Friday, November 26, 2021

CÁI TÌNH NGƯỜI KINH (Đàm Hà Phú)

 


Cái tình người Kinh

Đàm Hà Phú

26/11/2021

https://thuymyrfi.blogspot.com/2021/11/am-ha-phu-cai-tinh-nguoi-kinh.html

 

A Mua và A Vàng là hai anh em ruột, nhà có bốn anh em thì hai gái hai trai. Hai chị gái đã lấy chồng, đẻ con và sống ở bản, một bản làng miền núi xa xôi ngoài Bắc, tận Yên Bái.

 

Cách đây hai năm thì cả nhà A Mua và A Vàng chưa chưa từng đặt chân xuống phố, chỗ xa nhứt họ từng đến là cái chợ xã. Họ sống trên núi cao, như con dê con ngựa ; họ trổ bắp, trồng nương, đi rừng, nuôi gà nuôi lợn và ủ rượu uống. Cuộc sống vui cho đến ngày mẹ chúng bị ốm nặng.

 

Cả A Mua và A Vàng lên bệnh viện huyện thay nhau nuôi mẹ, bao nhiêu tiền dành dụm gà lợn bán sạch để thuốc thang cho mẹ chúng. Đến khi mẹ chúng trở về bản thì nhà cửa cũng không còn gì, mà cứ ba tháng lại phải xuống huyện điều trị một lần, cả nhà lo lắm. Một hôm A Vàng đọc được một tin tuyển dụng công nhân, ở tận miền Nam. Miền Nam xa cỡ nào nó đâu có biết, nó rủ A Mua cùng đi.

 

Sau Tết, bọn nó làm hai cái tay nải, mượn được hai triệu tiền tiết kiệm của ông chú vừa bán lợn, rồi xuống Hà Nội, từ đó lên xe đi vào Đồng Nai.

 

A Mua và A Vàng làm công nhân ở một nhà máy, chả có nghề ngỗng gì nên tụi nó chỉ làm việc tay chân, lương 6,5 triệu có bao ăn trưa. Hai đứa nó thuê một phòng trọ trong khu công nhân cách đó khoảng 5 cây số, rồi sáng đi bộ đi làm, chiều đi bộ ghé qua chợ mua đồ về nấu ăn. A Mua và A Vàng đều giỏi nấu nướng, đi bộ thoăn thoắt nên mọi việc có vẻ ổn. Tiền lương nhận được hàng tháng nó đều để ở tài khoản, rồi hai chị gái xuống xã rút về cho mẹ. Lo nhà cửa thuốc thang. Còn dư chút nó trả nhà trọ và chợ búa, thi thoảng mua chai rượu uống cho đỡ nhớ rừng nhớ núi.

 

Vừa làm được ba tháng thì Đồng Nai bùng dịch, bọn nó phải ở nhà trọ. Cả đám công nhân bảo nhau trốn về quê, trốn được hai lần, cũng vơi bớt được nhiều. Nhưng A Mua và A Vàng không trốn, trốn về thì không có tiền. Mà đơn giản hơn, bọn kia nó có xe máy nên muốn trốn chỉ cần lên xe máy chạy, hai đứa này suốt đời đi bộ, làm sao mà trốn. Hai tháng liền bị giam trong phòng trọ, có những ngày chỉ ăn cháo và bột canh, lâu lâu ai cho được miếng cá khô cứng ngắc cũng mừng lắm, hai đứa chia nhau mút mút sợ hết.

 

A Mua và A Vàng đóng cửa, dán cả những khe hở, uống nước từ vòi nước trong nhà vệ sinh, mỗi bữa chỉ ăn một nắm gạo với chút bột canh để ráng sống. Trong những ngày nằm trong nhà trọ ấy, mẹ chúng ở quê chờ con về không được, đã chết.

 

Đến ngày hết giãn cách, ai cũng bỏ về, không thể chịu đựng được nữa. A Vàng bàn với A Mua, thôi tao với mày về, cứ đi bộ, đói thì nấu cháo ăn, khát thì uống nước, rồi cũng sẽ về tới nhà. Nói là làm, hai thằng mang ít gạo và ít bột canh còn sót lại, đem theo hai cái nồi, một ít quần áo, và xin được hai cái ba lô cũ... Bốn giờ sáng dậy đi bộ về quê, khoảng gần hai ngàn cây số.

 

A Mua và A Vàng đi được đến lúc trời sáng thì nhận ra hầu như tất cả mọi người đều đi, cả đoàn xe máy ùn ùn kéo nhau đi. Những người công nhân đìu cả vợ, cả con, cả quạt máy và bếp gas, chạy về quê của họ, mỗi người mỗi quê. Đến 7 giờ sáng, lúc bọn nó định tìm chỗ nấu cháo ăn sáng thì thấy người ta ở hai bên đường ra tặng bánh mì cho đoàn người về quê.

 

Mới đầu nó không dám nhận, nhưng khi thấy mọi xe máy đều ghé lấy bánh mì hai anh em nó cũng ghé vào xem. Đó là một người nói giọng Bắc lơ lớ, anh đứng phát bánh mì, anh cứ nói bánh do anh tự làm ngon lắm. A Vàng cẩn thận hỏi lại: "Cháu có phải trả tiền không?". Anh kia cười lớn, không không, miễn phí nhé, lấy đi, mỗi đứa hai ổ đi, lấy nước này, lấy hai chai đi, đường còn xa lắm.

 

Người ta hai bên đường cho nhiều lắm, cho cả xăng mà hai thằng đi bộ biết lấy xăng làm gì. Từ 7 giờ sáng đến 10 giờ sáng, ba lô của Mua và A Vàng đầy bánh mì, bánh bao, xôi, bánh, nước... bọn nó cách xách theo cả một túi chục chai nước suối, chúng vừa đi vừa cười, vừa bảo nhau, người Kinh tốt. Đến tận giữa trưa thì hai thằng kiếm một vỉa hè ngồi ăn trưa bằng bánh cuốn.

 

Lúc ấy có hai người đàn ông đi hai chiếc xe máy đến, và hỏi, các cháu đi về đâu? Hơi lo sợ, A Vàng, vốn nói tiếng Kinh lưu loát hơn, trả lời thành thật câu chuyện. Nó còn sợ bị lấy lại bớt bánh và nước nên nó nói bọn cháu không muốn lấy, nhưng họ cứ bảo lấy thêm đi, đường còn xa lắm.

 

Hai người đàn ông nhìn nhau thở dài qua lớp khẩu trang, rồi một người xuống xe và hỏi: Vậy các cháu có biết đi xe máy không? A Vàng nói cháu biết, cháu có cả bằng lái của của công an. Ông nói, chú cho hai đứa cái xe máy đây, cố gắng mà chạy an toàn về quê. Chú đã đổ đầy xăng rồi nhưng chú cho thêm cháu 1 triệu, nếu hết xăng, chỉ vào cây kim, khi nào cây kim xăng nó xuống vạch đỏ, thì cháu tìm cây xăng mà đổ thêm, hoặc nếu đói thì lại mua thức ăn.

 

A Mua và A Vàng cứ đứng như trời trồng, chúng chẳng biết làm gì. Người đàn ông còn lại nhắc, nè, cảm ơn chú đi chứ. Lúc đó A Vàng mới lắp bắp, thật hả chú. Hai ông chú cho tiền, đưa chúng giấy tờ xe (đứng tên con trai ông chú) rồi dặn dò thêm luật lệ, cách chạy xe máy trên đường quốc lộ. A Vàng nghe như nuốt từng lời, lát sau, không biết làm gì hơn, nó sụp xuống như muốn quỳ lạy cảm ơn. Người đàn ông đỡ nó dậy và cười, mày về nhà được là tao mừng.

 

A Mua và A Vàng về đến bản sau 11 ngày, tính cả thời gian đi lạc và bị xét nghiệm. Bọn nó bị cách ly ở xã, chiếc xe máy để ngay trước của phòng cách ly, nó dùng dây buộc chặt vào khung sắt. Nó khoe hết cả khu cách ly, xe này được một ông người Kinh cho. Hỏi ông nào nó cũng không biết, ở đâu nó cũng không biết, số điện thoại nó cũng không biết, chỉ biết đó là một người Kinh, ở miền Nam, rất tốt bụng.

 

ĐÀM HÀ PHÚ 26.11.2021




No comments: