Tôi đọc “Mối chúa” một cách chậm chạp và nhiều
ngẫm nghĩ. Đây là một cuốn tiểu thuyết không phải dành để giải trí. Không thể đọc
“Mối chúa” một cách nghiến ngấu, kiểu xem nó viết về những chuyện gì.
Đây là một cuốn sách đối diện với tội ác tham nhũng và lợi ích nhóm. Tội ác này đang hoành hành, lúc thì tinh vi, kín kẽ, lúc thì ngạo nghễ, trắng trợn, bất chấp và chà đạp lên mọi giá trị…
Một cuốn sách nặng trĩu ưu tư!
Không ưu tư sao được, khi đó chính là câu chuyện mà hàng ngày người ta đang bàn đến ở khắp nơi khắp chốn, càng bàn càng giảm đi niềm tin vào chính thể. Nhiều văn bản và phát ngôn chính thức từ cấp cao nhất của đất nước hiện nay, đều đã khẳng định rằng, thắng bại trong công cuộc chống tham nhũng và lợi ích nhóm hiện nay sẽ quyết định sự tồn vong của thể chế. Tham nhũng và lợi ích nhóm đã tạo nên tình trạng cát cứ, “loạn sứ quân” trong xã hội hiện nay, đang dẫn đến thật gần những đại nguy cơ. Điều này cũng đã được nêu trên báo chí chính thống.
Một cuốn tiểu thuyết về đề tài này, làm sao mà không dữ dội, nặng nhọc, cả từ phía người viết đến cá nhân từng người tiếp nhận, là bạn đọc?
Miêu tả về chủ thể của loại tội ác này, phải tạo nên được cho bạn đọc sự căm ghét, thậm chí sợ hãi, lo lắng về việc tác oai tác quái của chúng. Vậy thì làm sao có thể thể hiện bằng cái kiểu như văn chương ngôn tình, vui vui và hài hài, ai cũng không mất lòng được? Nhẹ nhàng nhất, chính là như tác giả đã miêu tả trong “Mối chúa”, may ra mới tạo nên được sự thức tỉnh của bạn đọc, mới tạo nên hiệu ứng về thái độ của chúng ta đối với cuộc chiến đấu không khoan nhượng chống lại tham nhũng và lợi ích nhóm hiện nay.
Văn chương bắt nguồn từ hiện thực cuộc sống. Tác giả đã sử dụng nhiều chất liệu từ các vụ việc có thật đã xảy ra, để sáng tạo văn chương. Nếu từ những chi tiết ấy lại truy ngược lại, cho rằng đó là phán xét sự kiện, thì là ấu trĩ, là không hiểu sự “cất cánh” của văn chương trên nền hiện thực cuộc sống.
Hiện thực trong cuốn tiểu thuyết là dữ dội, thậm chí rất bức bách, nhưng “Mối chúa” không phải là cuốn sách đen tối. “Mối chúa” là cuốn sách của hy vọng!
Hy vọng đầu tiên chính là quy mô. Tham nhũng và lợi ích nhóm, thể hiện một cách khủng khiếp và tinh vi, thì vẫn là từ một dự án sân golf ở cấp huyện, dù có nhiều liên hệ với các dự án khác, cuối cùng đã được cấp cao nhất ra quyết định dừng lại để xem xét. Như vậy, cuốn sách không lấy thể chế làm đối tượng phê phán.
Hy vọng nữa, là khung cảnh của tiểu thuyết, nơi tội ác đang ngày càng lộng hành, thì cũng là lúc lương tri và cái thiện cũng được thức tỉnh, được vun đắp và phát triển, mang đến cho bạn đọc hy vọng về xu thế cái ác sẽ bị tấn công, bị cô lập và diệt vong, dù rằng tiến trình này còn cần rất nhiều thời gian và gian nan.
Hy vọng tiếp theo là hy vọng về văn chương. Văn chương của chúng ta nhiều năm qua ít thành tựu, có vẻ ngại đụng chạm đến những vấn đề nhạy cảm đang diễn ra. “Mối chúa” đi thẳng vào vấn đề đang nóng bỏng hiện nay, chia xẻ được tâm trạng xã hội, củng cố lòng tin về sự thắng thế của những giá trị nhân bản. Tác phẩm này lại là của một nhà văn tài năng, tâm huyết, nhiều gập ghềnh trong đời sáng tác, càng thể hiện, những tinh hoa của trí thức đang đứng về phía cái thiện, không vô cảm với những vấn đề nóng bỏng của xã hội hiện nay. Đây chính là nguồn sức mạnh lớn lao của công cuộc chống tham nhũng và lợi ích nhóm nói riêng, công cuộc xây dựng một xã hội dân chủ và nhân bản nói chung hiện nay của chúng ta.
Tôi đọc “Mối chúa”, ban đầu cho rằng nhà văn chưa cao tay khi tạo nên cái kết của tác phẩm: Cái ác tự loại nhau, tự diệt vong bằng lý do lãng xẹt, giết nhau vì tình ái, tranh chấp đàn bà vớ vỉn. Cái thiện thì mỏng manh, dễ bị đòn ngược và thụ động, tìm cách chạy trốn khỏi cái ác. Nhưng rồi ngẫm lại, nhà văn viết thế là để tạo nên sự thất vọng cho chính mình của mỗi độc giả khi tiếp cận chủ đề này.
Và đó chính là lời kêu gọi bằng văn chương gửi đến chúng ta. Mỗi người chúng ta hãy chủ động hơn, tự tin hơn, tham gia vào công cuộc chống lại tội ác để xây dựng xã hội tốt đẹp hơn. Đừng thụ động ngồi chờ để cái ác tự diệt vong, vì không thể có hiện thực ấy xảy ra trong đời sống.
“Mối chúa” là tác phẩm của một nhà văn nhập thế đầy trách nhiệm, rất nhạy cảm với thời cuộc, ý thức mạnh mẽ về thiên chức của nghệ sỹ và rất tài năng!
------------------------------
Đỗ
Ngọc Thống is
with Mậu
Nguyễn Đức and 8
others.
16 hrs ·
VỀ TIỂU
THUYẾT “MỐI CHÚA”
No comments:
Post a Comment