắc Kinh xem tất cả những cái đó là « đảo », là một thực thể lớn thuộc về Trung Quốc. Điểm thứ hai, tài liệu vừa công bố của Mỹ xác định là việc Trung Quốc khẳng đỉnh chủ quyền lịch sử ở Biển Đông không có cơ sở pháp lý. Điều tôi muốn nói ở đây là năm 2014, Trung Quốc đã đưa ra tuyên bố Tứ Sa và theo tuyên bố đó thì những cái gì được gọi là « đảo », những thực thể bất luận chìm hay nổi, đều cũng dính liền với nhau. Thành thử theo luận điểm của Bắc Kinh, mỗi khu vực như vậy phải có một vùng nội thủy và đó là khu vực mà Trung Quốc không cho ai qua lại, bởi theo Bắc Kinh, đó là những vùng thuộc chủ quyền Trung Quốc. Thành thử tài liệu của Mỹ phản bác lập luận đó đồng thời giải thích thêm rằng có một số thực thể Bắc Kinh gọi là « đảo » để từ đó khoanh vùng 12 hải lý lãnh hải chung quanh nhưng trong số đó có những bãi đá mà chỉ có thể khoanh vùng lãnh hải chung quanh chừng 500 mét mà thôi. Việc Bắc Kinh khoanh vùng hết tất cả những thực thể đó và cấm các nước khác đi qua, theo Washington là điều bất hợp pháp, đi ngược lại với luật pháp quốc tế.  

 

Một lý do khác nữa khiến Mỹ phải công bố tài liệu về chủ quyền Biển Đông bởi Trung Quốc « đánh lận con đen » : Bắc Kinh đưa ra chính sách Tứ Sa nhằm để cho công luận không biết Trung Quốc muốn nói cái gì. Trung Quốc muốn một số các quốc gia khác phải bận tâm về chủ quyền, cứ phải cãi với Trung Quốc hoài về chủ quyền biển đảo trong lúc mà Trung Quốc thì đưa ra không biết bao nhiêu tài liệu để khẳng định cái gọi là « cở sở pháp lý » của họ. Do vậy tài liệu vừa công bố của Mỹ cho phép các bên tranh chấp phản bác lại Trung Quốc. Nghiên cứu của Mỹ nhờ vậy sẽ giúp ích cho các quốc gia khác dễ nói hơn ».  

 

.

RFI : Đâu là những khác biệt trong tuyên bố về bản đồ « đường lưỡi bò » của Trung Quốc với tuyên bố Tứ Sa thưa giáo sư Ngô Vĩnh Long ?  

 

GS Ngô Vĩnh Long : « Khi trước, khi đưa ra bản đồ 9 đoạn còn được gọi là bản đồ đường lưỡi bò, thì Trung Quốc rất mập mờ, khoanh cả một vùng rất lớn (để khẳng định chủ quyền). Bây giờ với Tứ Sa, Bắc Kinh cũng khoanh vùng nhưng đồng thời chia vùng. Tứ Sa gồm có Đông Sa, Tây Sa, Trung Sa và Nam Sa. Họ chia vùng để làm chi vậy ? Trước hết, như đã nói, là cho phép Trung Quốc khẳng định rằng các đảo mà trong đó có cả những bãi đá nửa chìm nửa nổi, hợp lại thành cả một vùng. Bây giờ nếu như có tranh chấp với Việt Nam hay Đài Loan chẳng hạn, đó có thể là tranh chấp trong khu vực Bắc Kinh gọi là Đông Sa. Như vậy các nước khác, như Philippines chỉ quan tâm đến Trung Sa hay Nam Sa sẽ không có lý do để lên tiếng về Đông Sa. Manila sẽ không can thiệp vào tranh chấp ở Đông Sa. Còn trong trường hợp có tranh chấp ở Nam Sa thì các bên không can dự sẽ không nhập cuộc. Chia vùng như vậy cho phép Trung Quốc tranh đấu với các nước chung quanh vùng biển liên quan và rất khó để cho các nước khác hợp nhau lại chống đối những đòi hỏi của Trung Quốc ».  

 

.

RFI : Một bên thì có báo cáo về ranh giới trên Biển Đông và phía bên kia thì có tuyên bố Tứ Sa, vậy bước kế tiếp trong các cuộc tranh cãi chủ quyền lãnh hải sẽ là gì ?  

 

GS Ngô Vĩnh Long : « Tôi nghĩ bước kết tiếp Mỹ tiếp tục đưa thuyền vào những vùng mà Trung Quốc gọi là lãnh hải hay tiếp giáp lãnh hải và việc này giúp cho các nước có tranh chấp trong khu vực thêm tự tin. Họ tự tin là Hoa Kỳ sẵn sàng đối lại với Trung Quốc trên Biển Đông đặc biệt là trên việc Bắc Kinh đòi đặc quyền kinh tế trên thềm lục địa ở các vùng đảo của Trung Quốc mà Trung Quốc gọi là Nam Hải Chư Đảo tức là gắn kết tất cả vùng Tứ Sa thành một khối lớn, đòi hỏi chủ quyền với cả 80-90 % diện tích Biển Đông ».   

 

.

RFI : Tài liệu được cập nhật của Hoa Kỳ về hàng hải ở Biển Đông giúp ích gì cho các quốc gia có tranh chấp chủ quyền lãnh hải với Trung Quốc ?  

 

GS Ngô Vĩnh Long : « Văn bản đó giúp ích được nhiều. Chẳng hạn như khi Trung Quốc đòi hỏi quá đáng với những nước như Việt Nam hay Malaysia thì các nước cận biển ở Biển Đông có thể đưa ra tài liệu của Mỹ, lấy đó làm cơ sở, bởi đó là nghiên cứu trùng hợp với Luật Biển Quốc Tế. Như vậy các quốc gia có tranh chấp với Trung Quốc khỏi phải đưa ra những phân tích riêng của mình, mà những phân tích đó có thể mâu thuẫn trực tiếp với Trung Quốc ».  

 

RFI tiếng Việt thành thật cảm ơn giáo sư Ngô Vĩnh Long, trường Đại học Maine, Hoa Kỳ.  

 

--------------------------------

CÁC NỘI DUNG LIÊN QUAN

BIỂN ĐÔNG - HOA KỲ - TRUNG QUỐC

Biển Đông: Mỹ cập nhật bản “cáo trạng” về yêu sách chủ quyền của Trung Quốc

 

BIỂN ĐÔNG - TỨ SA

Biển Đông: Trung Quốc đẩy mạnh yêu sách “Tứ Sa” thay cho “Đường Lưỡi Bò”?





No comments: