Saturday, January 27, 2018

TRUMP - TẬP LÀM GÌ NẾU CÓ CHIẾN TRANH MẬU DỊCH (Ngô Nhân Dụng)



Ngô Nhân Dụng
January 26, 2018

Tuần này, cuộc chiến tranh mậu dịch giữa Mỹ và Trung Quốc có dấu hiệu bắt đầu. Trong lúc vận động tranh cử, Tổng Thống Donald Trump đã nêu vấn đề thâm thủng mậu dịch giữa hai nước ra làm đề tài công kích.

Sau một năm, số khiếm hụt đã tăng thêm gần 9%, lên tới con số kỷ lục $275.8 trong năm 2017 – bằng hai phần ba số thặng dư của Trung Quốc trên toàn thế giới. Ông Trump sẽ phải hành động, như nhiều người ủng hộ ông vẫn chờ đợi, trước ngày ông đọc bài diễn văn đầu tiên bá cáo tình trạng liên bang, ngày 30 Tháng Giêng, 2018.

Trong một năm qua, bên ngoài tưởng ông Trump đã “mềm” hơn với Tập Cận Bình, vì không lớn tiếng về vấn đề mậu dịch nữa. Nhưng trong thời gian đó chính phủ Mỹ đã chuẩn bị các món võ có thể dùng để tấn công Trung Cộng trên mặt trận thương mại.

Trong cuộc chiến mậu dịch với Trung Cộng, chính phủ Mỹ có thể chọn nhiều chiến thuật khác nhau. Họ có thể thưa kiện ra tòa án Tổ Chức Mậu Dịch Thế Giới (WTO); hoặc yêu cầu Bắc Kinh thương thuyết về các tranh chấp; và nếu không thành công thì bắt đầu các hành động đơn phương. Với lối suy nghĩ và tánh tình ông Trump, chắc ông sẽ theo con đường thứ ba.

Hôm Thứ Hai vừa qua, Mỹ đã khai pháo với lệnh tăng thuế nhập cảng trên các tấm kính thâu ánh sáng mặt trời làm điện và các máy giặt. Trung Quốc là nước xuất cảng kính hứng mặt trời nhiều nhất thế giới. Nhưng hành động này có ảnh hưởng tượng trưng vì trong năm 2017 hàng nhập Trung Quốc đã giảm, chỉ còn chiếm 11% số kính nhập cảng vào Mỹ, so với tỷ số 60% trong năm 2011. Có lẽ vì vậy, ngày hôm sau thị trường chứng khoán Thượng Hải vẫn tăng thêm 1%. Nhưng chính phủ Trump còn rất nhiều “vũ khí” có thể dùng.

Đạo Luật Quan Thuế năm 1930, lần cuối cùng được sử dụng vào năm 1949, cho phép tổng thống đánh thuế nhập cảng tới 50%, cần quá có thể cấm nhập cảng một món hàng.

Các đạo luật về mậu dịch quốc tế ở Mỹ cho phép chính phủ tăng thuế khi cần. Điều 301 Đạo Luật năm 1974, cho phép mở cuộc điều tra về nạn ăn cắp bản quyền các “sở hữu tri thức.”

Mùa Hè năm ngoái, Mỹ đã bắt đầu cuộc tấn công này và kết quả sắp được công bố. Theo Điều 201 trong luật này, Mỹ có thể điều tra nếu thấy hàng nhập cảng gây thiệt hại cho các nhà sản xuất ở Mỹ. Điều 232, Đạo Luật năm 1962, cho phép chính phủ tăng thuế trên hàng nhôm và thép nhập cảng, nếu an ninh quốc gia bị đe dọa.

Tháng Mười Một năm ngoái, Bộ Thương Mại Mỹ bắt đầu điều tra về hành động Trung Cộng bán các phiến nhôm dưới giá thành. Hai tổng thống trước ông Trump, Barack Obama và George W. Bush, đều đã tăng thuế trừng phạt đối với Trung Quốc nhưng lần này ông Trump có thể làm nhiều hơn cùng một lúc. Hiện nay chính phủ Mỹ đang áp dụng suất thuế cao để trừng phạt để chống phá giá (anti-dumping) trên 102 món hàng của Trung Cộng, trong khi Trung Cộng chỉ trừng phạt 34 món hàng của Mỹ.

Nếu Tổng Thống Trump tăng thuế nhập cảng trên các món hàng về máy vi tính và viễn thông, Trung Cộng có thể bị thiệt hại hàng tỷ đô la. Trong năm 2016, số hàng Trung Cộng bán cho Mỹ $280 tỷ về máy vi tính và $280 tỷ dụng cụ viễn thông, $80 tỷ chất bán dẫn.

Để đối phó với các hành động “khiêu chiến” của Tổng Thống Trump, chính quyền Cộng Sản Trung Quốc có thể trả đũa ra sao?

Món võ đầu tiên là Trung Cộng kiện Mỹ trước WTO, nhưng những vụ kiện như vậy sẽ kéo dài nhiều năm và kết quả không chắc chắn.

Nhưng hiện nay giới lãnh đạo Trung Cộng không muốn một cuộc chiến tranh thương mại diễn ra, trong lúc kinh tế Trung Quốc đang cần chuyển hướng từ xuất cảng sang tiêu thụ nội địa. Hàng xuất cảng tạo ra 120 triệu công việc làm trong lục địa, với 20 triệu công nhân chỉ làm hàng bán qua Mỹ. Chiến tranh mậu dịch có thể gây xáo trộn xã hội.

Tuy nhiên, Trung Cộng có thể sử dụng nhiều món võ để trả đũa. Thí dụ, tăng thuế nhập cảng trên các nông sản Mỹ. Hiện nay Trung Quốc mua đậu nành và thịt heo từ các tiểu bang miền Trung Tây chiếm 20% hàng nhập cảng từ nước Mỹ. Nhưng tăng thuế nhập cảng thịt heo là điều Bắc Kinh rất dè dặt, vì có thể tăng lạm phát. Biện pháp đó trong quá khứ Trung Cộng đã dùng khi tăng thuế trên thịt gà năm 2010, nhưng cuối cùng đùi gà Mỹ vẫn chạy tới bàn ăn dân Trung Quốc qua các ngõ ngách khác.

Trung Cộng có thể gây khó khăn cho các xí nghiệp Mỹ đang làm ăn ở Trung. Dư luận báo chí Trung Quốc đã nói tới các đòn đánh trên các công ty Apple, GM và Boeing. Các xí nghiệp Mỹ làm ăn ở Trung Quốc sẽ bị trì hoãn khi làm các thủ tục giấy tờ. Hàng nhập cảng sẽ bị xem xét kỹ hơn và chậm chạp hơn, như Nhật Bản đã từng làm khi đối đầu với Mỹ. Nhưng các món võ đó hiệu quả không lớn trên kinh tế Mỹ, khó làm cho chính phủ Trump phải nhượng bộ.

Một quan chức Trung Cộng đã nói tới món võ có vẻ mạnh nhất, là Bắc Kinh sẽ bán tống bán tháo các công trái chính phủ Mỹ (thường gọi là Treasuries); giảm số đồng đô la Mỹ trong dự trữ ngoại tệ.

Hiện Bắc Kinh đang làm chủ một số công khố phiếu Mỹ trị giá $1,200 tỷ. Nếu họ giảm bớt, không mua công khố phiếu Mỹ như thường lệ, hoặc ngưng mua, hậu quả trên thị trường này sẽ rất lớn. Tuy nhiên hành động này sẽ gây thiệt hại cho Bắc Kinh nhiều hơn cho Washington.

Trước hết, Bắc Kinh sẽ phải đem số tiền bán được đầu tư vào chỗ khác. Hiện nay trên thế giới có rất ít cơ hội đầu tư có giá trị ổn định và một thị trường năng động như công trái mà chính phủ Mỹ phát hành. Đó là lý do chính các nước dư tiền đều đem cho chính phủ Mỹ vay, vì khi cần tiền họ có thể bán đi dễ dàng, mà giá không xuống thấp.

Nếu ngân hàng bán nhiều công khố phiếu Mỹ, họ sẽ phải chịu lỗ ngay lập tức vì trước khi bán ra giá đã tụt xuống rồi. Khi họ mua công trái của các nước Châu Âu hoặc Nhật Bản, Nam Hàn, thì lại khiến giá tăng lên khi họ mua.

Nếu Bắc Kinh sử dụng món võ này, một hậu quả tức thời là đẩy đồng đô la Mỹ xuống giá. Nhưng khi đô la Mỹ xuống giá, các nhà xuất cảng ở Mỹ sẽ vui mừng vì bán hàng với giá thấp khắp thế giới. Trong khi đó, giá hàng Trung Quốc xuất cảng sẽ tăng giá, vì hầu hết các nước khi nhập cảng đều trả bằng đô la Mỹ, dù mua từ bất cứ xứ nào. Trong một năm qua, giá đô la đã tụt xuống liên tục, mất giá trên 10% giúp cho hàng hóa Mỹ xuất cảng nhiều hơn.

Tóm lại, nếu có chiến tranh mậu dịch thì các quân bài trong tay Tập Cận Bình rất yếu so với Donald Trump.

Chiến thuật tốt nhất cho Tập Cận Bình là “trì hoãn chiến.” Kéo dài tình trạng “tiền chiến” càng lâu càng tốt. Lục địa Trung Hoa không còn là nơi chuyên làm hàng xuất cảng nữa. Lương công nhân đã tăng. Giá đất đai, cơ xưởng cũng tăng. Nhiều công ty quốc tế và các xí nghiệp Trung Quốc đang chuyển việc sản xuất qua các nước nghèo hơn.

Trong khi đó, gây chiến tranh mậu dịch cũng không hoàn toàn có lợi cho ông Trump trong lúc này. Năm 2018 dân Mỹ sắp bầu lại quốc hội. Bất cứ thứ “chiến tranh kinh tế” nào cũng làm cho dân tiêu thụ bị thiệt hại, khi hàng nhập cảng tăng giá. Lương bổng mới lên nhờ cắt thuế có đuổi kịp giá hàng tăng hay không? Đặc biệt là những nhà sản xuất ngũ cốc, thực phẩm đang xuất cảng sang Trung Quốc. Các tiểu bang nông nghiệp sẽ vận động ông Trump “nhẹ tay” với Tập Cận Bình, vì họ đã tặng đa số phiếu cho ông năm 2016. Hiện nay ngành sản xuất ở Mỹ đang lên cao nhất kể từ năm 2005, khó chứng minh trước WTO rằng công nghiệp Mỹ đi xuống vì hàng nhập cảng từ bên Tàu!

Cuộc chiến tranh mậu dịch nếu diễn ra chắc sẽ chỉ nặng trong những lời đối đáp, để Tổng Thống Trump và đảng Cộng Hòa lấy điểm với cử tri. Nhưng trong hành động sẽ nhẹ nhàng hơn nhiều! (Ngô Nhân Dụng) 









No comments: