25/01/2020
Năm 1954, di cư vào Nam,
gia đình tôi mua được một căn nhà nhỏ bên Vĩnh Hội. Nhà vách ván, lợp tôn, hồi
đó mua khoảng 50 ngàn. Nhà nằm trên một con hẻm, cắt ngang đường Bến Vân Đồn, gần
cầu Ông Lãnh. Nhà chỉ có ở một bên hẻm, bên kia là chiếc tường cao và dài suốt
hẻm của một hãng làm phân bón rất lớn có tên tây mà tôi không còn nhớ. Hẻm
không có tên, số nhà xuyệc (sur) vài cái chồng lên nhau trên đường Bến Vân Đồn.
Dân chúng quen miệng gọi là hẻm Hãng Phân. Cái tên không chính thức bỗng một
ngày đẹp trời trở thành tên chính thức. Thành phố cho dựng bảng tên đường ở đầu
đường với cái tên “Hẻm Hãng Phân” bảng xanh chữ trắng rất trang trọng. Vậy là
chết con dân! Các anh chị tuổi bồ bịch bỗng rơi vào một tình trạng dở khóc dở
cười. Thư từ biết để địa chỉ sao cho khỏi bốc mùi!
Hẻm không có mùi nhưng
tên có mùi nằm trong khu lao động. Nhà tôi nằm giữa nhà anh Tư Xích Lô Máy và
chị Ba bán trái cây ngoài chợ Cầu Ông Lãnh. Vách ván là những tấm ván mỏng dính
được ghép từ khi còn tươi đã co lại dần theo thời gian. Nhưng vách vẫn kín vì
những tranh ảnh dán lên trên che hết những kẽ hở. Ngày tết, nhà nào cũng làm mới
vách, lấy những phụ bản mới của các báo dán lên. Ngày đó, báo xuân đua nhau in
bìa và phụ bản bằng tranh ảnh màu trên giấy láng rất tiện lợi cho việc trang
hoàng nhà cửa dịp tết. Đây là một tập tục được độc giả, nhất là độc giả thuộc
các khu xóm lao động hoan nghênh. Ngày tết, qua chúc tết hàng xóm láng giềng,
thấy nhà nào cũng đổi mới, xuân ơi là xuân!
Tập tục dễ thương này xuất
phát từ chuyện cạnh tranh giữa hai tờ báo Tiếng Chuông và Sài Gòn Mới. Nhắc lại
chuyện giang hồ này, nhà văn Hoàng Hải Thủy viết: “Tờ nhật báo Sài Gòn ra đời
từ những năm 1925, 1926. Sau năm 1945 đổi tên là báo Sài Gòn Mới. Báo sống được
nhưng không huy hoàng, không phải là báo bán chạy, mãi đến năm 1957 nhờ sáng kiến
tặng phụ bản bản đồ Việt Nam, bản đồ thế giới rồi phụ bản màu đủ thứ chim cò,
ngao sò ốc hến của anh con thứ năm là Năm Thành, báo Sài Gòn Mới tăng vọt số
báo bán. Nhiều người mua báo Sài Gòn Mới, lấy phụ bản dán lên vách ván trong
nhà”.
Trong thương trường đâu
có dễ múa gậy vườn hoang. Đối thủ của báo Sài Gòn Mới là báo Tiếng Chuông nhảy
vào vòng đua liền. Tác giả Phạm Công Luận kể lại sự tình: “Một nhà văn khác
cho biết trong lãnh vực tặng phẩm, xổ số, phụ bản, báo Tiếng Chuông là đối thủ
của báo Sài Gòn Mới. Riêng báo Tiếng Chuông, từ lâu đã có bìa báo in rất đẹp,
bìa cứng và thích dùng tranh Lê Trung. Có sự cạnh tranh này, hai báo thi nhau
làm đẹp. Như bìa báo xuân Sài Gòn Mới năm Canh Tý 1960, có tranh một cô gái xinh
đẹp ngồi bên bức tranh. Người thiết kế khoét bìa ngay chỗ khung tranh. Một bức
tranh thứ hai hình con nai bên suối mùa xuân sẽ được lồng vào bìa báo ngay chỗ
khung tranh và đó chính là một phụ bản để sau này có thể lấy ra lồng khung kiếng
treo trên vách. Đó là một cách làm phụ bản cầu kỳ, còn đa phần phụ bản chính là
phần thêm vào có tính mỹ thuật hay tiện dụng, có khi là một bản đồ Sài Gòn hay
bản đồ các tỉnh, tranh thắng cảnh nổi tiếng các vùng miền như cảnh lăng tẩm cố
đô Huế, cảnh thác nước Đà Lạt, cảnh biển Nha Trang… mà thời đó ít người có điều
kiện đi thăm viếng, một phần do chiến tranh. Tuy nhiên những bức tranh vẽ cô
gái ngày xuân, cảnh chúc Tết, hoa trái…tuy không thiết thực nhưng lại rất cuốn
hút”.
Bìa số báo Xuân Canh Tý của
báo Sài Gòn Mới
Những loại tranh phụ bản
này, vách nhà anh Tư Xích Lô Máy hay chị Ba bán trái cây hàng xóm của tôi đều
được dán la liệt. Mỗi năm qua chúc tết họ, tôi vẫn bị cô gái của Lê Trung trên
vách nhà theo dõi. Phải công nhận họa sĩ Lê Trung hồi đó hốt bạc. Tranh của ông
nằm tại hầu như mỗi nhà trong xóm lao động. Các cô gái của ông Lê Trung tuy xuất
hiện nhiều trên các tư thế khác nhau nhưng luôn cùng một khuôn mặt. Đó là khuôn
mặt rất chuẩn, hầu như đã thành nếp, với đôi mắt to đen láy, đôi hàng lông mày
rậm và dài, chiếc miệng với đôi môi dày như tài tử Brigitte Bardo rất nổi tiếng
thời đó. Đó là cô gái trong tranh, cam đoan không thể tìm thấy ngoài đời.
Xuân Thanh Bình, tranh họa sĩ Lê Trung, phụ bản báo
Phụ Nữ Ngày Mai
Ngoài hai tờ Sài Gòn Mới
và Tiếng Chuông sống nhờ tranh bìa và phụ bản, các báo khác cũng phải o bế bìa
báo Xuân sao cho nổi đình nổi đám, vượt trội trên sạp báo mới có cơ sống còn.
Chủ đề của tranh, ngoài hình thiếu nữ hay ảnh chụp các tài tử như Thanh Nga, Thẩm
Thúy Hằng, Kim Cương…còn có một trường phái khác: trường phái vẽ hình các con
giáp theo năm.
Trường phái này không có
chi…sáng tạo. Từ thời ông Tú Xương đã có loại tranh này trên vách. Đì đẹt ngoài
sân tràng pháo chuột / Om sòm trên vách bức tranh gà. Đó là tranh Đông Hồ. Đông
Hồ là một làng nhỏ nằm sát bờ nam sông Đuống, chỉ cách Hà Nội khoảng 30 cây số
về hướng Đông. Khoảng cách với đất ngàn năm văn vật không xa nhưng Đông Hồ thuộc
xã Song Hồ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. Đông Hồ nổi tiếng với loạt tranh
dân gian được mọi người ưa chuộng mua về treo trong dịp Tết. Tranh Đông Hồ có
hai điểm đặc biệt: được in trên loại giấy đặc biệt gọi là giấy dó và màu sắc lấy
từ các chất liệu trong thiên nhiên.
Giấy dó là một loại giấy
làm bằng vỏ cây dó, có đặc tính xốp, nhẹ, bền, không nhòe khi viết hay vẽ, ít bị
mối mọt hoặc dòn gẫy, không bị ẩm nát, có tuổi thọ tới 500 năm! Quy trình từ vỏ
cây dó biến thành giấy dó rất nhiêu khê, hoàn toàn làm bằng tay, không máy móc
chi. Trước hết, vỏ cây dó được ngâm trong nước vôi khoảng ba tháng, sau đó nấu
cách thủy khoảng ba ngày hai đêm cho tới khi ngửi thấy mùi thơm của vỏ cây được
nấu chín. Dùng dao nhỏ bóc lớp vỏ đen đi, giã bằng chày và cối cho tới khi
thành bột nhuyễn. Cho bột nhuyễn này vào một cái giá to được đan bằng tre, có
đường kính hơn một thước, để đãi sạch nước vôi. Công đoạn này được gọi là “đãi
bìa”. Dùng chất nhờn từ cây mò tạo một hỗn hợp kết dính gọi là “nhớt gỗ”, pha với
nước. Sau đó là “xeo giấy” bằng cái “liềm xeo”. Liềm xeo là nứa hoặc giang được
chẻ nhỏ như sợi tăm rồi dùng sợi tơ xe lại. Thợ xeo dùng liềm này chao đi chao
lại trong bể bột dó. Lớp bột dó dính trên liềm chính là tờ giấy dó sau khi được
xeo, ép, bóc, can, phơi và lột giấy. Tơ dó kết lại với nhau như cái mạng nhện
nhiều lớp, tạo nên tờ giấy dó. Được chế tạo như vậy nên giấy dó rất xốp, nhẹ và
hút mực.
Nguyên liệu dùng để vẽ
tranh Đông Hồ hoàn toàn lấy từ thiên nhiên. Màu trắng óng bạc từ vỏ sò điệp,
màu vàng từ hoa hòe, màu đỏ vang từ gỗ vang, màu đỏ son từ sỏi son tán mịn, màu
xanh chàm từ lá chàm, màu đen từ than lá tre hay rơm ngâm kỹ.
Đầu năm 2002, trong lần về
lại Hà Nội duy nhất của tôi từ sau khi di cư vào Nam, tôi dã mua được một bộ
tranh Đông Hồ tại Văn Miếu Hà Nội. Bộ tranh gồm 20 bức bằng giấy dó. Tôi không
rành chất liệu vẽ tranh nên không phân biệt được màu sắc dùng là màu sắc của những
thứ lấy từ tự nhiên như nói trên hay màu vẽ công nghệ ngày nay. Nhìn kỹ tôi thấy
màu nhàn nhạt, dại dại, không đậm đà như các tranh ngày nay. Tờ giấy đính kèm với
bộ tranh cho biết đây là công trình của nghệ nhân Nguyễn Hữu Sam, ngụ tại thôn
Đông Hồ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. Ông Sam ghi: “Tranh Đông Hồ đã được
nhiều du khách trong và ngoài nước biết đến từ lâu. Nó nổi tiếng do làm từ những
nguyên liệu sẵn có trong thiên nhiên. Giấy in tranh là loại giấy “dó” mặt rất mịn,
được hòa quyện với màu sắc cổ truyền tươi tắn từ hoa lá của các cây cỏ rất dễ
tìm tại Việt Nam. Màu son được khai thác từ đất đá của đồi núi, màu trắng óng ả
là từ tinh chất của mai con điệp ngoài biển. Ưu điểm trong tranh dân gian Đông
Hồ là màu sắc rất bền đẹp, không dễ bị phai nhạt do sự phân hóa của ánh sáng và
thời gian”.
Hộp Đựng 20 bức tranh Đông Hồ của nghệ nhân Nguyễn Hữu
Sam
Làng Đông Hồ xưa kia có
tên là làng Mái, nổi tiếng về tranh tết.
Hỡi cô thắt lưng bao xanh
Có về làng Mái với anh thì về
Làng Mái có lịch có lề
Có sông tắm mát, có nghề làm tranh.
Tranh tết Đông Hồ có lẽ
là thứ tết nhất trong nhà của dân gian ngày xưa. Đề tài của tranh là hình ảnh
các con giáp đem theo ước vọng ngày xuân. Như mẹ con gà, mẹ con heo mang lại ước
vọng gia đình đông vui, hòa thuận, sung túc. Tranh “Vinh Hoa” hay “Phú Quý” với
hình ảnh chú bé ôm gà hay vịt là cái phúc đầu năm. Tranh “Tứ Quý” mang lại vui
tươi hạnh phúc trong suốt bốn mùa. Ngày nay báo tết vẫn theo bước chân của
tranh Đông Hồ, vẽ tranh con giáp của năm. Nhưng họ theo một cách đầy sáng tạo.
Mỗi bức tranh là một con giáp kiểu mới, thích hợp với trình độ độc giả của mỗi
báo.
Một vài tranh tết Đông Hồ tác giả mua tại Văn Miếu
Hà Nội
Chuyện năm nào vẽ con vật
trị vì năm đó là chuyện thường tình, chẳng có chi rắc rối. Nhưng không hẳn vậy.
Xuân năm Canh Tý 1960, bìa số Xuân của nhật báo Tự Do vẽ hình năm con chuột
đang ăn một trái dưa hấu. Chuyện quá thường tình. Năm Tý vẽ chuột đã tết, thêm
hình trái dưa hấu lại càng tết vì dưa hấu là thứ trái cây phổ biến của tết miền
Nam. Nhưng chuyện không giản dị như vậy. Đúng ngày mùng 5 tết, cảnh sát đã xông
vào đập phá tòa báo, tìm và tịch thu hết báo Xuân còn lại. Tại sao? Vì có người
diễn dịch năm con chuột là năm anh em nhà họ Ngô đang đục phá đất nước. Không
biết họa sĩ có ý đó không nhưng nếu xoay ngược bức tranh lại thì phần vỏ vàng của
trái dưa hấu là hình thể của bản đồ Việt Nam. Khi đó Thủ Tướng, sau là Tổng Thống
Ngô Đình Diệm, đã về nước chấp chánh được khoảng sáu năm. Nhiều người đã tỏ ra bất
mãn vì cái họ gọi là “gia đình trị” của gia đình họ Ngô.
Bìa báo Xuân Tự Do năm Canh Tý 1960
Nhà văn Phạm Phú Minh,
vào năm 2012, đã có một bài viết rất chi tiết về vụ này. Ông cho biết:
“Nhưng tất cả chỉ là suy luận, ức đoán. Chẳng có bằng chứng nào có thể đoan chắc
bức tranh vẽ toàn chuột đó là ám chỉ các anh em trong một gia đình. Trừ một việc:
chính các anh em đang cầm quyền đó đã phản ứng một cách giận dữ. Tức là họ tự
nhận năm con chuột đó chính là tượng trưng cho chính họ. Chính hành vi cho thuộc
hạ đập phá tòa soạn báo Tự Do, tịch thu báo, và truy tìm tác giả bức tranh đã
xác nhận cái ám chỉ mà dân chúng nghi ngờ đó là đúng”. Nhà cầm quyền đã nổi
giận tới mức như vậy thì tác giả bức tranh sẽ lãnh đủ. Nhưng bức tranh không ký
tên tác giả. Lúc đó, trong số các họa sĩ cộng tác với báo Tự Do có hai tên tuổi
lớn trong làng họa: Nguyễn Gia Trí và Phạm Tăng. Dư luận lúc đó cho tác giả là
họa sĩ Phạm Tăng. Nhưng có lẽ đó là lời khai của tòa báo, đồng thời chính tòa
báo tung ra dư luận cho tiện lợi. Thời gian đó họa sĩ Phạm Tăng đang ở Ý, nhà cầm
quyền chẳng nắm được tóc ông! Nhưng sau này, theo tiết lộ của những người đáng
tin về vụ này thì tác giả chính là họa sĩ Nguyễn Gia Trí. Vụ này tưởng chỉ là một
tai nạn nghề nghiệp nhưng tác giả Phạm Phú Minh diễn giải thêm: “Ngày nay
nhìn lại vụ bức tranh này, phải nhận đây là một sự kiện rất quan trọng, như một
quả bom tấn nổ bùng khơi ngòi cho một loạt hoạt động chống đối chế độ trong những
năm tiếp theo, với sự bất mãn của dân chúng ngày một tăng. Phải là người gan
góc, đầy bản lãnh và tài năng mới thực hiện được một hình thức chống đối chế độ
ngoạn mục như vậy: một bức tranh rất nghệ thuật nhưng hiền lành như một tranh
dân gian đón mừng năm mới, in trên bìa số Xuân của một nhật báo uy tín nhất nước,
lại ẩn chứa một nội dung tố cáo tính cách không lành mạnh của một chế độ chính
trị”.
Thơ văn, hội họa là nghệ
thuật. Đó là những thứ làm cuộc sống của con người thăng hoa. Nhưng khi cần,
thơ văn hay hội họa cũng là nhưng vũ khí hữu hiệu nhất tranh đấu cho quyền sống
tự do của con người. Họa sĩ Nguyễn Gia Trí đã dùng vũ khí này khi chế độ đã đi
vào con đường độc tài bóp chết tự do của dân chúng. Thi sĩ Vũ Hoàng Chương, con
người ốm yếu mỏng manh, cũng đã làm như vậy khi cộng sản cưỡng chiếm miền Nam.
Trong những ngày đầu miền Nam rơi vào tay cộng sản, dân chúng cả nước đã hả hê
truyền tai nhau một đôi câu đối trác tuyệt khi thành phố Sài Gòn đổi tên đường
Công Lý thành đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa và đường Tự Do thành đường Đồng Khởi. “Nam
Kỳ Khởi Nghĩa tiêu Công Lý / Đồng Khởi vùng lên mất Tự Do”. Ít người biết
tác giả hai câu này chính là thi sĩ Vũ Hoàng Chương.
Tết năm con rồng Bính
Thìn, 1976, cái tết đầu tiên dưới ách thống trị của cộng sản, thi sĩ họ Vũ lại
có bài thơ “Vịnh Tranh Gà Lợn”:
Sáng chưa sáng hẳn, tối không đành,
Gà lợn om sòm rối bức tranh.
Rằng vách có tai, thơ có họa
Biết lòng ai đỏ, mắt ai xanh.
Mắt gà huynh đệ bao lần quáng
Lòng lợn âm dương một tấc thành.
Cục tác nữa chi, ngừng ủn ỉn
Nghe rồng ngâm váng khúc tân thanh.
Bài thơ tự nó đã nói hết
về cuộc sống rối rắm, nghi kỵ giữa con người với nhau dưới chế độ độc tài cộng
sản. Nhà thơ Nguyễn Mạnh Trinh bàn như sau: “Những thành ngữ, tục ngữ dân
gian dưới tay nghệ sĩ đã thành đắc địa. Chữ đã không còn là một nghĩa nữa mà
thành nhiều nghĩa, và sự thâm trầm sâu lắng trong ngữ nghĩa làm bài thơ lột tả
được một tâm sự chung của cả một thế cuộc tao loạn đầy bất trắc. Bài thơ được
truyền tụng trong thời buổi ấy cũng đã là nguyên nhân để những người cầm quyền
cộng sản bắt giam tác giả. Thi sĩ bị giam tại khám Chí Hòa, sau vì đau yếu nên
được thả về nhà, mấy ngày sau thì từ trần, vào ngày 6 tháng 9 năm 1976”.
Tranh gà tranh lợn ngày
xuân trên vách tưởng là hiền lành, ai ngờ cũng là một phương tiện bày tỏ, chống
đối những bất công, đàn áp của cường quyền trên đầu người dân. Vui xuân đó
nhưng cũng buồn cho xuân đó. Nhưng mùa xuân là mùa hy vọng, biết đâu gà lợn
trên vách sẽ có lúc…om sòm!
11/2019
Website: www.songthao.com
No comments:
Post a Comment