Sunday, March 25, 2018

VỀ GIẢI VĂN VIỆT 2017 (tin tổng hợp)




Về Lễ Trao Giải Văn Việt 2017

Sáng nay, Văn Việt gặp gỡ rất đông vui bè bạn xa gần nhưng mình không thể có mặt vì bị ngăn cản tại nhà. Đành xem hình ảnh trên FB của các anh chị khác.

(Cả chị Ý Nhi và Bùi Chát cũng không đến được, vì lý do tương tự)

Lễ trao Giải Văn Việt 2017 đã không thể tiến hành vì nhà hàng được đặt trước cho biết họ phải đóng cửa đúng buổi sáng 25.3.2018 (?). Mọi người đành đến một địa điểm khác, nhưng khi nhà văn Nguyên Ngọc đang phát biểu thì điện bị cúp, và sau đó cả nước cũng bị cúp luôn, khiến nhà hàng này cũng không thể tiếp tục phục vụ đoàn.

Lần thứ ba, mọi người phải dời địa điểm giữa giấc trưa, để có gì bỏ vào bụng trước khi chia tay nhau . Ai nấy đều tự hỏi tất cả những “trục trặc” kiểu này liệu có đạt được thứ “hiệu quả” gì không…

Riêng mình, bài viết về tiểu thuyết "Những tháng năm cuồng nộ" của nhà văn Khuất Đẩu (Giải Đặc biệt) sẽ được đăng trên Văn Việt. Nhưng mình post trước lên ở đây, như là cách xin lỗi mọi người vì đã vắng mặt sáng nay…

KHÓC CƯỜI TRÊN MỘT XỨ SỞ BUỒN VÔ HẠN
(Về tiểu thuyết "Những tháng năm cuồng nộ" của Khuất Đẩu)

Cái làng ấy có tên là An Định, nhưng cũng có thể gọi là Bất An, Bất Định hoặc bất cứ tên nào khác, kể cả tên Việt Nam, bởi vì nó đúng là một làng quê Việt tiêu biểu. Tiêu biểu không có nghĩa là nó hội đủ các thứ tinh hoa, lọc lựa, nhân văn nhân bản…, mà vì chính những thứ ấy đã bị thử thách, xúc phạm, chà đạp trên cái làng quê ấy.

Nhân vật chính có tên Lê Văn Được, nhưng tên đó chỉ xuất hiện trong sổ đinh, còn ngoài đời thật người ta gọi hắn là Thằng Chó Đẻ, bởi xuất thân quá tù mù, thấp kém của hắn. Bị thả trôi sông trên một cái nắp bầu trét dầu rái khi mới sinh ra, có vẻ hắn là hậu quả của một cuộc gái trai vụng trộm xấu xa. Hắn đã trôi tấp vào chân một phụ nữ đang đãi cát tìm hến và được bà cứu một cách rất tình cờ. Người đàn bà cũng thuộc loại trôi sông lạc chợ không gia đình nhà cửa này đã nhờ một con chó cái mới đẻ nuôi hắn bằng sữa chó, và vì vậy hắn mới có cái tên đầy miệt thị kia, cái tên ám vào số phận hắn cho đến tận cuối đời.

May mắn lớn nhứt của Thằng Chó Đẻ chính là việc hắn đã rơi xuống cuộc đời mẹ nuôi của mình, một Con Người với sự từ ái, lạc quan bẩm sinh, đã nuôi lớn phần Người trong hắn không phải bằng lời lẽ hay sự ép buộc, mà từ chính những việc làm đơn giản, trung thực và dũng cảm một cách hết sức bản năng. Bà đã bỏ tiền hối lộ để xin cho hắn một suất đinh vì không muốn hắn chẳng tên tuổi và cũng sẽ bị cộng đồng loại bỏ như chính mình, đã cõng hắn tới trường để hắn tập tò học chữ, và luôn là tường thành vững chãi ấm áp, mỗi khi giông bão ập xuống cuộc đời hắn.

Cho dù chỉ là loại cùng đinh mạt hạng, Thằng Chó Đẻ vẫn phải chia sẻ tất cả những gì mà mỗi người dân làng An Định gánh chịu, trong cuộc đổi thay đảo điên điên đảo của thời cuộc.
Ban đầu, với dân làng, đó là những ngạc nhiên bất ngờ khi cách mạng xuất hiện, khi “ông bầu Kiên ngoắc ông lý trưởng đang đứng sợ hãi dưới thềm bảo phải đem nộp gấp con dấu cùng sổ đinh và sổ điền. Khi ông lý vội vàng về nhà thì ông kêu lại dặn thêm phải nộp hết số tiền quỹ”. Rồi sau đó, ông Khứ- một thứ kép không biết hát, chỉ chuyên vai chạy hiệu trên sân khấu bỗng thành người nắm quyền sinh quyền sát với tất cả dân làng, quản lý và quyết định tất tần tật mọi thứ từ tinh thần tới vật chất. Mọi sự cứ xáo tung nháo nhào lên, mọi người chưa kịp hiểu ra chuyện này thì đã có ngay chuyện khác tiếp tới, xoay tít họ như trong cơn bão. Những điều chưa kịp hiểu dần trở thành nỗi hoài nghi, rồi cuối cùng là một sự chịu đựng đầy thách đố, kéo dài tưởng như vô cùng tận.

Nếu ông Khứ là người xung phong cầm búa nện những nhát đầu tiên lên cái bàn thờ thờ các vị tiền hiền trong đình làng thì cô Thảnh cũng thừa tàn nhẫn để lôi bà hương bộ với cái nồi cơm chưa kịp chín đi bêu rếu khắp đường làng, để mọi người đả đảo kẻ đã dám ăn cơm thay vì ăn cháo theo lệnh chính quyền…

Phải chăng kẻ nắm quyền luôn coi dân là thứ thấp kém, là đối tượng cho những suy nghĩ, hành xử kỳ quặc tình cờ hiện ra trong cái đầu thiếu vắng lòng nhân của họ? Phải chăng lổ hỗng quá to về kiến thức đã biến họ thành những kẻ liều lĩnh vô trách nhiệm, gây ra bao thương tổn và thảm họa cho người dân mà vẫn cứ đinh ninh là mình làm đúng?

Thằng Chó Đẻ cũng như bao nhiêu người dân làng An Định, phải è cổ ra gánh chịu tất cả những gì mà kẻ cầm quyền ở các thời kỳ có thể làm với họ. Cho dù các chính quyền đó là những kẻ thù không đội trời chung của nhau, thì với họ dân vẫn giống như cỏ rác, cho sống thì được sống, bắt chết thì phải chết.

Hầu hết người dân vốn ít khi quan tâm tới thời cuộc bỗng phải xoay như chong chóng mỗi khi chính quyền thay đổi, hết Nhật lại tới Pháp rồi Mỹ, hết cộng sản lại tới chống cộng rồi lại cộng sản….

Cứ thế, làng An Định tiếp tục chảy máu ngoài da và trong tim, chết vì bị chặt đầu, chết bởi súng bởi bom, chết trong nhà chết ngoài ruộng, chết trên đường chạy loạn, chết đi sống lại không biết bao lần mỗi khi nhớ lại một quãng đời, một người thân đã chết…

Câu chuyện làng An Định được Khuất Đẩu “kể lại” một cách giản dị theo trình tự thời gian. Nhiều chỗ, câu văn gần như trần thuật, chỉ mô tả hành động theo cách đơn giản nhứt, như cố chạy cho kịp các biến cố. Có vẻ như cảm xúc từ các sự kiện tàn bạo quá đau đớn, mà nếu dừng lại để tu từ, thì tác giả thành ra có lỗi với nhân vật.

Cũng có thể coi các chi tiết chính là “kỹ thuật” của Khuất Đẩu. Những chi tiết của ông đều chắt lọc, nồi liền nhau đậm đặc, tạo thành một chuỗi hành động với những ấn tượng rất mạnh. Tất cả giống như một bộ phim, chỉ toàn hành động và hành động.

Rất nhiều đời sống đã được gọi dậy từ những câu văn giản dị. Nhưng có rất ít đối thoại. Thật ra, người trò chuyện nhiều nhứt chính là tác giả: ông đã chuyện trò thay cho bao nhân vật, đã phát ngôn, chia sẻ và thấu cảm cùng họ.

Đọc "Những tháng năm cuồng nộ", rất nhiều khi độc giả cảm thấy rằng mình có thể phá lên cười đến chảy máu mắt, vì sự phi lý điên rồ quái gở trong việc con người đối xử với nhau: hành hạ, sỉ nhục, giết chóc nhau… chẳng vì gì cả. Như bị quỷ ám mà không tự biết, đẩy người khác và cả chính mình cùng rơi xuống địa ngục.

Nhưng khi xuất hiện câu thoại hay nhứt trong tác phẩm, chỉ có mấy từ:
-Chào cha đi con.
Mọi thứ thay đổi.

Đó là sự cứu chuộc cho tất cả những điên rồ náo loạn máu chảy đầu rơi suốt mấy chục năm. Đó là sự lạc quan và độ lượng của lòng dân: rốt cuộc, hận thù và cái ác không thể cứ tiếp tục thống trị. Tình yêu và cái đẹp sẽ vượt lên cái chết, nối dài sự sống. Cô gái con ông thầy thuốc ngụ cư ở làng An Định đã sinh cho Lê Văn Được đứa con trai mà chắc chắn cuộc đời nó phải khác hơn, đẹp hơn, Người hơn cuộc đời của Thằng Chó Đẻ ngày nào…

*Hình ảnh mượn trên FB của Sương Quỳnh Hoa Kim Ngo, và các anh Vu Ngoc Tien, Trần Bang. Xin cảm ơn mọi người…

*

Ba thành viên Hội đồng Giải Văn Việt 2017 (Dũng Hoàng, Nguyên Ngọc, Hoang Hung) và năm tác giả đoạt giải: Mai Sơn (Truyện ngắn), Pham Nguyen Truong (Dịch thuật), Khuất Đẩu (Tiểu thuyết và Truyện ngắn), Phapxa Chan (Thơ). Hai chiếc ghế trống là của hai tác giả không thể vào nhận giải.

Một số gương mặt quen: Anh Hạ Đình Nguyên (CLB Lê Hiếu Đằng), anh Huệ Chi Nguyễn, Văn Giá Ngô, Vu Ngoc Tien, Thi Dao Tien

Khi nhà văn Nguyên Ngọc đang phát biểu thì điện bị c...ú...p... 

TS Nguyễn Quang A, GS Huệ Chi Nguyễn, nhà báo Cong Binh Nguyen, nhà giáo Vũ Thế Khôi 

Hai em thân yêu có mặt: Nguyễn Giáng Vân, Hạ Nguyên..






-----------------------------


Hôm nay CN 25/3/2018, ngày cuối cùng ở lại SG ngỡ được dự buổi trao giải Văn Việt lần thứ 3 vậy mà rắc rối quá thể! Mình và nhà thơ Hoàng Vũ Thuật (Quảng Bình vào), nhà nghiên cứu Tiêu Dao Bảo Cự (Đà Lạt xuông), cùng đến nhà hàng Hương Xưa số 2 Nguyễn Công Trứ Q1 thấy vắng hoe mới biết địa điểm này bị "dẹp tiệm". Mình gọi cho chị Ý Nhi biết thêm nhà riêng của chị cũng bị CA "canh gác" từ sáng sớm không thể hội họp được. Dạ Ngân và Ngô Thị Kim Cúc cũng bị canh chừng phải ngồi nhà.

May lúc đó anh Cự gọi cho Hoàng Hưng thì được báo bạn bè kéo nhau chuyển đến nhà hàng Đoàn Viên số 6 Huyền Trân Công Chúa. HH nói thêm: "Sẽ không có lễ trao giải đâu. Bạn bè tới họp mặt chia vui với người được giải như một bữa nhậu mừng tân niên thôi".

Ấy vậy mà khi mình tới nơi ngồi chưa nóng chỗ thì điện bị cắt, phòng ăn số 1 nóng như lò đất nung nhưng gần 30 con người đủ mặt anh tài trong Nam ngoài Bắc vẫn hồn nhiên trò chuyện, ngâm thơ vui phết. Tiếc vì 2 trong số 3 tác giả được giải bị ngăn cản đành kê 2 chiếc ghế trống tượng trưng.

Chuyện vãn mọi người kéo nhau ra dãy bàn ngoài sân chờ vêu mồm vẫn chưa có mồi nhậu. Mình đành uống tạm chai bia rồi về trước chuẩn bị hành lý mai ra TSN bay chuyến 7h00 sáng. Năm nay cánh trí thức- văn nghệ sĩ ngoài HN vào dự đông phết. Ngoài VNT còn có Nguyễn Quang A, Huệ Chi, Phạm Xuân Nguyên, Văn Giá, Giáng Vân, Hoàng Minh Tường, Kim Chi, Hà Thủy Nguyên, Đào Tiến Thi... 

Giải thơ Văn Việt năm nay mình đặc biệt ấn tượng với tác giả tập thơ "GIỌT" là Phapxa Chan- chàng trai 23 tuổi có căn số đi tu từ năm 12 tuổi lại rất đẹp trai với bộ râu như hoàng tử A Rập. Nói không ngoa: Nghe Phapxa Chan đọc 3 bài thơ và trên đường về ngồi Taxi mình hào hứng đọc thêm dăm bài nữa thấy như sống lại cảm xúc tuyệt vời 54 năm trước lần đầu đọc thơ của Tagore- thi hào Ấn Độ vậy. Thơ anh hút hồn người đọc bởi phong cách thơ hiện đại mà vẫn mềm mại thuần Việt, nghệ thuật lạ hóa ngôn từ, cao hơn hết thảy là hàm lượng triết- mỹ trong mỗi hình tượng thơ.

Cám ơn BGK lần này đã phát hiện và tôn vinh một tài thơ tương lai anh sẽ là niềm tự hào của thi ca nước Việt!...


Vu Ngoc Tien và các anh: Hoàng Vũ Thuật từ Quảng Bình vào, Tiêu Dao Bảo Cự từ Đà Lạt xuống


----------------------------

25-3-2018

Ngày thứ ba, 13.3.2018, ban Tuyên giáo của Trung ương đảng Cộng sản Việt Nam ra chỉ thị do ông Phó Trưởng ban thường trực Võ Văn Phuông kí yêu cầu tổ chức đảng của bộ Giáo dục Đào tạo: Rút toàn bộ tác phẩm của các tác giả tham gia tổ chức “Văn Đoàn Độc Lập” ra khỏi chương trình sách giáo khoa môn học ngữ văn mới.

Ngày chủ nhật 25.3.2018, Văn Đoàn Độc Lập tổ chức cuộc họp mặt đầu xuân. Nhiều nhà văn đã bảo nhau dành rượu sang, bánh quí, dành của ngon vật lạ từ Tết Mậu Tuất như dành tấm lòng thơm thảo mang đến với nhau trong ngày vui gặp mặt đầu xuân. Nhưng y như rằng mỗi lần Văn Đoàn Độc Lập hẹn gặp nhau thì đám an ninh nhà nước cộng sản lại kéo cả đám, cả bầy đến chặn cửa trước nhà các nhà văn thành viên Văn Đoàn Độc Lập.

Điểm mặt lũ công cụ rải trước nhà, tôi ngao ngán phôn cho ông bạn Lời Ai Điếu. Những lần Văn Đoàn Độc Lập họp mặt trước đây, ông viết lên lời ai điếu thảm thiết của xã hội Việt Nam dưới chế độ cộng sản vẫn vượt qua được sự ngăn chặn của đám sai nha đến cụng li rượu với bầu bạn Văn Đoàn Độc Lập. Lần này ông cũng đành chịu chung cảnh bị cầm tù tại nhà như tôi.

Chặn cửa, trắng trợn vi phạm pháp luật, ngang nhiên tước đoạt quyền cơ bản của con người, quyền tự do đi lại, hèn hạ mang cả đám công cụ nhà nước nhiều như giăc cỏ và hung hăng như bầy kiến lửa bị phá ổ, quyết phá đám một sinh hoạt hợp pháp, bình thường của một tổ chức xã hội dân sự hiền lành, bé nhỏ.

Loại bỏ tác phẩm của các nhà văn tham gia Văn Đoàn Độc Lập ra khỏi sách giáo khoa ngữ văn trong nhà trường là chống lại nhân dân, chống lại đất nước về văn hóa, làm méo mó, xấu xí, nghèo nàn gương mặt văn hóa đất nước với thế hệ trẻ hôm nay và ngày mai.

Lặng lẽ né tránh lối làm ăn nô lệ, làm thuê, giả dối, dong công chấm của hợp tác xã nông nghiệp, những người nông dân chân chính hăm hở nhận khoán chui vừa để giải phóng sức sản xuất, vừa để được thực sự làm chủ mảnh đất máu thịt, làm chủ con người mình và điều quan trọng hơn cả là được thực sự làm người nông dân, giữ được nhân cách, giữ được những phẩm chất tốt đẹp của người nông dân truyền thống, được làm thiên chức lao động sáng tạo ra của cải, làm ra nhiều nhất, tốt nhất hạt lúa củ khoai nuôi xã hội.

Những nhà văn rời bỏ hợp tác xã văn chương của ông chủ nhiệm Hữu Thỉnh không còn nhân cách văn hóa, không còn nhân cách nhà văn, chỉ còn là nô bộc cho chính trị cũng là để thực sự được làm nhà văn có nhân cách, có lương tri, có trách nhiệm với nền văn hóa đất nước, có trách nhiệm với nhân dân, với đất nước.

Những nhà văn chân chính đều thấy bị xúc phạm khi ông Hữu Thỉnh chủ nhiệm hợp tác xã văn chương quốc doanh nhân danh các nhà văn nằn nì thảm thiết với Thủ tướng xin từ chiếc xe ô tô sớm đi tối về đến kì kèo xin bằng được từ tiền thuế nghèo của dân hết chục tỉ tiền này đến chục tỉ tiền khác chỉ để làm tha hóa các nhà văn. Những chục tỉ tiền rủng rỉnh từ thuế mồ hôi nước mắt của dân rót về hội Nhà Văn, hợp tác xã văn chương quốc doanh Hữu Thỉnh, đã tạo ra những cuộc chạy đua hối hả và bất tận.

Chạy đua vào hợp tác xã Nhà văn Hữu Thỉnh để được vênh váo mang danh nhà văn, mang thẻ nhà văn. Chạy! Chạy! Chạy! Nhiều cái tên quá xa lạ với văn chương, nhiều người viết vè, viết ngâm vịnh nhạt nhẽo bỗng trở trở thành “nhà văn” trong hợp tác xã văn chương Hữu Thỉnh.

Chạy! Chạy! Chạy! Những người được hợp tác xã văn chương Hữu Thỉnh trao giải thưởng văn chương thực ra chỉ là những người có thế lực trong cuộc chạy đua còn quyết liệt, đông đảo và ồn ào hơn cả cuộc chạy đua vào hợp tác xã văn chương Hữu Thỉnh. Những nhà văn chân chính làm sao không bị xúc phạm khi những tập sách văn chương kém cỏi được tôn vinh chỉ vì người viết là kẻ thắng cuộc trong cuộc chạy đua ngoài văn chương đó.

Văn chương đòi hỏi sự phong phú đa dạng. Phong phú, đa dạng trào lưu, phong cách nghệ thuật. Phong phú, đa dạng cả quan niệm thái độ của nhà văn với cuộc sống, với thời cuộc, với chính trị. Sự phong phú, đa dạng là bản chất của nghệ thuật. Như tình yêu là bản chất của cuộc sống. Văn Đoàn Độc Lập xuất hiện chỉ làm phong phú thêm đời sống văn hóa đất nước, làm lành mạnh, khỏe khoắn nền văn học đang xanh xao, còi cọc, thiếu sự sống dưới sự trùm lớp của nền chính trị độc tài cộng sản. Văn Đoàn Độc Lập trả nhà văn về vị trí đích thực của nhà văn. Văn Đoàn Độc Lập đòi hỏi nhà văn phải là gương mặt văn hóa của đất nước, tác phẩm của nhà văn phải là tiếng nói trung thực của nhân dân, của cuộc sống chứ không phải là thứ minh họa nhạt nhẽo, thứ tụng ca sáo rỗng của chính trị.

Loại bỏ tác phẩm của các nhà văn trong tổ chức Văn Đoàn Độc Lập ra khỏi sách giáo khoa ngữ văn là việc làm nhỏ nhen, thiển cận và rất phi chính trị của những nhà chính trị cộng sản. Cũng như sách giáo khoa ngữ văn trong nhà trường suốt bao năm qua không có một chữ nhắc đến Hoàng Sa, Trường Sa, không một dòng nhắc đến lịch sử mở cõi của cha ông người Việt ở Hoàng Sa, Trường Sa là những người làm sách giáo khoa ngữ văn đã rắp tâm bán nước, loại bỏ Hoàng Sa, Trường Sa trong tâm hồn thế hệ trẻ.

Rừng Xà Nu, Đường Chúng Ta Đi của nhà văn Nguyên Ngọc, chủ soái của Văn Đoàn Độc Lập là hào khí của một thời lịch sử bi tráng. Hào khí đó đã nâng một dân tộc đứng lên trong máu và nước mắt.

Với kí sự ngổn ngang tư liệu lịch sử viết lên Lời Ai Điếu, văn Lê Phú Khải là văn Tư Mã Thiên của thời bóng tối cộng sản trùm lên đất nước Việt Nam, đè lên số phận dân tộc Việt Nam đau thương.

Những đội binh nhà Lê, nhà Nguyễn vượt biển dữ đến nhận đất Hoàng Sa hôm qua, những người lính hải quân Việt Nam có mặt ở Trường Sa hôm nay là sự khẳng định chủ quyền Việt Nam với Hoàng Sa, Trường Sa trong lịch sử. Tiếng hát à ơi ru con Chiều chiều sóng dậy biển đông / Thương gái có chồng đi lính Hoàng Sa là sự khẳng định chủ quyền Việt Nam ở Hoàng Sa, Trường Sa trong tâm hồn người Việt. Những truyện ngắn và bút kí chân thực với hiện thực và giàu cảm xúc văn học viết về biển đảo, viết về Trường Sa trong những tập truyện ngắn Rừng Và Biển, Sự Tích Những Hòn Đảo và trong những tập bút kí Đảo Vàng, Một Thuở của Phạm Đình Trọng là sự khẳng định chủ quyền Việt Nam ở Hoàng Sa, Trường Sa trong văn học.

Nền giáo dục loại bỏ, ngăn chặn những tác phẩm văn chương của tác giả Văn Đoàn Độc Lập, loại bỏ, ngăn chặn những tư cách nhà văn trong Văn Đoàn Độc Lập ra khỏi sách giáo khoa ngữ văn chỉ chứng tỏ đó là một nền giáo dục thấp kém, què quặt và độc tài.

-----------------------

NGÀY 25-3-2018

Về cuốn Từ điển tiếng Việt của GS. Nguyễn Lân – Phê bình và khảo cứu của Hoàng Tuấn Công .  (Hoàng Dũng)
26 Tháng Ba, 2018
26 Tháng Ba, 2018
26 Tháng Ba, 2018
26 Tháng Ba, 2018
26 Tháng Ba, 2018
26 Tháng Ba, 2018
26 Tháng Ba, 2018
26 Tháng Ba, 2018
26 Tháng Ba, 2018









No comments: