Wednesday, September 20, 2017

MỘT NỖ LỰC ĐÁNG TRÂN TRỌNG (Trần Đức Viên)




Trần Đức Viên
21/09/2017

BVN nhất trí với GS-TS Trần Đức Viên. Ở một đất nước mà ngay cả GS-TSKH Hoàng Xuân Phú (Viện Toán học - Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam) cũng phải sững sờ trước những con số phản ánh khối lượng và chất lượng công việc của các giáo sư, phó giáo sư mà Hội đồng chức danh giáo sư nhà nước công bố thì nỗ lực của Nhóm xếp hạng đại học Việt Nam thực đáng trân trọng. Có lẽ trường đại học tử tế nào cũng muốn có tên trong những bảng xếp hạng kiểu như thế này.

Bauxite Việt Nam

-----------------------

Không đi thì không đến
Xếp hạng đại học (ĐH) là một công việc hết sức khó khăn, gai góc và phức tạp, đòi hỏi sự khách quan, nghiêm túc, công phu, thận trọng, dựa trên cơ sở dữ liệu đủ lớn, khả tín, minh bạch với một hệ thống tiêu chí cũng như trọng số của từng tiêu chí phải hết sức khoa học và thuyết phục. Trong bối cảnh Việt Nam, nơi hành vi của mỗi cá nhân và cộng đồng vẫn chịu ảnh hưởng sâu sắc bởi triết lí sống "một trăm cái lí không bằng một tí cái tình" hay " xấu đều hơn tốt lỏi"… thì đây còn là một công việc tế nhị, nhạy cảm mà những người không đủ bản lĩnh và dũng khí sẽ không dám làm. Vì thế, việc Nhóm Xếp hạng ĐH Việt Nam (sau đây xin gọi tắt là "Nhóm") gồm TS Lưu Quang Hưng, TS Nguyễn Ngọc Anh, TS Giáp Văn Dương, TS Ngô Đức Thế, ThS Trần Thanh Thủy và ThS Nguyễn Thị Thu Huyền, mỗi người "một phương trời", cùng nhau tiến hành và công bố bảng xếp hạng mang tính tổng thể đầu tiên đối với 49 trường ĐH Việt Nam đã được đông đảo những người quan tâm đến chấn hưng giáo dục (GD) ĐH Việt Nam đón nhận một cách trân trọng. Đã có nhiều ý kiến bày tỏ lòng khâm phục sự nỗ lực, dám đối mặt với khó khăn và không cầu toàn của nhóm tác giả, tin tưởng vào các phương pháp định lượng được sử dụng dù còn nhiều tiêu chí và trọng số của các tiêu chí cần được thảo luận thêm. Đặc biệt, điều đáng hoan nghênh là Nhóm đã chú trọng đến chất lượng, nhất là chất lượng nghiên cứu khoa học (NCKH), cái quyết định danh tiếng và đẳng cấp của một trường ĐH.

Thực tế là, kết quả xếp hạng ĐH, dù do một tổ chức uy tín đến mấy công bố thì cũng không thể hoàn hảo bởi không có bảng xếp hạng nào phản ánh được tất cả các mặt và lĩnh vực hoạt động của một trường ĐH. Nhưng bất cứ bảng xếp hạng nào cũng đóng góp những giá trị nhất định và có sự tương thích nào đó với chất lượng đào tạo và NCKH của các trường nằm trong bảng xếp hạng, và vì thế, đó là một tài liệu tham khảo, còn mức độ quan trọng đến đâu thì phụ thuộc mục đích và quan điểm của người sử dụng. Các bảng xếp hạng này, không ít thì nhiều, đã góp phần vào việc thay đổi chính sách quốc gia, chiến lược cải thiện chất lượng và hiệu quả hoạt động của các trường ĐH theo hướng ngày một nhân văn và khai sáng hơn. Xếp hạng còn khuyến khích các trường minh bạch thông tin, giúp xã hội và nhà nước giám sát tốt hơn chất lượng hoạt động của các trường.

Vạn sự khởi đầu nan, không đi thì không đến, vì thế, với việc công bố báo cáo xếp hạng đầu tiên, Nhóm đã làm cho nhiều người - ít nhất là những bạn bè và đồng nghiệp trong giới học thuật của tôi - vui mừng, vì:

(1) Như vậy là chúng ta đã có một hệ thống xếp hạng ĐH riêng, do một nhóm học giả Việt Nam độc lập tiến hành, bảo đảm khách quan, minh bạch, có tham khảo và đối sánh kĩ càng với các bảng xếp hạng quốc tế nhưng không sao chép, rập khuôn, phù hợp điều kiện của đất nước;

(2) Trong khi các tổ chức và cơ quan có trách nhiệm vẫn đang loay hoay với việc thực hiện Nghị định số 73/2015/NĐ-CP ngày 8-9-2015 của Chính phủ về "phân tầng xếp hạng" đại học và câu chuyện ấy vẫn còn đang gây ra nhiều tranh cãi thì rất may "tự dưng" chúng ta lại có một bảng xếp hạng ĐH của Việt Nam, do một nhóm phi lợi ích, phi chính phủ, độc lập và không bị tác động của lợi ích nhóm nào, tiến hành;

(3) Công trình đó không xài một đồng tiền thuế nào của dân, Nhóm chỉ có 6 người, làm trong 3 năm;

(4) Kết quả xếp hạng khả tín vì cũng tương đồng với các công bố gần đây về xếp hạng ĐH Việt Nam của một số tổ chức xếp hạng quốc tế như Webometrics, Scientometrics;

(5) Chắc chắn phương pháp thu thập số liệu, tiêu chí và các trọng số trong bảng xếp hạng sẽ tiếp tục là đề tài tranh luận sôi nổi của những người quan tâm đến chất lượng GDĐH Việt Nam, và vì thế, tự nó tạo ra một diễn đàn sôi nổi và xây dựng về chất lượng GDĐH Việt Nam;

(6) Tạo ra văn hóa chất lượng trong đánh giá ĐH, hạn chế dần sự tù mù định tính chung chung, trường này thuộc top trên, trường kia thuộc top dưới như xã hội vẫn thường "xếp hạng";

(7) Rất có thể công bố này sẽ khiến các nhà làm chính sách, các trường ĐH phải xem lại công việc của mình, và xã hội cũng sẽ có những điều chỉnh thang bậc giá trị trong GDĐH theo hướng tiệm cận dần những chuẩn mực và thông lệ quốc tế. Điều đó, không ít thì nhiều, đều có ích cho người học, cho xã hội...

Cú huých làm bừng tỉnh nhiều người
Điều quan trọng là kết quả xếp hạng lần đầu này đã như một "cú huých" làm bừng tỉnh không ít người.

Trong nhiều năm qua, các thang bậc giá trị của GDĐH trong xã hội phần nhiều được nhìn nhận cảm tính theo những thước đo của đám đông, không ít trong số đó là phi khoa học. Họ gọi trường X là trường top trên vì nhiều học sinh giỏi bậc THPT thi vào, điểm chuẩn đầu vào cao; họ coi trường Y là trường top dưới vì ít học sinh giỏi thi vào, thí sinh đa phần là con em nông dân, vùng sâu vùng xa, điểm chuẩn đầu vào thấp hơn. Thì ra trường thuộc top nào phụ thuộc điểm chuẩn, mà điểm chuẩn lại phụ thuộc việc sinh viên trường ấy ra trường dễ kiếm được việc làm ở các vị trí "thơm tho", nghĩa là lương cao hơn, nhàn hạ hơn, được làm việc trong phòng có máy lạnh, không phải đầu tắt mặt tối, dầm mưa dãi nắng, có nhiều cơ hội thăng tiến hơn... Họ không cần biết trường ĐH ấy đã có những công trình khoa học nào được ứng dụng thành công trong thực tiễn sản xuất và đời sống, có đóng góp đáng kể nào cho quốc kế dân sinh hay đã có cống hiến gì làm phong phú thêm kho tàng tri thức của dân tộc và của nhân loại.

Về đại thể, GDĐH có ba nhiệm vụ chủ yếu: (1) sáng tạo ra tri thức mới thông qua NCKH và phát triển công nghệ, (2) truyền bá những tri thức ấy và những tri thức kế thừa khác cho thế hệ đương thời và thế hệ sau thông qua đào tạo, và (3) thắp lên ngọn lửa đam mê sáng tạo, ý thức nghề nghiệp và trách nhiệm công dân trong lòng người học. Vì thế, để GDĐH không biến thành "phổ thông cấp 4" thì NCKH phải trở thành nhiệm vụ quan trọng nhất, ngang bằng (nếu không muốn nói là hơn) với nhiệm vụ giảng dạy, như các trường ĐH Nhật Bản và phương Tây đã làm, và sau đó một số nước đang phát triển khác đã khôn ngoan học theo. Vì vậy, nhiều người đánh giá cao bộ tiêu chí về NCKH chiếm 40% tổng số điểm xếp hạng của Nhóm.

"Cú huých" này sẽ làm các trường ĐH suy nghĩ nghiêm túc hơn về NCKH, cái làm nên "sức sống của trường ĐH" nhưng thời gian qua không được mấy trường dành cho sự quan tâm thích đáng. Trong GDĐH Việt Nam thì "vùng trũng" sâu nhất là NCKH; nó cần được "lấp đầy" trước hết để cùng với lực kéo của nhu cầu học tập của xã hội thì lực đẩy của NCKH trong các trường ĐH sẽ tạo ra những bước đột phá, đưa ĐH Việt Nam hội nhập sâu sắc và toàn diện hơn với bè bạn quốc tế theo những thước đo và thang bậc giá trị chung.

Trong một thế giới mở, cạnh tranh về GDĐH về thực chất là cạnh tranh về NCKH và năng lực đổi mới sáng tạo của các trường ĐH vì suy cho cùng, danh tiếng trường ĐH được xây dựng và khẳng định dựa trên chất lượng đào tạo, mà chất lượng đào tạo lại phụ thuộc chất lượng NCKH. Tác động vào "điểm nhấn" này sẽ khiến các nội hàm khác của GDĐH thay đổi theo.

Đôi điều góp ý
Nhiều ý kiến cho rằng khi đánh giá về NCKH, Nhóm lấy các công trình công bố trên hệ thống ISI và Scopus là đúng nhưng chưa đủ. Trong điều kiện cụ thể của đất nước, các tiêu chí về NCKH nên quan tâm nhiều hơn đến các phát minh, tiến bộ kĩ thuật, giải pháp hữu ích, đổi mới và sáng tạo công nghệ được áp dụng trong thực tiễn sản xuất và đời sống, phục vụ quốc kế dân sinh... Các công trình này cần có trọng số cao hơn các công bố quốc tế, ít nhất là trong giai đoạn hiện nay. Có lẽ các nhà khoa học Triều Tiên công bố quốc tế rất ít nhưng họ vẫn khiến cộng đồng khoa học quốc tế nể trọng bởi các cống hiến khoa học của họ cho đất nước mình. Hi vọng là cách tính này sẽ góp phần thúc đẩy hình thành thị trường khoa học và công nghệ còn đang rất yếu của chúng ta.

Nhóm cũng cần bổ sung tiêu chí về tiền ngân sách trên đầu giảng viên, trên một công bố quốc tế, một bản quyền công nghệ... Cùng trong hệ thống GDĐH quốc dân nhưng có trường được nhà nước đầu tư hàng ngàn tỉ đồng cho chi thường xuyên và NCKH, hỗ trợ đến hơn 10 triệu đồng/sinh viên/năm học trong khi có trường lại chỉ nhận được vài ba triệu đồng/sinh viên/năm học, và có những trường (ĐH tự chủ) không được nhận đồng nào hoặc được nhận rất ít sự hỗ trợ kinh phí của nhà nước. Họ phải tự lo mọi hoạt động, cố gắng dành dụm từng đồng cho NCKH. Như vậy, sự cạnh tranh thứ hạng ở đây rất không công bằng. Chúng ta có thể có bức tranh xếp hạng hoàn toàn khác, nhất là về NCKH, nếu nhà nước đầu tư cho các trường một cách bình đẳng, việc phân bổ kinh phí chỉ dựa trên KPIs (Key Performance Indicators) của các cơ sở GDĐH.

Cùng với xếp hạng theo trường, Nhóm cũng cần quan tâm đầy đủ hơn việc xếp hạng theo ngành hay nhóm ngành NCKH và đào tạo, như cách các tổ chức xếp hạng quốc tế đang làm. Một trường có thể xếp hạng 100 trong xếp hạng tổng thể nhưng lại đứng thứ nhất về lĩnh vực khoa học X, đứng thứ 50 về lĩnh vực khoa học Y… Làm sao để khi soi vào bảng xếp hạng, hầu hết các trường đều thấy mình trong đó, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh.

Chúng tôi tin rằng trong các năm tiếp theo, Nhóm sẽ hoàn thiện thêm phương pháp nghiên cứu, bổ sung và chỉnh sửa các tiêu chí và trọng số của các tiêu chí, đồng thời kiên trì và dũng cảm giữ vững tính độc lập, khách quan, tự tin và cầu thị, từ đó giành được thêm niềm tin của xã hội.
T.Đ.V

Được đăng bởi bauxitevn vào lúc 02:52

----------------------------

Quý Hiên
21/09/2017

Bài báo này xuất hiện trên Thanh Niên Online từ ngày 11-4-2017, tức là ông Hoàng Xuân Phú đã phải sững sờ từ trước đó. BVN tin rằng tới giờ, ông vẫn sững sờ, nhưng không phải vì những con số mà vì hơn 5 tháng rồi, các GS, PGS khoa học xã hội và nhân văn, đặc biệt là trong các ngành khoa học an ninh, khoa học quân sự, luật học, ngôn ngữ học, giáo dục học, tâm lí học vẫn chưa thưa lại tiếng nào với ông. Hay là họ còn chưa hết sững sờ?
Bauxite Việt Nam

---------------------------

GS Hoàng Xuân Phú (Viện Toán học - Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam) cho rằng những con số mà Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước đã công bố khiến bất kì nhà khoa học thực thụ nào cũng đều phải… sững sờ!

GS Hoàng Xuân Phú đang trao đổi tại một tọa đàm bàn về các tiêu chuẩn giáo sư, phó giáo sư

Khoa học giáo dục Việt Nam nằm đâu trên bản đồ khoa học thế giới?

GS Hoàng Xuân Phú chia sẻ:
Dựa vào số liệu thống kê đã được đăng tải về mức độ công bố trên các tạp chí quốc tế thuộc hai danh sách mang tên ISI (tên mới là Web of Science) và Scopus của đợt xét công nhận chức danh PGS và GS năm 2016, tôi đã thu được những con số rất đáng ngạc nhiên.

Với nhóm ngành khoa học tự nhiên, kĩ thuật và công nghệ, bình quân số bài ISI/Scopus của 411 người được công nhận chức danh PGS và GS chỉ là 5,76. Còn với nhóm ngành khoa học xã hội và nhân văn thì bình quân số bài ISI/Scopus của 237 người được công nhận chức danh PGS và GS chỉ là 0,19. Đó là chưa kể 7 GS và 48 PGS của nhóm ngành khoa học an ninh và khoa học quân sự không có bài ISI/Scopus nào.

Xét 2 ngành giáo dục học và tâm lí học là 2 ngành có ảnh hưởng lớn tới việc hoạch định chính sách giáo dục nước nhà thì thấy có quá ít công trình được công bố trên các tạp chí quốc tế có uy tín, mặc dù cơ hội để công bố (tức số lượng tạp chí quốc tế) là khá nhiều. Ngành giáo dục học có 272 tạp chí ISI, nhưng tất cả 34 PGS và GS được phong năm 2016 của ngành này gộp lại chỉ có 1 bài ISI/Scopus. Ngành tâm lí học có khoảng 540 tạp chí ISI, năm 2016 có 11 người được phong PGS và GS, nhưng tất cả gộp lại cũng chỉ có 1 bài ISI/Scopus. Như vậy, năm 2016, 2 ngành giáo dục học và tâm lí học có 3 người được phong GS và 42 được phong PGS nhưng cả 45 người ấy gộp lại chỉ có 2 bài báo ISI/Scopus! Số liệu này nói lên điều gì? Đa số các nhà khoa học trong 2 ngành tâm lí học và giáo dục học công tác ở đâu? Có lẽ, với vị thế ấy, họ có tác động không nhỏ trong việc đặt ra các tiêu chuẩn cho chức danh PGS và GS ở nước ta.

Nếu một hội đồng chức danh GS chỉ phong PGS và GS cho những người không có bài báo nào được đăng trên các tạp chí quốc tế uy tín thì có nên để hội đồng ấy tiếp tục đảm đương nhiệm vụ hay không? Câu hỏi lớn hơn là ngành ấy đã có đủ nhân lực để thành lập một hội đồng chức danh GS riêng hay chưa? Nếu chưa đủ mạnh để lập thành một hội đồng riêng thì nên nhập với ngành khác để thành lập chung một hội đồng chức danh GS.

Cần sự sòng phẳng

Thưa giáo sư, có ý kiến còn cho rằng khoa học xã hội và nhân văn có sứ mệnh, nhiệm vụ chính trị riêng, không thể bắt buộc có công bố quốc tế ngay mà chỉ khuyến khích. Quan điểm của giáo sư thì sao?

GS Hoàng Xuân Phú: Thực lòng tôi không muốn bàn nhiều về việc cần bao nhiêu bài báo đăng trên các tạp chí quốc tế khi xét công nhận GS hay PGS vì điều này phụ thuộc đặc thù của từng ngành. Bản thân tôi làm việc trong lĩnh vực toán học nên tôi chỉ muốn thảo luận về tiêu chuẩn dành cho ngành toán. Còn ý kiến về mấy tiêu chuẩn chung cho mọi ngành thì tôi đã trình bày trong một văn bản góp ý gửi ban soạn thảo dự thảo quy định tiêu chuẩn GS, PGS rồi.

Tuy nhiên, nếu như thực sự có một nhà khoa học nào đó cho rằng khoa học xã hội và nhân văn có sứ mệnh, nhiệm vụ chính trị riêng, không thể bắt buộc có công bố quốc tế ngay mà chỉ khuyến khích thì tôi thấy không ổn. Những người có quan điểm như vậy hãy trả lời một cách sòng phẳng mấy câu hỏi sau: Họ đã hoàn thành những sứ mệnh hay nhiệm vụ chính trị gì? Họ đã giúp chế độ, giúp chính quyền tránh hay khắc phục những sai lầm chính trị nào?

Nếu chỉ là minh họa cho chính sách hay tuyên truyền cho chế độ, cho chính quyền thì chẳng cần đến các nhà khoa học mà chỉ cần huy động bộ máy tuyên truyền là đủ. Còn chức năng muôn thuở của các nhà khoa học là phát minh và phát hiện ra những cái mới. Vậy họ đã phát minh hay phát hiện ra những cái gì và thành tích ấy có đủ để lập luận rằng họ không cần công bố quốc tế hay không?

Những nhà khoa học thể hiện được mình đạt đẳng cấp quốc tế mới thực sự xứng đáng đứng ra đảm nhận sứ mệnh và nhiệm vụ chính trị, nhất là trong thời kì hội nhập quốc tế. Nếu không thì chỉ góp phần lái dân tộc vào con đường lầm lạc mà thôi.

Nhưng nhiều nhà khoa học cho rằng khoa học xã hội và nhân văn vì những lí do đặc thù nên khó đăng bài trên các tạp chí quốc tế?

GS Hoàng Xuân Phú: Không phải ngành nào trong nhóm ngành khoa học xã hội cũng đều khó đăng bài trên tạp chí quốc tế. Hai ngành mà tôi dẫn số liệu ở trên là giáo dục học và tâm lí học đều là những ngành có tính quốc tế rất cao. Hoặc luật học, ai dám bảo nó không có tính quốc tế cao? Tôi lấy ví dụ đơn giản như đề tài nên hay không nên hiến định đất đai thuộc sở hữu toàn dân. Nếu có bài báo khoa học nghiên cứu vấn đề ấy, dù thể hiện quan điểm ủng hộ hay phản đối, thì đều dễ được các tạp chí quốc tế nhận đăng. Thế giới cũng muốn hiểu thêm về Việt Nam chứ. Nếu tạp chí khoa học quốc tế không nhận đăng thì do bài viết không đạt tiêu chuẩn khoa học mà thôi. Hoặc ngôn ngữ học cũng là ngành có tính quốc tế cao. Vậy mà thành tích công bố quốc tế ở 2 ngành này của ta thế nào? Luật học có 141 tạp chí ISI, năm 2016 được phong 2 GS và 13 PGS; ngôn ngữ học có 199 tạp chí ISI, năm 2016 được phong 10 PGS. Nhưng tất cả 25 người được phong GS, PGS thuộc 2 ngành này không có một bài báo nào trong các tạp chí ISI/Scopus!

Quay trở lại câu chuyện "nhiệm vụ chính trị" mà chúng ta vừa nói ở trên. Theo tôi, nếu các nhà khoa học muốn thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị thì càng cần phải có công bố quốc tế vì việc khẳng định và nâng cao uy tín quốc tế của bản thân là nhiệm vụ tối thiểu của các nhà khoa học. Không thể nói rằng mình làm nhiệm vụ chính trị và đại diện cho đất nước mà lại để mặc cho uy tín của bản thân trên trường quốc tế ở tầm quá thấp. Hơn nữa, nếu xét từ góc độ nhiệm vụ chính trị thì rất cần có các công trình khoa học được công bố trên tạp chí quốc tế uy tín để phân tích, lí giải các chủ trương, đường lối, chính sách được ban hành.

Xin cảm ơn GS!
Q.H


------------------
XEM THÊM :







No comments: