28-1-2018
Vào
đầu tháng 10 năm 2017, ông Nguyễn Trung Cựu Đại sứ Việt Nam tại Thái Lan và Đức
đã công bố một bản ''kiến nghị tâm huyết'' kèm theo 4 Phụ lục kêu gọi Đảng CSVN
tiến hành một cuộc cải cách chính trị toàn diện mà theo đó, Đảng CSVN sẽ đổi
tên và lấy lại tên cũ là Đảng Lao Động Việt Nam, chuyển hóa thành một đảng của
dân tộc, thực thi thể chế đa đảng, đa nguyên với tam quyền phân lập và góp phần
xây dựng đất nước theo mô hình của các quốc gia dân chủ, tiến bộ trên thế giới
dựa trên 3 trụ cột là kinh tế thị trường, nhà nước pháp quyền và xã hội dân sự.
Nội dung của kiến nghị này thật ra không có gì mới mẻ nhưng đây có lẽ là lần đầu
tiên kiến nghị xuất phát từ một đảng viên cộng sản có hơn 50 tuổi Đảng và đã từng
là cộng tác viên của Ban Nghiên Cứu của Thủ Tướng Chính Phủ Việt Nam thời ông
Phan Văn Khải. Bản kiến nghị được đúc kết một cách khoa học và có hệ thống trước
thềm Hội Nghị Trung Ương 6 mà nghị trình gồm có tập trung thảo luận các vấn đề
cấp bách và nhạy cảm gồm có sắp đặt lại hệ thống chính trị và các bộ ngành.
Lập
tức đã có một vài bài viết nặc danh (hoặc núp dưới bút hiệu) ví dụ như các bài
của Gió làng, Thành Vinh, Công Lý, Vọng Đức... phổ biến trên các tờ báo trong
nước do Đảng kiểm soát sặc mùi đấu tố, chụp mũ, đả kích và tấn công cá nhân ông
Nguyễn Trung. Các bài viết này thật ra thật ra chỉ giúp khẳng định bản chất côn
đồ của Đảng CSVN hiện nay. Bất cứ những lời đóng góp ý kiến hoặc kiến nghị chân
thành nào liên quan đến việc xây dựng và phát triển đất nước của giới trí thức
hoặc đảng viên phản tỉnh đều bị gắn cho cái mũ là ''phản động'' hoặc là của
''thế lực thù địch''.
Trong
bản kiến nghị, ông Nguyễn Trung kêu gọi đích danh Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng
ra quyết định tiến hành một cuộc cải cách toàn diện dựa vào mô hình thể chế
chính trị của Singapore, Nhật và Hàn Quốc. Ông cũng đề nghị thành lập một nhóm
đảng viên gồm có Bùi Quang Vinh (cựu Bộ Trưởng Kế hoạch và đầu tư), Vũ Đức Đam
(Phó Thủ Tướng) và Phạm Bình Minh (Phó Thủ Tướng kiêm Bộ Trưởng Ngoại Giao và Ủy
viên Vô Chính trị) giúp soạn thảo lộ trình cải cách đa đảng. Nguyễn Trung cũng
cho rằng tại Việt Nam thì ''hợp lý nhất chỉ nên hình hành thêm hai đảng tham
chính mới như đã từng có trong thời đầu của nước VNDCCH - đó là Đảng Dân Chủ và
Đảng Xã Hội... Nếu có nhiều đảng nữa sẽ rối và không cần thiết... Hiến pháp và
các bộ luật liên quan cần được thiết kế sao cho bảo đảm nghiêm túc yêu cầu: thực
hiện đa nguyên, nhưng bảo đảm không quá ba đảng tham chính trong tranh cử và bầu
cử''.
Tới
đây thì kiến nghị của ông Nguyễn Trung đánh mất tính khoa học. Không biết ông dựa
vào dữ kiện lịch sử hoặc thực tế hoặc lập luận khoa nào để cho con số ''3'' một
vị trí đặc biệt như vậy? Tại Anh Quốc, có 16 chính đảng đăng ký chính thức và
đưa đảng viên ra tranh cử. Chỉ có 6 đảng là có đảng viên đắc cử dân biểu hoặc
nghị sĩ hiện diện tại Quốc Hội. Nhưng tất cả 16 đảng đều có đảng viên trúng cử
là nghị viên Hội đồng Thành phố đại diện cho đảng tại chính quyền địa phương.
16 đảng này được chia thành 7 loại là hữu, tả, trung, trung hữu, trung tả, cực
hữu và cực tả.
Tương
tự như vậy, tại Pháp có hơn 20 chính đảng hoạt động trên toàn quốc và chưa kể đến
hàng chục đảng nhỏ sinh hoạt tại địa phương. Tại Đức cũng vậy. Có 14 chính đảng
có mặt trong Quốc Hội. Không có ai cho rằng hệ thống chính trị của Anh, Pháp và
Đức là ''rối'' cả.
Tại
Mỹ, tuy cũng có một vài đảng nhỏ khác như Đảng Xanh, Đảng Tự Do (Libertarian
Party), và Đảng Hiến Pháp (Constitution Party) nhưng quyền lực chính trị căn bản
nằm trong tay của hai đảng lớn là Đảng Dân Chủ và Cộng Hòa. Từ 1949 đến nay, chỉ
có 6 dân biểu độc lập đắc cử vào Quốc Hội. Tất cả đều là đảng viên của Đảng Dân
Chủ hoặc Cộng Hòa. Không có cơ sở gì để kết luận rằng độc quyền lưỡng đảng hoặc
tam đảng sẽ dân chủ hơn hoặc tốt hơn khi so với hệ thống nhiều đảng tại Châu
Âu.
Tại
Singapore, một trong 3 mô hình mà ông Nguyễn Trung đề cập tới thì tuy chỉ có
hai đảng thắng ghế Quốc Hội nhưng cũng có có tới 9 đảng đưa ứng viên ra tranh cử.
Tại Nhật thì có 11 đảng phái hiện diện hoặc có tiếng nói trong Quốc Hội. Trong
Quốc Hội Hàn Quốc có dân biểu của 7 đảng phái và 2 dân biểu độc lập. Tóm lại, lập
luận ấn định trước là chỉ cần có 3 chính đảng trong một thể chế Việt Nam dân chủ
của ông Nguyễn Trung là một đề nghị không có cơ sở khoa học nếu không muốn nói
là phản lại tinh thần dân chủ đa nguyên mà ông kêu gọi thực thi.
Nhưng
có lẽ khiếm khuyết lớn nhất là ông đặt quá nhiều kỳ vọng vào Đảng CSVN và cá
nhân Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng. Không có một đảng phái chính trị hoặc thế lực
hoặc nhóm lợi ích nào nào tự động từ bỏ quyền lợi đặc quyền hoặc độc quyền sẵn
có. Nhất là với ông Nguyễn Phú Trọng thì đó là một chuyện không có thực tế. Vào
tháng 2 năm 2013, truyền hình Việt Nam chiếu cảnh ông Trọng phát biểu cho rằng
người nào muốn bỏ Điều 4 Hiến pháp, đòi đa nguyên đa đảng, tam quyền phân lập
hoặc phi chính trị hóa quân đội là ''suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối
sống''. Nhà báo Nguyễn Đắc Kiên lên tiếng phản đối thì bị đuổi việc ngay. Vào
tháng 11 năm 2016, ông Trọng trong chuyến viếng thăm Phật Tích, Bắc Ninh nói rằng
''Mặc dù bây giờ ra đường lắm chuyện khó chịu, nghe báo chí nói rất nhiều chuyện
tiêu cực hàng ngày, rất là bực mình. Tệ nạn tham nhũng, cán bộ hư hỏng có cả
nhưng nhìn tổng quát lại đất nước ta có bao giờ được thế này không?'' Rõ ràng
là trong cương vị Tổng Bí Thư, bảo vệ quyền độc tôn cai trị của Đảng là ưu tiên
chính của ông Trọng. Quyền lợi chung của đất nước là chuyện phụ. Cả đời ông chỉ
biết học và u mê với lý thuyết Mác - Lênin thứ mà nơi sinh ra nó người đã vứt
vào thùng rác.
Trông
chờ vào ông Trọng hoặc bất cứ một lãnh tụ cộng sản nào tự lột xác trở thành một
nhà yêu nước chân chính tiến hành công cuộc dân chủ hóa để phát triển đất nước
là một điều không có thực tế. Vậy thì lộ trình dân chủ cho Việt Nam sẽ diễn ra
thế nào? Trong vài thập niên qua, nhân loại đã chứng kiến một vài sự kiện lịch
sử đánh dấu sự chuyển đổi từ độc tài hoặc cộng sản đến dân chủ chẳng hạn như sự
sụp đổ của bức tường Bá Linh, cuộc Cách Mạng Nhung tại Đông Âu, mùa xuân Ả rập
và gần đây nhất là trường hợp của Miến điện. Hai nhà nghiên cứu của Hội đồng
Quan hệ Ngoại giao (Council on Foreign Relations) Isobel Coleman và Terra
Lawson-Remer đã rút ra một vài bài học quan trọng như sau:
1.
Tận dụng cơ hội từ một cuộc khủng hoảng kinh tế
Một
số người cho rằng phát triển kinh tế sẽ dẫn đến đòi hỏi dân chủ. Đa số các quốc
gia dân chủ tương đối giàu có so với các nước độc tài hoặc cộng sản. Nhưng cũng
có một vài nước chẳng hạn như Trung Quốc và Saudi Arabia có tỷ lệ tăng trưởng
cao trong vài thập niên qua nhưng dân chủ hoặc tự do chính trị không phát triển
tới đâu. Các cuộc nghiên cứu đều đưa đến nhận định là không phải tăng trưởng mà
là khủng hoảng kinh tế mới dẫn đến sự thay đổi chế độ. Trong những năm qua, sự
sụp đổ của các chế độ độc tài đều bắt đầu từ các cuộc khủng hoảng kinh tế hoặc
tài chánh vượt quá vòng kiểm soát của chế độ cầm quyền.
Một
ví dụ cụ thể là Nam Dương. Cuộc khủng hoảng tài chánh châu Á 1997 dẫn đến sự sụp
đổ của chế độ Suharto. Nhờ vào những bước cải cách dân chủ mà Nam Dương đang
trên đà phát triển ngoạn mục. Từ GDP mỗi đầu người khoảng 1,000 Mỹ kim vào năm
1997 đã tăng gấp đôi đến gần 2,000 Mỹ kim vào năm 2007 và nay gấp bốn lần tới
4,000 Mỹ kim vào năm 2017.
Chính
quyền quân phiệt tại Brazil và Mexico ra đi trong thập niên 80 sau các cuộc khủng
hoảng kinh tế và nhường chỗ cho một nhà nước dân chủ. Vào năm 2010, mùa xuân Ả
rập xuất phát tại Tunisia khi một người đàn ông bán trái cây đốt lửa tự thiêu để
phản đối việc bị cấm bán hàng trên đường phố. Gần đây nhất là tại Miến điện.
Cơn bão Nargis vào năm 2008 cướp đi sinh mạng của hơn 130,000 người dân Miến và
gây thiệt hại hơn 10 tỷ Mỹ kim. Augn San Suu Kyi được trả tự do vào năm 2010 và
Liên Đoàn Quốc Gia vì Dân Chủ tham gia vào cuộc bầu cử bổ túc trong tháng 4 năm
2012. Trong cuộc tổng tuyển cử vào năm 2015, đảng của bà Suu Kyi đã thắng cử vẻ
vang và thành lập chính quyền mở ra một trang sử mới cho dân tộc Miến.
2.
Bầu cử: từ giả đến thiệt
Kết
quả nghiên cứu cho thấy là các cuộc bầu cử ngay cả giả tạo có tác động tốt đến
tiến trình dân chủ. Chế độ độc tài thường hay tổ chức bầu cử dỏm để chứng minh
rằng ta đây cũng dân chủ ra phết. Chắc chắn là các cuộc bầu cử dỏm này sẽ bị
các nhà quan sát và cộng đồng quốc tế lên án. Dần dần cử tri sẽ ngộ ra và đòi hỏi
bầu cử phải thật và công bằng.
Một
ví dụ là Mexico. Trong thập niên 70, đảng Cách mạng Thế chế (Institutional
Revolutionary Party) cai trị Mexico hơn 70 năm (1929 - 2000) tổ chức bầu cử với
mục đích là cho đảng đối lập thắng được một vài ghế cho có vẻ dân chủ. Nhưng khi
kinh tế bị khủng hoảng thì dưới áp lực của dân chúng chế độ bắt buộc phải cải
cách và tổ chức cuộc bầu cử kế tiếp công bằng và minh bạch hơn. Tương tự như vậy
tại Brazil, chế độ quân phiệt tổ chức bầu cử gian lận và cho rằng sẽ thắng dễ
dàng. Nhưng sự sụp đổ kinh tế làm cử tri tức giận và dồn phiếu cho đối lập.
Tại
Miến điện, Liên Đoàn Quốc Gia vì Dân Chủ tẩy chay hàng loạt các cuộc bầu cử
gian lận do chính quyền quân phiệt tổ chức trong thập niên 90. Nhưng khi quyết
định tham gia thì lại thắng vẻ vang. Có thể nói, dân chủ giả làm người dân thèm
dân chủ thiệt. Hiến pháp 2008 ban đặc ân cho quân độ được nắm 1/4 số ghế Quốc Hội.
Dĩ nhiên là điều này phi lý và không công bằng nhưng nó cũng là điều kiện cho
quân đội tự tin tiến hành cải cách vì họ có một phần trách nhiệm và quyền lợi.
Tóm lại, đừng để cái hoàn hảo đánh mất đi cái tốt hơn trong giai đoạn đầu của sự
chuyển hóa.
3.
Ủng hộ quần chúng biểu tình ôn hòa
Các
cuộc cách mạng bạo động thường không dẫn đến chuyển hóa dân chủ. Lịch sử chứa đầy
ví dụ của các cuộc đảo chánh để rồi chỉ thay thế một chế độ độc tài này bằng một
chế độ độc tài khác. Nhưng các cuộc biểu tình ôn hòa là một hình thức đấu tranh
thành công nhất. Nó nói lên ý nguyện thật sự của người dân và thể hiện đúng bản
chất của dân chủ đó là chính người dân phải bắt tay vào cuộc làm chủ đời sống của
họ bằng cách đòi hỏi một thể chế đáp ứng đúng nguyện vọng và nhu cầu của cử
tri. Phong trào Công đoàn Đoàn kết là một ví dụ nổi bật khi thành viên của
phong trào lên tới 25% dân số Ba lan thời đó. Phong trào chống apartheid tại
Nam Phi là một trường hợp tương tự. Tổ chức National African Congress được đông
đảo quần chúng ủng hộ dưới sự lãnh đạo của Nelson Mandela. Phong trào dân chủ tại
Nam Dương và Ukraine cũng có những nét tương tự.
Nhưng
có lẽ yếu tố quan trọng nhất là xây dựng ý thức và văn hóa dân chủ sâu rộng
trong xã hội và gia đình. Truyền thông và giới trí thức có trách nhiệm chuyển tải
và cung cấp thông tin, kiến thức cũng như lập luật có cơ sở khoa học để xây dựng
nền móng cho văn hóa và ý thức dân chủ. Kẻ thù lớn nhất của phong trào dân chủ
là thái độ thờ ơ, vô cảm của quần chúng.
4.
Mô hình dân chủ nào cho Việt Nam
Một
số người cho rằng hãy lật đổ chế độ cộng sản trước rồi mới bàn về mô hình dân
chủ sau. Lập luận này không có tính thuyết phục nếu không muốn nói là nguy hiểm.
Người dân có quyền được biết là mô hình dân chủ nào sẽ thay thế chế độ độc tài
toàn trị để đặt niềm tin và ủng hộ thể chế mới. Do đó, vấn đề tuy hai mà một.
Trong ba mô hình mà ông Nguyễn Trung đưa ra thì Nhật và Singapore căn bản là
thuộc hệ thống đại nghị trong khi Hàn Quốc theo tổng thống chế. Hai nền Việt
Nam Cộng Hòa (miền Nam) phỏng theo mô hình tổng thổng chế trong giai đoạn phôi
thai có nhiều mặt hạn chế trong hoàn cảnh chiến tranh. Hàn Quốc cũng theo mô
hình tổng thống chế. Các vị tổng thống gồm có trường hợp gần đây nhất là Phác Cận
Huệ trong hoặc sau khi mãn nhiệm đều dính líu tới các vụ bê bối tham nhũng hoặc
lạm dụng quyền lực liên quan tới người thân. Còn nhìn vào Tổng Thống Duterte của
Phi Luật Tân thì đã thấy chán ngấy rồi. Liệu mô hình tổng thống chế có phù hợp
với hoàn cảnh của Việt Nam hay không?
Bất
cứ một lộ trình dân chủ nào cũng nên bắt đầu bằng việc trả tự do cho tất cả tù
nhân lương tâm vì đó là nền tảng cho một cuộc đối thoại dân tộc. Tiếp theo là
ban hành luật cho phép mọi đảng phái hoạt động và tham gia tranh cử vào Quốc Hội.
Dưới mô hình đại nghị, đảng hoặc liên minh chiếm đa số ghế tại Quốc Hội sẽ
thành lập chính quyền. Nhóm thiểu số đóng vai đối lập, giám sát và cạnh tranh
quyền bính với Đảng cầm quyền. Tùy theo thể thức đầu phiếu, thông thường thì chỉ
có các đảng có sự ủng hộ của số lượng cử tri đáng kể mới có cơ hội thắng ghế
vào Quốc Hội. Tự điều này cũng là một hình thức sàng lọc những đảng li ti làm
phân tán Quốc Hội là điều mà có lẽ ông Nguyễn Trung lo ngại.
Phong
trào dân chủ tại Châu Á có vẻ như đang trên đà suy thoái. Chính quyền quân phiệt
vẫn cai trị tại thái Lan. Duterte hành xử như một tên đồ tể tại Phi Luật Tân. Tại
Cam Bốt, Hunsen vừa giải thể Đảng Đối Lập để "tranh cử một mình". Tóm
lại, ông Nguyễn Trung đã có công đáng kể khi đưa ra vấn đề một cách nghiêm túc.
Bước kế tiếp là trách nhiệm của tất cả mọi người nhưng đặc biệt là của giới trí
thức ở trong và ngoài nước cùng góp phần tham gia vào cuộc thảo luận để đạt được
đồng thuận căn bản nào đó về lộ trình và mô hinh dân chủ cho Việt Nam.
Theo
báo cáo của Phó Thủ Tướng Vương Đình Huệ thì nợ công Việt Nam đã lên tới 62.6%
GDP và 25% GDP được dùng để trả nợ. Nếu tiếp tục tăng theo tốc độ 5% hàng năm
như hiện nay thì không bao lâu sẽ vượt qua mức trần 65% GDP. Nếu chế độ cộng sản
Việt Nam bất ngờ tan rã vì vỡ nợ thì phong trào dân chủ đã sẵn sàng có mô hình
thay thế hay chưa? Do đó, việc mà mọi người có thể làm được ngay là bắt tay vào
một cuộc thảo luận về lộ trình và mô hình dân chủ cho Việt Nam ngay từ bây giờ.
---------------------
NHỮNG BÀI VIẾT của LS
NGUYỄN VĂN THÂN :
No comments:
Post a Comment