Monday, February 24, 2020

HÀNG TRĂM TĂNG, NI, PHẬT TỬ TIỄN ĐƯA HÒA THƯỢNG THÍCH QUẢNG ĐỘ (NGười Việt Online)




Người Việt Online
February 24, 2020

Lễ di quan diễn ra lúc 8 giờ sáng ngày 25 Tháng Hai, 2020, tại chùa Từ Hiếu. (Hình:Cắt từ Clip Facebook Thích Ngộ Chánh)

XEM CLIP TẠI ĐÂY :


SÀI GÒN, Việt Nam, (NV) – Lễ di quan và hỏa táng Đại lão Hòa thượng Thích Quảng Độ, Đệ ngũ Tăng thống Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất, diễn ra lúc 8 giờ sáng ngày 25 Tháng Hai, 2020, tại chùa Từ Hiếu, Phường 1, Quận 8, Sài Gòn.

Một phần của Lễ di quan được Đại Đức Thích Ngộ Chánh phát trực tiếp trên trang Facebook dài khoảng một giờ đồng hồ, từ tụng niệm trước khi di quan và từ chùa Từ Hiếu đưa lên xe tang đi hỏa táng.

Khoảng hơn một trăm tăng ni đi trước và sau xe tang trong khi hàng trăm Phật tử đứng hai bên đường khi di chuyển linh cữu cũng như đi sau đoàn tăng ni, tay cầm hoa, miệng niệm Phật.

Qua phần video vừa kể, không thấy có sự cản trở lộ liễu của nhà cầm quyền địa phương khi đoàn người từ chùa đi ra đường, di chuyển theo xe tang.

Trước đó, lễ nhập kim quan và phát tang đã được thực hiện lúc 2 giờ trưa ngày 23 Tháng Hai, 2020.

Tuy nhiên Đại Đức Thích Ngộ Chánh ghi lại trên trang Facebook của mình lời nhận xét của hòa thượng Thích Không Tánh, nói với báo Sài Gòn Nhỏ và được phổ biến lại là “sự tác động lớn nhất hiện giờ là chính quyền sẽ tìm cách tác động đến Hoà thượng Thích Nguyên Lý, trụ trì của chùa Từ Hiếu, và các vị trong Ban tổ chức”.

Các Phật tử tiễn đưa Hòa Thượng Thích Quảng Độ tại chùa Từ Hiếu. (Hình: Cắt từ Clip Facebook Thích Ngộ Chánh)

Hòa Thượng cho hay nhà cầm quyền CSVN đưa quý vị tăng sĩ thuộc Giáo Hội Phật Giáo “quốc doanh” chen vào ban tổ chức tang lễ Đại lão Hòa thượng Thích Quảng Độ không ngoài mục đích muốn kiểm soát và lái chương trình tang lễ theo ý muốn của nhà cầm quyền.

“Tôi nhìn thấy trong danh sách của ban tổ chức tang lễ gần như là quí thầy trong đó đã bị nhà nước, bằng cách này hay cách khác tác động vào. Có những thành phần là quí thầy bên quốc doanh cũng đứng tên trong ban tổ chức. Có cả những quí thầy mà trước giờ không ủng hộ gì Phật giáo Việt Nam Thống nhất mà cũng đứng vô ban tang lễ, chứng minh. Do đó khi nhìn vào ban tang lễ, người ta thấy có những sự phức tạp trong đó. Cho nên có một số quí thầy họ xin rút ra, không đứng tên trong ban tổ chức nữa vì thấy thành phần trong đó phức tạp quá, có bàn tay nào đó xen vô để làm cho lệch hướng cái đường lối quan điểm của Đức Đệ Ngũ Tăng Thống.” Lời Hòa thượng Thích Không Tánh.
Trước lễ di quan, trên trang Facekook cá nhân của Đại Đức Thích Ngộ Chánh thấy phổ biến clip cho thấy phái đoàn tòa Tổng lãnh sự quán Mỹ tại Sài Gòn, và phái đoàn Liên Tôn tới viếng tang lễ.

Đại Lão Hòa Thượng Thích Quảng Độ viên tịch lúc 21 giờ 30 phút ngày 29 Tháng Giêng năm Canh Tý, tức ngày 22 Tháng Hai, 2020. Thượng thọ 93 tuổi.

Sau lễ “cung tiễn kim quan đi hỏa thiêu,” rồi sau đó sẽ rải tro cốt xuống biển theo di chúc của Hòa Thượng Thích Quảng Độ.

Di huấn của Đại Lão Hòa Thượng Thích Quảng Độ căn dặn, mọi người tới viếng “Không có điếu văn, tiểu sử, cảm tưởng và mọi hình thức thông thường khác, chỉ đến lễ bái, thọ tang mà thôi”, và “Xin miễn phúng điếu, kể cả vòng hoa, trướng liễn…”

Hòa Thượng Thích Quảng Độ sinh ngày 27 Tháng Mười Một, 1928, là tăng thống của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất từ ngày 17 Tháng Tám, 2008.

Hòa Thượng Thích Quảng Độ, cùng với Hòa Thượng Thích Huyền Quang – Đệ Tứ Tăng Thống (đã viên tịch từ năm 2008), và nói chung cả Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất (GHPGVNTN) nổi tiếng thế giới với tấm gương kiên trì, can đảm chống đàn áp tôn giáo của nhà cầm quyền CSVN.

Hòa Thượng Thích Quảng Độ là một nhân vật bất đồng chính kiến vì các hoạt động đấu tranh nhân quyền.

Ông từng bị chế độ bỏ tù tám năm và suốt mấy chục năm bị giam lỏng tại Thanh Minh Thiền Viện ở Phú Nhuận, Sài Gòn. Đến năm 2018 thì ông bị trục xuất về sống tại quê ở tỉnh Thái Bình nhưng sau đó ông đã quay lại Sài Gòn.

Đại Lão Hòa Thượng Thích Quảng Độ từng được đề cử giải Nobel Hòa Bình một số lần từ tấm gương can đảm, kiên trì đấu tranh bất bạo động cho tự do tôn giáo, nhân quyền tại Việt Nam. (TN)

----------------------------------------------

Saigon Nhỏ
February 24, 2020

Tang lễ Hoà thượng Thích Quảng Độ. (Hình: tu sĩ Thích Ngộ Chánh)

Từ những trở ngại nhỏ

Theo lời Hoà thượng Thích Không Tánh, trưởng Ban tổ chức tang lễ kể lại với Saigon Nhỏ qua điện thoại, đã có những “trở ngại” một cách gián tiếp từ phía chính quyền Việt Nam.
Một trong những khó khăn Ban tổ chức gặp phải là trong lúc tổ chức tang lễ, có công an đi ra đi vào, bên trong bên ngoài dòm ngó nhưng không gây trở ngại lớn gì. Chi tiết được Hoà thượng Thích Không Tánh kể lại:

Sau đó, Hoà thượng Thích Nguyên Lý có báo là công an đến yêu cầu gỡ bảng treo trước chùa ghi “Đại lão hoà thượng Thích Quảng Độ, Đệ Ngũ Tăng Thống của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất tân viên tịch”. Bảng này để trước cổng chùa cho tất cả quí Phật tử được biết. Chúng tôi, là Ban tổ chức không đồng ý gỡ. Nếu quí vị đó (công an) muốn gỡ thì làm chứ nhà chùa không làm. Một lúc sau, có một vài vị công an bước vào đề nghị xin gỡ. Lúc đó tôi trả lời là ban tổ chức nhất quyết không gỡ. Ngài là Đức Đệ Ngũ Tăng Thống của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất thì có vấn đề gì mà phải uý kỵ? Nếu mấy vị muốn gỡ thì điều đó chứng tỏ nhà cầm quyền Việt Nam là như vậy sao?” 

Bảng báo tang lễ Hoà thượng Thích Quảng Độ bên ngoài chùa Từ Hiếu.

Đối với Hoà thượng Thích Không Tánh, đây không phải là “chuyện lạ”. Với những ai quan tâm đến vấn đề tự do tôn giáo và dân chủ, nhân quyền ở Việt Nam, hành vi gỡ bảng thông báo trên hoàn toàn là điều khả dĩ. Trước đây, tại chùa Phước Bửu, Thượng toạ Vĩnh Phước tổ chức lễ viên tịch của Hoà thượng Thích Thanh Tịnh, một thành viên của Phật giáo Thống Nhất ở Vũng Tàu, có treo bản báo tân viên tịch trước cổng chùa. Họ (chính quyền) cũng đã đề nghị phải gỡ xuống. Yêu cầu này đương nhiên không được thực hiện.

Cho đến những tác động thâm sâu vào bên trong 

Tuy nhiên, đối với tang lễ của Hoà thượng Thích Quảng Độ, sự việc không đơn giản chỉ là đòi gỡ bảng thông báo viên tịch. Phản ứng đầu tiên và dễ thấy nhất của chính quyền Việt Nam là hôm 23-02, báo Tuổi Trẻ ở Sài Gòn đã phải gỡ bản tin “Đại Lão Hòa Thượng Thích Quảng Độ viên tịch” chỉ vài phút sau khi được đăng tải online.

Cho đến nay, truy cập vào đường dẫn bài này, người ta chỉ thấy dòng thông báo “nội dung không tìm thấy hoặc không còn tồn tại” và “lỗi 404.”

Một lần nữa, đó chỉ là khó khăn ở “phần nổi”.

Hoà thượng Thích Không Tánh ghi nhận sự tác động lớn nhất hiện giờ là chính quyền sẽ tìm cách tác động đến Hoà thượng Thích Nguyên Lý, trụ trì của chùa Từ Hiếu, và các vị trong Ban tổ chức.

Tôi nhìn thấy trong danh sách của ban tổ chức tang lễ gần như là quí thầy trong đó đã bị nhà nước, bằng cách này hay cách khác tác động vào. Có những thành phần là quí thầy bên quốc doanh cũng đứng tên trong ban tổ chức. Có cả những quí thầy mà trước giờ không ủng hộ gì Phật giáo Việt Nam Thống nhất mà cũng đứng vô ban tang lễ, chứng minh. Do đó khi nhìn vào ban tang lễ, người ta thấy có những sự phức tạp trong đó. Cho nên có một số quí thầy họ xin rút ra, không đứng tên trong ban tổ chức nữa vì thấy thành phần trong đó phức tạp quá, có bàn tay nào đó xen vô để làm cho lệch hướng cái đường lối quan điểm của Đức Đệ Ngũ Tăng Thống.

Khi đã có người của nhà nước xen vào điều hành tang lễ thì họ (chính quyền) cũng không ngại gì nữa. Như vậy, tôi nghĩ những ngày tới tang lễ cũng sẽ êm đẹp thôi.”

Sự việc này cũng được tu sĩ Thích Ngộ Chánh ghi nhận khi ông có mặt tại buổi Lễ Nhập Kim Quang Đức Đệ Ngũ Tăng Thống. Ông nói với Saigon Nhỏ:

“Trong Ban tổ chức tang lễ của cố Đại lão Hoà thượng có những vị không nằm trong hệ thống của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất. Đó là sai nguyên tắc. Điều này làm cho một số thầy trong Giáo hội Việt Nam Thống nhất không đồng ý và đòi rút tên ra khỏi ban tổ chức.”

An ninh xung quanh chùa Từ Hiếu ngày 24-02. (Hình: Tu sĩ Thích Ngộ Chánh)

Trong suốt ngày tang lễ thứ hai của cố Đại lão Hoà thượng, an ninh vẫn “bủa vây” bên ngoài chùa Từ Hiếu. Tuy không có những hành vi mang tính kích động, không có sự gây trở ngại cho các Phật tử và những người viếng thăm, nhưng điều này đã cho thấy ngài đã liên tục bị quản thúc tại gia một cách bất hợp pháp từ năm 1998 cho đến cả khi về cõi Phật.

Như cách nói của nhà nghiên cứu Phật giáo, nhà thơ Trần Trung Đạo ở Massachusetts: “Có thể cả hơn 40 năm qua là hơn 40 năm mà Hòa thượng Thích Quảng Độ “vẫn bị ở trong tù,” dù dưới hình thức này hay hình thức khác.”

Lời di huấn của ngài trước ngày viên tịch, theo một cách nào đó, đã được thực hiện. Một Phật tử (không muốn nói tên) nói với Saigon Nhỏ vào tối 24-02 rằng tang lễ của Hoà thượng Thích Quảng Độ diễn ra đúng như lời ngài căn dặn trong di duấn.

òa lãnh sự quán Hoa Kỳ tại thành phố Hồ Chí Minh vừa đến chùa Từ Hiếu viếng Giác Linh Hòa Thượng Đệ Ngũ Tăng Thống Thích Quảng Độ. (Hình: tu sĩ Thích Ngộ Chánh)

“Không khí buổi tang lễ rất trang nghiêm và thanh tịnh. Tôi tin là ông cụ mãn nguyện,” Người Phật tử này nói.

Truyền thông trong nước tuyệt nhiên cũng “thanh vắng” không kém. Ngoại trừ bài báo bị gỡ duy nhất của Tuổi Trẻ Online, hoàn toàn không có một cơ quan báo chí nào loan tin Hoà thượng Thích Quảng Độ viên tịch.

Sự im lặng không ngạc nhiên!

Sáng ngày thứ Ba, 25-02, nhằm ngày 03-02 năm Canh Tý diễn ra lễ cung tiễn kim quan hoả thiêu Đức Đệ Ngũ Tăng Thống Thích Quảng Độ.

***
Cố Đại Lão Hòa thượng, Đức Đệ Ngũ Tăng Thống Thích Quảng Độ đã thuận thế vô thường, thu thần viên tịch vào lúc 21 giờ 20 phút ngày 22-02-2020 (nhằm ngày 29-01 năm Canh Tý, Phật lịch 2563) tại Chùa Từ Hiếu, Phường 1, Quận 8, Sài Gòn. Hưởng thọ 92 tuổi.

Ngài là một nhân vật bất đồng chính kiến ở Việt Nam, tham gia các hoạt động đấu tranh vì dân chủ, nhân quyền và chín lần được đề cử giải Nobel Hoà Bình. Tháng 9-2006, ngài được trao Giải Tưởng niệm Thorolf Rafto. Tuy nhiên, ngài đã từ chối sang Na Uy nhận giải thưởng vào tháng 10-2006 vì e ngại chính quyền Việt Nam nhân dịp đó buộc ngài phải sống lưu vong.

Tháng 4-2018, Ủy ban về Tự do Tôn giáo Quốc tế của Hoa Kỳ (USCIRF) công bố Hòa thượng Thích Quảng Độ là một trong bảy tù nhân lương tâm tiêu biểu cho tình trạng đàn áp tôn giáo trên thế giới.





No comments: