Saturday, November 27, 2021

VINFAST hay VINSLOW? (Phạm Thanh Giao)

 


VINFAST hay VINSLOW?   

Giao Thanh Pham

26/11/2021  07:54    · 

https://www.facebook.com/giao.pham.127/posts/7097173400296635

 

 (Nhận định cá nhân, không hề có ý đả phá hay chống đối ai)

 

Mấy ngày qua, thấy thiên hạ trên FB và báo chí người Việt, nhốn nháo lùm sùm bàn tán về công ty xe mang thương hiệu Vinfast của Việt Nam, đang cố chen chân vào thị trường xe hơi ở Mỹ trong cái Los Angeles Auto Show, vẫn diễn ra hàng năm trên đất nước này. Khen thì rất ít nhưng chê bai dè bỉu thì rất nhiều.

 

Người khen thì công tâm mà nói, họ nhìn sự việc qua 2 khía cạnh, Tự Hào và Hi Vọng. Tự Hào vì đây là “sản phẩm” đại diện của đất nước và cho đất nước. Hi vọng vì có cơ hội tạo thêm công ăn việc làm cho bà con đồng bào ở trong nước. Lẽ dĩ nhiên, lương trả cho công nhân lắp ráp xe đòi hỏi trình độ nghề nghiệp cao thì phải hơn công nhân may mặc là cái chắc rồi.

 

NgườI chê, nếu công tâm mà nói, thì dường như họ cũng chỉ nhìn qua 2 lăng kính, Thù Ghét Cộng Sản và Ghét Cái Tính Nổ kinh hồn của các doanh gia người Việt trong nước, cho nên bất cứ thứ gì đến từ Việt Nam đều không thể chấp nhận được. Cho dù những giá trị về kinh tế của những thứ sản phẩm đó, có thể sẽ mang lại cho người dân trong nước cơ hội phát triển về hai mặt, kinh tế và tài chánh. Họ chê bai dè bỉu, chẳng cần biết khả năng thực sự của sản phẩm ra sao, vì trong quá khứ, các doanh nhân đó, đã thường nổ quá mạng về những sản phẩm bèo nhèo của mình.

 

CUỐI CÙNG: Chúng ta phải chấp nhận cái sự thật này, đó là, những lời chê bai cũng như những lời khen ngợi của cộng đồng người Việt ở hải ngoại, chẳng hề có chút ảnh hưởng gì đến sự thành công hay thất bại của dòng xe Vinfast.

 

Trước hết là giá cả, với giá xe từ 60 ngàn đến 164 ngàn đô một chiếc, thì cái thị trường người Việt ở Mỹ của hãng xe Vinfast, phải nói gần như là ZERO. Rất ít người Việt có khả năng hoặc chịu bỏ tiền ra mua một chiếc xe với giá đó ở Mỹ.

 

Thứ hai, đại đa số người Việt có tính chuộng ngoại, mà những loại xe cộ được người Việt ưa chuộng ở Mỹ nằm cả ở 2 nguồn chi: nhiều tiền và sang trọng thì đã có BMW, Mercedes, Lexus, Audi, Tesla vân vân. Phần đại đa số dân Việt còn lại ở Mỹ có ít tiền, đều chú trọng dồn tất cả vào những những dòng xe của Nhật như Toyota, Nissan, và Honda … thì làm gì có cửa cho “hàng bèo với giá trên trời, mà lại sản xuất từ nội địa” như của Vinfast?

 

Cuối cùng và chắc chắn 100% là, khi Vinfast xuất quân ở thị trường Mỹ, thì họ đã chỉ nhắm vào người Mỹ mà thôi. Mà muốn chen chân vào thị trường Mỹ, Vinfast hay Vinslow gì gì đi chăng nữa, cũng phải trải qua những bước đòi hỏi gắt gao từ Bộ Giao Thông và Bộ Thương Mại Hoa Kỳ, không thể leo rào đi bằng đường tắt được.

 

1- AN TOÀN: Phải vượt qua được những cái test bảo đảm độ an toàn rất cao do Bộ Giao Thông Hoa Kỳ đặt ra nhằm bảo vệ người tiêu dùng. Không pass được những cái test này thì 100% sẽ không được phép mang xe vào Mỹ. Lại nữa, bất kỳ “sự cố” tai nạn giây chuyền to lớn nào xảy ra, với số vốn mong manh vài tỷ đô, cái tên Vinfast sẽ biến mất trên thế giới chỉ trong vài nốt nhạc vì kiện tụng và bồi thường.

 

2- BẢO HÀNH – WARRANTY: Bất kỳ hãng xe nào nhập xe vào Mỹ, cũng phải trải qua những đòi hỏi của Bộ Giao Thông Hoa Kỳ, từ máy móc, hộp số cho đến các linh kiện và phụ kiện, cũng để bảo vệ cho đồng tiền người dân Mỹ đã bỏ ra. Thời gian Bảo Hành bao lâu còn bị ảnh hưởng bởi sự cạnh tranh khốc liệt ở thị trường xe cộ nữa. Chỉ có những dòng xe tên tuổi, có tiếng lâu năm như của Nhật, của Đức mới “cả gan” chỉ cho Bảo Hành trong thời hạn ngắn, 3-4 năm hoặc 36 đến 48 ngàn dặm mà thôi. Dòng xe mới chưa bước vào Mỹ, muốn câu khách thì chỉ còn 1 cách duy nhất, đó là gia hạn thời gian Bảo Hành. Lấy hãng xe Hyundai của Nam Hàn làm thí dụ, họ tung vào thị trường Mỹ với những dòng xe có thời gian Bảo hành lên đến 10 năm hoặc 100 ngàn dặm. Chế độ Bảo Hành và Uy Tín trong việc thực hiện chi phí cho việc Bảo Hành còn trong hạn, cũng tạo thêm niềm tin cho giới tiêu thụ xe ở Mỹ. Chê Bai xe Vinfast, không thể nào dùng điểm này, cho rằng xe hư trong thời hạn ngắn, Vinfast sẽ xù, vì đã có Bộ Giao Thông và Bộ Kinh Tế Mỹ lo và sắp xếp cả rồi, với những số tiền “đặt cọc” khổng lồ từ phía bảo hiểm, không thể trốn đi đâu được.

 

3- ĂN CHIA: Một cách nữa để có thể “lót đường” cho việc tiến vào thị trường xe hơi ở Mỹ, đó là ăn chia. Vinfast đã trải qua bước đầu của việc “lót đường” này với Bộ Kinh Tế Hoa Kỳ. Dự án xây dựng một cơ sở với giá trên 200 triệu và 1 ngàn công nhân để sản xuất phụ kiện ngay trên đất Mỹ, cũng đã được đôi bên đồng ý. Muốn chơi với Mỹ, có ăn phải có chia, Vinfast đã đồng ý thực hiện điều đó.

 

4- QUẢNG CÁO: Muốn bán hàng được ở Mỹ, việc quảng cáo vô cùng quan trọng. Quan trọng đến độ, phải có mặt ở khắp nơi và trên từng cây số, truyền thanh, truyền hình, các trang mạng, các bảng quảng cáo trên đường phố và không thể không có việc CHẤM ĐIỂM từ những tay chuyên nghiệp CHUYÊN THỬ XE ở Mỹ. Việc mang xe mời mọc những tay chuyên thử xe và chấm điểm ở Mỹ (hàng năm) cũng hết sức quan trọng. Họ sẽ lái thử trong một thời gian, sau đó sẽ vạch ra từng chi tiết lớn nhỏ để chấm điểm, để so sánh và nhất là để xếp thứ hạng khi so sánh với những dòng xe khác cùng giá tiền. Ngay cả khi cái ghế ngồi không được êm ái dưới đít sau vài tiếng, cũng bị SOI và CHÊ, có mà trốn lên trời. Phần còn lại, có giá trị khá nhỏ, đó là hình dáng và mẫu mã hợp với sở thích số đông người tiêu dùng.

 

Đại khái, đây là những bước đầu phải có của một “hãng sản xuất xe” hi vọng bước vào được thị trường của Mỹ. Dòng xe Volkswagen của Đức và dòng xe Toyota của Nhật, phải mất cả chục năm trước khi tràn vào thị trường Mỹ mấy chục năm trước. Những dòng xe của Nam Hàn ở thập niên 1980-1990 cũng thế.

 

Cứ nhìn những dòng xe điện của Trung Quốc với giá rất bèo, đã được giới thiệu um sùm đến thị trường Mỹ vào cuối năm 2018 thì đủ hiểu. Đến nay, con số xe bán được, có thể đếm bằng … bàn tính Abacus bằng gỗ. Với giá dưới 25 ngàn đô, thì có lẽ các chủ nhân làm chủ những chiếc xe của Trung Quốc đó, toàn là người Mỹ gốc Trung Quốc không chừng.

 

Theo sự tiên đoán qua kinh nghiệm và kiến thức của tôi thì: Nếu là Vinslow, chắc chắn sẽ chỉ sống được đôi ba năm rồi âm thầm rút lui. Nếu là Vinfast thì cũng sẽ phải mất ít là chục năm, trước khi được người tiêu dùng ở Mỹ chấp nhận.

 

Không thể có bất kỳ cách gì để đốt giai đoạn được.

 

Tôi chỉ có thể tặng cho Vinfast 2 chữ GOOD LUCK để làm quà. They really need "luck"; and a lot of it ...

 

*** Nếu Vinfast thành công ở thị trường Mỹ, bỏ qua những hận thù, các bạn có tự hào không?

 

Tôi thì có, bởi đơn giản thôi, hiện nay ở các quốc gia bên châu Á, chỉ có vài quốc gia sản xuất ra được xe hơi, cho dù tất cả chỉ là mua phụ kiện về lắp ráp. Phi Luật Tân, Thái Lan, Mã Lai, Nam Dương, Ấn Độ và ngay cả Singapore cũng còn chưa có kia mà. Trên thực tế, việc mua lại phụ kiện và linh kiện rồi lắp ráp cho thành một sản phẩm để bán lại, cũng khá phổ biến hiện nay ở hầu hết các quốc gia trên thế giới. Đó là chưa bàn đến việc ký kết hợp đồng làm partners để cùng sản xuất chia lời chia lỗ như Vinfast đang thực hiện.

 

*** Thanh minh luôn nha. Tui không có giây mơ rễ má hay bà con gì với ông Phạm Nhật Vượng này đâu nha. Ổng có bà con với Phạm Văn Đồng hoặc Phạm Tuân gì đó. Còn tui, gia phả nhà tui, thì có bà con với Phạm Hồng Thái, và là cháu chắt đời thứ 24 của Phạm Ngũ Lão đó nhen. Tui cũng hổng có nhận 1 xu nào để bốc thơm hoặc để đả phá Vinfast đâu nhen ...

 

PHẦN PHỤ CHÚ:

 

Hình như đa số người Việt đã hiểu sai, nên thường có suy nghĩ rằng Vinfast MUA TOÀN BỘ LINH KIỆN và PHỤ KIỆN từ nước ngoài, rồi mang về nước lắp ráp.

 

Trên thực tế, Vinfast “dường như bắt chước” đúng các công thức và hướng đi của Trung Quốc trong khâu sản xuất vay mượn “hàng hóa và kiến thức” của nước ngoài, để tạo thành nhiều thứ sản phẩm bán trên thị trường thế giới như hiện nay.

 

MUA TOÀN BỘ LINH KIỆN VÀ PHỤ KIỆN khác rất xa với việc ký kết giao kèo LÀM PARTNERSHIP giữa Vinfast với các công ty như BMW hoặc các công ty design mẫu mã của Ý, của Thái Lan và các công ty chuyên sản xuất linh kiện điện tử như Bosch và Siemen của Đức cho xe của Vinfast. Lẽ dĩ nhiên, muốn làm partners thì không thể KHÔNG chung vốn mà ĐÒI chia lời được. Không chung vốn bằng hiện kim, thì phải chung vốn bằng kiến thức và kinh nghiệm.

 

Vinfast và những công ty sản xuất này đã đồng ý cùng nhau làm partners để sản xuất gần như tất cả các bộ phận đó ở Việt Nam, bằng chính công nhân Việt Nam, được các cựu CEO nổi tiếng của các hãng sản xuất xe trên thế giới, lãnh đạo và coi sóc trong giây chuyền sản xuất.

 

Vấn đề còn lại chỉ là thời gian, sau khi họ cấp tốc xây dựng xong các nhà máy ở Việt Nam và đào tạo công nhân là có thể khởi sự mà thôi.

 

Sau này, Vinfast vẫn có thể tách ra để sản xuất ... các bộ phận cơ bản nhiều lợi nhuận nhất, như “Lithium Batteries” cho xe điện chẳng hạn, bằng cách nghiên cứu để chế biến ra riêng cho mình, như Trung Quốc đã từng làm trong thời gian hơn chục năm qua.

 

Với sự cộng tác của một số “đầu óc tài giỏi” từ nước ngoài với các tài năng trẻ đã được đi du học từ trong nước (như Trung Quốc đã từng thực hiện), thì khó có thể cho rằng họ KHÔNG đủ khả năng để chế tạo được một ... số bộ phận cần thiết.

 

Riêng chuyện bán được hàng hoặc có thành công hay không trong tương lai thì lại hoàn toàn là chuyện khác.

.

.

48 BÌNH LUẬN

 




No comments: