Friday, November 26, 2021

DÂN CHỦ HÓA VIỆT NAM ĐANG Ở ĐÂU? (Nguyễn Khoa)

 


Dân chủ hóa Việt Nam đang ở đâu? 

Nguyễn Khoa

Viet Studies    26-11-2021

http://www.viet-studies.net/kinhte/NguyenKhoa_DanChuHoaVN.html

 

Ông David Hutt, một nhà phân tích trên tờ Diplomat chuyên về vùng châu Á Thái Bình Dương, đặt câu hỏi rằng có phải chăng đại dịch Covid đang làm cho các thể chế độc tài ở Đông Nam Á, trong đó có chế độ tại Việt Nam tăng cường sức mạnh của mình? (Did COVID-19 Strengthen Authoritarianism in Southeast Asia?, 2 tháng 11, 2021).  Theo David Hutt, một số quốc gia Đông Nam Á, dưới chiêu bài chống dịch, chống tin vịt, ra tay đàn áp các lực lượng dân chủ đối kháng trong nước. Tuy nhiên tác giả cũng trích lời một người khác, nhận xét rằng từ những năm đầu 2010 phong trào dân chủ trong khu vực đã đi xuống.

 

Tôi đồng ý với ý kiến này, ít nhất trong trường hợp Việt Nam, cho dù có thể là đại dịch Covid có thể cung cấp cho nhà cầm quyền một chiêu bài tốt. Phong trào dân chủ tại Việt Nam đã tan rã trước đó do tự thân nó, không cần đến những biện pháp phong tỏa khắc nghiệt dưới chiêu bài chống dịch.

 

Hãy tìm lại gốc gác của phong trào dân chủ Việt Nam trong khoảng hơn 10 năm, và những người tham gia đó là ai?

 

Theo tôi thì có thể có ba nguồn gốc của các hoạt động dân chủ hóa Việt Nam trong hơn 10 năm đó. Đầu tiên là việc chống đối thái độ hung hăng của Trung Quốc ngoài biển Đông, các nhân vật có uy tín trong phong trào dân chủ Việt Nam như Phạm Đoan Trang, Nguyễn Ngọc Như Quỳnh (Mẹ Nấm) xuất thân từ những cuộc biểu tình chống Bắc Kinh. Từ việc chống Trung Quốc đã dẫn đến chống cộng sản Trung Quốc, danh từ “Trung Cộng” đã xuất hiện trong một cuộc biểu tình như thế, hơn 20 năm sau ngày chiến tranh Việt Nam chấm dứt. Từ chống “Trung Cộng”, dẫn đến việc chống cộng sản nói chung được thốt lên dễ dàng hơn. Kể từ khi Hà Nội cứng rắn hơn với Bắc Kinh, phong trào này tự nhiên mất đi sức bật.

 

Nhóm thứ hai là các nông dân đòi đất bị đám cường hào mới, trục lợi dựa vào sự nhập nhằng của luật đất đai để cướp đất nông dân. Một số nhân vật có uy tín như bà Cấn Thị Thêu và gia đình xuất hiện từ việc đòi đất này. Tuy nhiên những người này sau đó không còn gắn được với lớp nông dân đông đúc nữa, vì có lẽ nông dân Việt Nam chưa có những nhu cầu dân chủ cao.

 

Nhóm công nhân với một số tổ chức nghiệp đoàn đã từng thành công trong việc tổ chức đình công cả chục ngàn công nhân, từ đó có một số nhân vật nổi lên. Nhóm này được sự giúp sức từ người Việt hải ngoại, gốc phương Tây lẫn Đông Âu cũ. Tuy nhiên sự quan liêu của nhóm lãnh đạo hải ngoại đã dần dần đưa phong trào này vào ngõ cụt, cộng với yếu kém của những người cầm đầu trong nước, các tổ chức công nhân hầu như hoàn toàn tan rã.

 

Ngoài ra cũng phải kể đến sự thúc đẩy từ một số tổ chức người Việt ở hải ngoại, mà trong đó đáng kể nhất là Đảng Việt Tân. Tuy nhiên đại đa số các tổ chức này không còn sinh lực nữa vì không có giới trẻ tham gia. Khá nhất là Việt Tân với khá đông người Việt trẻ tuổi, nhưng sự lãnh đạo mang tính gia đình trị của họ dần đi vào vết xe đổ của các tổ chức hải ngoại, với sự xa lánh của thế hệ trẻ.

 

Những cuộc biểu tình chống Trung Quốc mà lớn nhất là cuộc biểu tình chống luật đặc khu vào mùa hè năm 2018, thường dễ gây ngộ nhận là “phong trào dân chủ” là đông đúc, nhưng thực ra những cuộc biểu tình này được thúc đẩy bởi chủ nghĩa dân tộc bùng lên một cách cấp thời, hơn là những hoạt động xã hội, dân sinh, chính trị có bề sâu.

 

Những cuộc biểu tình chống Formosa gây ô nhiễm ở miền Trung Việt Nam vào đầu hè 2016 cũng rất lớn, mang sắc thái xã hội và dân sinh hơn, nhưng lại diễn ra trong một khung cảnh địa lý và xã hội đặc biệt, không thể tiêu biểu cho cả nước, đặc biệt là vai trò của cộng đồng Công giáo ở miền Bắc Trung Bộ.

 

“Phong trào dân chủ” Việt Nam có thể đã có những cá nhân xuất sắc, có lý tưởng, nhưng họ không kết cấu được thành một sức mạnh lâu bền. Chính quyền của Đảng Cộng sản lần lượt giải tán họ. Sự yếu kém về nhận thức dân chủ trong phong trào này lộ rõ một cách thú vị tiếp theo biến động dân túy của chính trị Mỹ. Đại đa số các cá nhân của “phong trào dân chủ” này ủng hộ Donald Trump, một kẻ dân túy phản dân chủ có một không hai. Từ nhận thức dân chủ như thế, sẽ không lạ gì khi thấy rằng họ không gầy dựng được một phong trào dân chủ lành mạnh.

 

Nhận thức dân chủ của số đông người Việt hải ngoại cũng không khá gì hơn. Cô Khải Đơn, cựu phóng viên của BBC tại Bangkok cho biết một cuộc gặp gỡ thú vị với một người Việt lái Uber tại San Jose. Người này khuyên cô xem hai kênh YouTube của ông Trương Quốc Huy và Ngụy Vũ tại Mỹ để hiểu biết về cộng sản Việt Nam. Ông Huy là người từng bị chế độ tại Việt Nam bỏ tù, sang Mỹ làm YouTube kiếm tiền với các chỉ trích vô tội vạ chính phủ Việt Nam, cộng với tin vịt từ các nhóm pro-Trump. Ông Ngụy Vũ cũng là vua tin vịt và chuyên bán thuốc cường dương. Theo chủ quan của tôi, suy nghĩ như người lái Uber này đại diện cho không ít người Việt tại Mỹ.

 

Các nhóm người Việt trẻ tuổi lớn lên tại Mỹ, có nhận thức dân chủ tốt hơn rất nhiều những người Việt tôi vừa đề cập, nhưng họ hiện không chú ý nhiều về Việt Nam, họ cũng tổ chức những nhóm có tính cách chính trị nhưng dấn thân vào chính trị và xã hội Mỹ.

 

Các hoạt động của “phong trào dân chủ” hiện nay chỉ còn ồn ào quanh mạng xã hội, với những chỉ trích, đôi khi vô tội vạ, chính phủ cộng sản Việt Nam. Đằng sau những chỉ trích ấy, đôi khi dùng chính ngôn ngữ tuyên truyền của Đảng Cộng sản một cách vô thức, hoàn toàn không có thực chất gì. Hãy xem các bài viết rất thường xuyên của các nhân vật như Mạc Văn Trang, Ba Sàm Nguyễn Hữu Vinh (hai nhân vật này rất sùng bái Donald Trump),... thì thấy rõ là các suy nghĩ và phản biện của họ chỉ đi theo “xu hướng”, không có thực chất, và rất nhàm chán.

 

Có thể có những quan điểm khác nhau về “phong trào dân chủ” Việt Nam trong những năm qua, trước khi nó tàn tạ như hiện nay, khác với quan điểm và phân tích của tôi vừa trình bày, nhưng một điều quan trọng có lẽ mọi người đều đồng ý là nước Việt Nam hiện nay là một quốc gia phi dân chủ, cần dân chủ hóa nó. Một đất nước có cơ cấu chính trị dân chủ chưa chắc dẫn đến một xã hội thực sự dân chủ, nhưng một cơ chế chính trị độc tài thì chắc chắn dẫn đến bất bình đẳng xã hội. Dân chủ hóa Việt Nam là một yêu cầu khẩn cấp, vì nước Việt Nam đang đứng trước một thế giới thay đổi khôn lường mà lại không có một sức mạnh do nền dân chủ thực sự đem lại. Hàng triệu nông dân chắc chắn sẽ phải bỏ đồng quê lên thành thị kiếm sống trong tương lai gần, tương lai của họ sẽ như thế nào để không còn thấy cảnh chạy loạn của hàng triệu người trong đại dịch Covid?

 

Dân chủ hóa là một từ không hề mang tính cực đoan, mà bản thân những người cộng sản có khi cũng nhắc tới. Dân chủ hóa là một cuộc cách mạng từ trên xuống, vốn ít đổ máu và thiệt hại hơn những cuộc cách mạng từ dưới lên, như lịch sử nhân loại đã chứng minh cho đến nay.




No comments: