VOA Tiếng Việt
28/02/2020
Bộ trương Tư pháp Hoa Kỳ hôm 26/2 loan báo việc
thành lập một văn phòng mới để điều tra người nhập cư bị tình nghi nhập tịch bất
hợp pháp, và xin lệnh của tòa cho phép tước quyền công dân của những người vi
phạm.
Theo bản tin của VOA, động
thái này là một phần trong chính sách của chính quyền Tổng Thống Trump, thực
thi gắt gao luật di trú đã được áp dụng trong ba năm qua, kể cả các luật cho
phép chính phủ Mỹ tước quốc tịch và trục xuất các công dân sinh ở nước ngoài.
Theo một quan chức của Bộ Tư Pháp thì từ năm 2017, Bộ đã đệ lên tòa án
liên bang 94 hồ sơ tước quốc tịch, tăng 200% hàng năm. Trong cùng thời gian, số lượng ca được đề nghị
xem xét để tước quốc tịch tăng vọt lên 600% một năm, vẫn theo quan chức này.
Bộ Tư pháp cho biết văn
phòng mới được tạo ra để đáp ứng số lượng tăng vọt các hồ sơ đề nghị xem xét tước
quốc tịch đến từ các cơ quan thực thi pháp luật như Sở Di trú và Nhập tịch Hoa
Kỳ (USCIS).
Bộ Tư Pháp Hoa Kỳ cho biết
văn phòng mới sẽ điều tra và truy tố các hồ sơ liên quan đến các thành phần bị
coi là khủng bố, tội phạm chiến tranh, tội phạm tình dục và những kẻ gian lận
khác.
Những người chỉ trích cho
rằng chính quyền của Tổng Thống Trump đã sử dụng biện pháp tước quốc tịch để trấn
áp thành phần nhập cư, dù hợp pháp hay bất hợp pháp. Đầu năm 2017, Bộ trương Tư
pháp lúc bấy giờ là Jeff Sessions, tuyên bố bộ “sẽ tích cực theo đuổi biện pháp
tước quyền công dân” và rằng "biện pháp này sẽ đóng một vai trò quan trọng
để đảm bảo tính toàn vẹn của hệ thống di trú Mỹ ".
Theo luật của Hoa Kỳ,
công dân nhập tịch có thể bị tước quyền công dân nếu họ có được nhập tịch mà
không hội đủ các điều kiện pháp lý, hoặc vì họ đã nói dối về một sự kiện có thực
trong quá trình xin nhập tịch.
Bị tước quyền công dân
không tự động dẫn tới trục xuất. Những người bị tước quyền công dân sẽ trở lại
tình trạng thường trú nhân, nhưng thẻ xanh của họ có thể bị lấy lại, và nếu vậy
họ có thể bị trục xuất.
Giới chỉ trích chỉ ra rằng
ỳ muốn của chính phủ Mỹ ưu tiên áp dụng biện pháp tước quyền công dân nêu bật ý
kiến cho rằng các công dân
nhập tịch có ít quyền hơn so với những người sinh ra tại Hoa Kỳ, và những người nhập cư không nên
tin chắc rằng họ không thể nào bị trục xuất dù đã qua tiến trình nhập tịch.
Báo New York Times nói Bộ
Tư Pháp Hoa Kỳ chưa công bố ai sẽ lãnh đạo văn phòng mới này, nhưng một số quan
chức và luật sư dự kiến người sẽ đảm nhiệm văn phòng này sẽ là ông Timothy
Belsan, người cho tới nay đã dẫn đầu các nỗ lực tước quyền công dân của Bộ
Tư Pháp.
Ông Belsan là người có
công dẫn tới việc thu hồi quyền công dân của một phụ nữ bị kết án là tội phạm
chiến tranh. Bà này quê quán ở Nam Tư, đã không khai trong đơn xin nhập tịch việc
bà đã từng hành quyết thường dân không vũ trang trong các cuộc xung đột ở
Balkan vào năm 1990.
Bộ Tư pháp dưới thời Tổng
thống Barack Obama cũng áp dụng biện pháp tước quyền công dân nhắm vào những đối
tượng đã nói dối trong hồ sơ xin nhập tịch và phạm các tội ác khác.
Nhưng biện pháp tước quốc
tịch được đẩy mạnh dưới thời chính quyền Tổng Thống Trump. Theo các số liệu chính thức của
bộ, trong số 228 trường hợp tước quyền công dân của Bộ Tư Pháp từ năm 2008, 40%
được đệ trình từ năm 2017.
Trong ba năm
qua, các ca tước quyền công dân được đề nghị lên Bộ Tư Pháp đã tăng 600%. Từ những ngày đầu tiên của chính quyền TT
Trump, các quan chức như Stephen Miller, phụ tá Toà Bạch ốc, người thúc đẩy phần
lớn chính sách di trú của Tổng thống Trump, đã nói rằng biện pháp tước quốc tịch
có thể được sử dụng như một phần trong nỗ lực rộng lớn hơn để siết chặt chính
sách di trú.
Một số luật sư di trú của
Bộ Tư pháp bày tỏ lo ngại rằng biện pháp đó có thể bị lạm dụng, thi hành rộng
rãi để tước quyền công dân, theo hai luật sư yêu cầu giấu danh tính vì sợ bị trả
thù.
Nhưng một quan chức Bộ Tư
Pháp phản bác rằng văn phòng mới sẽ ưu tiên xem xét những đối tượng đã vi phạm
luật pháp một cách nghiêm trọng.
--------------------------
XEM THÊM
Aline Barros 03/01/2020
VOA Tiếng Việt 07/12/2019
VOA Tiếng Việt 26/11/2019
No comments:
Post a Comment