Saturday, November 27, 2021

THẢO TRƯỜNG - NHÀ VĂN DẤN THÂN và NHẬP CUỘC - ĐI TÌM CON NGƯỜI QUA CHIẾN TRANH và LAO TÙ (Nguyễn Văn Lục)

 


Thảo Trường – nhà văn dấn thân và nhập cuộc – đi tìm con người qua chiến tranh và lao tù   

Nguyễn Văn Lục

27/11/2021

http://www.danchimviet.info/thao-truong-nha-van-dan-than-va-nhap-cuoc-di-tim-con-nguoi-qua-chien-tranh-va-lao-tu/11/2021/24523/

 

http://www.danchimviet.info/wp-content/uploads/2021/11/thao_truong-696x523.jpg

Nhà văn Thảo Trường (1936-2010)

 

Có những nhà văn mà phong cách trí thức cũng như tình người để lại trong tôi những dấu ấn sâu sắc đến khó quên. Nó ở bên trong cuộc chiến mà như thế đứng bên lề cuộc chiến. Nó bỏ qua những hận thù, những tuyên truyền dối trá từ hai phía. Nó nhân danh con người để nói về con người trong những bi kịch chiến tranh. Đó là trường hợp nhà văn Thảo Trường.

 

Nhà văn Thảo Trường tên thật là Trần Duy Hưng, sinh 1936 tại Nam Định. Năm 1954 di cư vào miền Nam một mình vì bố chết, mẹ ở lại. Sau 1975, đi tù 17 năm. 1993 đến Mỹ theo diện Đoàn tụ gia đình mà vợ con ông đã sang Mỹ từ 1975.. Ông có vẻ “yên ổn” một thời gian để cầm bút viết lại. Nhưng đến ngày 14-09-2008, chị Thảo Trường ra đi sau một thời gian bị bạo bệnh. Và chỉ hai năm sau, đến lượt Thảo Trường mất ở quận Cam, California, ngày 26-08-2010 vì bệnh ung thư gan, thọ 74 tuổi.

 

Vào Nam 1954, nhà văn bắt đầu viết cho báo Sáng Tạo với truyện ngắn Hương gió lướt đi. Ký bút hiệu Thao Trường và tập truyện ngắn đầu tay Thử Lửa.

 

Bạn đọc có thể đọc thêm một cách đầy đủ bài của Đặng Tiến Orléans, bên Pháp, 6- tháng 9, 2010. Hoặc trên Talawas Blog. Hoặc Nguyễn Lệ Uyên cũng trên Talawas Blog.. Hoặc cũng Nguyễn Lệ Uyên trên tạp chí Tân Văn, số 41, tháng 12, 2010, từ trg 118.

 

Tôi chỉ xin trích dẫn vài ý tưởng của Thảo Trường để lại: “ Công việc nối liền hai miền, xóa đi cái ranh giới trong tâm hồn chúng ta là công việc làm của chúng ta” Thử Lửa, trg. 26-27). “ Biên giới của đất đai, nó không là biên giới của tư tưởng..(..)Tôi đứng gác ở tiền tuyến cho nửa dân tộc yêu nhau và tin tưởng con sông trước mặt tôi sẽ không là biên giới” (trg 88).

 

Phần Nguyễn Văn Trung nhận xét về Thử Lửa. : “ Tôi coi Thảo Trường như một trong những người đang đi vào truyền thống của những nhà văn mà sứ mệnh là  là nhắc nhở con người những giá trị làm người thường xuyên bị quên lãng hay bị chà đạp bởi chính con người” ( Trích Xây dựng tác phẩm tiểu thuyết của nguyễn Văn Trung, Tự Do Sàigòn xuất bản 1962, trg 110-114.).

 

Trên đây là trích dẫn vài ý tưởng sâu sắc của một nhà văn nhìn về cuộc chiến với cái nhìn rất con người, đôi chút tin tưởng lãng mạn khi giáp mặt với cuộc chiến. Nhưng tầm nhìn đụng đến mỗi con người và xứng đáng để chúng ta cùng suy nghĩ.

 

Cũng theo Đặng Tiến, truyện Người đàn bà trên kinh Đồng Tháp đã được dịch  ra tiếng Pháp và đăng trên Témoignage Chrétien và được phổ biến rộng rãi trên thế giới. Sau này được in chung trong một tuyển tập gồm 10 tác giả do Nguyễn Ngọc Lan dịch ra tiếng Pháp dưới nhan đề:  Le crépuscule de la violence ( Hoàng Hôn của bạo lực)nxb Trình Bày, 1970, Sài Gòn.

 

Sau này đọc những  truyện ngắn như Hương Gió lướt đi, vẫn thấy đượm tình người, vẫn tính tính chất thật thà, trung thực và dung dị. Nó không có mầu mè, giả tạo cũng không cường điệu.

 

Đặc biệt, những truyện ngắn trong giai đoạn đầu cầm bút của Thảo Trường với các nhân vật chính diện đều là  “me tây”, những mảnh đời còn rơi rớt lại của thời kỳ cuối trào của thực dân Pháp. Giai doạn sau 1954, khi đã di cư vào miền Nam thì các nhân vật truyện trong Đò Dọc, Xác Chết, các nhân vật truyện cũng gắn kết vào các cô gái làng chơi có tên là Kim hay Ngân trong bối cảnh những thân phận người bị bỏ rơi bên lề xã hội.

 

Khi sang Mỹ định cư năm 1993 thì cuốn Tiếng Thì Thầm Trong Bụi Tre Gai, in lại 1995, ở Paris. Rồi tiếp theo tại Mỹ xuất bản Đá Mục, 1998. Tầm Xa Cũ Bắn Hiệu Quả ( 1999) Mây Trôi. (2002). Miểng ( 2005). Thềm Đá Xanh Rêu.(2007)

 

( Xem thêm bài Phạm Phú Minh: Trò chuyện với nhà văn Thảo Trường, thứ bảy, 4 tháng 9, 2010 trên Diễn Đàn Thế Kỷ) có câu hỏi:

 

Phạm Phú Minh- Tác phẩm nào trước 1975 mà anh bằng lòng nhất?

 

Thảo Trường cho biết: thích nhất như truyện: Người đàn bà mang thai trên kinh Đồng Tháp, hoặc Viên Đạn bắn vào nhà Thục. Nhưng ông còn nói thêm: Có một truyện tôi muốn dùng một nhân vật ngoài cuộc chiến nhìn vào cuộc chiến ấy. Đó là một nữ sinh trong một trường nội trú trốn ra về với mẹ và chứng kiến cảnh chiến tranh. Cô đã thấy cảnh đánh nhau, cảnh giết nhau, thấy những tử thi.. Tôi muốn dùng một nhân vật không biết gì về cuộc chiến để nhìn cuộc chiến đó. Đó là truyện Thềm Đá Xanh Rêu.

 

Đó cũng là cung cách viết văn khá đặc biệt, biểu lộ cá tính con người nhà văn của Thảo Trường.

 

Một vài ghi chú

 

Các truyện ngắn, truyện dài của Thảo Trường, trước 1975 ỏ trong nước, khi được xuất bản đều ghi rõ năm xuất bản cũng như nhà xuất bản để tiện cho người đọc và người nghiên cứu, tham khảo. Chẳng hạn:

 

Thử Lửa nxb Tự Do, 1962

Chạy trốn nxb Nam Sơn, 1964

Người Đàn bà mang thai trên kinh Đồng Tháp, nxb Trình Bày, 1966

Vuốt Mắt, nxb Thể Hiện, 1969

Chung Cuộc,  nxb Trình Bày, 1968

Bên Trong, nxb Trình Bày 1969

1.    Trâm, nxb Gió 1969

Ngọn Đèn, nxb KCN,  1970

Mé Nước, nxb Đồng Tháp, 1971

Cánh Đồng đã mất nxb Văn, 1971

Bên đường rầy xe lửa, nxb Mây Hồng, 1971

Người khách lạ trên quê hương, nxb Đại Ngã, 1972

Lá Xanh, nxb Phục Hưng, 1972

Hà Nội, Nơi giam giữ cuối cùng, tùy bút nxb Đại Ngã 1973

Cát, nxb Như Ý, 1974

 

Khi ở Hải ngoại thì thông lệ ấy không còn hoàn toàn được tôn trọng, trừ vài trường hợp.

 

Tiếng thì thầm trong bụi tre gai, nxb Tin Paris, 1995

Chạy Trốn (tái bản) nxb Nam Sơn Canada, 1995

Đá Mục, nxb Đồng Tháp, USA, 1998.

 

Nhưng theo tôi được biết, mặc dầu để in U.S.A, nhưng thật ra có 8 truyện do Tạp chí Tân Văn ở California đã đứng ra in và phát hành. Đó là các truyện sau đây:

 

Tiếng Thì Thầm Trong Bụi Gai. ( in lại)- Rừng Tràm-Thử Lửa-Đá Mục-Miểng-Mây Trôi-Thềm đá xanh rêu-Tầm xa cũ bắn hiệu quả.(Tất cả đều đã không ghi nxb tạp chí Tân Văn).

 

Có thể do có duyên nợ dẫn mối chỉ đường cho Du Tử Lê của Thảo Trường với bà Thụy Châu, Saigòn- Nhỏ nên từ sách đến truyện ngắn một phần do Tân Văn đảm đương. Đã có nhiều truyện ngắn của Thảo Trường được đăng trên Tân Văn như Rừng Tràm, Trong Hang, Hành Khách,Trong Hầm trú ẩn, Người nuôi tùvv… Cho đến trước ngày Thảo Trường qua đời mới ngưng đăng.

 

Và rất đặc biệt có truyện ngắn: Nước Tiểu, đăng trên Tân Văn, số 22, tháng 5 2009, từ trang 101. Cũng như truyện ngắn Người nuôi tù, Tân Văn số 23, tháng 6, 2009. Tôi thú thật chưa tìm thấy ở đâu hai truyện ngắn này. Tôi có cảm tưởng ông chỉ cho đăng trên Tân Văn mà không ở chỗ nào khác. Văn Phong, cốt truyện cũng khác thường mà nhiều phần là truyện tự sự riêng tư. Tôi nêu lên như một nghi vấn để xem ai có lời giải đáp dùm.

 

 

Thảo Trường khi ông viết cho tạp chí Hành Trình của Nguyễn Văn Trung.

 

Đây là một giai đoạn đã trưởng thành, đã chín mùi và chững chạc về ý hướng của một nhà văn, báo hiệu một tiềm năng và một địa vị vững vàng trong Văn Học, đi theo những dòng thác lũ thời đại đòi tác giả thay đổi lối nhìn, đòi dấn thân và nhập.

 

Nhà văn nay ý thức được thân phận nhược tiểu, trôi cuốn theo dòng thời cuộc với chiến tranh giữa gọng kìm của hai thế lực thù địch từ hai phía.

 

Chinh ở chỗ ấy, ông được coi như một trí thức tiến bộ và cấp tiến như một số bạn bè, đồng nghiệp khác có chung một quan điểm nhìn về thời cuộc xã hội xáo trộn, về chiến tranh bạo tàn và phi lý.

 

Ở đây, đúng hay sai lại là một vấn đề khác, tùy theo vị trí, hoàn cảnh của mỗi người trong cuộc chiến.

 

Vấn đề là nó đã nói lên được điều gì trong những hoàn cảnh ấy. Nói một cách “sang trọng” thì nó đã gửi được thông điệp gì cho đời sau?

 

 Nhưng nói chung, họ là những thành phần được coi như có thể là nạn nhân bị khước từ của cả hai phía trong cách nhìn có vẻ như trái chiều của họ.

 

Vì thế, có quan điểm xếp ông vào loại nhà văn phản chiến?

 

Để trả lời cho quan điểm của một số người, ông đã dứt khoát trả lời.

 

Trước hết tôi là người tham chiến. Nếu có ai bảo tôi là phản chiến là không đúng, vì tôi ở trong cuộc chiến đó. Những năm đầu sĩ quan của tôi, tôi đi theo những đơn vị tác chiến từ vĩ tuyến 17 đến dòng sông Cửu Long và làm những công việc như đi tiền sát cho pháo binh trong những trận đánh. (…) .

 

Tất cả những cái đó dù muốn dù không cũng “ám “ vào tác phẩm của tôi.”

 

(Trích bài Trò chuyện với nhà văn Thảo Trường giữa Phạm Phú Minh vào ngày 4 tháng 8 năm 2008 đăng trên Diễn Đàn Thế Kỷ 21, thứ bảy 4-9-2010)

 

Mặc dầu theo như lời trần tình khiêm tốn của ông, ông không đỗ tú tài, không được lên đại học và vì thế đã tình nguyện gia nhập quân trường Thủ Đức trong  ngành pháo binh và khi ra trường được điều ra Quảng Trị, vùng vĩ tuyến 17.

 

Nhưng chính ở nơi đây, ông rút tỉa được những bài học, hình thành những mẩu truyện mang cung cách của một người vừa là người lính, vừa là nhà văn, vừa là người trí thức theo đúng nghĩa của nó qua cuốn Thử Lửa.

 

Cũng cần minh định rõ ở đây số Hành Trình đầu tiên không phải là truyện Người đàn bà mang thai trên kinh Đồng Tháp.

 

Số Hành Trình đầu tiên ra  mắt tháng 10-1964 với truyện ngắn Thằng Du Đãng. Số 2, vào tháng 11- 1964 với truyện ngắn Mặt Đường.  Số 3-4 tháng giêng- 1965 mới  tới truyện: Người đàn bà mang thai trên kinh Đồng Tháp.

 

Đã có lần được hỏi ý kiến ông, truyện ngắn nào làm ông tâm đắc nhất. Ông  không ngần ngại cho biết là truyện Người đàn bà mang thai trên Kinh Đồng Tháp. Và một cuốn khác Viên Đạn Bắn Vào Nhà Thục.( Thật ra nguyên tên truyện là “Nhãn hiệu Mỹ”  vì có câu “đạn này nhãn hiệu Mỹ” nên bị Sài gòn kiểm duyệt đục bỏ.

 

Phải nhìn nhận và đồng tình về sự đánh giá của chính tác giả và nhiều nhà văn, bạn đọc khi đề cập đến truyện Người Đàn Bà  Mang Thai trên Kinh Đồng Tháp.

 

 

Nó vượt trội trên chính các truyện ngắn khác của tác giả.

 

Nó cũng khẳng định một lần chỗ đứng, vị trí của ông trong văn học miền Nam. Một chỗ đứng độc lập và riêng biệt.

 

Nó thật ấn tượng về tình người trong chiến tranh, thật sâu sắc và nhạy bén trong những hoàn cảnh đầy bất trắc của những vùng xôi đậu mà thân phận người phụ nữ trở thành nạn nhân hai lần từ hai phía. Nó cũng biểu lộ mặt thật của con người trong trách nhiệm vừa là người lính ngoài mặt trận vừa là một con người trong cuộc chiến. Tư cách một binh sĩ VNCH đứng vững với trách nhiệm mà tình người là trên hết so với cung cách người lính phía bên kia đổ trách nhiệm ấy cho Đảng.

 

Truyện như một bày tỏ, không một lời lên án và để cho người đọc tự suy nghĩ và chọn lựa thái độ. Câu truyện xem ra thật giản dị, nhưng để lại những ấn tượng sâu sắc. Và xin mời bạn đọc cầm lấy mà đọc.

 

Thảo Trường viết cho Hành Trình, Đất Nước không phải  chỉ với tư cách một nhà văn gửi bài. Ông còn tham gia vào sinh hoạt của nhóm và đảm nhiệm những vai trò “ Không tên” như đảm nhận thêm  giúp việc phát hành- do có phương tiện riêng- ông chở báo đi nơi này nơi kia.

 

 

Đôi dòng về các tác phẩm của Thảo Trường và ghi lại truyện: Người đàn bà mang thai trên kinh Đồng Tháp

 

Ông có tất cả 14 đầu sách xuất bản trước 1975, bao gồm có truyện ngắn, truyện dài, một tập tùy bút và có thêm một cuốn tiểu thuyết Bà Phi, đăng trên báo Tiền Tuyến hàng ngày khoảng 2000 trang.( Cuốn này đã thất lạc và tác giả chỉ còn giữ lại được khoảng  500 trang) Và 8 cuốn ở hải ngoại.

 

http://www.danchimviet.info/wp-content/uploads/2021/11/thaotruong.jpg

Một số tác phẩm của Thảo Trường

 

Cũng phải kể đến Thử Lửa, 1962, cuốn truyện đầu tiên của tác giả khởi đầu cho giai đoạn chiến tranh Việt-Pháp với tình tự dân tộc không phân rẽ chiến tuyến mà chúng ta đã có dịp nhắc đến.

 

Viết trong chiến tranh đã là một truyện như các truyện Người đàn bà mang thai trên kinh Đồng ThápCánh đồng đã mất.

 

Viết trong những năm tù cải tạo- tròm trèm 17 năm( 16 năm, 4 tháng, 4 ngày) lại là một chuyện trong bối cảnh khác nữa. Như Tiếng thì thầm trong bụi tre gai và truyện Những đứa trẻ đầu thai giữa hàng rào.

 

Ra tù năm 1992, sang Mỹ đoàn tụ gia đình năm 1993, Thảo Trường viết được 8 cuốn mà tiêu biểu là tuyển tập là Những miểng vụn của tiểu thuyết.

 

Hoàn cảnh nào thì có những truyện ấy.

 

Nhưng tóm lại chiến tranh vẫn bàng bạc, lan tỏa, bay lượn trong các tác phẩm của ông- hệ quả của nó trong chiến tranh, hệ quả của nó trong chốn lao tù cộng sản, hệ quả của nó ngay cả trong thời gian đoàn tụ với gia đình-. Nó cũng là những kỷ niệm một thời trong thời kỳ lao cải tại các trại giam.

 

Chiến tranh trong nhiều mặt đã chiếm toàn diện tâm tư và các trước tác của tác giả như Nhận định của Nguyễn Lệ Uyên: Chiến tranh dưới ngòi bút của Thảo Trường được đăng trong Tân Văn số 41, trang 118-125, tháng 12, 2010 với lời trích dẫn:

Chiến tranh hả?

Chiến tranh là cái c. chó gì? (Thảo Trường. Trich dẫn trong truyện Cánh Đồng đã mất, trg 71)

 

 

Về cuốn Người Đàn Bà Mang Thai Trên Kinh Đồng Tháp

 

Thay vì chỉ tóm tắt truyện như thường lệ, tôi không cưỡng lại được là cần kể lại toàn truyện để độc giả nào chưa có cơ hội đọc thì như thể được đọc đầy đủ nội dung truyện.

 

Câu truyện xảy ra tại quận lỵ Mỹ An trên một bờ kinh mà cây cói mọc um tùm che phủ gần như hết ánh sáng của mặt trời chiếu xuống dòng nước. Con kinh mà bề rộng chỉ khoảng 10 thước, nước đục lờ lờ với vài cây bèo can phận hẻo lánh.

 

Nhà cửa chỉ rải rác dưới những lùm cây. Với rất nhiều những con lạch nhỏ từ cánh đồng ăn thông ra con kinh. Với những cây cầu khỉ bắc ngang những con rạch đó.

 

Nhà chị Tư ở khoảng giữa con kinh, gần bến đò, cuối đường đi vào Tháp.

 

Chị Tư  sống và lớn lên ở đây. Con kinh đã cô lập trong những kỷ niệm chật chội. Chị chưa đi xa hơn đầu con kinh, chị Tư chưa đi quá chợ Quận.

 

Chồng chị tập kết từ 10 năm không về. Thỉnh thoảng chị cũng nhận được thư của anh do mấy người  cán bộ chuyển từ ngoài Bắc vào. Vợ chồng lấy nhau độ chừng nửa năm thì anh Tư đi theo bộ đội tập kết. Chị Tư ở lại với bà mẹ chồng quanh quẩn mòn mỏi. Bà mẹ anh Tư đã chết cách đây hai năm với một niềm ân hận không gặp lại được con trai duy nhất của bà. Chị Tư nay chỉ còn một mình với đứa con trai để lại của anh Tư trong căn nhà vắng vẻ.

 

Vào những buổi chiều chị ra ngồi bờ tre sau nhà nhìn ra cánh đồng trống mênh mông nghĩ tới anh Tư. Lúc đó niềm cô đơn trong lòng chị nhức nhối rát ruột rát gan và chị ứa nước mắt cho số phận.

 

Những đồng chí của anh Tư trở lại, lúc đầu còn ẩn hiện trong xóm, dần dần họ đi lại công khai và tầm hoạt động của những người dân vệ trong đồn càng ngày càng thu hẹp lại. Đến một đêm súng nổ ran và lửa cháy thiêu trụi tất cả đồn đó. Ngay hôm sau máy bay đến, oanh tạc dọc theo bờ kinh làm cho những cây cối vốn khẳng khiu lại càng khẳng khiu vì bị những làn đạn làm ngã gục. Rồi thôi..

 

Nay các anh bộ đội lại tập trung dân xóm học tập.

 

Chị Tư biết đến những tiếng: Tự Do, Dân Chủ, Độc Lập, Hạnh Phúc, căm thù, đả đảo.. và nhiều tiếng khác từ đó..

 

Nhưng chừng độ  hơn một năm sau quân đội Quốc Gia đến. Những anh cán bộ liền vắng mặt..Chị Tư lại biết thêm một số tiếng lạ nữa. Chị đi làm Ấp chiến lược. Chị học tâp tam-túc, tam-giác trong vòng đai Ấp chiến lược. Đồn dân vệ được xây cất lại với bộ mặt tạm yên được một dạo..

 

Rồi những anh cán bộ lại ẩn hiện. Rồi dân vệ lại nổ súng và cháy trụi.

 

Chị Tư lúc này đã biết tới hai chủ nghĩa: Cộng sản và Nhân vị.

 

Rồi chị được đề cử đi binh vận tại chợ Quận. Mới đầu chị nhất định từ chối không làm công tác đó. Nhưng sau cùng chị nhận được một lá thư từ ngoài kia gửi vào. Thư của anh Tư khuyên chị hăng hái đi công tác binh vận.

 

Chị Tư khăn gói lên chợ Quận với một anh cán bộ giả dạng làm em trai.

 

Chị mở một quán cháo và từ quán cháo đó, chị quen với một anh binh sĩ truyền tin. Chú em trai của chị nay cũng trở thành một anh dân vệ trong Quận.

 

Thời gian này, chị hầu như quên anh Tư.

 

Và chị Tư đã được sống lại những cảm giác khoái lạc đến hỗn độn với anh binh sĩ truyền tin và chú em trai cán bộ. Chị dãy dụa trong những niềm hoan lạc tràn ngập đó.

 

Cuối cùng đến một hôm cái thai trong chị máy động làm chị bàng hoàng. Chị Tư hỏi nó là của ai? Của anh cán bộ hay anh binh sĩ truyền tin.

 

Chị muốn biết của ai? Cái thai của ai cũng được, nhưng phải biết chắc được của người nào? Chị khóc ròng bỏ công tác binh vận và trở về xóm cũ.

 

Anh cán bộ cũng bỏ về xóm với chị. Anh hằn học, mắng nhiếc chị đã làm hỏng kế hoạch của anh. Anh hành hạ chị ngay cả lúc anh ngủ với chị.

 

Cái thai mỗi ngày mỗi lớn dần đập mạnh. Một hôm chị hỏi anh cán bộ cái thai trong bụng chị là của ai. Anh ta bảo con của Đảng.

 

Trong phong trào thi đua đặt cạm bãy phòng thủ xóm, anh cán bộ giao cho chị Tư một quả lựu đạn bảo chị phải kẻ một khẩu hiệu: “Đả đảo Đế quốc Mỹ” mắc lên một thân cây và gài một trái lựu đạn đằng sau tấm biểu ngữ làm bẫy. Anh ta chỉ dẫn cho chị cách gài bãy. Anh còn làm cho chị xem rồi tháo ra để chị làm lấy.

 

Chị Tư ì ạch kẻ khẩu hiệu “Đả đảo đế quốc Mỹ” trên một miếng ván gỗ. Chị Tư ì ạch vác thang ra gốc cây trước cửa nhà. Chị Tư ì ạch mang chiếc bụng chửa lên thang đóng đinh tấm bảng vào thân cây và buộc quả lựu đạn nơi phia sau tấm bảng. Chị ì ạch cột xong sợi giây oan nghiệt từ cái chốt quả lựu đạn sang một cành cây..

 

Vã mồ hôi, chị vào thay quần áo khác, rồi chị ứa nước mắt nhìn tấm bảng.

 

Chị Tư dắt anh cán bộ vào giường, đè ngửa anh xuống rồi chị khóc nức lên từng tiếng: “ tôi đây, tôi là của anh, nhà của tôi là của anh, cái bào thai này là của anh. Nó phải là của anh.”

 

Anh cán bộ ú ớ dưới ngực chị: “ Nó là của Đảng.. tất cả của Đảng.”

 

Cuộc hành quân của quân đội Quốc Gia đến xóm đó thì dừng lại. Người sĩ quan chỉ huy bước vào nhà chị Tư. Anh cán bộ không còn đó. Chị Tư ngồi ôm bụng trên chiếc trõng tre nhìn người sĩ quan. Bên ngoài toán lính xục xạo tìm kiếm.

 

Người sĩ quan ra ngoài lệnh đám lính đừng đụng vào tấm bảng.

 

Người sĩ quan  bước ra dưới gốc cây nhìn lên quan sát rồi hỏi chị Tư, ai gài tấm biểu ngữ “ Đả đảo đế quốc Mỹ” ngoài kia. Chị Tư nói, tôi gài. Người sĩ quan bảo ra gỡ xuống. Chị Tư nói lậy cậu nổ chết tôi.. Người sĩ quan lại hỏi chồng chị đâu. Chị Tư trả lời chồng chị đi mất tích từ 10 năm rồi. Người sĩ quan nói tập kết hả. Chị Tư gật đầu và y quát chị ra gỡ tấm bảng xuống. Chị làm chị chịu, ai bảo gài lên.

 

Chị Tư vẫn ngồi ì ra. Người sĩ quan rút súng lên đạn. Chị Tư hoảng sợ ôm bụng ì ạch đứng dậy. Chị Tư ì ạch dơ cây gậy lên dáng một cái thật mạnh vào tấm khẩu hiệu và trái lựu đạn văng xuống.. Chị Tư hốt hoảng bỏ chạy. Toán lính nằm rạp cả xuống, nhưng lựu đạn không nổ. Chị Tư ngã xấp xuống trước của nhà. Nước mắt chị ràn rụa. Chị ngất đi..

 

Chị Tư bị động thai, người sĩ quan bế chị vào nhà đặt nằm trên giường.. suốt đêm đó chị Tư sốt hâm hấp, chuyển bụng..Người sĩ quan vẫn đứng trực bên cạnh giường. Chiếc đèn dầu lập lòe chiếu bóng hắn hắt lên vách méo mó…

 

Gần sáng, chị Tư sinh một đứa con thiếu tháng. Người sĩ quan đã đỡ đẻ cho chị. Hắn làm công việc đó thật chăm chỉ.. Đứa bé khỏe mạnh khóc lên những tiếng làm người sĩ quan vui ra mặt.. Hắn rờ trán chị Tư. Chị đã tỉnh và mỉm cười với hắn. Hắn cười lại..

 

Sáng hôm sau y sĩ đơn vị đóng cách đấy hơn một cây số được mời tới săn sóc cho mẹ con chị Tư.

 

Mấy hôm sau, người sĩ quan đến Hội Đồng xã, mới được thành lập, khai sinh cho đứa bé. Hỏi cha nó đâu chị Tư lắc đầu trả lời không có nên người sĩ quan bèn khai cho nó mang họ của hắn.

 

Hắn sau đó có nói với chị Tư rằng hắn có lẽ cũng đã có nhiều con nhưng không biết chúng và chưa hề làm khai sinh cho đứa nào nên hắn đã khai sinh cho đứa nhỏ này mang dòng họ hắn.

 

NHẮN TIN: Nhắc cậu nhỏ mang dòng họ cùng với tôi, hai mươi năm nữa cậu khôn lớn( Lời nhắn tin này chỉ gửi đến cậu khi cậu đã trên hai mươi) lúc đó tôi không biết cậu sống trong hoàn cảnh nào, trong một xã hội nào. Cậu cho tôi xin cậu một điều là trước khi cậu hành động, trước khi cậu tranh đấu, trước khi cách mạng, trước khi biểu tình, trước khi đảo chánh, trước khi lật đổ, trước khi hành quân, trước khi thuyết pháp, trước khi cầu nguyện, trước khi hội thảo, trước khi thụt két, trước khi hành lạc, trước khi đập phá, trước khi hy sinh…

Nghĩa là trước khi quyết định làm một việc gì. Xin cậu hãy nghĩ đến người mang thai khốn khổ, hãy nghĩ tới những người mẹ bị rất nhiều chủ nghĩa với những danh từ hoa mỹ hành hạ”.

 

Vài ý kiến. Tôi  thiển nghĩ để bạn đọc cầm lấy mà đọc. Chê thì có thể chưa đủ tư cách vì tôi là người ở ngoài cuộc chiến. Khen có thể cũng bằng thừa.

 

Chỉ riêng số Hành Trình 3-4 do cũng có bài viết cùng loại với Thảo Trường của Thế Uyên với Chứng Từ, Nguyễn Đông Ngạc với Lịch sử và nhất là Thế Nguyên- người cầm chịch tờ báo với bài: Tấm căn cước bọc nhựa hay là vết tích của sự nhục nhã. Nói chung viết còn chưa tới, nhiều phần bôi bác và thổi phồng một vài sự kiện không đáng. Khoảng cách xa nhau đến cả ki lô mét so sánh làm gì?

 

 

Đôi lời kết luận

 

Số lượng truyện ngắn và truyện dài của nhà Văn Thảo Trường từ trong nước trước 1975, 17 năm với tư cách một sĩ quan quân đội, xuất thân khóa 6 trường Võ bị Thủ Đức lăn lộn trên nhiều chiến trường với nhiều chức vụ khác nhau. Từ Quảng Trị, từ giới tuyên đến Đò Le, vào suối nước nóng Nông Sơn Quảng Ngãi, vùng ba biên giới vv. Rồi chuyển từ Quân khu 3 đến Quân khu 4 nên đã trải nghiệm qua các tỉnh miền Nam, miền Tây, qua Đồng Tháp 10.

 

Chính ở những nơi ấy đã hình thành truyện Thử Lửa, Người đàn bà mang thai trên kinh Đông-Tháp và  Tầm xa của bắn Hiệu quả mà khung cảnh là Mỹ Tho.

 

Và ông hãnh diện đã tham dự vào cuộc chiến bảo vệ miền Nam với cấp bậc cuối cùng là thiếu tá. Với tư cách nhà văn, ông đã viết:

 

Cho đến năm 1975, tội lớn nhất của cộng sản là thắng trận. Và chiến công lớn nhất của Cộng Hòa là thua trận.” ( Xem Sài gòn Nhỏ và Tân Văn phỏng vấn nhà văn Thảo Trường. Đặng Phú Phong thực hiện. Trich lại trong Thảo Trường, Rừng Tràm, từ trang 163)

 

Rồi 17 năm đi tù may mà sống còn, di chuyển hết từ trại giam này sang trại giam khác. Cũng nhờ đó, ông viết tùy bút:” Hà Nội, nơi giam giữ cuối cùng”. Rồi truyện ngắn “ Tiếng thì thầm Trong Bụi Tre Gai mà bối cảnh là trại giam ở Rừng lá, trong đó các tình tiết đều có thiệt đến 99%. Ông giải thích thêm có một thời gian bị giam trong tù cùng với mười bạn tù khác phải chăm sóc mấy trăm con bò gặm cỏ. Ông đã ngồi ở một bụi tre gai và bị muỗi sót rét chích, bị sốt rét cấp tính lên não, phát điên, tưởng chết. Được chuyển ra Phan Thiết, Bác sĩ  Tôn Thất Sang và cô y tá tên Ba tận tình cứu chữa, nhưng bệnh viện không có thuốc, anh em trại giam nhắn tin về cho ga đình ở Sài gòn, mua thuốc Nhật ngoài chợ đen nên mới thoát chết… ( Xem Đặng Phú Phong Rừng Tràm trg 174.)

 

Sau nhờ một ông Trung úy Bác sĩ chưa kịp ra trường thì chế độ sụp đổ. Ông tận tình chăm sóc cho nhà văn. Có một lần khi khám bệnh cho tôi chỉ có hai người, ông đã gọi bệnh nhân tù “ Thưa thiếu tá”. Một lần khác, cũng gặp một  bệnh nhân phòng kế bên đến chào tôi: thiếu tá. Vợ anh bưng một chén trà mời tôi, chị cúi đầu chào. Anh bảo đứa con trai khoảng 10 tuổi khoanh tay “ chào ông nội”. Về sau tôi biết được anh là lính địa phương quân năm 1975 và nay đi rừng kiếm củi.

 

Và ông chợt hiểu rằng vì sao cộng sản e ngại thả tù. Họ có cái lý của họ và tôi năm ấy đã 14 năm vẫn chưa về là cũng có cái lý của nó.

 

Đời tôi mang ơn nhiều người. ( Đặng Phú Phong như trên, trg 175)

 

Và cuối cùng phải kể đến những truyện ngắn như Đá mục, Những đứa trẻ đầu thai giữa hàng rào . Con người bị giáng xuống hàng súc vật.

 

“ Đi xong, con đực con cái đều bị kẽm gai cào rách da thịt

 

Tôi thấy một lần nữa lại cần để chính tác giả viết lại câu truyện trên mới lột tả được sự tàn bào của thân phận người tù.

 

Trong đó, hai nhân vật chính trong truyện Những đứa trẻ đầu thai giữa hàng rào. Câu chuyện “ thiên tình sử) bắt đầu như thế này.

 

Mẹ nó có chồng, có con lúc đó mới 2 tuổi. Chồng tập kết ra Bắc năm 1954. Đại thắng mùa xuân xong, chồng mẹ nó trở về làm cán bộ Huyện ngay tại quê nhà. Đứa con nay đã 20 tuổi. Chồng chị thường say rượu và đánh đập chị, đứa con trai đã bênh mẹ bằng cách dùng búa đập vào đầu bố nhiều nhát.  Mẹ nó  có tội đồng lõa vì soi đèn cho đứa con đập chết bố, bắt tội chung thân. Sau đó đứa con trai bị tội tử hình vì giết cán bộ.

 

Chị thấy khổ quá, tủi nhục quá. Thà ông ấy cứ đi kháng chiến, thà ông ta cứ làm cách mạng, thà cứ đi xa, đừng trở về…

 

Người đàn ông trong truyện  phạm tội hai lần giết người nên có hai bản án chung thân. Trong trại tù, một bên là trại Nam, bên kia là trại nữ cách nhau một hàng rào kẽm gai.

Trại nữ có một nhà trẻ với 6 đứa con nít. Coi nhà trẻ là một nữ tù nhân án chung thân. Sáu đứa con nít đều là con hoang. Mẹ chúng là những nữ tù bên khu B. Đừng hỏi cha chúng đâu, vì chúng sẽ không biết trả lời thế nào.

 

Lũ trẻ ở với mẹ trong buồng giam, chúng cũng bị xếp hàng điểm danh cùng với mẹ. Chúng là những tù nhân không có án và không có tên trong danh sách tù của Bộ nội vụ của nước CHXHCN ưu việt.

 

Ở tù 10 năm, tôi buồn quá. Sẵn có người đàn ông gạ gẫm, tôi bèn cho, mấy lần thì có thằng này. Có đực có cái là có thể có con được.

 

“ Trong những giờ phút ngắn ngủi được ra ngoài sân gặp nhau vào những buổi chiều nghỉ, dưới bao nhiêu con mắt theo rõi canh chừng của trật tự và công an  trại, tù nhân cần phải tranh thủ, cái gì cũng phải thật nhanh, thật gấp, hết giờ là phải trở về khu mình nhìn nhau từ xa mà thôi..

 

Một lần anh ta nói với chị:

-Anh thèm em quá.

-Biết rồi, ở đây ai cũng thiếu cũng thèm cả

-Bây giờ làm sao?

Anh cầm đại bàn tay chị nhét vào giữ hai đùi mình mà kẹp và nghiến răng mà đay, chị nhẫn nại gỡ ra.

·         Tụi nó đang nhìn kìa.

Anh thả tay chị ra thở dài:

·         Đau thật, giữa thời đại này mà cầm tay nhau cũng không được, mẹ nó, nếu ở Sài gòn lúc này tụi mình chơi nhau đã đời.

 

Sau lần gặp ấy chị thương anh vô cùng, chị diễn tả “ không biết thế nào mà nói”. Thế rồi, chị tính toán theo ý chị. Chị sẽ không mặc đồ lót. Chị sẽ mặc cái quần mỏng mở chỉ hở dưới đáy. Cái quần cũng được luồn dây thung nhẹ. Chị thử kéo lên tụt xuống thấy nhẹ thì rất ưng ý. Chị cũng thử khom khom lưng và nghĩ làm sao cho anh được dễ dàng nhanh chóng, phải tạo điều kiện thuận tiện nhất cho anh hành sự. Thời gian không có nhiều. Tất cả chỉ trong nhấp nháy. Chớp mắt. Là phải xong. Thời giờ là vàng bạc. (…)

 

Có lần chiều tối, trời lất phất mưa, chị tình nguyện đi lãnh cơm cho đội. Từ bên khu A theo dõi anh thấy và cũng mặc áo mưa đi xuống bếp trại. Khi trở về hai người ôm hai xoong cơm, liếc nhìn không thấy thi đua trật tự đâu, đến một chỗ hàng rào khu, kẽm gai đơm thưa thớt mấy sợi, chị bèn đứng lại khom lưng chổng mông sang phía anh, xoong cơm của đội chị vẫn ôm nơi bụng, từ bên kia những sợi kẽm gai, anh luồn tay sang níu hai bên hông chị ghì tới.

Chị nghe có tia nước phóng sang và chị cảm thấy thành công và thắng lợi. (…)Anh ta cũng lật đật cài áo mưa lại, cầm cái xo ong cơm treo trên cột hàng rò rồi cũng quay bước về phòng mình. Hai người, hai hướng câm lặng và xót xa. Đứa con được tạo thành trong những cơn mê mẩn ấy.

 

Khi biết mình có bầu, chị giấu kín không giám cho ai biết. (…)Chị giấu giếm được 6 tháng thì bị lộ. Chúng hỏi chị rồi chúng gọi y tá khám thai, chúng nhốt chị trong nhà kỷ luật, chúng cùm một chân chị, chị cũng vẫn không khai ra anh. Tức quá tên thượng úy  Ban đá vào bụng chị chửi:

 

·         Địt mẹ, không khai ra tao đá chết cha cả mẹ, cả con mày. Mày ngủ với thằng nào hả?(…)

·         Địt mẹ, phải có thằng nào chứ? Không có thằng nào thì làm sao có con “loăng quăng” trong bụng mày được? Tại sao mày không nói? (…)

·         Tao cho mày đi bệnh viện nhà nước móc cái của nợ ra, chết ráng chịu.

 

Chị hoảng quá lạy tên Ban:

·         Lạy Ban, xin ban cho tôi nuôi, nó là con tôi, đẻ ra tôi nuôi con tôi.

 

Hắn hét lớn:

Địt mẹ mày, mày có biết mày đang ở tù không? Cái thây mày nhà nước còn phải nuôi, bây giờ mày nói mày nuôi con mày, vậy lấy cái máu đẻ mà nuôi à? Mày có biết mày sướng có một tý mà bao nhiêu người khổ vì mày không? Tao ăn làm sao nói làm sao với lãnh đạo bên trên hả? Nói rồi hắn đấm đá túi bụi vào người chị cố ý đá vào bụng chị cho cái thai phải ra, hắn thù đứa nhỏ trong đó hơn là ghét chị, chị cố chịu đòn để bảo vệ con.. Có lúc chị thiếp đi rồi tỉnh lại, có lúc chị kêu lên với mình:

·         Con ơi! (…)

 

Bọn chúng túm chị lôi ra xe rồi còng tay chị vào ghế xe chạy đi. Nhưng bệnh viện không dám nạo vì họ nói cái thai đã quá lớn, sắp đến ngày đẻ, họ trả chị về trại. Chúng không làm gì được cái thai nên nhốt chị trong nhà cùm, chúng còn dọa cùm cho đến chết luôn. (…)

 

Đứa con ra đời ban đêm trong trại tù trong sự đùm bọc của rất đông nữ tù đồng cảnh với mẹ nó. Một tháng sau chị phải gửi con bên nhà trẻ và chúng bắt chị đi cuốc đất như trước. Hết trích (Xem thêm Thảo Trường. Những đứa trẻ đầu thai giữa hàng rào. Tiếng lòng ta. Văn học nghệ thuật)

 

Thằng Cọp thương mẹ nó, quấn quít lấy mẹ. Lại một câu truyện bi kịch nữa của con người vì một đứa trẻ sinh ra đời tội tình gì cũng là một thứ tù nhân như mẹ chúng. Bi kịch của bi kịch đẻ ra bi kịch như một chuỗi bi kịch nối dài.

 

Và 17 năm ở Hải ngoại lại là một nhân chứng trọn vẹn, trọn nghĩa tưởng yên thân. Có thể cùng lắm chỉ là cái bề ngoài. Tâm tư vẫn là người lính, người tù và người lưu lạc.

 

Quá khứ với chiến tranh nặng trĩu trên nửa thế kỷ vẫn đè nặng trên đôi vai nhà văn.

 

Với quá khứ ấy với sức sống mỏi mòn đã là những chất xúc tác để ông sáng tác. Nó thể hiện trong Những miểng vụn của tiểu thuyết của Thảo Trường.  Gọi là những miểng vụn vì ông cảm thấy bất lực, sức đã mòn, vốn liếng sắp cạn. Thấy mình thua rồi, sai rồi, chỉ mong sao làm đựợc cái bé tý tẹo để lại cho đời.

 

Vì thế NMVCTT bao gồm 4 truyện viết trước 1975 ở trong nước, 22 truyện mới viết ở Mỹ và một bài trả lời phỏng vấn. Sách dầy 550 trang, giấy đẹp, bìa da cứng, chữ mạ vàng. Ngoài bìa là tranh của họa sĩ Nguyễn Đồng và Nguyễn Thị Hợp.

 

NMVCTT là một cách thu gọn những công trình sáng tác của tác giả từ trong nước ra hải ngoại như một công việc để đời cho thế hệ tương lai với tư cách một chứng nhân của một thời đại đầy oan nghiệt..

 

Đó là một cuộc hành trình hơn nửa thế kỷ đi tìm lại mình, cho mình và cho người đọc.

Xin ghi lại cảm nghĩ của Đặng Thơ Thơ, chủ bút Da Mầu trong bài: Tôi đọc Thảo Trường tóm gọn trong 6 chữ: Chiến tranh, Lao tù, Hội Nhập.

 

Chỉ có hai chữ Hội Nhập thì tôi e rằng không được. Một đầu óc của một ông già nhà văn mà đầu đã chai sạn mà quá khứ lúc nào cũng có mặt ban đêm cũng như bạn ngày dù không phải đánh vật với cơm áo. Sống mà như thể sống còn đã là may.

 

Và tôi xin được nhắc lại tựa đề của bài viết này của tôi là: Thảo Trường – nhà văn dấn thân và nhập cuộc- Đi tìm con người qua chiến tranh và lao tù!!

 

Mục đích bài viết dựa theo tựa đề đã là như thế!!





No comments: