Friday, January 31, 2020

ĐẠI DỊCH TỪNG KHIẾN ÔNG NỘI TRUMP THIỆT MẠNG (VnExpress)




VnExpress
Thứ sáu, 31/1/2020, 00:00 (GMT+7)

Dịch cúm Tây Ban Nha năm 1918 cướp đi sinh mạng của gần 700.000 người Mỹ, trong đó có Frederick Trump, ông nội đương kim Tổng thống Mỹ.


Ngày 28/9/1918, giới chức thành phố Philadelphia, Mỹ cho phép 200.000 người tham gia cuộc diễu hành gây quỹ cho phe Đồng minh trong Thế chiến I, bất chấp cảnh báo của cơ quan y tế về một kẻ thù vô hình.

Chỉ trong vòng 72 giờ sau cuộc diễu hành, tất cả giường bệnh tại Philadelphia đều chật kín bệnh nhân bị nhiễm cúm Tây Ban Nha. Hơn 12.000 người chết trong 6 tuần, tức là cứ 5 phút thì có một người qua đời. 20.000 người Mỹ chết trong vòng 6 tháng vì đại dịch này.

Bệnh nhân cúm được điều trị tại bệnh viện ở Washington năm 1918. Ảnh: Library of Congress.

Đại dịch cúm Tây Ban Nha diễn ra từ tháng 1/1918 đến tháng 12/1920, liên quan đến virus cúm H1N1. Mặc dù có tên gọi như vậy, dịch này không khởi phát từ Tây Ban Nha. Do chiến tranh, các nước tham chiến đã chặn tin tức về dịch bệnh, khiến Tây Ban Nha, nước trung lập, là bên đầu tiên công khai trường hợp nhiễm bệnh.

Virus gây ra đại dịch được cho là có nguồn gốc từ chim, lợn hoặc cả hai. Một số chuyên gia cho rằng cúm khởi phát từ Đông Á, khu vực có nhiều bệnh lây truyền từ động vật sang người. Claude Hannoun, chuyên gia hàng đầu về dịch cúm năm 1918 của Viện Pasteur, nhận định loại virus nhiều khả năng khởi phát từ Trung Quốc. Sau đó, nó biến đổi ở Mỹ và từ đó lan sang Pháp và khắp châu Âu.

Trong khi đó, nhà khoa học chính trị Andrew Price-Smith trích dẫn tài liệu lưu trữ của Áo cho thấy bệnh cúm bắt đầu ở Áo vào đầu năm 1917. Năm 2014, nhà sử học Mark Humphries lập luận rằng việc huy động 96.000 lao động Trung Quốc làm việc sau chiến tuyến của Anh và Pháp trong Thế chiến I có thể là nguồn gốc của đại dịch.

Điều đặc biệt của cúm Tây Ban Nha là nạn nhân tử vong chủ yếu là người trẻ, trong độ tuổi 20-40, thay vì người già như trong các dịch khác. Các chuyên gia tin rằng những người lớn tuổi bị nhiễm cúm Tây Ban Nha có thể từng nhiễm một chủng tương tự trước đây và do đó miễn dịch ở một mức độ nhất định, theo BBC. Tỷ lệ tử vong của cúm Tây Ban Nha được ước tính là 10-20%, trong khi tỷ lệ tử vong của các dịch cúm khác là 0,1%.

Khi một người nhiễm bệnh hắt hơi hoặc ho, hơn nửa triệu phần tử virus có thể lây lan sang những người gần đó. Tỷ lệ lây nhiễm cúm Tây Ban Nha lên tới 50% với các triệu chứng bất thường như xuất huyết mũi, dạ dày, ruột, phù và xuất huyết phổi. Tổng cộng 500 triệu người trên toàn thế giới bị lây nhiễm và 50-100 triệu người, tức 3-5% dân số thế giới vào thời điểm đó, tử vong.

50.000 người chết ở Canada, 300.000 người chết ở Brazil, trong đó có cả Tổng thống Rodrigues Alves. 250.000 người qua đời ở Anh, 400.000 người thiệt mạng ở Pháp. Tại Ấn Độ, số nạn nhân lên tới 17 triệu người, chiếm khoảng 5% dân số.

Ở Mỹ, 28% dân số nhiễm bệnh và 675.000 người chết. Có những ngôi làng của thổ dân Mỹ bị xóa sổ. Ủy ban Y tế New York yêu cầu người dân báo cáo tất cả ca nhiễm cúm và bệnh nhân phải được cách ly tại nhà hoặc trong bệnh viện. Philadelphia yêu cầu các trường học, nhà thờ, rạp hát đóng cửa. Chicago cũng đóng cửa nhiều nơi công cộng và cấm tụ tập đám đông. San Francisco khuyến nghị tất cả cư dân đeo khẩu trang khi ra ngoài.

Trong số các nạn nhân đại dịch cúm năm 1918 có họa sĩ người Áo Egon Schiele, nhà thơ người Pháp Guillaume Apollinaire và nhà phát triển bất động sản ở New York Frederick Trump, ông nội của đương kim Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ngày 29/5/1918, khi đang đi dạo cùng con trai Fred, Frederick đột nhiên cảm thấy rất yếu và qua đời ngay ngày hôm sau ở tuổi 49.

Frederick Trump tháng 1/1918. Ảnh: Commons.

Sau cuối năm 1918, số lượng ca nhiễm bệnh đột ngột giảm mạnh. Tại Philadelphia, 4.597 người chết vào tuần trước ngày 16/10/1918, nhưng đến ngày 11/11/1918, cúm Tây Ban Nha gần như biến mất khỏi thành phố. Có cách giải thích cho sự suy giảm nhanh chóng này là các bác sĩ đã làm tốt hơn trong việc ngăn ngừa và điều trị chứng viêm phổi phát triển sau khi các nạn nhân nhiễm virus. Tuy nhiên, John Barry, tác giả một cuốn sách về dịch bệnh, nói rằng các nhà nghiên cứu không tìm thấy bằng chứng chứng minh điều này.

Một giả thuyết khác cho rằng virus năm 1918 đã biến đổi nhanh chóng thành một chủng ít nguy hiểm hơn. Đây là xu hướng phổ biến của virus cúm: Chúng thường bớt nguy hiểm sau một thời gian, vì những người mang chủng nguy hiểm đã qua đời, còn những người sống sót đã miễn dịch.

Hồi tháng 9/2019, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công bố báo cáo nói rằng thế giới không sẵn sàng đối mặt với một đại dịch tương tự.

"Một đại dịch bệnh đường hô hấp lan nhanh với tỷ lệ tử vong cao vẫn có nguy cơ xảy ra, giết chết 50-80 triệu người và quét sạch gần 5% nền kinh tế thế giới", báo cáo có đoạn viết. "Một đại dịch toàn cầu ở quy mô đó sẽ là thảm họa, gây ra thiệt hại, bất ổn và bất an nghiêm trọng. Thế giới chưa được chuẩn bị để đối mặt nó".

·          
Phương Vũ (Theo Navy Times/IE)






No comments: