Ngô Nhân Dụng
February
27, 2018
Năm
2012, sau cuộc thảm sát 20 học sinh và sáu người lớn trong trường tiểu học
Sandy Hook, tại Newtown, Connecticutt, ông Wayne LaPierre, người đứng đầu Hội
Súng NRA, nói: “Phương cách duy nhất để ngăn cản một kẻ ác cầm súng là một người
tốt cầm súng.”
Lời
tuyên bố này không những giản dị, dễ hiểu, mà còn có sức thuyết phục mạnh mẽ đối
với những người hay coi “phim cao bồi.” Họ từng chứng kiến những cảnh vào đoạn
cuối phim, có hai tay thiện xạ đấu súng, một bên thiện, một bên ác, mà bao giờ
kẻ ác cũng phải đền tội, người thiện tất nhiên phải thắng.
Điện
ảnh Hollywood đã đưa cao bồi bắn súng lên thành huyền thoại. Hội Súng NRA có thể
dùng huyền thoại đó cổ động cho càng nhiều người mua súng càng tốt.
Nhưng
sự thật có thể ngăn chặn những vụ tàn sát học sinh như ở Sandy Hook và ở
Marjory Stoneman Douglas High School tại Parkland, Florida bằng cách cho các thầy
cô giáo được mang súng giấu trong mình, như Tổng Thống Donald Trump đề nghị hay
không?
Trong
một cuộc họp báo ở Tòa Bạch Ốc, ông Trump nói rằng nếu ông Aaron Feis, huấn luyện
viên bóng bầu dục (football coach) ở trường Douglas mà có súng thì ông ta đã có
thể cứu được nhiều học sinh, kể cả mạng sống của ông ta. Bởi vì, ông Trump
nghĩ, nếu được vũ trang thì ông Feis không chỉ lo lấy thân che chở cho các học
sinh, ông có thể rút súng ra giết tên sát thủ, chấm dứt cuộc tàn sát!
Ông
Trump đã vẽ ra một cảnh hào hứng giống như trong phim cao bồi. Nhưng đó chỉ là
cảnh tưởng tượng.
Thứ
nhất, nếu huấn luyện viên Aaron Feis được vũ trang với một khẩu súng từ trước,
thì ông ta có mang khẩu súng đó bên mình trong lúc mặc đồ thể thao ra tập với học
sinh hay không? Chắc không, và ông Feis sẽ phải chạy tới cái tủ nơi ông cất khẩu
súng, mở khóa tủ, rút súng ra, tìm băng đạn, rồi nạp đạn, vân vân. Khi ông quay
trở lại để đối đầu với hung thủ, thì nó đã biến mất rồi. Cuộc tàn sát chỉ diễn
ra trong sáu phút.
Giả
thử ông Feis đeo súng bên mình thì sau khi rút súng ra, ông có địch nổi khẩu
súng bán tự động AR-15 của hung thủ, bắn hàng trăm viên đạn trong mấy phút hay
không? Các huấn luyện viên bóng rổ, bóng chày, nhu đạo, chạy, nhảy, có nên đeo
súng khi ra sân hay vào phòng vận động hướng dẫn học sinh hay không? Họ đem
súng bên mình cách nào? Đeo trên vai, trước ngực, hay giấu trong túi quần? Có
gì bảo đảm những phát súng ông Feis bắn không bao giờ chạm vô một em trong đám
học sinh đang chạy náo loạn hay không? Ngay các cảnh sát viên được huấn luyện
dùng súng qua hàng trăm giờ thực tập, cũng chỉ hy vọng bắn trúng 50%, một nửa
là bắn lạc ra ngoài.
Tổng
Thống Donald Trump không chỉ muốn các huấn luyện viên thể thao trong trường học
có súng. Ông muốn càng nhiều nhân viên, thầy giáo, cô giáo, giám thị, lao công
được vũ trang càng tốt, để bảo đảm an toàn cho các học sinh. Đây là giấc mơ của
Hội Súng NRA, của các nhà sản xuất súng và buôn bán súng. Khi đó, mỗi trường học
sẽ là một pháo đài, những tên sát nhân sẽ không dám bén mảng!
Nhưng
chính những kẻ sát nhân đó, họ có sợ súng hay không? Năm 2009, có người lính đã
tấn công Fort Hood, Texas, giết chết 13 quân nhân đồng đội trong đó, biết trước
rằng họ sẽ phản công. Năm 2013, một anh bị bệnh tâm thần 34 tuổi tấn công trại
hải quân ở phía Đông Nam thủ đô Washington, giết chết 12 người. Các hung thủ biết
trước rằng sẽ bị giết, chúng không có vẻ lo lắng sẽ bị giết; và có khi chính bọn
chúng đang đi tìm cái chết “vinh quang!”
Nhiều
tiểu bang ở Mỹ, trong đó có Texas, đã chấp thuận cho người ta mang súng vào
trong trường, mà không cần phơi bày súng cho người khác thấy. Có 40 tiểu bang vẫn
cấm không cho ai mang súng vô trường học, kể cả những nhân viên có sẵn giấy
phép mang súng che giấu, trừ một số trường hợp đặc biệt.
Khi
thầy giáo được phép mang súng vô trường, sẽ nảy ra nhiều vấn đề thực tế. Trong
lúc bình thường, cất súng ở chỗ nào? Súng nạp đạn sẵn hay không? Ngay trong
quân trường, các tân binh hoặc sinh viên sĩ quan cũng không được mang súng nạp
đạn, chờ tới khi tới sân tập bắn nới được phát đạn.
Khi
các thầy, cô giáo, phải viết ra các luật lệ rõ ràng xác định khi nào họ được
phép rút súng ra, nếu không thì loạn. Họ cũng phải chịu trách nhiệm nếu có người
sử dụng súng của họ vào việc bất hợp pháp. Họ phải bảo đảm súng của họ không bị
lạm dụng. Khi cảnh sát đến trường vì một vụ nổ súng, làm sao họ phân biệt được
một thầy giáo đang bắn súng khác với hung thủ?
Cho
phép thầy cô giáo và nhân viên nhà trường mang súng sẽ gây ra rất nhiều điều rắc
rối. Một thứ rắc rối là bảo hiểm. Các công ty bảo hiểm phải xem xét mức rủi ro
khi có người đem súng tới gần!
Năm
2012, sau vụ tàn sát ở trường Sandy Hook, tiểu bang Kansas cho phép các học khu
được quyền cho các nhân viên và thầy giáo, cô giáo mang súng vô trường. Sau đó,
công ty bảo hiểm EMC thông báo cho các học khu theo chính sách đó biết rằng họ
sẽ phải ngưng bảo hiểm cho các trường học có súng, kể từ năm 2013. EMC đang bảo
hiểm cho 85% các trường học học tại Texas. Công ty này viết: “Mang vũ khí che
giấu vào trường sẽ gia tăng mức rủi ro khiến chúng tôi phải bồi thường nhiều
hơn. Chúng tôi quyết định sẽ không bán bảo hiểm cho những trường nào cho phép
nhân viên mang súng che giấu vào trong trường.”
Sau
kinh nghiệm tại Kansas, nhiều học khu khác trong nước Mỹ cũng thấy không thể
cho phép thầy, cô giáo mang súng vô trường được. Tại tiểu bang Indiana, một
công ty bảo hiểm cũng từ chối các trường có súng. Tại Oregon, công ty bảo hiểm
báo tin họ sẽ tăng giá mỗi lần có thêm một nhân viên được phép mang súng vô
trong trường. Thế là ý kiến vũ trang thầy cô giáo bị hủy bỏ.
Những
người tưởng tượng rằng có thêm súng bên trong sẽ giúp cho các trường học an
toàn hơn đã sống trong phim ảnh thời Viễn Tây. Hoặc họ là những dư luận viên phục
vụ cho các hãng chế súng, bán súng, hoặc Hội Súng NRA, cơ quan vận động hành
lang chính trị cho các nhà buôn này. Các cảnh sát viên cũng không hoan nghênh ý
kiến vũ trang trong trường học. Cảnh sát là những người được huấn luyện để dùng
súng, bảo vệ an ninh cho dân thường. Họ khó lòng chấp nhận một số thường dân,
không được huấn luyện đầy đủ, đứng ra thay thế vai trò của những chuyên gia như
cảnh sát, trong khi có thể chỉ làm gia tăng mối rủi ro gây thêm số người bị
thương hay chết, như các hãng bảo hiểm lo ngại.
Những
người đã chạm chán với súng đạn thì biết súng đạn rủi ro thế nào. Chúa Giê Su dạy:
Kẻ nào dùng gươm sẽ chết vì gươm. Ông Donald Trump đã được hoãn dịch ba bốn lần,
không phải đi lính trong thời chiến tranh Việt Nam. Ông không có kinh nghiệm
nào với súng đạn, với chiến trường, cho nên đã chê Thượng Nghị Sĩ John McCain
“không đáng gọi là anh hùng” vì lý do ông McCain đã bị địch quân bắn trúng máy
bay, nhảy dù xuống thì bị quân địch bắt. Ông Trump mới tuyên bố rằng nếu ông có
mặt ở trường Marjory Stoneman Douglas ngày hôm đó thì ông đã chạy thẳng vô trường
ngăn cản tên sát nhân, “dù trong tay tôi không có vũ khí.”
Nếu
vậy thì ông Donald Trump quả là một tay anh hùng. Ít nhất, trong trí tưởng tượng
của ông. Nhưng ai nghe lời ông nói cũng phải nhận ra rằng ông tổng thống chưa từng
được huấn luyện về súng và không có chút kinh nghiệm nào về chiến tranh! (Ngô
Nhân Dụng)
-------------------------------
LIÊN QUAN
No comments:
Post a Comment