Thụy My - RFI
Thứ
Tư, ngày 28 tháng 3 năm 2018
Vừa rồi tại Việt Nam
đã xảy ra một sự kiện làm dư luận hết sức xôn xao. Đó là việc một phụ huynh đã
ép buộc cô giáo dạy con mình phải quỳ gối suốt 40 phút, vì hôm trước đó cô đã
phạt quỳ học sinh, trong đó có con của ông ta.
Sự
kiện chưa từng thấy này diễn ra tại trường tiểu học Bình Chánh thuộc xã Nhựt
Chánh, huyện Bến Lức tỉnh Long An, và ngay tại văn phòng ban giám hiệu nhà trường.
Cụ thể, hôm 28/02/2018, một nhóm phụ huynh bốn người đã đến trường để «
hỏi tội » cô giáo, có mặt cả hiệu trưởng. Cô nhận sai và xin lỗi,
nhưng họ vẫn không tha.
Hiệu
trưởng bỏ đi « dự giờ », vị phụ huynh hung hăng là ông Võ Hòa
Thuận đã bắt buộc cô giáo phải quỳ gối. Ông ta nhất định đòi cô phải quỳ đúng
40 phút trước mặt các ông bà này và một số giáo viên theo lời kể của nhân chứng
trong hội phụ huynh.
Cô
giáo phải quỳ…Một sự kiện gây choáng váng cho mọi người, trong một xã hội có
truyền thống hiếu học. Mạng xã hội và báo chí nhà nước đều vào cuộc. Bên cạnh
những ý kiến trách hiệu trưởng chạy trốn trách nhiệm, cô giáo không biết tự trọng,
phương pháp sư phạm không tốt, đồng nghiệp không dám can thiệp…là một trận bão
đả kích đối với vị phụ huynh côn đồ này. Dư luận đều đồng tình lên án, đặc biệt
ông ta lại là luật gia, có bằng đại học luật và đã hoàn thành thời kỳ tập sự ở
Luật sư Đoàn Thành phố Hồ Chí Minh ; và là đảng viên.
«
Cô giáo quỳ » trở
thành chủ đề được chú ý nhất trên các báo. Có thể kể ra một số tựa bài trên báo
chính thống. Từ xót xa « Còn đâu môi trường sư phạm ? »,« Bạo lực lên
ngôi », « Thầy cô giáo là nghề thanh cao, sao lại đến nông nỗi này » « Cách ứng
xử đau lòng » …
Cho
đến phẫn nộ : « Một hành động hung đồ cần nghiêm trị » « Sự quỳ gối của
nhân cách » « Cô giáo bị buộc quỳ gối và nền giáo dục không quỳ gối » « Sự sụp
đổ của đức học, thất bại của nếp nhà »…
Cô
giáo quỳ : Chuẩn mực đạo đức tan rã, bạo lực lên ngôi
Phó giáo sư Hoàng Dũng, trường đại học Sư Phạm
thành phố Hồ Chí Minh nhận định, tinh thần « tôn sư trọng đạo » ở
các nước châu Á chịu ảnh hưởng Nho giáo đã phai nhạt đi. Tuy nhiên đến mức như
sự kiện vừa xảy ra tại Việt Nam thì chưa từng thấy. Theo ông, bên cạnh sự tan
rã những chuẩn mực đạo đức xưa, còn có việc mất lòng tin vào luật pháp.
Tôi
thấy ở đây có hai khía cạnh. Khía cạnh thứ nhất là ở xã hội Việt Nam, từ ngữ « tôn sư trọng đạo » xuất
phát từ thời còn vua chúa, tức là thời kỳ tư tưởng Nho giáo là tư tưởng chủ đạo
ở Việt Nam. Thời đó thầy còn đứng trước cả cha nữa, quân sư phụ mà. «
Trọng đạo » vì người ta cho rằng giáo dục liên quan đến « đạo
» - ở đây là chuyện làm người. Ông thầy là người giúp cho học trò thành
người. Chuyện quan trọng đến như thế, nên họ mới tôn người thầy đứng trước cha.
Nhưng
càng ngày trong xã hội công nghiệp bây giờ, chuyện « tôn sư trọng đạo » theo kiểu
ngày xưa đổ vỡ cả. Tôi đã đi qua những nước có truyền thống Nho giáo như Hàn Quốc,
Nhật Bản, những người dân ở đấy kể cả những học giả cũng nói với tôi truyền thống
kiểu xưa dần dần tan rã. Việt Nam mình cũng thế thôi.
Tuy
nhiên ở các nước đó có thể « tôn sư trọng đạo » kiểu xưa không
còn, nhưng những hành động thái quá, sỉ nhục người thầy như trường hợp cô giáo ở
Long An vừa rồi, thì luật pháp rất nghiêm ngặt. Người ta tôn trọng luật pháp,
thành ra những chuyện như thế cực kỳ hiếm, tuy không phải là không có. Bởi vì
người nào điên rồ làm chuyện đó thì đối diện với tòa án ngay tức khắc.
Cho
nên ở Việt Nam, cùng với sự tan rã của chuẩn mực đạo đức xưa, có sự tan rã của
lòng tin về luật pháp. Cho nên một ông luật sư tập sự thừa biết luật pháp lại
hành xử như thế, một kiểu hành xử mà có một quan chức ở Bộ Công an nói rằng
đáng phải đưa ra tòa để khởi tố. Ngay trong Luật Giáo dục cũng nghiêm cấm sỉ nhục
nhà giáo, nhưng người ta bất chấp !
Thành
ra khía cạnh thứ hai mới là khía cạnh tôi cho là đặc thù Việt Nam. Ở Việt Nam
luật pháp thành ra chuyện trò cười. Chính giới luật gia mà tiêu biểu là ông luật
gia đó cũng không tin vào luật pháp lắm, cho nên mới hành xử theo kiểu như thế.
Đặt giáo dục Việt Nam trong bối cảnh rộng lớn hơn, điều đó là đáng báo động hơn
rất nhiều. Vấn đề là luật pháp sụp đổ chứ không phải sự tôn nghiêm đối với người
thầy sụp đổ.
Tuy
nhiên có một chuyện nữa ngay cả trên báo chính thống lên án mạnh mẽ số đông
lương tri xã hội vẫn còn đó tôn nghiêm đối với người thấy bị sụp đổ. Xã hội bị
rung chuyển vì những chuyện như vậy !
Tại
sao lại phải quỳ gối trước một kẻ không phải là bậc sinh thành của mình ? Có ý
kiến cho rằng cô giáo ở Long An không có lòng tự trọng, nên không đáng được
bênh vực. Phó giáo sư
Hoàng Dũng ngậm ngùi :
Cũng
tội nghiệp lắm, mình phải hiểu họ. Trong thời buổi này chưa chắc cô giáo vào đó
bình thường được. Có thể cô phải chạy tiền chạy bạc, vay nợ…để có được việc
làm. Rồi bây giờ đứng trước một nguy cơ – mà rất có thể - cô bị đuổi việc,
trong khi cô mới sinh con nhỏ, người ta phải hèn đi. Cô không có bản lĩnh,
nhưng biết đâu trong những hoàn cảnh như thế, cô quỳ xuống thì cô nghĩ đến con,
đến chồng, lỡ mai mất việc thì như thế nào. Giận cô một phần, nhưng xót thương
và căm giận một xã hội như thế nhiều hơn, vậy mới công bằng.
Cùng
thời gian với sự kiện trên, lại xảy ra việc 500 giáo viên « dôi dư », được
tuyển quá chỉ tiêu ở Daklak, sẽ bị chấm dứt hợp đồng, có nghĩa là mất việc, dường
như cũng chứng minh cho ý kiến này.
Ngoài
ra báo Giáo Dục và Tiền Phong tiết lộ thêm một trong những lý do khiến cô giáo
phải nhẫn nhục, là kẻ buộc cô quỳ gối có bà con với thầy hiệu trưởng, và tình
trạng chung, là mỗi lớp học đều có những phụ huynh « quyền lực », có
thể tác động đến các cấp quản lý.
Một
việc hoàn toàn không thể xảy ra nơi một đất nước phát triển. Nhân cách trẻ em rất
được tôn trọng, tuy nhiên luật pháp cũng rất nghiêm khắc với cách hành xử côn đồ.
Pháp
: Tát cô giáo, một năm tù giam !
Gần
như cùng thời gian xảy ra vụ cô giáo bị buộc phải quỳ ở Việt Nam, tại Pháp,
ngày 07/03/2018 tại Lyon, tòa án đã tuyên phạt một phụ nữ 18 tháng tù, trong đó
có một năm tù giam. Bà ta đã tát liên tiếp cô giáo của con gái ngay tại trường,
trước mặt các học sinh, phụ huynh và các giáo viên khác, khiến cô phải nghỉ làm
ba ngày.
Bản
án gây choáng váng cho tất cả mọi người, cả bị cáo lẫn nguyên đơn, và mấy chục
thầy cô giáo đến dự phiên tòa để ủng hộ đồng nghiệp. Cô giáo chỉ muốn làm rõ việc
mình bị xúc phạm, và công tố viên chỉ đề nghị một năm tù trong đó có sáu tháng
tù giam. Vị phụ huynh đã hành hung giáo viên là một bà mẹ năm con, trong đó có
một con nhỏ một tuổi đang còn bú, đã bị tống giam ngay sau khi phiên tòa kết
thúc. Luật sư của bị cáo không muốn cho AFP biết thân chủ có kháng cáo hay
không.
Phó giáo sư Hoàng Dũng nhận xét :
Nếu
như bên Pháp tát một phát mà ở tù như thế, thì cái ông này chắc cũng phải ở tù
mới ngăn chặn được. Nếu không coi như khuyến khích các phụ huynh nóng nảy, ỷ
quyền như thế nhục mạ thầy giáo hay bất cứ ai, chứ không chỉ các thầy cô giáo.
Ông
Võ Hòa Thuận hiện chỉ bị đảng ủy xã Nhựt Chánh khai trừ, nhưng gia đình ông đã
cho là « quá nặng ! », « không tình nghĩa đối với một gia đình cách mạng
» (cha ông Thuận từng là bí thư đảng ủy xã). Có người đòi phải kỷ luật
luôn cả cô giáo đã phạt học sinh. Nhưng đa số cho rằng người giáo viên ở Việt
Nam đang chịu rất nhiều áp lực. Việc cô giáo phạt học trò, dù có sai về phương
pháp, là nhằm mong muốn việc học của các em tốt hơn ; khác hẳn với việc cưỡng
ép cô phải quỳ, là hành vi « làm nhục người khác », vi phạm cả
luật Giáo dục lẫn luật Hình sự.
Góc
« D.T » của Donald Trump
Mà
trong đời học sinh, có mấy ai chưa hề bị phạt ? Nhà báo Pháp Laure Mandeville,
nhiều năm là trưởng văn phòng thường trú Le Figaro ở Mỹ, tác
giả cuốn « Donald Trump thực ra là người như thế nào ? » cho
biết đương kim tổng thống Hoa Kỳ thời còn học tiểu học (cấp 1), tuy học khá
nhưng chuyên dùng những cục gôm chọi cô giáo, kéo tóc các bạn gái…đến nỗi có một
góc trong lớp được đặt tên là « D.T. », bởi vì Donald Trump
thường xuyên bị phạt đứng trong góc này !
Đối
với một phụ huynh là ông
Nguyễn Minh ở Saigon, thì tuy việc phạt quỳ học sinh là không nên, nhưng
ông rất phẫn nộ trước hành động côn đồ của vị phụ huynh là luật gia ở Long An.
Ông cho biết thời kỳ trước 1975, thầy cô giáo chỉ chuyên tâm dạy học, học phí
đã có phòng học vụ lo, kỷ luật học sinh có giám thị. Còn bây giờ với sự biến tướng
của Hội phụ huynh học sinh, không ít người nghĩ rằng mình có tiền, có thế lực
thì muốn làm gì cũng được.
Cái
vụ đó thì quá đáng rồi, truyền thống dân tộc là tôn sư trọng đạo mà. Đó không
chỉ là vi phạm pháp luật đơn thuần, mà còn là hành vi vô đạo đức, vô văn hóa
đáng lên án. Hồi trước giải phóng việc tiền bạc thì học trò chỉ trực tiếp lên
phòng học vụ, còn kỷ luật học trò thì giám thị của nhà trường phụ trách. Thầy
cô giáo chỉ việc dạy, học trò chỉ có nhiệm vụ học.
Bây
giờ nhiều chuyện dồn lên đầu thầy cô lắm. Thí dụ họp phụ huynh là luôn luôn có
thông báo thu tiền của nhà trường đi kèm, thầy cô dù có muốn né qua một bên
cũng không được vì họp ngay trong lớp của mình, rồi đưa cái bung xung là hội phụ
huynh đứng ra thu tiền.
Bản
thân ban giám hiệu nhà trường đó cũng hết sức tệ, không biết bảo vệ cho các thầy
cô giáo. Sự uất hận và nhục nhã mà cô giáo này phải chịu chắc là đi theo cô suốt
đời.
Phó giáo sư Hoàng Dũng cho rằng dù sao vẫn
có thể tin rằng lương tri xã hội vẫn còn đó.
Tuy
nhiên chúng ta thấy rằng đồng loạt trên các mạng xã hội và ngay cả trên các báo
chính thống đều lên án thật mạnh mẽ ông luật gia kỳ lạ đó. Tuy đáng lo ngại như
thế, nhưng số đông thì lương tri xã hội vẫn còn đó. Tôi tin rằng ngày nào người
ta còn phản ứng mạnh mẽ như vậy, thì người ta không thờ ơ, và đất nước này còn
có cơ hồi phục.
RFI
Việt ngữ xin chân thành cảm ơn phó giáo sư tiến sĩ Hoàng Dũng, trường đại học
Sư Phạm thành phố Hồ Chí Minh, và ông Nguyễn Minh ở Saigon, đã vui lòng nhận lời
tham gia chương trình hôm nay của chúng tôi.
---------------------------
No comments:
Post a Comment