Tuesday, March 27, 2018

BẢN TIN SÁNG 27-3-2018 (Báo Tiếng Dân)





Tin Việt Nam

Tin Biển Đông
Vẫn như mọi năm, Hội Nghề cá lên tiếng phản đối việc cấm đánh cá trên Biển Đông của Trung Quốc, truyền thông trong nước đồng loạt đưa tin. Đảng và Nhà nước vẫn im thin thít như mọi năm, để cho Hội Nghề cá đơn độc lên tiếng.

Đâu rồi cái tình “bạn vàng, bạn tốt” của đảng, sao không mang ra hỏi “bạn” rằng, bạn bè kiểu gì mà năm nào cũng giở trò lưu manh, cấm ngư dân không được đánh bắt cá trong cái ao của người ta thế này? Hay đảng đã quen, suốt gần chục năm qua bị cấm, quen nhịn nhục, không còn khả năng phản kháng nữa rồi?

Hội Nghề cá đề nghị truy tìm tàu lạ tấn công tàu cá Việt Nam, trang Tin Tức VN đưa tin. Hội Nghề cá Trung ương VN có công văn gửi Văn phòng Chính phủ, Bộ NN&PTNT, Bộ Ngoại giao, đề nghị cơ quan chức năng truy tìm tàu lạ, yêu cầu bồi thường thiệt hại cho ngư dân và “tăng cường các biện pháp đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của ngư dân… để ngư dân yên tâm ra khơi bám biển sản xuất“.

Không rõ từ bao giờ, chuyện bảo vệ ngư dân và chủ quyền biển đảo thuộc trách nhiệm của Hội Nghề cá, để hội này phải có công văn đề nghị chính phủ và các bộ vào cuộc, giúp bảo vệ ngư dân? Nếu không có công văn này, thì chính phủ và các bộ nói trên không có trách nhiệm bảo vệ ngư dân, bảo vệ chủ quyền biển đảo của đất nước này?

Công văn của Hội Nghề Cá

Xem công văn nói trên, có thể thấy, không chỉ hai tàu cá của ngư dân Quảng ngãi là QNg 90440TS và QNg 90045TS bị Trung Quốc tấn công hôm 22/3, mà tàu cá QNa-90822 ở Quảng Nam cũng đã bị Trung Quốc tấn công ngày 18/3/2018. Trước đó không hề nghe báo “lề phải” nói tới, cho tới khi họ đọc công văn này. Báo Thanh Niên có nhắc tới vụ tấn công tàu cá QNa-90822 cũng nhờ đọc công văn nói trên: Tàu cá liên tục bị tàu lạ đâm va, cướp phá trên vùng biển gần Hoàng Sa.

Tàu cá mang số hiệu QNa 90822, do ông Nguyễn Tuấn Sơn ở Quảng Nam, làm chủ tàu, ngày 18/3, đã bị “tàu sắt vỏ sơn màu trắng bao vây”. Sau đó, “1 ca nô khác chở theo nhóm người mang súng áp sát mạn tàu. Ngay sau đó, nhóm 6 người đã nhảy lên tàu anh Sơn dùng súng khống chế ngư dân và có hành động cắt phá lưới cụ và lấy đi 2 bình ắc quy“.

Trạm kiểm soát Biên phòng Sa Kỳ kiểm tra, thống kê thiệt hại của 2 tàu cá Quảng Ngãi bị tàu TQ tấn công, đập phá. Ảnh: TTVN

Vụ Bộ VH-TT-DL và các cơ quan liên quan duyệt chiếu bộ phim “Điệp vụ biển đỏ” với nội dung tuyên truyền chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông. Báo Thanh Niên có bài viết, bàn về trách nhiệm gác cổng. Bài viết lưu ý: Cảnh cuối bộ phim được quay với sự hợp tác của Hải quân Trung Quốc, “có cả sự hiện diện của tàu đổ bộ Côn Lôn Sơn cùng một số tàu khác (thuộc biên chế Hạm đội Nam Hải)”, chính là các tàu thường tập trận ở Biển Đông, nên ý đồ tuyên truyền cho tham vọng độc chiếm Biển Đông càng đậm nét.

Bài viết đặt câu hỏi: Bộ Quốc phòng Trung Quốc đã ngang nhiên thừa nhận ở cuối bộ phim rằng, vùng biển ở gần cái gọi là “Quần đảo Nam Sa”, thực chất là quần đảo Trường Sa của Việt Nam. “Như vậy, mọi thứ đã quá rõ ràng, thế thì tại sao Cục Điện ảnh không thừa nhận sai?”

Trang VietNamNet đặt câu hỏi về vấn đề hợp tác nghề cá ở Biển Đông: Ai hủy diệt các rạn san hô, làm cạn kiệt nguồn cá? TS Vũ Thanh Ca, từ Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, chỉ ra 2 nguyên nhân: Thứ nhất là vấn nạn khai thác thủy sản quá mức, có tính hủy diệt, thứ 2 là các “hoạt động cải tạo đảo của Trung Quốc trong thời gian qua đã hủy diệt các rạn san hô, điều này làm suy giảm cạn kiệt nguồn cá”.

RFA có bài phỏng vấn: Tứ giác kim cương và Carl Vinson không bảo vệ được Cá Rồng đỏ của Việt Nam. Trả lời RFA, ThS Hoàng Việt phân tích, tuy Tổng thống Trump có vẻ đang tăng áp lực với Trung Quốc, nhưng “nội các của ông ấy có nhiều rối loạn, chính sách đối ngoại lại không rõ ràng”, nên không thể ngăn được Trung Quốc ở Biển Đông.

ThS Việt nhận định thêm: “Việt Nam đã cho công ty Repsol rút khỏi mỏ dầu Cá Rồng đỏ, năm ngoái là mỏ Cá Kính nâu. Điều đó cho thấy Việt Nam đang ở thế khó, với tình thế trên thế giới thì Việt Nam có vẻ đang cô đơn rất nhiều”.


Chuyến đi Pháp của ông Trọng
BBC có bài: Nhà báo L’Humanite nói về chuyến thăm của TBT Trọng. Bà Lina Sankari, nhà báo từ tờ L’Humanite của Đảng Cộng sản Pháp nói với BBC: “Pháp, thành viên Hội đồng Bảo an LHQ, có thể đóng vai trò nhất định trong quá trình giúp Việt Nam mở cánh cửa vào châu Âu”. Bên cạnh đó, “các vấn đề khác Pháp có thể có vai trò trong quan hệ với Việt Nam, theo bà Lisa Sankrai, còn gồm lĩnh vực năng lượng, môi trường”.

Lễ đón Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tại sân bay Orly. Ảnh: TTXVN


Nhân quyền ở Việt Nam

Nhà báo Bùi Tín viết: Món nợ Nhân quyền dai dẳng, nặng nề. Nhân lúc TBT Nguyễn Phú Trọng thăm chính thức nước Cộng hòa Pháp, các tổ chức Liên Đoàn Quốc tế Nhân quyền FIDH, Ủy ban Bảo vệ quyền làm người Việt Nam VCHR và Hội Nhân quyền Pháp Quốc LDH đã cùng viết thư yêu cầu Tổng thống Pháp Macron “hãy đặt ra câu hỏi nóng bỏng về nhân quyền trong các cuộc tiếp xúc’’ với ông Trọng.

Bức thư lưu ý: “Nhân quyền là giá trị cơ bản thiết yếu của nước Cộng hòa Pháp, chính tổ chức En Marche – Tiến tới của ông Macron cũng như quốc hội Pháp hiện nay đa số là từ các tổ chức xã hội dân sự chưa từng tham chính cấu thành, nên việc nêu và áp lực với phía Việt Nam là điều không thể bỏ qua và coi nhẹ được”.

VOA đưa tin: Ban Tuyên giáo ‘công kích’ Văn đoàn Độc lập. Theo đó, Ban Tuyên giáo Trung ương đảng CSVN vừa ra chỉ thị yêu cầu “tổ chức đảng của Bộ Giáo dục Đào tạo phải rút toàn bộ tác phẩm của các tác giả tham gia tổ chức ‘Văn Đoàn Độc Lập’ ra khỏi chương trình sách giáo khoa môn học ngữ văn mới”.

Nhà văn Phạm Đình Trọng nhận định: “Tôi nghĩ rằng việc này nhằm vào Nguyên Ngọc bởi vì trong Văn Đoàn Độc Lập, Nguyên Ngọc có nhiều tác phẩm trong sách giáo khoa nhất. Những tác phẩm của Nguyên Ngọc là những tác phẩm rất xứng đáng”.


Người Trung Quốc ở Việt Nam
RFA có bài: Khách Trung Quốc tràn ngập tại Hạ Long. Một người dân ở đây chia sẻ: “Thực tế đúng là đông, và nó gây ra những hệ lụy phiền toái cho ngành du lịch bởi vì khách Trung Quốc đi đến đâu cũng rất ồn ào và họ hành xử đôi khi không theo những chuẩn mực của con người văn minh, cho nên rất phiền toái”.

Bài báo cho biết: Một nữ du khách người Pháp đến TP Hạ Long đã “cảm thấy lạ lẫm hết sức khi mà ở bất cứ nơi nào cô tới từ nhà hàng, khách sạn, điểm du lịch đều là những biển hiệu tiếng Trung Quốc thay vì tiếng Việt và tiếng Anh”. Du khách này đặt câu hỏi: “Lãnh thổ Việt Nam mà sao toàn thấy dân Trung Quốc?”.


Vấn nạn tham nhũng
Báo Giáo Dục Việt Nam có bài: Đánh rắn phải đánh dập đầu, ta đánh tham nhũng đừng quên khúc giữa. Bài viết lưu ý: “Nên nhìn nhận thẳng thắn, một khi xác định chống tham nhũng là chống ‘giặc nội xâm’, là một ‘cuộc chiến’ đúng nghĩa thì không nên tự an ủi rằng bên bị ‘đánh’ không đủ năng lực và ý chí chống trả”.

Bên cạnh đó, “tham nhũng nằm vùng trong chính cơ quan phòng chống tham nhũng ở cấp khá cao khiến người được giao nhiệm vụ chống tham nhũng còn phải kiêng dè thì việc nhân dân chỉ ‘quan sát’ cuộc chiến có phải là điều lạ?”


Vụ “quan ăn bò giống” của dân
Huyện ủy Triệu Phong, Quảng Trị quyết định lập đoàn kiểm tra vụ cán bộ xã “phát” bò chính sách cho người nhà bán làm thịt, theo báo Người Đưa Tin. Ông Lê Minh Khánh, Chủ nhiệm UBKT Huyện ủy Triệu Phong cho biết: “Trách nhiệm thuộc về ai thì cũng phải xử lý nghiêm minh. Huyện ủy sẽ làm nghiêm để chính sách hỗ trợ hộ chăn nuôi được làm đúng chủ trương, không để người khác lợi dụng lấy bò được hỗ trợ giá đem đi bán để kiếm tiền chênh lệch”.

Ông Khánh nói thêm rằng “sau khi kiểm tra nếu phát hiện thủ tục cấp bò giống sai đối tượng, người dân không ký cam kết nuôi bò, việc giết thịt chính quyền địa phương không nắm… thì UBND xã sẽ phải chịu trách nhiệm”.

Trang VietNamNet đưa tin vụ bò giống ‘lạc’ vào nhà cán bộ xã ở Quảng Trị: Gầy yếu nên giết thịt. Ông Hồ Văn Hồng, Phó Chủ tịch UBND xã Triệu Độ, người trực tiếp triển khai phân bổ bò giống, đưa ra lý do khiến bò “lạc” vào nhà cán bộ: “Sau khi nhận bò về nuôi một thời gian, do bò không thích nghi với điều kiện khí hậu, bỏ ăn, gầy yếu nên buộc giết thịt”.


“Đất tặc” và “cát tặc”
RFA đặt câu hỏi về chuyện Việt Nam tiếp tục khai thác cát: Môi trường sống bị ảnh hưởng thế nào? Bài viết đề cập đến nghiên cứu của các tác giả Vince Beiser và Sim Chi Yin “đề cập đến Việt Nam như là một ví dụ điển hình” về “khủng hoảng cát toàn cầu và tác động từ việc khai thác cát”.

Chuyên gia sinh thái Nguyễn Hữu Thiện nói với RFA: “Bởi vì khi khai thác cát làm dòng sông sâu đi, nước chảy xiết ở bên dưới và ăn ngầm dưới chân gọi là ‘ăn hàm ếch’. Đến lúc một khối lớn bên trên bị đổ xuống sông”. Trong khi hiện tượng sạt lở vẫn diễn ra thì chính quyền nhiều địa phương tiếp tục tiếp tay cho “đất tặc”, “cát tặc”.

Báo Tuổi Trẻ có bài: ‘Mở mắt ra ruộng biến thành sông’ vì thủy điện, cát tặc. Một người dân huyện Krông Nô, Đắk Nông chia sẻ: “Quá nhiều đoàn lãnh đạo, thủy điện vào đây đo vẽ, định vị, lên danh sách bồi thường hỗ trợ… Thế nhưng hứa xong họ lại bỏ đi, thủy điện vẫn xả nước bất thường, các tàu ‘ma … vẫn lén vào bờ hút cát, đất vẫn sạt lở”.

Ông Lê Đức Cường, Chủ tịch UBND xã Nâm N’Đir cho biết: “Tình trạng sạt lở vẫn tiếp tục diễn ra, nếu các công ty thủy điện, khai thác cát không sớm hỗ trợ kinh phí để kè bờ, sẽ có thêm nhiều diện tích nữa của người dân sẽ bị cuốn trôi”.

Chuyện ở xã Minh Tân, huyện Nam Sách, Hải Dương: Nhiều ha đất bãi sông bị khai thác trái phép, theo báo Tài Nguyên và Môi Trường. Người dân địa phương phản ánh: “Có hàng loạt xe ô tô ngang nhiên ra bãi bồi tả sông Thái Bình, xúc đất bãi chở đi tiêu thụ”.

Bài báo lưu ý chi tiết: Lúc các PV báo cho ông Nguyễn Đức Tuyển, Chủ tịch UBND xã Minh Tân, rằng họ sẽ đến làm tin về hiện tượng khai thác đất trái phép, thì “lập tức toàn bộ ô tô, máy súc dừng hoạt động? Những chiếc ô tô lớn nhỏ, máy súc liền rời khỏi hiện trường”. Phải chăng “đất tặc” ngang nhiên lộng hành vì được chính quyền địa phương “bảo kê”?

Báo Tài Nguyên và Môi Trường viết tiếp bài “Ai tiếp tay cho Doanh nghiệp Xuân Trường đục khoét tài nguyên?”: Liệu có “ưu ái”? Về chuyện doanh nghiệp Xuân Trường “vô tư đục khoét tài nguyên tại đồi Ba Mào, xã Yên Sơn, TP Tam Điệp (Ninh Bình) trong suốt một thời gian dài”, bài viết đặt câu hỏi: Doanh nghiệp Xuân Trường không hề có giấy phép nhưng UBND tỉnh Ninh Bình vẫn “ưu ái” cho doanh nghiệp này khai thác đất trái phép?


Ô nhiễm môi trường
Trang Môi Trường và Cuộc Sống đưa tin: Cơ sở sản xuất than củi gây ô nhiễm môi trường. Theo đó, các cơ sở sản xuất than củi ở thôn 8, xã Cư Êbur, TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk, “hoạt động gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống sinh hoạt cũng như sản xuất của nhân dân”.

Báo Xây Dựng bàn về tình trạng rác thải tràn lan quanh Khu đô thị Nam Trung Yên ở Hà Nội. Một người dân cho biết: “Tình trạng này kéo dài đã lâu nhưng không có đơn vị nào chịu trách nhiệm thu dọn, gây bức xúc cho người dân sinh sống trên địa bàn. Chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng chưa quyết liệt xử lý”.


Cháy nổ ở VN: Hỏa hoạn hay nhân tai?
Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an TP HCM quyết định khởi tố vụ cháy tại chung cư Carina, theo báo Pháp Luật TP HCM. Đại tá Nguyễn Sỹ Quang, Trưởng Phòng tham mưu Công an TP.HCM, cho biết: “Hiện các cơ quan chức năng đã cơ bản khám nghiệm xong hiện trường, đang giám định các tang vật liên quan”. Ông Quang loại trừ khả năng vụ cháy xảy ra do có người cố ý gây ra.

Báo Người Đưa Tin viết về vụ cháy chung cư CT5 Văn Khê: Chuyển hồ sơ cho công an điều tra. Theo đó, Cảnh sát PCCC Hà Nội đã chuyển toàn bộ hồ sơ vi phạm PCCC ở chung cư cao tầng CT5, Khu đô thị Văn Khê, Hà Đông, cho Công an TP Hà Nội để làm rõ vụ việc. “Trước đó, sáng 25/3, một vụ cháy lớn đã xảy ra tại tầng 21 của chung cư CT5 Văn Khê. Nhiều người dân sinh sống tại đây khẳng định, vào thời điểm xảy ra cháy đã không có tín hiệu báo cháy”.


Vụ hàng trăm giáo viên bị mất… dạy
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các cơ quan liên quan điều tra dấu hiệu tiêu cực trong vụ hơn 500 giáo viên mất việc, theo Thông Tấn Xã Việt Nam. Trong buổi họp báo định kỳ do Bộ Nội vụ tổ chức ngày 26/3/2018, Chánh Văn phòng Bộ Nội vụ Nguyễn Tiến Thành xác nhận “hàng trăm giáo viên tại huyện Krông Pắc có nguy cơ mất việc là đúng”. Ủy ban Nhân dân huyện Krông Pắc đã tạm dừng chuyện chấm dứt hợp đồng đối với các trường hợp “không đủ điều kiện nộp hồ sơ, không có vị trí tuyển dụng”.


Giáo dục Việt Nam
Báo Giáo Dục Việt Nam có bài: Các thầy cô chọn nghề dạy học rồi thi nhau “chạy” cũng chỉ là để … có danh phận. Bài viết đặt câu hỏi: “Vì sao các thầy cô không thể phản kháng quyết liệt? Họ sợ liên lụy, sợ mất việc hay sợ điều chuyển đi trường xa? Điều gì làm những trí thức kia phải im lặng ai cũng hiểu. Ngay cả trường tư thục, thân phận thầy cô nào cũng mỏng manh dễ vỡ”.

Hiệu trưởng trường có cô giáo bị đánh, ép quỳ xin lỗi khẳng định: “Giáo viên của chúng tôi không đánh cháu!”, theo báo Lao Động. Cô Tạ Thị Nga, Hiệu trưởng trường mầm non Việt – Lào, khẳng định: “Nhà trường cũng như giáo viên chủ nhiệm thường xuyên nhắc nhở việc bảo đảm an toàn cho học sinh, tuyệt đối không được sử dụng roi vọt, đánh đập các cháu”. Còn cháu K, con bà Nghĩa có vết bầm ở chân là do “bị vấp trong khi chơi đu quay”.


Xe cán bộ tông chết học sinh, bỏ trốn
Trang Gia Đình và Xã Hội có bài: Xe ô tô của chủ tịch xã đâm học sinh tử vong rồi bỏ trốn. Tối 26/3/2018, ông Văn Tất Thịnh, Chủ tịch UBND thị trấn Vương, huyện Tiên Lữ, Hưng Yên cho biết: “Cách đây ít ngày trên địa bàn thị trấn xảy ra vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng khi một chiếc ô tô đâm vào nhóm học sinh đang đi bộ làm 1 người chết, 3 người bị thương nặng, sau đó lái xe bỏ trốn”.

Ông Phạm Văn Thụy, Chủ tịch UBND xã Trung Nghĩa thừa nhận rằng chiếc xe gây tai nạn đúng là xe của ông ấy. Tuy nhiên, “hôm đó đứa cháu có việc nên đã mượn và được tôi đồng ý chứ tôi không điều khiển”. Chiếc xe này đã hết hạn đăng kiểm nhưng ông Thụy vẫn sử dụng rồi cho “đứa cháu” mượn.


***

Tin thế giới

Chính trường Mỹ
RFI có bài: Tổng thống Mỹ im lặng trước cuộc tuần hành chống súng khổng lồ. Thông tín viên RFI, Grégoire Pourtier tường trình: “Cho dù Donald Trump không ở đó khi hàng trăm nghìn người tuần hành chống súng trước cửa Nhà Trắng, nhưng tiếng vang của cuộc biểu tình khổng lồ ắt hẳn phải dội đến tận tư dinh của tổng thống Mỹ ở Florida. Tuy nhiên, sáng hôm qua Chủ Nhật, 25/03, ông Donald Trump đã đưa lên mạng bảy tin nhắn Twitter, nhưng không hề nhắc đến biến cố này”.

CNN đưa tin, Trump có ý định sa thải Bộ trưởng Cựu chiến binh David Shulkin. Chris Ruddy, CEO của hãng tin cực hữu Newsmax Media và là bạn của ông Trump, nói rằng ông ta sớm sẽ ra quyết định về một hoặc hai sự thay đổi trong chính quyền. Nhưng Nhà Trắng nói rằng, ông Shulkin vẫn còn an toàn vào thời điểm này, trang Politico cho biết.

Về vụ bê bối tình ái của ông Trump, Tòa Bạch Ốc ‘bỉu môi’ trước cáo giác Trump ngoại tình, VOA đưa tin. Mặc dù Trump tìm cách ngăn chặn, không cho đài CBS phát sóng chương trình “60 phút”, phỏng vấn cô Stormy Daniels, nhưng cuối cùng việc phát sóng vẫn diễn ra bình thường vào tối Chủ Nhật vừa qua.

Bài viết cho biết, “số khán giả Mỹ xem chương trình này tăng hơn gấp đôi, lên thành 21,3 triệu người, số cao nhất kể từ cuộc phỏng vấn với vợ chồng cựu Tông thống Barack Obama hôm 16/11/2008 sau cuộc bầu cử Tổng thống“. Nhà Trắng và Trump bác bỏ câu chuyện, nhưng hầu hết người Mỹ tin rằng, câu chuyện đó có thật, họ tin Trump ngoại tình trước khi CBS phỏng vấn cô Daniels.

Trang Zing có bài, Trump chạm trán công tố viên Mueller – Hai chân dung tương phản. Trích: “Trong khi tổng thống nổi điên về cuộc điều tra ông gọi là ‘cuộc săn phù thủy’ và xả cơn giận trước đám đông người ủng hộ, công tố viên đặc biệt vẫn im hơi lặng tiếng, thay lời nói bằng các cuộc thẩm vấn và lệnh truy tố. Sau nhiều tháng, cuộc chạm trán đã tới gần giữa Mueller và Trump, một người được phong là anh hùng chiến tranh, người kia trốn nhập ngũ“.





***









No comments: