Thursday, July 18, 2019

BẢN TIN NGÀY 18/07/2019 (Báo Tiếng Dân)




18/07/2019

Tin Biển Đông

Trang Trí Thức Trẻ có bài lược dịch tin tức từ AMTI: Cản trở Malaysia khai thác dầu khí ở biển Đông, TQ ngày càng sẵn sàng cưỡng ép và đe dọa vũ lực. Báo này đúng là “phản động”, khi chỉ tóm dịch phần Trung Quốc cản trở Malaysia, bỏ qua phần quan trọng là phần nói về chuyện TQ khảo sát ở vùng biển VN và quấy nhiễu các tàu Việt Nam.

Nhà nghiên cứu Song Phan đã dịch bài này cho Tiếng Dân:Trung Quốc liều lĩnh khiêu khích trên nguồn tài nguyên khí đốt của Malaysia, Việt Nam. Từ ngày 3/7, Trung Quốc đã đưa tàu khảo sát địa chấn Haiyang Dizhi 8 vào khảo sát trong vùng Đặc quyền Kinh tế 200 hải lý của VN. Ngày 4/7, Việt Nam cử hai tàu KN 468 và KN 472 từ Vịnh Cam Ranh tới theo dõi tàu khảo sát của TQ.


Tác giả bài viết lo ngại: “Tình hình tại lô 06-01 và xung quanh cuộc khảo sát dầu khí của Trung Quốc đang diễn ra đều sôi bỏng và nguy hiểm. Tình trạng kề sát nhau và hành vi khiêu khích đang diễn ra, có rủi ro hiển hiện rằng, một vụ va chạm vô tình có thể dẫn đến leo thang. Đồng thời, áp lực đang được bồi lên từ cả hai phía để thừa nhận và giải quyết vấn đề này khi có nhiều chi tiết bị rò rĩ thêm ra ngoài công chúng“.

VOA có bài: Vụ tàu hải cảnh Trung – Việt ‘đối đầu’ ở Bãi Tư Chính ‘vẫn rất căng thẳng’. Ngày 17/7, ông Ryan Martinson, giảng viên tại Trường Hải Chiến Hoa Kỳ, người đầu tiên công bố thông tin vụ tàu hải cảnh của Việt Nam và Trung Quốc “vờn nhau” nhiều ngày qua ở Bãi Tư Chính, cho biết thêm, tình hình vẫn “rất căng thẳng” và vụ việc này “có thể xấu đi”.

Ông Martinson cho biết, hiện nay tàu Haiyang Dizhi 8 của Trung Quốc “vẫn đang khảo sát vùng biển thuộc quyền tài phán của Việt Nam nên tình hình vẫn rất căng thẳng”. Theo nhận định của ông, vụ việc là “chiến dịch mới nhất của Trung Quốc nhằm duy trì tuyên bố chủ quyền lãnh hải trên diện rộng ở Biển Đông” bằng việc sử dụng các lực lượng bán vũ trang như hải cảnh và dân quân.

Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh nói về tình hình Biển Đông, VietNamNet đưa tin. Trả lời về tình hình Biển Đông, Tướng “ba không” Nguyễn Chí Vịnh chỉ nói chung chung như: “Chúng ta một mặt đấu tranh bảo vệ chủ quyền, mặt khác đấu tranh để bảo vệ môi trường hòa bình, và lợi ích chung của Biển Đông với cộng đồng quốc tế. Đây là chủ trương tại các hội nghị quân sự quốc phòng tới đây”.

RFA đặt câu hỏi: Tại sao Ban Tuyên giáo cấm đưa tin về Tư Chính? Theo bài báo, lý do quan trọng nhất là: “Nội tình cả Trung Quốc lẫn Việt Nam hiện đều đang trong giai đoạn cần được làm ra vẻ ổn định, ít nhất là bề nổi. Ngoài cuộc thương chiến với Mỹ, Tập Cận Bình đang ‘đau đầu’ về cuộc khủng hoảng tại Hồng Kông, còn Nguyễn Phú Trọng, bên cạnh lý do sức khoẻ, còn lo giải quyết vấn đề nội bộ đang hỗn chiến trong cuộc đấu đá quyền lực”.

Các lý do còn lại đều liên quan đến khái niệm “đại cục” trong quan hệ Việt – Trung. Vì thứ “đại cục” gắn liền với sinh mạng chính trị của đảng CSVN này mà các lãnh đạo VN đến giờ vẫn không cho phép báo chí “lề đảng” lên tiếng về tình hình ở bãi Tư Chính.

Báo Pháp Luật TP HCM có bài: Úc ứng phó chiến lược biển của Trung Quốc. Bài báo lưu ý, tham vọng của Trung Quốc không chỉ dừng ở Biển Đông mà còn đang tiến xuống phía Nam Thái Bình Dương: “Chuỗi đảo ở phía bắc và đông bắc nước Úc dường như là điểm đến tiếp theo trên lộ trình trở thành thế lực chủ đạo mà TQ đang nhắm tới trên khắp vùng Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương”.

Để đáp lại, GS Hugh White của ĐH Quốc gia Úc cho rằng, Canberra “phải cải thiện quan hệ với các đảo quốc lân cận, vì khả năng phòng thủ của Úc phụ thuộc rất lớn vào vị trí chiến lược của nhóm nước này”.


Sai phạm đất đai và xây dựng

Báo Pháp Luật TP HCM đưa tin: Thanh tra Chính phủ làm việc với Đà Nẵng về sai phạm đất đai. Sáng 17/7, đoàn công tác của TTCP do Tổng Thanh tra Lê Minh Khái dẫn đầu, đã làm việc với lãnh đạo TP Đà Nẵng để giải quyết một số vướng mắc liên quan đến kết luận 2852 của TTCP.

Trong buổi làm việc, UBND TP Đà Nẵng thừa nhận, hiện còn “nhiều trường hợp vẫn chưa thể thực hiện theo kết luận của TTCP vì hầu hết đều là các tồn tại lịch sử cách nay nhiều năm; còn nhiều vấn đề vướng mắc về cơ chế, do chồng chéo các quy định của pháp luật, việc xử lý không thuộc thẩm quyền của TP”.

Trước đó, Viet Times dẫn lời Chủ tịch Đà Nẵng: “Đất đai tùm lum đó nhưng không “cựa quậy” chi được!” Ông Huỳnh Đức Thơ bàn về tình hình Đà Nẵng sau khi bị phát hiện một loạt sai phạm đất đai: “Toàn bộ đất đai của TP Đà Nẵng đã giao cho các chủ đầu tư, bằng hình thức này hay bằng hình thức khác, có cái đầy đủ pháp lý, có cái không đầy đủ, có cái nằm trong diện thanh tra Chính phủ, nhưng hầu hết đều có tên có chủ. Tất cả các dự án này cũng cần được triển khai vì chúng ta không thể thu hồi được”.

Hậu quả: Theo ông Thơ, kết luận 2852 của TTCP ảnh hưởng đến “vài ba chục dự án”, khiến các dự án này bị đứng lại, làm cho dòng vốn bị nghẽn lại, “khiến nguy cơ không đạt mức tăng trưởng đề ra của cả năm 2019 là hiện hữu”.

Báo Tiền Phong đặt câu hỏi về loạt nhà hàng, ‘biệt thự’ lấn sông: Cán bộ né trách nhiệm? Bài báo bàn về loạt công trình gồm nhiều nhà hàng, quán cà phê, biệt thự, chùa… mọc lên dọc bên sông Sài Gòn, đoạn qua thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương, làm thu hẹp diện tích mặt nước, đe dọa an toàn đường sông khiến người dân bất bình.

Người dân địa phương cho biết, hầu hết các công trình xây dựng bên sông đều đã hoạt động vài năm, một số công trình khác đang trong quá trình xây dựng: “Trong các cuộc họp, tiếp xúc cử tri. Chúng tôi đã phản ánh về các công trình xây dựng lấn sông Sài Gòn nhưng đến nay cơ quan chức năng vẫn chưa có động thái xử lý”.

Vụ Hưng Lộc Phát xây ‘lụi’ 100 căn biệt thự: Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM nhận trách nhiệm, trang Chất Lượng VN đưa tin. Ông Lê Hòa Bình xác nhận, đã báo cáo vụ việc với Chủ tịch và Phó chủ tịch UBND TP, dự án này vẫn đang hoàn tất các thủ tục còn thiếu trong thời hạn 60 ngày và chưa được cấp giấy phép đủ điều kiện huy động vốn.

Khi sai phạm xây dựng này diễn ra, ông Bình là Bí thư, kiêm Chủ tịch UBND quận 7. Chính ông đã ký duyệt các thủ tục liên quan cho dự án. Bây giờ hơn 100 căn biệt thự không phép đã được xây xong, ông Bình nói: “Về trách nhiệm của Sở, tôi xin nhận trách nhiệm và sẽ kiểm tra lại dự án, báo cáo theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND TP”.



Bất ổn ở các chung cư

Hàng loạt dự án chung cư Mường Thanh bị thu hồi sổ đỏ, VietNamNet đưa tin. Theo đó, sau khi Sở TN&MT TP Hà Nội quyết định thu hồi và huỷ giấy chứng quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất đã cấp trước đó cho các căn hộ của tổ hợp chung cư Bemes, sở này tiếp tục thu hồi và huỷ sổ đỏ đã cấp tại một số dự án khác của Tập đoàn Mường Thanh như dự án khu nhà ở Xa La, dự án tòa nhà hỗn hợp CT5 vì liên quan đến việc nâng tầng và chuyển đổi công năng.

LS Trương Anh Tú, cho rằng, “việc cấp sổ đỏ rồi lại thu hồi sổ đỏ của người dân trong trường hợp trên cho thấy sự lúng túng, thiếu nhất quán của Sở TN&MT Hà Nội trong việc đánh giá nhìn nhận cũng như là khắc phục giải quyết hiện tượng bất cập này”.

Báo Đất Việt đặt câu hỏi về vụ dân chung cư ông Thản bị thu sổ đỏ: Sở vô can? LS Trần Tuấn Anh phân tích: “Để xây dựng một tòa nhà chung cư thì đầu tiên phải dự án phải nằm trong quy hoạch, sau đó là bản vẽ thiết kế, công năng từng tầng, từng khu… Không lẽ Sở TN&MT Hà Nội chỉ dựa vào hồ sơ do chủ đầu tư gửi lên để cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà cho chủ đầu tư, cho người dân mà không thông qua kiểm tra thẩm định?”

Hà Nội thu hồi cả nghìn ‘sổ đỏ’ đã cấp ở hàng loạt chung cư, theo báo Tiền Phong. Bài báo cho biết, Sở TN&MT TP Hà Nội không chỉ thu hồi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở đã cấp ở các chung cư của Tập đoàn Mường Thanh, mà: “14 tòa trên địa bàn huyện Thanh Trì, quận Hà Đồng có danh sách những căn hộ, những tầng bị thu hồi và hủy ‘sổ đỏ’ đã cấp với số lượng cả nghìn căn hộ đã cấp”.

Báo Kiến Thức đặt câu hỏi về các chung cư xây vượt tầng, ngang nhiên sai phạm: Trách nhiệm cơ quan quản lý ở đâu? Chuyên gia pháp lý Nguyễn Gia Hải chỉ ra, vấn nạn các chung cư, cao ốc vi phạm trật tự xây dựng ngày càng nhiều, như vượt tầng, sai thiết kế, phá vỡ quy hoạch, không đảm bảo PCCC vì 2 lý do: “Thứ nhất là lợi nhuận mà hành vi sai phạm đó đem lại. Thứ hai là từ sự quản lý lỏng lẻo từ chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng có thẩm quyền”.


Cán bộ tham nhũng ở Thanh Hóa

Công an tỉnh Thanh Hóa vừa bắt giữ cựu chủ tịch xã ‘ăn chặn’ tiền đất của 5 hộ dân, báo Pháp Luật TP HCM đưa tin. Công an tỉnh Thanh Hóa đã ra quyết định khởi tố vụ án và bắt tạm giam đối với ông Bùi Ngọc Châu, cựu Chủ tịch UBND xã Hoằng Ngọc và ông Trương Thanh Thụ, cựu cán bộ địa chính, về hành vi “lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ”.

Theo kết quả điều tra ban đầu của công an, từ tháng 10/2015, lợi dụng chủ trương của UBND tỉnh Thanh Hóa chấp thuận cho Công ty may Thịnh Vượng xây dựng nhà máy ở hai xã Hoằng Đạo và Hoằng Ngọc, hai cựu cán bộ nói trên đã lập khống hồ sơ của 5 hộ dân thuộc diện bị thu hồi đất trên địa bàn xã Hoằng Ngọc để nhận tiền đền bù giải phóng mặt bằng, với tổng số tiền là 442 triệu đồng.

Ông Trương Thanh Thụ, cán bộ địa chính xã Hoằng Ngọc và ông Bùi Ngọc Châu, đã bị bắt giữ. Ảnh: PLTP

Thêm vụ sai phạm ở Thanh Hóa: Bắt tạm giam Phó giám đốc Ban giải phóng mặt bằng thành phố, báo Một Thế Giới đưa tin. Công an tỉnh Thanh Hóa đã khởi tố vụ án và bắt tạm giam bốn tháng đối với Tống Quang Thái, PGĐ Ban Giải phóng mặt bằng-Tái định cư TP Thanh Hóa, về tội “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng“. Trước đó, hồi tháng 3/2019, công an cũng đã khởi tố hai thuộc cấp của ông Thái.

Vụ việc bắt đầu từ tháng 1/2016, khi thực hiện kiểm kê, giải phóng mặt bằng đối với diện tích đất bị thu hồi tại phố Lễ Môn và phố Vạn Sơn thuộc phường Đông Hải, hai cán bộ thuộc cấp của ông Thái đã “tiến hành tẩy xóa 38 biên bản kiểm kê thực tế hoa màu từ lúa chuyển thành hoa ly, nhằm mục đích để tăng tiền chênh lệch đền bù trên đất, gây thiệt hại cho nhà nước trên 1 tỉ đồng”.


Xăng tiếp tục tăng giá

VietNamNet đưa tin: Giá xăng tăng mạnh lần thứ 2 liên tiếp, vượt trên 21 ngàn đồng. Từ 17 giờ ngày 17/7/2019, giá xăng E5 tăng 626 đồng/lít, xăng RON 95-III tăng 718 đồng/lít. Các mặt hàng dầu cũng tăng theo: Dầu diesel tăng 48 đồng/lít, dầu hỏa tăng 22 đồng/lít, dầu mazut tăng 760 đồng/kg.

Tranh biếm họa cưỡi trâu thay xe, vì giá xăng tăng cao

Hiện giá xăng E5RON92 đang ở mức 20.279 đồng/lít, còn xăng RON 95 ở mức 21.235 đồng/lít. Lý do tăng giá: “Trước tình hình Quỹ bình ổn giá âm nặng, những kỳ điều hành gần đây liên Bộ Công Thương – Tài chính đã phải trích lập mạnh Quỹ này”.


Trong khi đó, giá xăng dầu thế giới diễn tiến ngược lại: Giá xăng dầu hôm nay 17/7 đồng loạt giảm mạnh, theo Petro Times. Bài báo cho biết: “Giá dầu thế giới quay đầu giảm mạnh sau khi thị trường đón nhận thông tin Iran sẵn sàng ngồi vào bàn đàm phán về chương trình hạt nhân. Ngoại trưởng Iran Javad Zarif cho biết đất nước ông sẽ sẵn sàng đàm phán nếu Hoa Kỳ đồng ý dỡ bỏ các lệnh trừng phạt kinh tế”.

Thời điểm giá xăng dầu VN tăng gần như cùng lúc với sự kiện giá xăng dầu thế giới giảm. Có lẽ quan chức CSVN tính toán, nhân lúc tình hình Trung Đông căng thẳng, giá dầu duy trì khuynh hướng tăng để có cớ tăng giá, nhưng đúng lúc tăng giá thì mâu thuẫn xung quanh Iran tạm thời “hạ nhiệt”, tạo nên diễn biến trái ngược của giá dầu VN so với thế giới, chứng minh tính “phi thị trường” của nền “kinh tế thị trường định hướng XHCN” ở VN.


Ngành điện lực VN

Báo Một Thế Giới đưa tin: Nhiều dự án chậm tiến độ, Bộ Công Thương cảnh báo nguy cơ thiếu điện. Sáng 17/7, trong cuộc họp với một số đơn vị thuộc Bộ Công thương về các dự án năng lượng trọng điểm, ông Phương Hoàng Kim, Cục trưởng Cục Điện lực và năng lượng tái tạo cho biết, “việc cung cấp điện năm 2020 về cơ bản đáp ứng nhưng tiếp tục tiềm ẩn một số rủi ro, có thể đối mặt với nguy cơ thiếu điện trong các tình huống cực đoan”.

Cụ thể, “với hiện trạng cơ sở hạ tầng hiện có, trong một số thời điểm (buổi trưa các tháng vừa qua), lưới điện 500-220-110kV thuộc các tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận, Khánh Hòa, Phú Yên, Đăk Nông, Đăk Lăk bị quá tải, ảnh hưởng đến việc vận hành hệ thống điện”.

Bởi các nguy cơ trên, Bộ Công thương tính tăng nhập điện từ Lào và Trung Quốc, theo báo Một Thế Giới. Lãnh đạo bộ này thừa nhận, “nguồn năng lượng tái tạo phát triển nóng khi có 89 nhà máy đưa vào hệ thống với tổng công suất 4.500 MW… cơ sở hạ tầng, lưới điện để truyền tải công suất đều quá tải. Bộ Công thương cũng tính toán sẽ tăng nhập khẩu điện từ Lào và Trung Quốc”.

Các tuyên truyền viên của chế độ thường cho rằng, dưới sự “lãnh đạo tài tình” của đảng và nhà nước, VN có thể không bằng các nước phương Tây giàu mạnh nhưng chắc chắn hơn hẳn Campuchia, Lào. Tình hình điện đóm ở VN cho thấy, thực tế trái ngược với các luận điệu tuyên truyền, mị dân, Việt Nam không qua nổi Lào, Campuchia ở một số lãnh vực.

Thời báo Chứng Khoán VN có bài: Tương lai của ngành điện… Đại diện EVN cảnh báo: “Nguồn điện truyền thống (sản xuất từ than, khí, thủy điện) tại chỗ ở miền Nam đã vận hành hết mức công suất vẫn chưa thể đáp ứng đủ, phải nhờ thêm nguồn điện nhận truyền tải từ miền Bắc và miền Trung qua đường dây 500kV”.


Tin giáo dục

Báo Một Thế Giới đặt câu hỏi về vụ điểm thi Lịch sử và Ngoại ngữ thấp: Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nói gì? Bộ trưởng GD&ĐT cho biết: “Không phải năm nay mới có kết quả thấp so với các môn khác mà các năm đã tồn tại. Với chất lượng như vậy chưa yên lòng mà phải tiếp tục đổi mới”.

Ông Nhạ vẫn rất bình thản, khi cho rằng kết quả như vậy thì cứ tiếp tục “điều chỉnh chương trình, nội dung, phương pháp dạy và học” thôi. Ông không nhận ra rằng, phần lớn học sinh VN không những xa lạ với truyền thống, quá khứ của người Việt, mà còn ngại ngoại ngữ, nền tảng rất quan trọng trong thời đại toàn cầu hóa.

Đại học Điện lực bác bỏ hàng loạt thông tin không chính xác, theo báo Công Thương. Vụ ĐH Điện lực bị tố cáo để xảy ra hàng loạt sai phạm trong tuyển sinh, bổ nhiệm nhân sự, xử lý vi phạm, đại diện trường này vừa lên tiếng phủ nhận toàn bộ các thông tin trên, cho rằng mình không làm gì sai.

Về nghi vấn Hiệu trưởng Trương Huy Hoàng bất chấp các quy định để đưa ông Nguyễn Lê Cường lên chức Phó Hiệu trưởng “bằng mọi giá”, đại diện ĐH Điện lực khẳng định, “việc bổ nhiệm Phó Hiệu trưởng được thực hiện qua quy trình 5 bước bao gồm nhiều cuộc họp lấy phiếu tín nhiệm: họp tập thể lãnh đạo, họp tập thể lãnh đạo mở rộng, họp tập thể cán bộ chủ chốt, họp các thành viên Hội đồng trường”, quyết định cuối cùng dựa trên bỏ phiếu.

Mời đọc thêm:

***
Thêm một số tin:







No comments: