NỘI DUNG :
Thụy
My -
RFI
Thanh Hà
- RFI
Thu Hằng
- RFI
.
Người
Việt Online
.
===============================================
Thụy My - RFI
Đăng ngày: 30/01/2020 - 12:05
Bộ
Y Tế Việt Nam hôm nay, 30/01/2020, xác nhận đã có ba người Việt dương tính với
virus corona gồm hai người ở Hà Nội và một người ở Thanh Hóa. Như vậy cộng với
hai cha con người Trung Quốc đang được điều trị ở Chợ Rẫy, tại Việt Nam đã có 5
trường hợp nhiễm bệnh.
Ba công dân Việt Nam bị lây nhiễm là công nhân một
nhà máy được cử sang tập huấn hai tháng tại Vũ Hán, về nước trên cùng một chuyến
bay, và sau đó đã tiếp xúc với nhiều người khác.
Ở Trung Quốc, chỉ riêng trong ngày hôm qua, đã có
thêm 38 người chết, số lượng tử vong cao kỷ lục này đã nâng tổng số bệnh nhân thiệt mạng vì
virus corona mới lên 170 người. Và số người bị nhiễm bệnh cũng tăng vọt, tổng cộng đến hôm
nay 30/01/2020 là 7.700 người, vượt xa nạn dịch SARS trước đây
(5.327 người bị lây nhiễm trong hai năm 2002-2003).
Ân Độ và Philippines loan báo các trường hợp bị nhiễm
virus corona đầu tiên, đều là những người đã từng đến Vũ Hán.
Tại Trung Quốc, trước sự lan tràn nhanh chóng của dịch
bệnh, đặc biệt là đã có đến 5 triệu người rời ổ dịch Vũ Hán trước khi thành phố
này bị phong tỏa, người dân hết sức lo sợ. Ở một số địa phương, người dân từ
thành phố Vũ Hán và tỉnh Hồ Bắc bị nghi là những người mang mầm bệnh. Các rào cản
được dựng lên ở nhiều ngôi làng để cấm người lạ vào. AFP cho biết tại nhiều khu
nhà ở Bắc Kinh, cư dân được yêu cầu thông báo nếu có khách từ Vũ Hán đến.
Tình
hình tại các bệnh viện ở Vũ Hán ra sao ? Một bác sĩ khoa cấp
cứu bệnh viện Salpétrière ở Paris chịu trách nhiệm khám cho những người Pháp gốc
Hoa, thường xuyên liên lạc với các đồng nghiệp trong vùng dịch Vũ Hán, kể lại :
« Các điều kiện làm việc rất khó khăn. Có rất nhiều
bệnh nhân tới khám vì họ bị sốt, ho, sổ mũi ; trong khi đang mùa cúm. Cách làm
việc đã thay đổi vì bệnh viện bị quá tải. Có 9 bác sĩ thay nhau trực 24/24, họ
phải khám cho 1.000 bệnh nhân. Còn người bệnh phải chờ đợi từ 6 đến 10 giờ để
được khám, tóm lại là rất căng thẳng. Một khó khăn nữa là mọi thứ đều thiếu thốn,
nhất là khẩu trang loại FFP2 có thể lọc được những phân tử nhỏ ».
Trên lãnh vực tư pháp, dưới áp lực dư luận, Tòa án Tối
cao Trung Quốc hôm qua 29/01/2020 đã có động thái hiếm hoi là phục hồi danh dự
cho 8 người bị câu lưu hôm 1 tháng Giêng vì công an cho rằng đã « tung tin đồn
sai lạc » về dịch bệnh.
Tại Hồng Kông đã 10 ca xác định nhiễm virus corona mới,
tất cả đều là người từ Hoa lục sang. Hầu như mọi người dân Hồng Kông đều đeo khẩu
trang khi ra đường, các nhà thuốc hạn chế số lượng khẩu trang bán ra. Dưới áp lực,
trưởng đặc khu hôm qua đã cho đóng 6/14 cửa khẩu với Trung Quốc, trong khi nhiều
người đòi hỏi phải đóng toàn bộ biên giới.
Sau Mông Cổ, quốc gia đầu tiên cho đóng cửa biên giới
trên bộ với Trung Quốc cách đây ba ngày, hôm nay đến lượt thủ tướng Nga Mikhail
Mishustin tuyên bố sẽ phong tỏa khu vực biên giới với Trung Quốc ở vùng Viễn
Đông, tuy tại Nga chưa có trường hợp lây nhiễm nào.
---------------------------------------
Thanh Hà - RFI
Đăng ngày: 30/01/2020 - 12:08
Trong
bối cảnh số ca lây nhiễm gia tăng, virus corona được phát hiện tại gần 20 quốc
gia, Tổ Chức Y Tế Thế Giới – WHO họp lại một lần nữa vào ngày 30/01/2020 sau
khi kêu gọi "toàn thế giới đề cao cảnh giác và hành động".
Tổng giám đốc Tổ Chức Y Tế Thế Giới Tedros Adhanom
Ghebreyesus họp báo về tình hình virus corona, tại trụ sở WHO, Genève, Thụy Sĩ
ngày 29/01/2020. REUTERS/Denis Balibouse
Tổng
giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus, vừa kết thúc chuyến
đi hai ngày tại Bắc Kinh, báo động 3 trường hợp lây nhiễm từ người sang người
được ghi nhận ngoài lãnh thổ Trung Quốc.
Trong cuộc họp báo ngay chiều ngày 29/01/2020, lãnh
đạo Tổ Chức Y Tế Thế Giới khẳng định phía Trung Quốc đang làm tất cả để ngăn ngừa
dịch bệnh lây lan, nhưng vẫn không xua tan được mối hoài nghi từ phía các nhà
khoa học.
Thông
tín viên Jérémie Lanche từ Genève, trụ sở WHO tường thuật :
Trước báo giới, tổng giám đốc Tổ Chức Y Tế Thế Giới,
Tedros Ghebreyesus cho biết rất ấn tượng trước cách thức mà Bắc Kinh đối phó với
với virus corona. Ông tuyên bố : Những biện pháp được chính quyền đề xuất vừa tốt
đối với Trung Quốc vừa có ích cho cả thế giới. Bắc Kinh đồng ý để WHO điều một
phái đoàn đến Trung Quốc.
Trong khi đó thì dịch bệnh vẫn đang hoành hành. Số nạn
nhân tăng lên theo từng giờ. WHO báo động có nguy cơ dịch bệnh trở nên trầm trọng
hơn nhiều và tổ chức này lo ngại trước việc một số ca lây nhiễm từ người sang
người được phát hiện ở ngoài Trung Quốc.
Ủy ban đặc trách xử lý các tình huống khẩn cấp của
WHO sẽ họp lại một lần nữa vào hôm nay 30/01/2020 để quyết định nên hay không
khởi động chiến dịch báo động ở cấp toàn thế giới. Đây là một quyết định vừa
mang ý biểu tượng, vừa có tính chất chính trị.
Một số người nghi ngờ Bắc Kinh đã gây sức ép để
WHO không ban hành báo động đỏ.
Lãnh đạo Tổ Chức Y Tế Thế Giới ngỏ ý cho biết cách
phản ứng không đơn giản chỉ khởi động hay không báo động ở cấp toàn cầu,
mà có lẽ cần phải tính đến giải pháp thứ ba. Dù vậy ông bảo đảm không có ảnh
hưởng nào từ bên ngoài trong quyết định của ông.
----------------------------------------------------------------------
Thu Hằng - RFI
Đăng ngày: 30/01/2020 - 14:02
Trung
Quốc liên tục công bố những biện pháp mạnh để « thắng cuộc chiến » chống virus
corona mới (2019-nCoV). Cùng lúc, chính quyền Bắc Kinh cố tỏ ra minh bạch trong
việc xử lý khủng hoảng dịch tễ khi liên tục cập nhật số người chết, số ca mới bị
nhiễm virus và những biện pháp được triển khai. Dù vậy, lời khẳng định « minh bạch
» của Bắc Kinh không thuyết phục được cộng đồng quốc tế, cũng như người dân
Trung Quốc.
Bắc Kinh dường như đã gây sức ép để Tổ Chức Y Tế Thế
Giới (WHO/OMS) không ban bố cảnh báo nguy hiểm toàn cầu, không khuyến cáo các
nước hồi hương công dân. Đối với Trung Quốc, phát biểu trên của giám đốc Tổ Chức
Y Tế Thế Giới, ông Tedros Adhanom Ghebreyesus sau chuyến làm việc tại Trung quốc
ngày 28/01/2020, là cái cớ để chỉ trích các nước phương Tây (Mỹ, Pháp, Đức) và
Nhật Bản « thổi phồng vấn đề » khi tìm cách hồi hương (tự nguyện)
kiều dân sống ở Vũ Hán.
Đối với các nước liên quan, đây là một biện pháp bảo
vệ công dân, nhưng Bắc Kinh coi đây là một hành động « thiếu tin tưởng
» vào cách quản lý khủng hoảng của Trung Quốc và như vậy, cô lập nước
này. Công luận Trung Quốc sẽ đánh giá như thế nào nếu người nước ngoài ở Vũ Hán
về nước ?
Ngoài ra, khi gây sức ép để Tổ Chức Y Tế Thế Giới
không nâng mức nguy hiểm trên quy mô thế giới, Bắc Kinh muốn dịch bệnh chỉ nằm
trong giới hạn quốc gia và như vậy, do Trung Quốc tự xử lý. Đây là cách đảng Cộng
Sản khẳng định « khả năng chiến thắng cuộc chiến chống virus »,
theo phát biểu của chủ tịch Tập Cận Bình. Nhưng liệu người dân Trung Quốc có
tin vào vai trò đầu tầu của đảng hay không ?
Thông tin bị khống chế
Trước tiên, phải nhắc lại là Bắc Kinh đã chờ đến hơn
6 tuần, kể từ khi phát hiện ca đầu tiên nhiễm virus lạ (ngày 08/12/2019), để
ban hành các biện pháp cần thiết, lý do là chính quyền địa phương che giấu
thông tin và định để dịch tự suy yếu. Thậm chí, một ngày trước khi chủ tịch
Trung Quốc Tập Cận Bình lần đầu tiên thừa nhận tình hình « nghiêm trọng
» và virus corona « lan nhanh » (25/01/2020), thành
phố Vũ Hán vẫn tổ chức một sự kiện lớn nhân dịp Tết nguyên đán với với khoảng
40.000 người tham dự.
Nhà
báo Dorian Malovic, chuyên về khu vực Đông Bắc Á của nhật báo La
Croix, nhận định với đài France 3 (28/01) : « Các bác sĩ và các nhà
khoa học đã tìm cách báo động, nhưng tất cả mọi người trong chuỗi thông tin và
lãnh đạo đều sợ thông báo tin xấu đến cấp cao nhất và trong thời gian chờ tin
lên được trung ương thì dịch đã lan truyền ».
Tiếp theo, chính quyền trung ương kiểm soát mọi công
tác truyền thông về dịch bệnh. Trang France Info (28/01) đăng lại lời cảnh
báo của Zhangyi (tên đã được thay đổi), một người dân ở Vũ Hán, « Ngay
từ đầu, chính phủ che giấu sự thật. Số người bị nhiễm virus và số người chết
hoàn toàn sai ». Một đoạn video của một người được cho là bác sĩ ở Vũ Hán,
đánh động cộng đồng quốc tế về mức độ nghiêm trọng ở Vũ Hán, « đã bị
chính phủ xóa ».
Thêm vào đó, tâm lý sợ hãi ngự trị thành phố có đến
11 triệu dân. Vũ Hán trở thành thành phố ma. Bệnh viện « bị quá tải. Họ
thiếu đủ thứ, từ giường bệnh đến trang phục bảo hộ, thậm chí cả xe cứu thương »,
theo tường thuật với nhật báo Libération của một nhân chứng khác, làm việc ở
Thượng Hải, nhưng bị kẹt ở Vũ Hán theo lệnh cách ly đến ngày 02/02. Nhờ tiền
quyên góp, người này mua dụng cụ y tế cho các bệnh viện xung quanh, trong đó có
500 bộ trang phục bảo hộ, « nhưng kiện hàng đã bị Nhà nước tịch thu
ngay khi đến tỉnh. Vì đối với chính quyền, ưu tiên của hàng đầu là bảo vệ hình ảnh
của những bệnh viện lớn ở Vũ Hán, theo kiểu : "Chúng tôi xử lý được, mọi
chuyện đều ổn" ».
Ngoài ra, tình hình dịch virus corona chỉ được đưa
tin một chiều. Truyền hình trung ương chỉ đưa những thông tin mang tính tuyên
truyền như một bệnh nhân được điều trị khỏi virus corona mới, tặng hoa cảm ơn
các bác sĩ, hoặc những phóng sự xúc động về đội ngũ bác sĩ quân y được điều đến
vùng dịch. Còn để hiểu được cuộc sống hàng ngày của người dân Vũ Hán, thì phải
thông qua các mạng xã hội. Một đoạn video, trong đó người dân mở cửa sổ hô và
hát khích lệ nhau, cũng bị xóa. Chính quyền khuyến cáo không nên mở cửa sổ vì
có nguy cơ nhiễm virus.
Theo thông tín viên Arnauld Miguet của đài France 2
tại Bắc Kinh, nhà báo nước ngoài thường trú ở Bắc Kinh « không được
phép tiếp xúc với các nhà khoa học (Trung Quốc) để phỏng vấn về
mức độ trung thực của các số liệu » do chính phủ công bố hàng ngày.
Hơn 50 triệu
người dân Trung Quốc đang chịu cách ly, ít nhất cho đến ngày 02/02. Năm 2003, khi dịch SARS bùng phát, chính quyền che giấu thông tin trong
suốt ba tháng, rồi đột ngột cách ly các vùng Nam Kinh và Thượng Hải, dẫn đến
nhiều cuộc bạo động của người dân do cảm thấy bị bỏ rơi. Đối với dịch virus
corona mới lần này, nhà nghiên cứu Antoine Bondaz, phân tích thuộc Quỹ Nghiên cứu
Chiến lược Pháp, nhận định : « nếu không được xử lý tốt, thì đảng sẽ mất
tính chính đáng, và không chỉ Tập Cận Bình, mà toàn bộ đảng Cộng Sản có thể bị
mất uy tín vì không có khả năng bảo vệ người dân Trung Quốc ».
--------------------------------
.
Người Việt Online
January 30/01/2020
VŨ
HÁN, Trung Quốc (Reuters) – Nhiều hãng hàng không lớn
đã hủy chuyến bay đến Trung Quốc vì dịch viêm phổi Vũ Hán. Google tạm thời đóng
cửa tất cả văn phòng, Starbucks đóng cửa phân nửa số tiệm ở Trung Quốc.
Theo Reuters, nhiều hãng hàng không lớn trên thế giới
đã hủy một số chuyến bay đến Trung Quốc vì dịch viêm phổi do Virus Corona gây
ra ở Vũ Hán.
American
Airlines, hãng hàng không lớn nhất của Mỹ, tuyên bố sẽ hủy
các chuyến bay từ Los Angeles đến Bắc Kinh và Thượng Hải từ ngày 9 Tháng Hai đến
ngày 27 Tháng Ba vì nhu cầu giảm mạnh do dịch virus Corona.
Một hãng khác của Mỹ là United cho biết sẽ hủy
24 chuyến bay từ Mỹ đi Bắc Kinh, Hồng Kông, Thượng Hải từ ngày 1 đến ngày 8
Tháng Hai cũng vì thiếu khách.
Các hãng hàng không lớn khác như KLM của Hòa
Lan, Lufthansa của Đức, Bristish Airways của Anh, Air Canada,
và Cathay Pacific của Hồng Kông cũng hủy hoặc giảm bớt chuyến bay đến
Trung Quốc từ nay đến Tháng Ba.
Trong khi đó, các công ty lớn có đầu tư ở Trung Quốc
cũng quyết định giảm bớt hoạt động ở đây.
Website công nghệ The Verge hôm Thứ Tư, 29
Tháng Giêng, đưa tin hãng Google sẽ tạm thời đóng cửa tất cả văn phòng của
họ ở Trung Quốc, Hồng Kông, và Đài Loan.
Google cho biết họ có bốn văn phòng ở Trung Quốc
chuyên về kinh doanh và kỹ thuật cho mảng quảng cáo của hãng. Google nói thêm rằng
họ luôn cập nhật diễn biến dịch bệnh cho nhân viên ở đây.
Theo BBC, trước đó, Starbucks đã đóng cửa
phân nửa số tiệm ở Trung Quốc để bảo đảm an toàn cho nhân viên, cũng như để hưởng
ứng nỗ lực của chính phủ Trung Quốc ngăn chặn virus lây lan.
Hệ thống tiệm cà phê nổi tiếng này dự đoán dịch viêm
phổi Vũ Hán đang lây lan nhanh có thể sẽ ảnh hưởng đến doanh số của họ.
Tổng Giám Đốc Starbucks Kevin Johnson nói công ty của
ông đang “tìm cách vượt qua một tình huống rất khó lường.”
Starbucks nói với các nhà phân tích của Wall Street
rằng, trước khi dịch bệnh xảy ra, họ dự tính nâng mức dự báo lợi nhuận hằng năm
vì doanh số Quý I tốt hơn kỳ vọng. Nhưng cuối cùng, họ đành từ bỏ ý định này vì
virus Corona.
Starbucks có khoảng 4,300 tiệm ở Trung Quốc, thị trường
lớn nhất của họ bên ngoài nước Mỹ.
Starbucks mở tiệm đầu tiên ở Trung Quốc tại Bắc Kinh
vào Tháng Giêng, năm 1999. Doanh số ở Trung Quốc chiếm khoảng 10% doanh số toàn
cầu của Starbucks, nên đây là thị trường quan trọng nhất của họ.
Quyết định đóng cửa phân nửa số tiệm ở Trung Quốc của
Starbucks nêu rõ những khó khăn mà các công ty lớn toàn cầu đang phải đối mặt
vì dịch bệnh lây lan.
Tổng Giám Đốc Apple Tim Cook cho biết, hãng
này đang “theo dõi sát sao” dịch virus Corona, vốn có thể ảnh hưởng đến doanh số
của họ cho quý tới.
Apple đã hạn chế cho nhân viên đi đến Trung Quốc và
giảm giờ làm việc của các cửa hàng ở nước này. Các nhà máy sản xuất linh kiện của
hãng vẫn đóng cửa lâu hơn dự trù.
Đầu tuần này, Facebook trở thành công ty lớn
đầu tiên của Mỹ khuyến cáo nhân viên tránh đi đến Trung Quốc.
Mạng xã hội khổng lồ này cho biết họ làm như vậy vì
“muốn đề phòng tối đa” nhằm bảo vệ nhân viên.
Trong khi đó, theo CNN, các công ty bán lẻ của Mỹ đặt
dây chuyền sản xuất ở Trung Quốc vẫn đang cố gắng đánh giá tác động của Virus
Corona đối với chuỗi cung ứng của họ.
Theo ông Jonathan Gold, giới chức Hiệp Hội
Bán Lẻ Quốc Gia Mỹ, nhiều nhà máy hiện vẫn đóng cửa nghỉ Tết, nên các công
ty đang cân nhắc tiếp tục đóng cửa các nhà máy.
Hiệp hội này đã liên lạc với Bộ Nội An và Cơ Quan Bảo
Vệ Biên Phòng và Hải Quan, và được thông báo rằng, đến lúc này, họ thấy chưa có
trở ngại nào trong hoạt động vận chuyển.
Theo ông Gold, các công ty bán lẻ của Mỹ đã chuẩn bị
cho những tình huống như thế này. Họ luôn chi tiền và thời gian để lên kế hoạch
dự phòng cho những đại dịch như SARS và viêm phổi Vũ Hán, nên có thể nhanh
chóng áp dụng những kế hoạch này.
Theo BBC, các công ty lớn khác của thế giới cũng đã
hạn chế đi đến Trung Quốc, và các hãng xe hơi thì đang đưa nhân viên ra khỏi nước
này.
Hôm Thứ Tư, 29 Tháng Giêng, Toyota loan báo
các nhà máy sản xuất của hãng ở Trung Quốc sẽ tiếp tục đóng cửa đến ngày 9
Tháng Hai.
Toyota cho biết quyết định đóng cửa nhà máy là để
đáp ứng lệnh cấm giao thông của chính quyền Trung Quốc, cũng như để hãng đánh
giá hệ thống cung ứng.
Toyota có nhà máy ở thành phố Thiên Tân, miền Bắc
Trung Quốc, và tỉnh Quảng Đông ở miền Nam.
Trong khi đó, các công ty ở Trung Quốc thì đã khuyên
nhân viên làm việc ở nhà. Các doanh nghiệp cũng cho nhân viên nghỉ Tết lâu hơn,
và yêu cầu nhân viên nào mới đến những vùng bị nhiễm dịch bệnh không được đi
làm. (Th.Long)
No comments:
Post a Comment