Monday, November 29, 2021

TẠI SAO NGƯỜI KURD Ở IRAQ LIỀU MẠNG ĐỂ ĐẾN CHÂU ÂU? (BBC News Tiếng Việt)

 


Tại sao người Kurd ở Iraq liều mạng để đến châu Âu?

BBC News Tiếng Việt

28 tháng 11 năm 2021

https://www.bbc.com/vietnamese/world-59430532

 

https://ichef.bbci.co.uk/news/800/cpsprodpb/EA58/production/_121829995_ed375614-326e-4dce-a992-fc894c38cfe7.jpg

Những người di cư không rõ danh tính chuẩn bị vượt qua eo biển Manche

 

Nhiều người trong số 27 di dân thiệt mạng do lật thuyền hôm thứ Tư (24/11) trên đường từ Pháp vào Anh, có cả phụ nữ đang mang thai và trẻ em, được cho là người Kurd đến từ Iraq.

 

Nhiều người Kurd ở Iraq cũng đã chết trong những tuần gần đây trong cuộc khủng hoảng di dân ở khu vực biên giới giữa Belarus và Ba Lan, trong khi hàng trăm người khác tìm cách để vào Liên minh châu Âu vẫn đang bị mắc kẹt ở đó trong thời tiết băng giá.

 

Những thảm kịch xảy ra đã để lại nhiều thắc mắc là tại sao rất nhiều người từ khu vực bán tự trị Kurdistan của Iraq, nơi có tài nguyên dầu mỏ và nổi tiếng là tương đối an toàn, ổn định và thịnh vượng, vẫn muốn thực hiện những cuộc hành trình nguy hiểm như vậy.

 

Nhiều người Kurd ở Iraq mắc kẹt tại các trại nằm rải rác dọc bờ biển phía bắc nước Pháp và biên giới Belarus-Ba Lan nói rằng họ đang cố gắng thoát khỏi tình trạng khó khăn kinh tế trong khu vực và xây dựng một cuộc sống tốt hơn.

 

https://ichef.bbci.co.uk/news/800/cpsprodpb/11168/production/_121829996_0eeea62b-c45f-459e-b724-25e1a4b626f4.jpg

Người Kurd ở Iraq được biết đến là có cuộc sống tương đối ổn định và an ninh

 

Họ phàn nàn về tỷ lệ thất nghiệp cao, lương thấp và thậm chí không được trả cũng như dịch vụ công cộng nghèo nàn, tham nhũng tràn lan và mạng lưới bảo trợ liên quan đến hai dòng họ lớn - Barzani và Talabani - và các đảng chính trị của họ, vốn đã chia sẻ quyền lực trong gần ba thập kỷ.

 

"Không có hy vọng ở Kurdistan. Người trẻ đều phải di cư, ngoại trừ những người được các đảng cầm quyền hậu thuẫn", một thanh niên ở trại Dunkirk nói với Pishti News.

 

Một phụ nữ ở cùng trại cho biết chồng cô đã phục vụ trong lực lượng an ninh Peshmerga của khu vực trong nhiều năm, nhưng họ đã di cư sang châu Âu sau khi anh ta không được trả lương trong nhiều tháng.

 

"Chúng tôi hy vọng về một cuộc sống tốt đẹp hơn khi chúng tôi đến được [Vương quốc Anh], một tương lai tốt đẹp hơn các con tôi."

 

Khó khăn về kinh tế

 

Khu vực Kurdistan có dân số hơn 5 triệu người, trong đó có khoảng 1,3 triệu người làm việc chính phủ.

 

Điều đó có nghĩa là nhiều gia đình đã phải chịu thiệt hại nặng nề khi chính phủ cắt giảm lương trong lĩnh vực công lên tới 21% vào đầu năm ngoái. Sau đó, chính phủ thậm chí không trả lương trong vài tháng vì khủng hoảng tài chính do đại dịch Covid gây ra, cuộc khủng hoảng liên quan đến giá dầu thế giới, và những bất đồng với chính phủ liên bang ở Baghdad về phân bổ ngân sách.

 

https://ichef.bbci.co.uk/news/640/cpsprodpb/13711/production/_121833697_8ee50f8d-5988-4e20-907e-e87e80cc19e4.jpg

Bản đồ Khu Vực Kurdistan

 

Mặc dù việc cắt giảm lương đã được lùi lại vào tháng 7 này, nhưng không rõ người lao động đã nhận được số tiền mà họ nợ hay chưa.

 

Giá dầu hiện đã tăng trở lại và nền kinh tế đang phục hồi, nhưng tình trạng thiếu việc làm, lương thấp và nghèo đói vẫn tiếp tục gây ra các cuộc biểu tình.

 

Tuần này, hàng nghìn sinh viên đại học đã xuống đường ở hai thành phố lớn nhất là Irbil và Sulaimaniya để yêu cầu khôi phục các khoản trợ cấp hàng tháng đã bị ngưng từ năm 2014 sau khi giá dầu giảm tiếp và cuộc chiến với các nhóm thánh chiến của Nhà nước Hồi giáo (IS) nổ ra.

 

Một sinh viên nói với hãng tin AFP: "Có những sinh viên không đủ khả năng để về quê ở các tỉnh, nhiều sinh viên khác không đủ tiền ăn ba bữa một ngày."

 

Một số cuộc biểu tình đã trở thành bạo lực. Họ đốt các tòa nhà chính phủ và văn phòng của các đảng phái chính trị. Lực lượng an ninh đã bắt giữ hàng chục học sinh.

 

Chính phủ Iraq đang phải đối mặt với những chỉ trích về phản ứng của họ với giới bất đồng chính kiến. Tháng 5/2021, Liên Hợp Quốc cảnh báo rằng nhà báo, nhà hoạt động nhân quyền và người biểu tình chất vấn hoặc chỉ trích chính quyền không chỉ có nguy cơ bị đe dọa, hạn chế đi lại và bắt giữ tùy tiện, mà còn bị truy tố về tội phỉ báng và an ninh quốc gia.

 

Cuộc chiến với Thổ Nhĩ Kỳ

 

Xung đột gia tăng gần biên giới phía bắc với Thổ Nhĩ Kỳ cũng được cho là nguyên nhân dẫn đến vệc nhiều người di cư khỏi Khu vực Kurdistan, trong đó có hàng trăm người từ hai thị trấn ở tỉnh Duhok là Shiladze và Deralok gần đó. Họ được cho là những người đã tìm cách đến Liên minh châu Âu qua Belarus từ mùa xuân.

 

Những ngọn núi nằm giữa biên giới Thổ Nhĩ Kỳ-Iraq được sử dụng làm căn cứ của nhóm phiến quân Đảng Công nhân người Kurd (PKK), lực lượng đã chiến đấu cho quyền tự trị của người Kurd ở Thổ Nhĩ Kỳ từ năm 1984 và bị Mỹ, Anh và EU coi là tổ chức khủng bố.

 

https://ichef.bbci.co.uk/news/800/cpsprodpb/15E21/production/_121833698_b2f2cbed-9757-46e0-8257-db08c8c8a29a.jpg

Lực lượng PKK của người Kurd đã chiến đấu trong cuộc nổi dậy từ năm 1984

 

Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ được cho là đã tăng cường các cuộc tấn công vào PKK từ tháng 4, với máy bay chiến đấu và máy bay không người lái nhắm vào các vị trí của PKK và các nhóm phiến quân có tiếng, và các vị trí mà binh lính Thổ Nhĩ Kỳ chiến đấu với tay súng PKK trên bộ thuộc địa khu vực bắc Iraq.

 

Quan chức người Kurd ở Iraq cho biết dân thường đã thiệt mạng trong các cuộc tấn công của Thổ Nhĩ Kỳ, trong khi nhiều tay súng địa phương Peshmerga đã thiệt mạng trong các cuộc tấn công được đổ lỗi do PKK phát động.

 

"Khu vực của chúng tôi bị bao vây, nằm trong vùng kiểm soát của PKK và Thổ Nhĩ Kỳ. Khu vực của chúng tôi ở rất là tốt, nhưng chúng tôi sợ và không tin tưởng ở lại đây", một người đàn ông từ Shiladze, có cậu con trai 19 tuổi, đã đến Đức, trả lời Reuters vào tháng trước.

 

Thủ tướng chính quyền tự trị người Kurd khu vực Kurdistan, Masrour Barzani, khẳng định cuộc di cư gần đây của người Kurd đến châu Âu "không phải là vấn đề di cư, mà là vấn đề tội phạm buôn người, có những người di cư bị các mạng lưới tội phạm lợi dụng và vướng vào tranh chấp giữa Belarus và Liên minh châu Âu."

 

Ông kêu gọi các nước châu Âu giúp đỡ để ngăn chặn những kẻ buôn người, cũng như hỗ trợ tài chính để giúp đỡ cải cách và tăng cường đầu tư vào khu vực Kurdistan nhằm tạo việc làm.

 

VIDEO:

‘Tôi có thể chết trên biển nhưng tôi sẽ không bao giờ ở lại đây’

https://www.bbc.com/vietnamese/world-59430532

 

                                                         ***

TIN LIÊN QUAN

 

Anh kêu gọi trấn áp nạn buôn người sau khi 27 người chết vì lật thuyền

25 tháng 11 năm 2021

.

Chính quyền Belarus cố tình 'thả di dân' vào Lithuania, Latvia và Ba Lan?

11 tháng 8 năm 2021

.

Di dân: Nhiều người Việt sẵn sàng 'đánh đổi mạng sống' để vào Anh

16 tháng 11 năm 2021

.

‘Tôi có thể chết trên biển nhưng tôi sẽ không bao giờ ở lại đây’, Thời lượng 4,21

26 tháng 11 năm 2021





No comments: