Tuesday, January 28, 2020

NĂM CHUỘT NÓI CHUYỆN ÔNG TÝ (TS Nguyễn Hồng Kiên)




NỘI DUNG :

Nguyễn Hồng Kiên 
.
Phụ Nữ Mới
.
===========================================
.
Nguyễn Hồng Kiên 
25-01-2020 08:19 GMT +7

Sinh thời, mỗi dịp trước Tết Ta, GS Trần Quốc Vượng thường hay có bài viết về những con vật đại diện của năm Lịch Trăng. Thầy thường “giật tít” (sau này trở nên phổ biến) kiểu “Năm Thìn nói chuyện Rồng”.

Chuyện rồi cũng nhạt dần. Chả nhẽ 12 năm lại “tua” lại một lần. Sau, nhiều báo đưa cả chuyện hiện đại vào, tỷ như có năm Tý, người ta buôn cả chuột máy tính.

Các bài nhân dịp năm Tý đại khái đã có giải thích nhiều vấn đề, dù cũng chưa thật rốt ráo.
Tỷ như năm bắt đầu của một giáp là năm Tý vì 1 ngày bắt đầu bằng giờ Tý (giờ của các cụ bằng 02 tiếng đồng hồ, từ 11 giờ đêm đến 1 giờ sáng), cái giờ loại gặm nhấm này hoạt động mạnh nhất.

Có tác giả bảo chân trước của Chuột có 4 ngón (Chẵn), chân sau có 5 ngón (Lẻ) và giờ Tý vắt từ nửa đêm hôm trước (Âm) đến sáng sớm hôm sau (Dương), nghĩa là loài chuột hội đủ cả Âm và Dương nên nó xứng đáng đứng đầu 12 con giáp.

Cũng có người lại vịn vào chuyện của… Nhật Bản (?), rằng con chuột cậy bé, ranh mãnh nhảy lên tranh được chỗ đầu tiên khi Thượng đế triệu tập họp muôn loài…

Diềm trang trí của sập đá/long sàng đặt sát toà Bái đường đền vua Đinh (Ninh Bình) có niên đại thế kỷ 17 (đã được xếp hạng Bảo vật Quốc gia năm 2017)/ Ảnh: Hiếu Trần

Kho tàng tục ngữ - thành ngữ Việt Nam toàn những hình ảnh chả có gì là hay ho, tốt đẹp: Cháy nhà ra mặt chuột - Chuột sa chĩnh gạo - Đầu voi đuôi chuột - Chuột chạy cùng sào - Hôi như chuột chù – Len lén như chuột ngày – Lù rù như chuột chù phải khói - Mặt dơi tai chuột - Mặt như chuột kẹp - Ướt như chuột lột - Nửa dơi, nửa chuột - Bày đường chuột chạy (tương tự Vẽ đường hươu chạy) - Chuột chù nếm dấm (Kẻ không biết gì nhưng lại tỏ ra thành thạo)… Chuột chù chê khỉ rằng hôi /Khỉ lại trả lời: - Cả họ mày thơm…

Nhờ khoa học, từ lâu chúng ta biết người và chuột có hệ gene giống nhau hơn 90%. Vì vậy ở thế giới hiện đại, loại chuột thí nghiệm/chuột bạch có vai trò quan trọng đối với việc chăm sóc sức khỏe loài người. Vào đầu tháng 5/1989, nước Mỹ có một cuộc khủng hoảng chuột thí nghiệm, được coi là “thảm họa quốc gia”; thiệt hại vật chất gần 50 triệu USD, ảnh hưởng đến các cuộc nghiên cứu có giá trị tới một tỷ USD. Nguyên nhân là phòng nghiên cứu Jackson tại tiểu bang Maine (nơi cung cấp chuột thí nghiệm cho 6.500 phòng nghiên cứu khắp nước Mỹ và toàn thế giới) bị hỏa hoạn khiến 500.000 con chuột thí nghiệm bị chết.

Tuy nhiên, kể cả có mốt nuôi chuột Hamster Bear như thú cưng trong nhà (nghe bảo được cái lợi là nếu nuôi loại chuột cảnh này thì các loại chuột hoang không dám vào nhà nữa), thì chuột vẫn là loài vật đáng ghê sợ, kẻ thù của mùa màng/của cải.

Chân bia đá “Tiền triều Đinh Tiên Hoàng đế công đức tằng tu điện miếu bi ký” dựng năm Hoằng Định thứ 9- 1608), ở đền vua Đinh (Ninh Bình)/ Ảnh: Hiếu Trần

Hồi bé, nhà cháu trả bài bài tập xuống hàng/thơ bậc thang như này:

Chú Mướp
Rúc rích
Nhà vắng ngắt
Một thằng nhắt
lấm lét
mò ra
Lũ thóc trong bồ
Im thít
Thằng nhắt
 rung râu
 cười tít.
Phốc
Nhanh như chớp
chú mướp
chộp mồi
Thằng nhắt
nhe răng
hết cười.
Rúc rích
Nhà vắng ngắt
Trên bồ thóc
chú mướp
cuộn tròn
đánh giấc.
Lũ thóc trong bồ
rì rào
hát… 

Nhẽ cũng cần nói rằng không chỉ các nước từng dùng Chữ Khối Vuông như Trung Quốc, Nhật Bản, Việt Nam… mới dùng 12 con giáp. Lịch của đồng bào Chăm (dùng kiểu Chữ Giá Đỗ, chữ Phạn/sanskrit) cũng có 12 anuk nuthăk là: chuột (takuh), trâu (kabao), cọp (rimong), thỏ (tapai), rồng (inưgirai), rắn (ula neh), ngựa (atheh), dê (pabe), rùa (kra), gà (manuk), chó (athau), heo (pabuai). Trong đó, không có mèo mà là thỏ, không có khỉ mà là rùa; nhưng Đứng Đầu cũng vẫn là chuột.

Rảnh, nhà cháu có thể kể ty tỷ chuyện về loài chuột.

Chạm khắc phong cách nghệ thuật thế kỷ 17 ở đình làng Ninh Giang (Ninh Hiệp, Gia Lâm, Hà Nội)/ Ảnh Hiếu Trần

Bài này, nhà cháu đặt tít ngược với thông thường, có vài lý do.

Con chuột vốn chả được mấy ai ưa. Bởi loài gặm nhấm này mà quậy phá, đặc biệt ở trong nhà, thì vô phương. Nuôi mèo, đặt bẫy các kiểu… hầu như không loại trừ vĩnh viễn được bọn mõm nhọn đuôi dài này. May ra chỉ có ngớt ngớt, rồi lại thấy đâu đó có một thứ bị cắn, bị vầy… Ông nội truyền cho chúng cháu một bí quyết là muốn đặt bẫy thì lẳng lặng mà làm, chớ có nói ra mồm, “Ông Tý ông ấy NGHE thấy!”.

Tuy nhiên, chuyện nhà cháu muốn kể năm nay, khác mọi năm, và chắc chắn khác mọi người… đã kể. Nhà cháu muốn nói về hình tượng Ông Tý trong điêu khắc cổ của người Việt.

Chạm khắc phong cách nghệ thuật thế kỷ 18 ở đình làng Viễn Sơn (Tiên Lục, Lạng Giang, Bắc Giang)/ Ảnh: Hiếu Trần

Từng đi trùng tu đình, chùa, miếu mạo… suốt một phần tư thế kỷ; gần đây nhà cháu lại hay theo mấy ông em có máu yêu di tích, di sản trở lại nhiều di tích đã đến nhiều lần trước đây để chụp ảnh. Khá nhiều lần, nhà cháu phát hiện/nhận thức lại được những vấn đề trước đó không/chưa nhìn thấy. Một trong những nguyên nhân của phát hiện/nhận thức mới… là “vũ khí dụng cụ” bây giờ hiện đại, hoành tráng gấp ty tỷ lần ngày trước. Rất nhiều mảng điêu khắc cổ được ghi lại NÉT ĐẾN TỪNG HẠT BỤI. Nhờ đó, nhiều điều trở nên sáng rõ chứ không tù mù trong nhập nhoạng ánh đèn dầu, ánh nến…

Vầng, trong mỹ thuật-điêu khắc cổ của người Việt, hình tượng con chuột khá hiếm. Đây đó có thể gặp con vật mõm dài-đuôi dài, nhưng nhà cháu không thấy đẹp.

Các hình tượng chuột như ảnh kể trên đều được thể hiện theo cách tả thực.

Đề tài được thể hiện nhiều hơn, nhưng cũng mang tính nghệ thuật hơn, là đôi chuột béo núc ních nắm đuôi nhau đùa nghịch như ảnh dưới. 

Chạm khắc phong cách nghệ thuật thế kỷ 17 ở đền vua Đinh (Ninh Bình)/ Ảnh: Hiếu Trần

 Rất nhiều người đến đình Hoành Sơn (Khánh Sơn, Nam Đàn, Nghệ An) thường chỉ quan tâm đến mấy bức chạm có ngựa, đua thuyền, đi cày bằng voi… nào có mấy ai biết đến đôi chuột rất phồn thực này:

 Chạm khắc ở đình Hoành Sơn, phong cách nghệ thuật thế kỷ 18/ Ảnh: Hiếu Trần

Cũng chạm đôi chuột đùa rỡn, nhưng hoạt cảnh ở đình làng Trùng Hạ (Gia Tân, Gia Viễn, Ninh Bình) lại có bố cục ngang, con sau cắn đuôi con trước. Răng - “vũ khí nguy hiểm nhất” của loài gặm nhấm được tả rõ, nhưng không gây cảm giác ghê sợ mà nhìn hai Ông Tý lại thoáng nét cười.

Chạm khắc ở đình Trùng Hạ (Ninh Bình), phong cách nghệ thuật thế kỷ 17/ Ảnh: Hiếu Trần.

Cũng ở đình làng này, hiện vẫn còn một bức chạm hai Ông Tý chầu vào một vành tròn đang tỏa sáng bằng những nét “đao” tỏa ra bốn phía; trong vành tròn chạm rõ một chữ Phúc theo kiểu “đá Thảo”. 

Chạm khắc ở đình Trùng Hạ (Ninh Bình), phong cách nghệ thuật thế kỷ 17/ Ảnh: Hiếu Trần

Cuối cùng, nhà cháu muốn giới thiệu một mảng chạm, mà ở đó, rõ ràng Ông Tý ở vị trí thay thế Rồng - Linh vật Vũ trụ: Trong bố cục kiểu “Lưỡng Long triều Nhật/Nguyệt” là hai Ông Tý trong bức chạm thuộc "hương án", nên được sơn son thiếp vàng, hiện còn ở đình làng Đông Ngạc/ đình Vẽ nay thuộc Bắc Từ Liêm, TP Hà Nội.

Thực ra Nhật hay Nguyệt cũng chả quan trọng, vì đó đều là Nguồn Sáng/Nguồn Phát Sáng. Tuy nhiên, ở một bức chạm trên Ván Gió đình làng Báng/ Đình Bảng, nhà cháu từng thấy các cụ khắc một chữ Nguyệt ().

Chạm khắc ở đình Vẽ (Hà Nội), phong cách nghệ thuật Mạc- đầu thế kỷ 17/ Ảnh: Hiếu Trần

Xem ảnh bức chạm này, một ông cháu đồng nghiệp đề xuất tên gọi thuần Việt: Đôi Chuột vờn Trăng.

Vấn đề là: Tại sao con chuột xấu xí, đáng ghét lại trở thành Ông Tý. Rồi lại chầu Nhật/vờn Nguyệt như Rồng?

Bên Ấn Độ còn có cả một đền thờ chuột - đền Karni Mata với rất nhiều hình chuột được chạm trổ tinh xảo trên các phiến đá cẩm thạch và bằng vàng, bạc. Theo truyền thuyết, khi Laxman (con trai của nữ thần sức mạnh và chiến thắng Karni Mata) chết, bà đã cầu khẩn thần chết Yama. Con bà được sống lại, nhưng trong kiếp chuột. Nữ thần nguyện với thần Yama rằng tất cả các thành viên đã chết trong thị tộc của bà sẽ sống kiếp chuột cho đến khi họ được đầu thai thành người. Vì được coi là vật thiêng và được tôn kính nhất, không ai được phép làm tổn hại đến chúng. Nếu lỡ làm chết một con thì phải giả giá bằng một con chuột được đúc bằng vàng, bạc nguyên khối. Chính vì thế hiện nay, ở ngôi đền này có đến 20.000 con chuột sống. Nhưng đó là bên Ấn.

Hồi còn tại thế, GS Trần Quốc Vượng có ý định tập hợp bạn bè, học trò để viết một cuốn, đại để là về thói hư tật xấu của người Việt. Nhà cháu có được gọi. Và nhà cháu đề xuất một thuộc tính (chả xấu, chả tốt; coi là xấu thì là xấu, coi là tốt thì là tốt) của người Việt là tính thực dụng.

Một số bức chạm NỔI TIẾNG của đình Hoành Sơn/ Ảnh: Hiếu Trần

Vì thực dụng, nên người Việt thực ra chỉ tín ngưỡng, mà không có/không theo một tôn giáo nào. Nhà cháu cũng vẫn còn nhớ hồi bé được bà nội dẫn lên chùa, sau khi cúng dường Phật, trên đường về bà không quên đặt hoa-dâng quả-thắp hương ở vài ngôi miếu… Lớn lên, đi học nhà cháu được biết người Việt thờ các Phúc thần (để xin ban Phúc), nhưng cũng sẵn sàng thờ các Ác thần (đơn giản là để đừng giáng Họa).

Người Việt hiện đại còn thực dụng đến mức ngay cả khi sì sụp khấn vái vẫn mặc cả với Thần Linh: - Nếu… có linh thiêng thì phù hộ, con xin hậu tạ!

Cách nay chưa lâu lắm người Việt còn dùng thuyền nan. Thương lái cực kỳ sợ chuột nhắt, vì thuyền đầy hàng hoá, nhiều khe kẽ, ngóc ngách; loài chuột nhắt thì lại hay ngứa răng, khoét thủng đáy, thuyền chìm lúc nào không biết. Các chủ thuyền thường phải lập một trang thờ nhỏ khói hương nghi ngút suốt ngày đêm (chứ không thi thoảng như bàn thờ thần Tài), gọi là bàn thờ Ông Tý.

Loài gặm nhấm nhỏ bé, sinh sôi nhanh… một Tai hoạ cho nhà nông- là con chuột. Diệt không nổi, không hết… thì tôn làm Ông Tý. Vậy thôi!

----------------------

Tiến sĩ Nguyễn Hồng Kiên

Tác giả bài viết, Tiến sĩ Nguyễn Hồng Kiên là chuyên gia khảo cổ học, của Viện Khảo cổ học Việt Nam. Ông là đồng chủ biên "Kiến trúc đình làng Việt qua tư liệu Viện Bảo tồn di tích tập 1". 

NGUYỄN HỒNG KIÊN

------------------------------------------

Phụ Nữ Mới
25-01-2020 08:35 GMT +7

Sớm 25/1 (tức mùng 1 Tết), công cụ tìm kiếm lớn nhất thế giới Google thay đổi giao diện doodle là chú chuột vàng ngộ nghĩnh, nổi bật trên nền đỏ.


Sự thay đổi này đặc biệt sáng tạo khi các nhà thiết kế để chú chuột vàng dẫn đầu đoàn thuyền 12 con giáp xung quanh. Hình ảnh đánh dấu vòng tròn 12 năm, cũng như sự khởi đầu của thập kỷ mới.

Tại Việt Nam, Tết Nguyên đán năm 2020 bắt đầu từ 25/1. Thời gian nghỉ Tết của người lao động đến 29/1.

Đây là dịp lễ đầu năm Âm lịch quan trọng và có ý nghĩa nhất ở Việt Nam cũng như nhiều nước châu Á khác. Trước ngày Tết, người Việt có các phong tục như cúng Táo Quân (23 tháng chạp Âm lịch) và "cúng tất niên" (29 hoặc 30 tháng chạp Âm lịch).

Vì Tết tính theo Âm lịch nên Tết Nguyên đán của Việt Nam muộn hơn Tết Dương lịch của nhiều nước trên thế giới. Do quy luật 3 năm nhuận một tháng âm lịch nên ngày đầu năm của dịp Tết Nguyên đán không bao giờ trước ngày 21/1 Dương lịch và sau ngày 19/2 Dương lịch mà rơi vào khoảng giữa những ngày này. Toàn bộ dịp Tết Nguyên đán hằng năm thường kéo dài trong khoảng 7 đến 8 ngày cuối năm cũ và 7 ngày đầu năm mới (23 tháng Chạp đến hết ngày 7 tháng Giêng).

Hằng năm, Tết được tổ chức vào ngày mồng 1 tháng Giêng Âm lịch. Trong những ngày Tết, các gia đình sum họp bên nhau, cùng thăm hỏi người thân, dành những lời chúc mừng tốt đẹp, mừng tuổi và thờ cúng tổ tiên. Theo quan niệm, cứ năm mới tới, mỗi người tăng lên một tuổi, bởi vậy ngày mồng 1 Tết là ngày con cháu "chúc thọ" ông bà và các bậc cao niên.

Google Doodles là những biểu tượng đặc biệt, thay thế tạm thời cho biểu tượng Google trên trang chủ Google.com (hay Google Tiếng Việt - Google.com.vn) nhằm chào mừng các ngày lễ lớn, các sự kiện, thành tựu và nhân vật có đóng góp quan trọng ở nhiều lĩnh vực cho cộng đồng ở đất nước mình, hay cho nhân loại.

Trên trang chủ Google Tiếng Việt (Google.com.vn) từ năm 2003 đến nay đã có nhiều tác phẩm Doodles như cách mà Google tôn vinh nét văn hóa đặc trưng tại Việt Nam cũng như kỷ niệm những ngày lễ truyền thống.Năm nay, nhân dịp rằm tháng 8, Google đã chọn hình ảnh Tết Trung thu làm chủ đề chính cho giao diện trang chủ của mình.

Tết Trung Thu theo Âm lịch là ngày Rằm tháng 8 hằng năm. Trẻ em thường rất mong đợi dịp này vì được phá cỗ đêm Trung thu và tham gia vào nhiều trò chơi, hoạt động truyền thống. Tại Việt Nam và nhiều quốc gia Châu Á, Tết Trung thu còn gắn liền với hình ảnh về những chiếc bánh nướng, bánh dẻo.

NGỌC CHÂU (T/H)





No comments: