Tuấn Khanh & Mạnh
Kim
27 tháng 1, 2022
https://saigonnhonews.com/thoi-su/viet-nam/ke-chuyen-an-tet-trong-tu/
Ai cũng giữ lại những ký ức ngày Tết, với niềm hạnh
phúc đoàn tụ và chia sẻ cùng người thân. Thế nhưng ăn Tết trong tù là chuyện
hoàn toàn khác. Nhân một mùa Xuân lại về, nhắc lại những ngày ăn Tết trong tù,
không ít người thoáng trầm ngâm như bị hút về không gian nào đó rất xa, mà cũng
rất gần. Cuộc trò chuyện với một số nhân vật đã trải qua những ngày tháng trong
nhà tù cộng sản chất chứa đủ cảm giác vui buồn lẫn lộn.
Tết Âm lịch là thời khắc thiêng liêng nên ngay
cả trong tù cũng chẳng lạ khi cán bộ trại giam nới lỏng và cho phép mọi người
thong thả hơn. Đêm 30 Tết, sau khi tivi phát lời chúc Tết của ông chủ tịch nước,
cán bộ trại cho mọi người được thức trò chuyện, vui đùa và thậm chí ca hát.
Ngày thường thì 9g tối mọi thứ đã im lìm, nếu thức thì các tù nhân cũng chỉ nằm
thì thào trong bóng tối. Mồng Một và Mồng Hai, không khí vẫn dễ chịu vì không
ai bị bắt đi lao động. Hơn nữa những ngày này, gia đình tù nhân đến thăm nên
không khí rộn rịp hẳn ra. Nhiều người rủng rỉnh quà cáp. Mặt mày cán bộ trại
giam cũng tươi tỉnh vì lúc này nhận được… lì xì từ gia đình tù nhân. Chẳng ai
ưa gì cán bộ nhưng lì xì là một cách biết điều để cán bộ không làm khó dễ người
thân-tù nhân của mình trong ngày đầu năm…
Anh Huỳnh Anh Tú, tù
nhân chính trị với án 14 năm, từng trải qua các trại giam ở Xuyên Mộc, Phú Yên…
cho biết, Tết trong tù có vô số chuyện cười ra nước mắt. Anh kể, Tết là lúc mà
“Nhà hạnh phúc” bao giờ cũng rộn rịp, tấp nập kẻ vào người ra. Đó là phòng sinh
hoạt riêng tư vợ chồng của những tù nhân hình sự. Người tù nào được cán bộ đánh
giá “học tập tốt, lao động tốt” thì vợ hoặc chồng được kéo nhau vào “Nhà hạnh
phúc” để hủ hỉ tâm sự. Thời gian quy định là 30 phút.
Dù thời gian ngắn là vậy nhưng có không ít đôi
vào “Nhà hạnh phúc” năm nay thì Tết năm sau lại thấy vợ bồng em bé lên nhìn mặt
cha. Dù vậy, không phải tù nhân nào cũng được vào “Nhà hạnh phúc”. Tù nhân
lương tâm, tù “bất đồng chính kiến”, nói chung là tù chính trị… thì không bao
giờ được bén mảng đến “Nhà hạnh phúc”. “Nhiều người trong trại ấm ức nên không
ít lần đặt vấn đề với cán bộ, với yêu cầu rằng tù chính trị cũng cần được “hạnh
phúc” dù một năm chỉ có một lần và một lần chỉ “30 phút phù du”. Tuy nhiên, lần
nào cán bộ cũng lấp liếm, chẳng biết giải thích thế nào, đành phân bua: “Xin
mọi người thông cảm, đây là lệnh trên”. “Luật tù cộng sản nó thế” – anh Tú
cười khi nhắc lại…
Thức ăn ngày Tết dĩ nhiên khác một chút. “Ngày
thường thì có thịt tí ti hay cá mong mỏng, nhưng đến Tết, thịt cá có dầy hơn,
phần ăn tương đối đầy đủ hơn” – chị Phạm Thanh Nghiên nhớ lại. Chị
Nghiên bị kết án bốn năm tù giam, ba năm quản chế với cáo buộc “Tuyên truyền chống
phá Nhà nước CHXHCN Việt Nam”, theo Điều 88 Bộ luật Hình sự trong một phiên tòa
hồi năm 2010. Chị Nghiên cho biết thêm: “Ở một số trại, ngày đầu năm có các cán
bộ và lãnh đạo vùng khác đến, đi một vòng phân trại chúc Tết, nhằm tạo không
khí hòa hoãn với những người ở tù, đặc biệt tù chính trị”.
Khi được hỏi có năm nào được cán bộ lì xì
không, chị Nghiên cười ngặt nghẽo: “Ối, chuyện ngược đời đó cũng có ạ. Đó là một
chuyện buồn cười và đáng nhớ”. Trại của chị Nghiên ở số 5 Thanh Hóa, nổi tiếng
khắc nghiệt. Dù là trại tù nữ nhưng nơi đó bao giờ không khí cũng căng thẳng bởi
quản giáo luôn áp dụng chính sách đối xử nghiệt ngã. Họ có kinh nghiệm đầy mình
trong việc xúi giục “trật tự viên” tạo hiềm khích giữa các tù nhân nhằm làm cho
mọi người không sống đoàn kết và gắn bó với nhau. “Trật tự viên” ở đây là những
tù nhân nhưng được cán bộ sử dụng như “tay trong” để đưa tin tức hoặc thực hiện
những điều mà họ cần. Đó là một kiểu “gián điệp nằm vùng” trong tù. Dù cũng có
một số trật tự viên hiền lành nhưng hầu hết đều chua ngoa đanh đá và thậm chí
gian ác, sẵn sàng tố oan bạn tù để lấy điểm.
Chị Nghiên kể, Tết năm thứ hai trong trại, cán
bộ tổ chức thành từng nhóm đi qua các buồng giam, lớn tiếng chúc “năm mới vui vẻ”.
Các trật tự viên đi theo có bổn phận nhắc ai đang quay lưng thì phải xoay lại
nhìn và chào cán bộ. Lúc ấy tù nhân Phạm Thanh Nghiên mang chiếu ra trải dưới gốc
cây trước buồng giam để hưởng “không khí Tết”. Cán bộ đến, cười giả lả chào. Thấy
vẻ lành lạnh thường ngày trên gương mặt nữ tù nhân này không chút thay đổi, cán
bộ cũng hơi bị thẹn. Bất ngờ, tay cán bộ rút ra tờ 20.000 đồng, nói đây là tiền
lì xì.
Mọi người chứng kiến đều sửng sốt. Chuyện tù
nhân hoặc gia đình tù lì xì cho cán bộ thì bình thường nhưng cán bộ lì xì cho
tù nhân thì chẳng ai thấy bao giờ. Chung quanh lặng như tờ. Chị Nghiên cũng bất
ngờ nên cũng đứng ngây không biết trả lời thế nào. Thế rồi chị Nghiên lấy lại
bình tĩnh, cầm tờ giấy xanh, đột ngột kêu lên: “Ối, cán bộ định gài tôi chết à?
Quy định đâu có cho tù nhân giữ tiền mặt. Cán bộ đưa thế này rồi khi đi mất,
tôi đâu biết thế nào mà giải thích tờ tiền này”. Tay cán bộ sững lại rồi nói: “Ấy,
sao thế, chị cứ cầm đi, không sao cả, ở đây ai cũng thấy tôi đưa mà. Đây là ngoại
lệ”. Quả là ngoại lệ, vì đó là lần đầu tiên trong nhà giam, một tù nhân được
cán bộ “mừng tuổi đầu năm”…
Ở tù ngày Tết cũng có… đánh bạc. Dĩ nhiên
“đánh chui” và phải thuê người canh gác hẳn hoi. Chị Nghiên kể, năm đó, một tù
nhân tên Thu (tên đã đổi) kiếm được chân canh gác cho đám xóc đĩa cùng phòng.
Thu nghĩ bụng làm cái chân cảnh giới cho bọn cờ bạc mấy ngày Tết cũng kiếm được
đôi chút. Thu làm trót lọt vài vụ. Chiều mồng hai Tết, đang canh thì cô ấy bỗng
buồn… đi cầu. Chắc mấy hôm ăn uống linh tinh quá. Thế là Thu vọt vào “nhà mét”
(cách nói trong tù chỉ nhà vệ sinh), không kịp báo lại cho đám cờ bạc. Đúng lúc
Thu rời chốt canh thì cai tù ập đến, tóm gọn cả đám đang máu me đỏ đen. Lúc bị
áp giải lên văn phòng lấy khẩu cung, các con bạc vẫn còn ngơ ngác và dáo dác
thì thào hỏi nhau, cái Thu biến đâu mất rồi nhỉ. Thế là Thu bị khai ra,
cả tội đánh bạc lẫn tội làm “ăng ten” cho đám cờ bạc…
Có một câu chuyện xúc động liên quan ăn Tết
trong tù, đặc biệt đối với những tù chính trị bị biệt giam. Trường hợp Hòa
thượng Thích Thiện Minh là điển hình. Thầy Thích Thiện Minh lãnh hai bản án
chung thân của chế độ mới sau 1975 (ông bị bắt năm 1979; được trả tự do vào năm
2005, sau 26 năm trong tù, nhờ sự can thiệp Liên Hiệp Quốc). Khi còn ở bên
ngoài, thầy Thích Thiện Minh luôn lên tiếng đòi quyền tự do tôn giáo và tín ngưỡng.
Vào tù, thầy tiếp tục đấu tranh đòi quyền lợi cho tù nhân, đặc biệt dịp lễ Tết,
hoặc cho những người bị bệnh mà không được chăm sóc. Đổi lại, thầy phải nhận biệt
giam (xin đừng nhầm với Thầy Thích Thiện Minh, cựu Viện trưởng Viện Hóa Đạo,
người cũng bị chính quyền cộng sản bắt, lưu đày; và mất tại Hàm Tân năm 1978).
Năm đó, thầy Thích Thiện Minh bị nhốt trong
phòng biệt giam ở trại Xuân Lộc-Đồng Nai, chân bị cùm, xung quanh kín mít, trừ
khoảng trống le lói ánh sáng từ ô cửa nhỏ. Thầy Thích Thiện Minh kể, thường những
lúc như vậy thầy nằm im nhắm mắt. Những tù nhân khác thường không dám bén mảng
gần buồng biệt giam. Tuy nhiên, lần này, có một người sốt ruột và bồn chồn tảng
lờ đi bộ quanh phòng biệt giam của thầy Thích Thiện Minh. Đó là Linh mục Trần
Đình Thủ. Linh mục Thủ là người sáng lập Dòng Ðồng Công Việt Nam. Cha bị bắt
năm 1987 vì tội “soạn thảo tài liệu tuyên truyền phản động chống Đảng và
Nhà nước”. Cha bị xử án chung thân, sau giảm xuống còn 20 năm (ông được trả tự
do năm 1993 và mất năm 2007, hưởng thọ 101 tuổi).
Trở lại câu chuyện Thầy Thích Thiện Minh. Khi
đến gần buồng biệt giam thầy Thiện Minh, Cha Trần Đình Thủ đi chầm chậm, ngó
quanh quan sát. Cho đến khi thấy tay bộ đội cầm súng gác trên chòi cao không để
ý, ông vội vàng đến khe cửa sổ phòng biệt giam, kêu khẽ, và đẩy nhanh một viên
kẹo vào. “Chỉ là một viên kẹo thôi, nhưng cả đời này, tôi không bao giờ quên được”,
thầy Thích Thiện Minh kể lại. Thầy nói thêm, khi ông ngậm viên kẹo, vị ngọt của
nó là cảm giác không bao giờ ông có thể tả nổi…
Tuấn
Khanh & Mạnh Kim thực hiện
“Ăn Tết trong tù” là bài viết trong ấn phẩm Xuân
Saigon Nhỏ. Giai phẩm Xuân Saigon Nhỏ, phát hành vào đầu Tháng Mười Hai 2021,
với hơn 200 trang, còn nhiều bài viết thú vị khác – với sự cộng tác của: TS Dương Ngọc Dũng; Ông Phạm Phú Minh; Ông Quyên
Di; Ông Song Thao; Ông Nghĩa Bùi; Ông Lê Tây Sơn; Ông Lê Nguyễn; Ông Phạm Cao
Phong; Ông P. Nguyễn Dũng; Ông Nguyễn Ngọc Chính; Bà Đông Vy; Ông Phạm Công
Luận; Ông Nguyễn Trọng Chức; Ông Huy Thọ; Bà Thúy Hà… Mời quý vị mua đọc và chia sẻ. |
No comments:
Post a Comment