Sunday, September 24, 2017

HOA KỲ và HỆ THỐNG PHÒNG THỦ CHỐNG HỎA TIỄN BẮC HÀN (Thy Trang)




24/09/2017

Trước việc Bắc Hàn vẫn tiếp tục đe dọa Hoa Kỳ và đồng minh bằng cách phóng hỏa tiễn liên lục địa có khả năng mang theo đầu đạn nguyên tử lên thử nghiệm, thì đã có những câu hỏi được đặt ra: Tại sao lại để yên mà không bắn hạ các hỏa tiễn của Bắc Hàn ngay khi vừa được phóng ra?

Hình 1: Hệ thống phòng thủ chống hỏa tiễn của Bắc Hàn qua sự "hợp đồng tác chiến" của các đơn vị hỏa tiễn THAAD, Aegis và Patriot

Trong thời gian vừa qua, cũng giống như các vị tổng thống khác đã nói qua nhiều thập niên, đối với việc gây hấn của Bắc Hàn, Tổng Thống Trump đã tuyên bố rằng “all options are on the table - tất cả mọi biện pháp đều có thể đem ra dùng."

Nhưng tại sao Bộ Quốc Phòng vẫn không chọn một vài giải pháp dễ thấy nhất, chẳng hạn như ra lệnh cho một chiến hạm khai hỏa một hỏa tiễn khác để đuổi theo và bắn rớt hỏa tiễn của Bắc Hàn khi đã bay ra ngoài tầng khí quyển?

Khi được hỏi, Bộ Tư Lệnh Hoa Kỳ tại Thái Bình Dương, United States Pacific Command (USPACOM), đặt tại Honolulu đã không cho biết lý do tại sao họ đã không bắn hạ hỏa tiễn của Bắc Hàn. USPACOM đã đưa ra tuyên bố: "Bộ Tư lệnh Phòng Thủ Không Phận Bắc Mỹ, NORAD, xác định rằng hỏa tiễn được phóng ra từ Bắc Hàn đã không gây ra một mối đe dọa đến Bắc Mỹ."

Trước đó, vào khoảng tháng 7, 2017, Bộ Trưởng Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ, James Mattis nói rằng bất cứ hỏa tiễn nào của Bắc Hàn hướng tới lãnh thổ của Hoa Kỳ, bao gồm cả Guam và các vùng lãnh thổ khác, sẽ bị bắn hạ và được xem là gây chiến tranh với Hoa Kỳ. Nhưng, ông nói thêm, nếu hỏa tiễn đáp xuống biển, thì quyết định sẽ phải làm gì về chuyện này sẽ thuộc về Tổng Thống.

Bắn hạ một hỏa tiễn của kẻ thù nhằm bắn vào lãnh thổ của Hoa Kỳ là một việc phòng thủ tốt, nhưng bắn hạ một hỏa tiễn thử nghiệm nhắm vào biển sẽ là một hành động gây chiến tranh. Hoặc ít ra thì Bắc Hàn cũng có thể sẽ lý luận như vậy.

Hiện nay Hoa Kỳ đang có 33 tàu chiến Aegis có thể phóng phi đạn Aegis để tấn công một hỏa tiễn tầm trung như Hwasong-12 mà Bắc Hàn đã bắn ngang qua Hokkaido vào ngày 15 tháng 9 vừa qua. Tại Thái Bình Dương, Hoa Kỳ đang có mười sáu (16) tàu chiến loại này.

Hình 2: Hạm Đội Aegis Toàn Cầu

Theo Tom Karako, chuyên gia về phòng thủ bằng hỏa tiễn của Trung Tâm Nghiên Cứu Chiến Lược và Quốc Tế (the Center for Strategic and International Studies): "Bắn vào một hỏa tiễn của Bắc Hàn không phải là điều mà quân đội Mỹ xem nhẹ hoặc cứ tự tiện làm mà không cần có chỉ thị." Ông cũng ghi nhận: "Phải có một lý do chính đáng để làm điều đó. Lý do đó có thể là nếu có một mối đe dọa thực sự đối với Hoa Kỳ, hoặc đồng minh."

Hệ Thống Phòng Thủ Vẫn Còn Chưa Hoàn Hảo

Hoa Kỳ đã chứng minh rằng họ có thể bắn rớt hỏa tiễn tầm trung (mid-range) và tầm tương đối xa (intermediate-range). Nhưng hồ sơ thử nghiệm đã ghi lại nhiều thất bại mới xẩy ra và kết quả chung cuộc ở vào một mức độ đáng xấu hổ.

Từ tháng 1 năm 2002 đến ngày 14 tháng 8 năm 2017, Bộ Quốc Phòng đã thử 37 lần bắn chặn (intercepts) hỏa tiễn tầm trung và bắn trúng mục tiêu 29 lần bằng loại SM-3 (Standard Missile - một loại hỏa tiễn được trang bị trong hệ thống phòng thủ gắn trên tàu Aegis).

Như vậy tính ra tỉ lệ thất bại là 21.6% - một con số quá cao và khó có thể chấp nhận được đối với những loại vũ khí tối tân và đòi hỏi sự chính xác gần như tuyệt đối.

Có nhiều lý do cho việc thất bại này, nhưng theo Văn phòng Giám đốc Cơ quan Kiểm tra và Kỹ thuật của Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ (Pentagon’s Office of the Director of Operational Testing and Engineering), lý do lớn nhất vẫn là việc thử nghiệm thực tế rất là tốn kém, đòi hỏi nhiều thời gian và sự hỗ trợ.

Để sang một bên các yếu tố chính trị, và thuần túy chỉ xét đến phương diện kỹ thuật thì lý do đầu tiên để Hoa Kỳ không bắn hạ hỏa tiễn của Bắc Hàn là vì tỉ lệ thành công còn quá thấp. Và nếu không bắn trúng được hỏa tiễn thử nghiệm của Bắc Hàn, thì sẽ là cả một sự mất mặt cho Hoa Kỳ.

Tuy vậy, các giới chức chính quyền vẫn thích trấn an công chúng về khả năng phòng vệ của họ đối với những hỏa tiễn này. Như sau lần thử nghiệm hỏa tiễn của Bắc Hàn vào ngày 15 tháng 9, 2017, Bộ Trưởng Nội Các (Chief Cabinet Secretary) của Nhật, Yoshihide Suga, nói với dân chúng Nhật, "Chúng ta không bắn chận nó lại (intercept) bởi vì xét ra thấy không có thiệt hại nào xẩy đến cho lãnh thổ của Nhật Bản."

Lời tuyên bố đó chỉ đúng một nửa.  Quả đúng là hỏa tiễn thử nghiệm đó đã không gây ra đe dọa nghiêm trọng. Nó bay qua (flew over) hòn đảo Hokkaido của Nhật, ở điểm cao nhất trên đường bay của nó là 770 km (475 dặm) và rơi xuống cách điểm xuất phát gần Bình Nhưỡng, thủ đô của Bắc Hàn, là 3700 km (2300 dặm).

Và một nửa của sự thật còn lại là cả Nhật Bản lẫn Hoa Kỳ đều không thể bắn chận hỏa tiễn đó.

Không có vũ khí phòng thủ chống lại hỏa tiễn đạn đạo nào hiện đang có lại có thể đạt đến cao độ như vậy. Hàng trăm cây số là quá cao đối với các phi đạn bắn chận Aegis (Aegis interceptors) được gắn trên các tàu hải quân bên ngoài khơi Nhật Bản. Độ cao này tính ra còn cao hơn đối với các hệ thống THAAD ở Nam Hàn và Guam. Và quá cao đối với các hệ thống Patriot ở Nhật Bản, vốn phần lớn chỉ có thể "tiếp chiến" được với các hỏa tiễn đã bay vào lại bên trong bầu khí quyển. Tính từ mặt đất, thì chiều cao của lớp khí quyển là vào khoảng 100 km.

Tất cả những vũ khí trên đều được thiết kế chính yếu là để bắn trúng vào một hỏa tiễn đang bay trong giai đoạn gần cuối hoặc cuối cùng (end or terminal phase), khi đang trên đường đi xuống, gần như hướng thẳng ngay vào vị trí của hệ thống phòng thủ.

Hình 3: Hệ Thống Phòng Thủ Chống Hỏa Tiễn Đạn Đạo (BMD) qua 3 giai đoạn

Về các loại hỏa tiễn phòng thủ thì:

·         Hỏa tiễn Patriot chỉ là để bảo vệ các khu vực tương đối nhỏ như hải cảng hoặc căn cứ quân sự
·         Hỏa tiễn THAAD bảo vệ một khu vực rộng lớn hơn
·         Còn hệ thống hỏa tiễn Aegis thì trên mặt lý thuyết có thể bảo vệ hàng ngàn cây số vuông

Nhưng liệu có thể bắn chận hỏa tiễn lại trước khi nó vượt lên đến độ cao như thế? Sẽ gần như không có cơ hội bắn trúng hỏa tiễn của Bắc Hàn đang phóng lên, trừ phi khu trục hạm Aegis được điều động đến rất gần với điểm xuất phát, ở trong vùng biển Bắc Hàn. Ngay cả khi đó, hỏa tiễn Aegis sẽ phải đuổi theo hỏa tiễn của Bắc Hàn, và phải bắt đầu tham dự cuộc chạy đua mà nó khó có khả năng chiến thắng. Trong vòng chỉ một hay hai phút báo động là phải xuất phát, thì xác suất thành công của cuộc "tham chiến" (engagement) này sẽ bị giảm xuống gần bằng con số zero.

Trong lúc theo dõi phần kết thúc của chuyến du hành Cassini để nghiên cứu Thổ Tinh (Saturn), nhà thiên văn học Jonathan McDowell tweeted, "Khi bay qua Nhật, các hỏa tiễn đã quá cao vượt ra ngoài tầm bắn (của hệ thống phòng thủ). Phải đặt Aegis ngay bên bờ biển của Bắc Hàn thì mới có cơ hội (bắn trúng)."

"Gần như là hoàn toàn vô phương để có thể bắn rớt một hỏa tiễn đang bay lên," Gerry Doyle, phó biên tập kinh doanh cho Á Châu của tờ The New York Times cho biết thêm. "Ở ngay giai đoạn giữa hay cuối đường bay là những nơi chốn duy nhất mà bạn có thể bắn." Điều đó có nghĩa là đối với hỏa tiễn thử nghiệm bắn về phía Guam, thì hỏa tiễn phòng vệ THAAD sẽ có cơ hội tham chiến, mặc dù hỏa tiễn này chỉ được thử nghiệm một lần duy nhất để đối phó với loại hỏa tiễn tầm xa như của Bắc Hàn.

Hình 4: Hệ Thống Phòng Thủ THAAD Bắn Chặn Hỏa Tiễn Địch Vào Giai Đoạn Chót (Terminal Phase)

Đối với các hỏa tiễn thử nghiệm bay qua trên Nhật Bản, các cuộc "tham chiến" duy nhất có thể xảy ra sẽ nằm ở phía đông Nhật Bản, khi hỏa tiễn đang trên đường bay xuống. Tuy nhiên, vì không có lý do chính đáng, cùng là có những khó khăn to lớn về vấn đề tiếp vận, cho nên các khu trục hạm Aegis của Hoa Kỳ và tàu tuần tra đã không được điều động để ra đứng yên trong vùng biển đó và ngóng đợi một cuộc thử nghiệm hỏa tiễn có thể sẽ xảy ra.

Việc đem sử dụng hỏa tiễn từ các tàu Aegis "sẽ là một nhiệm vụ có những đòi hỏi cao và cần đến rất nhiều sự phỏng đoán, chẳng hạn như các tàu sẽ phải ở vào đúng nơi, đúng thời điểm để làm ngưng lại cuộc thử nghiệm hỏa tiễn ngay trên biển," theo giải thích của Kingston Reif của Hiệp hội Kiểm soát Vũ khí. Đó là chỉ tính đến trường hợp các hệ thống đều hoạt động tốt như đã được quảng cáo.

Trong các hệ thống trên, không có hệ thống nào được thử nghiệm dưới những điều kiện căng thẳng như khi thực sự giao chiến. THAAD, Patriot và đặc biệt là Aegis, đã làm khá tốt trong các cuộc thử nghiệm, nhưng những cuộc thử nghiệm này đã được thiết kế để thành công, được đơn giản hóa, được cẩn thận chia ra từng giai đoạn và đa số chỉ nhắm vào các mục tiêu tầm ngắn. Reif, một trong những chuyên gia hàng đầu về các chương trình phòng thủ bằng hỏa tiễn của Mỹ, cho biết Aegis đã chỉ mới thử nghiệm có một lần với với mục tiêu tầm tương đối xa (intermediate-range target).

Thực ra một hệ thống phòng thủ hỏa tiễn còn phải bao gồm nhiều thành phần khác rất quan trọng, trong đó phải kể tới hệ thống radar, chống nhiễu..., cùng là hệ thống truyền tải tín hiệu và tính toán cho thật nhanh, thật chính xác. 

Tuy nhiên, trên đại thể, thành phần chính của các đơn vị cùng "hợp đồng tác chiến" trong hệ thống phòng thủ chống hỏa tiễn là ba đại đơn vị trang bị hỏa tiễn Patriots, THAAD và Aegis. Như được khái quát trình bày trong Hình 1, khi hỏa tiễn tấn công của Bắc Hàn được bắn đi, mạng lưới của đơn vị hỏa tiễn THAAD có trách nhiệm "dàn chào" đợt đầu. Nếu lọt qua mạng lưới này, thì hỏa tiễn địch sẽ được "săn sóc" kỹ tại phòng tuyến của đơn vị hỏa tiễn Aegis. Và chót hết sẽ là giai đoạn "cận chiến", hand-to-hand combat, giữa hỏa tiễn Bắc Hàn và các đội hình chờ sẵn của đơn vị hỏa tiễn Patriot. Hãy cùng sơ lược qua ba đơn vị phòng thủ này.

Hệ Thống Phòng Thủ Patriot

Patriot là một hệ thống hỏa tiễn địa-không (surface-to-air) cao cấp nhằm chống lại máy bay, hỏa tiễn cruise (như Tomahawk cruise missile) và hỏa tiễn đạn đạo.

Bắt đầu được sản xuất trong năm 1980 và hỏa tiễn này được đem ra sử dụng lần đầu tiên vào năm 1990-91 trong chiến dịch Bão Sa Mạc (Dessert Storm) sau khi Iraq xâm lăng Kuwait.

Sau đó các đời sản xuất kế tiếp của hệ thống đã được nâng cấp và cải tiến đưa đến khả năng lớn hơn nhiều trong việc bắn rớt hỏa tiễn đạn đạo. Đến 2003, Patriot lại được đem ra dùng tại Trung Đông trong chiến dịch Hành Quân Iraq Tự Do (Operation Iraqi Freedom).

Hình 5: Cách Hoạt Động của Hệ Thống Patriot

Hệ thống Patriot di động được trên xe tải và có thể được chuyên chở bởi máy bay vận tải Galaxy C5.

Patriot được sử dụng bởi 12 quốc gia trên thế giới, gồm có Hoa Kỳ, Hòa Lan, Đức, Nhật, Do Thái, Saudi Arabia, Kuwait, Đài Loan, Hy Lạp, Tây Ban Nha, Nam Hàn và United Arab Emirates.

Hệ Thống Phòng Thủ THAAD (Terminal High Altitude Area Defense)

THAAD là một hệ thống phòng thủ của Hoa Kỳ để chống hỏa tiễn đạn đạo. Hỏa tiễn THAAD được thiết kế để bắn hạ các hỏa tiễn đạn đạo có tầm ngắn, trung bình (medium) và tương đối xa (intermediate) trong giai đoạn bay cuối cùng (terminal phase) của hỏa tiễn bằng cách bắn chặn (intercepting) theo phương thức bắn-để-giết (hit-to-kill).

THAAD được chế tạo sau những kinh nghiệm với những cuộc tấn công bằng hỏa tiễn Scud của Iraq trong Chiến Tranh Vùng Vịnh (Gulf War) vào năm 1991. Hỏa tiễn bắn chặn (interceptor) THAAD không mang đầu đạn hạt nhân, nhưng dựa vào động năng (kinetic energy) của nó để tiêu diệt hỏa tiễn tấn công đang bay tới.

Dùng động năng để phá hủy hỏa tiễn đang bay tới là để giảm thiểu nguy cơ làm phát nổ đầu đạn thông thường của hỏa tiễn đạn đạo, và động năng của THAAD cũng sẽ không kích nổ (detonate) đầu đạn hạt nhân của hỏa tiễn đạn đạo.

Hình 6: Cách Hoạt Động của Hệ Thống THAAD

Nguyên thủy THAAD là một chương trình của Lục quân Hoa Kỳ. Ban đầu, lịch trình đem ra sử dụng được tính sẽ bắt đầu vào năm 2012, nhưng THAAD đã được đem ra sử dụng sớm hơn, vào tháng 5 năm 2008. Hiện thời, THAAD đã được bố trí tại các quốc gia United Arab Emirates, Thổ Nhĩ Kỳ và Nam Hàn.

Hệ Thống Phòng Thủ Aegis

Hệ thống phòng thủ chống hỏa tiễn đạn đạo Aegis (Aegis BMD, Ballistic Missile Defense, hay ABMD) được phát triển để cung cấp khả năng phòng thủ chống lại hỏa tiễn đạn đạo từ tầm ngắn (short range) cho đến tầm tương đối xa (intermediate range). Đây là một phần trong chiến lược quốc phòng của Mỹ. Aegis BMD (còn gọi là Sea-Based Midcourse) được thiết kế để đánh chặn các hỏa tiễn đạn đạo vào giai đoạn sau khi phóng lên (post-boost) (bắt đầu vượt qua khí quyển để vào không gian) và trước khi quay trở lại (reentry) khí quyển.

Hình 7: Chương Trình Phòng Thủ Aegis Chống Hỏa Tiễn

Các tàu chiến có trang bị hệ thống Aegis BMD có thể truyền đi các thông tin về mục tiêu đã bị nhận diện đến hệ thống Ground-Base Midcourse Defense trên mặt đất, và nếu cần, sẽ phóng ra các phi đạn RIM-161 Standard Missile 3 (SM-3) nhắm vào các mục tiêu đang bay ở giai đoạn giữa (mid-course, middle phase) và RIM-156 (SM-2 Block IV) hoặc RIM-174 (SM-6) nhắm vào các mục tiêu đang bay vào giai đoạn chót. Hiện nay Aegis BMD không có khả năng đánh chặn hỏa tiễn liên lục địa ICBM (intercontinental ballistic missile).

Hình 8: Sơ Đồ Cấu Trúc của Hỏa Tiễn SM-6 trong Hệ Thống Aegis

Phòng Thủ Chống Hỏa Tiễn Tại Căn Cứ Trên Mặt Đất

Nhưng còn khả năng phòng thủ trên mặt đất, Ground-Based Midcourse Defense (GMD), với những phi đạn bắn chận (interceptors) đặt căn cứ tại Alaska và California? Thật đáng tiếc, đó là những nơi mà các hồ sơ thử nghiệm cho thấy kết quả còn tồi tệ hơn nữa.

Ngay cả dưới những điều kiện lý tưởng, nơi mà lực lượng phòng thủ đã biết về thời gian, phương hướng và đạn đạo của mục tiêu thử nghiệm và tất cả các chi tiết về hình dạng, nhiệt độ của nó, vv, thì hệ thống này cũng chỉ bắn trúng mục tiêu được 50%.
Hình 9: Sơ Đồ "Khu Vực Trách Nhiệm" của Các Hệ Thống Phòng Thủ

"Tỉ lệ thành công của các hệ thống GMD trong các chuyến bay thử nghiệm việc đánh chặn máy bay địch rất thê thảm (dismal)," theo Philip Coyle, cựu giám đốc của phòng hoạt động thử nghiệm cho Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ.

Ngay cả trong điều kiện lý tưởng, việc bắn rớt một hỏa tiễn đang bay tới, thì ngay tự căn bản kết quả “cũng chỉ ở khoảng 50-50 giống như khi thảy lên đồng tiền cắc," Trey Obering, Trung Tướng nghỉ hưu, cựu Trưởng Cơ Quan Phòng Thủ Chống Hỏa Tiễn (Missile Defense Agency), đã nhìn nhận.

Tuy nhiên, việc thường xuyên sử dụng những từ ngữ như "lá chắn" và "mái vòm", để mô tả khả năng mà đáng lý ra phải có, đã tạo ra một cảm giác sai lầm về an ninh. Các giới chức còn làm cho vấn đề trở nên tồi tệ hơn với những tuyên bố phóng đại.

Tổng Tham Mưu Trưởng Liên Quân, Đại Tướng Joseph Dunford, tại Diễn Đàn An Ninh Aspen hàng năm vào tháng 7, nói: "Quân đội Hoa Kỳ có thể bảo vệ chống lại một cuộc tấn công giới hạn (limited attack) của Bắc Hàn vào Seoul, Nhật Bản và Hoa Kỳ." Điều này có đúng không? Câu trả lời còn tùy thuộc vào ý nghĩa của hai chữ "giới hạn" (limited).

Nếu Bắc Hàn cộng tác và bắn ra hỏa tiễn Hwasong-14 - hỏa tiễn đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) loại mới của họ - và có thông báo đầy đủ tới phía Hoa Kỳ để có thể chuẩn bị, và nếu họ chỉ bắn ra một hỏa tiễn, và cũng không toan tính đánh lừa hệ thống phòng thủ bằng những vật thể giả tạo giống như đầu đạn hạt nhân, hoặc ngăn chặn việc phòng vệ bằng những thiết bị gây nhiễu công suất thấp (low-power jammers),  hoặc làm mù mắt hệ thống phòng thủ bằng cách tấn công các radars dễ bị tổn thương, thì có lẽ điều sau đây là đúng: Hoa Kỳ cũng chỉ có thể có 50-50 cơ hội để bắn hạ một hỏa tiễn như vậy. Nếu bắn lên bốn hoặc năm chiếc phi đạn bắn chận, thì tỷ lệ thất bại sẽ càng tăng cao.

Nhưng không thể nào có chuyện cộng tác của Bắc Hàn. Ngược lại, Bắc Hàn sẽ làm đủ mọi thứ để phá hỏng việc phòng thủ. Theo phúc trình "Ước tính Tình báo Quốc gia Năm 1999 Về Mối Đe doạ của Hỏa tiễn nhắm vào Hoa Kỳ," thì bất kỳ quốc gia nào có khả năng thử nghiệm hỏa tiễn đạn đạo tầm xa sẽ "đều có thể dựa vào công nghệ sẵn có - bao gồm các xe RVs tái định hướng (reorientation), vật liệu chống bị radar phát giác, thiết bị gây nhiễu (jammers), thiết bị làm rối loạn radar (chaff), và các thiết bị để đánh lạc hướng (decoys), v.v. - để chế tạo các thiết bị trợ giúp việc xâm nhập và "phản pháo" (countermeasures)."

Các hệ thống chống hỏa tiễn đề cập bên trên chưa bao giờ được thực sự thử nghiệm để chống lại bất cứ phương pháp "phản pháo" (countermeasures) nào, vốn khá đơn giản, như ghi trên.

Đây là một trong những lý do mà giám đốc điều hành đương nhiệm của hoạt động thử nghiệm của Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ đã thận trọng nhiều hơn nữa trong các lượng giá của ông ta so với các giới chức khác của chương trình hỏa tiễn phòng thủ. "Hệ thống phòng thủ trên mặt đất, GMD, đã chứng tỏ có một khả năng hạn chế trong việc bảo vệ nội địa của Hoa Kỳ trước những đe dọa từ một số nhỏ các cuộc tấn công bằng hỏa tiễn đơn giản tầm ngắn hoặc hỏa tiễn đạn đạo xuyên lục địa phóng đi từ Bắc Hàn hoặc Iran", ông nói. Hơn nữa, không thể nào "đánh giá khả năng hoạt động của hệ thống phòng thủ trên mặt đất GMD một cách đúng đắn do bởi thiếu vắng các cuộc thử nghiệm trên mặt đất" và "mức độ tin cậy và khả dụng của các thiết bị dùng cho hệ thống (Ground-Based Interceptors – GBI) vẫn là thấp, và MDA (Missile Defense Agency - Cơ Quan Phòng Thủ Chống Hỏa Tiễn) tiếp tục khám phá ra thêm các phương thức bị hỏng khi thử nghiệm."

Theo Joe Cirincione, tác giả của bài báo "No, We Cannot Shoot Down North Korea’s Missiles" đăng trên www.defenseone.com ngày 19 tháng 9, 2017 thì: "Trong 40 năm qua, ngân sách quốc phòng đã chi 40 tỉ đô la cho hệ thống GMD (phòng thủ trên mặt đất) và hơn 320 tỷ đô la Mỹ cho hàng tá các hệ thống hỏa tiễn phòng thủ khác. Và chúng ta phải tự hỏi không biết những thử nghiệm này để làm cái gì: để cung cấp cho quân đội sự bảo vệ mà họ cần đến hoặc chỉ là để trả tiền cho các nhà thầu?"

Ông cũng đưa ra đề nghị: "Chúng ta có thể ngưng các thử nghiệm chỉ nhắm có kết quả tốt và bắt đầu khảo nghiệm đến hiệu suất thực tế. Chúng ta cũng có thể đặt mua những lượng giá khách quan khoa học.

Ví dụ, Hiệp hội Vật lý Hoa Kỳ có thể tiến hành một khảo sát đầy đủ về tính khả thi và khả năng của vũ khí phòng thủ chống lại hỏa tiễn động học (kinetic missile), cũng giống như những gì đã từng làm trước đây cho vũ khí sử dụng năng lượng được điều hướng (directed-energy weapons), như hệ thống vũ khí Laser, vào năm 1987. Nghiên cứu đó đã làm vỡ tan những thổi phồng của các tuyên bố sai lạc về những vũ khí này, vốn là căn bản cho chương trình Chiến tranh Tinh cầu (Star Wars) được khởi đầu bởi chính quyền Reagan, nghiên cứu đó kết luận rằng sẽ mất nhiều thập niên trước khi chúng ta biết được nếu vũ khí đó liệu có còn khả thi hay không."

Và "Mối đe dọa của hỏa tiễn đạn đạo của Bắc Hàn là có thực. Chúng ta cần biết xem nếu hệ thống phòng thủ chống hỏa tiễn của chúng ta có thực hay không."

Tạm Kết

Hiển nhiên, những phúc trình, hay nghiêm chỉnh phê bình, chỉ trích của các chuyên viên nghiên cứu hay phân tích gia về những yếu kém trong hệ thống phòng thủ chống hỏa tiễn đều dựa trên những dữ liệu chính xác và đáng tin cậy. Và chắc chắn những sửa đổi, cải tiến, hay sáng chế mới sẽ được liên tục áp dụng để càng ngày càng kiện toàn các hệ thống phòng thủ trên.

Tuy nhiên, một khi phẩm chất (quality) của các hệ thống phòng thủ dùng hỏa tiễn chống hỏa tiễn chưa đạt đến mức chính xác cao, mà vẫn phải được đem ra "nghênh chiến", thì ắt hẳn các lực lượng phòng thủ sẽ phải bù trừ khiếm khuyết thiếu chính xác bằng cách bội tăng số lượng (quantity) các hỏa tiễn bắn ra, từ các dàn phóng THAAD, Aegis hoặc Patriot, để bằng-mọi-giá phải thực hiện cho bằng được nhiệm vụ "hit-to-kill."  Hay nói một cách khác, bình dân hơn, thì khi đó phải dùng đến "brute force" (sức trâu?) theo phương cách lấy... cần cù bù khả năng (!) để làm cho được việc.

Thực ra thì chúng ta hẳn cũng đã nhận thấy rằng hệ thống phòng thủ kết hợp chống hỏa tiễn đạn đạo (Integrated Ballistic Missile Defense System) là một hệ thống rất tinh vi và phức tạp.

Hình 10: Sơ Đồ của Hệ Thống Phòng Thủ Kết Hợp Chống Hỏa Tiễn Đạn Đạo

Sự hoàn hảo và chính xác của hệ thống phòng thủ này đúng ra phải ở mức 99.999% theo như tiêu chuẩn thường được đưa ra trong kỹ nghệ đối với những sản phẩm cần đến sự tối hảo.  Tuy nhiên, sự vận hành của hệ thống phòng thủ này phải tùy thuộc vào rất nhiều yếu tố khác nhau. Cùng với đòi hỏi phải đạt được sự chính xác gần như tuyệt đối, thì yếu tố tốc độ "làm việc" giữa các thành phần tham dự, với hàng chục ngàn bộ phận cấu thành (components), cũng phải cực nhanh và nhịp nhàng đồng bộ. Chỉ cần một chút sai lạc hoặc "lỡ bộ" của một bộ phận là sẽ dễ đưa cả hệ thống phòng thủ cực kỳ nhậy bén này đến tình trạng "sai một li, đi một dặm."

Bởi đó qua một thời gian dài, đã phải tiêu dùng những khoản tiền thật lớn để xây dựng hệ thống phòng thủ mà kết quả đạt được vẫn còn bị giới hạn nhiều, thì đó quả là một điều không mấy hay ho, nhưng có thể hiểu được.

Ngoài ra, trong những trường hợp cực đoan, giả dụ như khi Bắc Hàn lại điên rồ muốn đem hỏa tiễn nhắm bắn vào những mục tiêu bất kỳ trên lãnh thổ Hoa Kỳ, như trường hợp quân cộng sản Việt Nam đã phóng hỏa tiễn 122 ly bừa bãi vào Sài Gòn để khủng bố, thì hệ thống phòng thủ chống hỏa tiễn dù có "tân kỳ" và hoàn hảo cách mấy đi nữa, cũng không thể bảo vệ được. 

Khi đó, có thể khá chắc chắn là giới lãnh đạo Hoa Kỳ sẽ nhanh chóng "tiên hạ thủ vi cường."  Không nhất thiết cứ phải là người được xem là "diều hâu" như ông Trump hay "Madman" như ông Nixon, mà "bồ câu" như ông Obama cũng phải "xuống tay", như trường hợp ông Obama đã gửi SEALS xâm nhập (trái phép) vào nội địa của Pakistan, một quốc gia cũng có võ khí nguyên tử, để "root out - bứng rễ ông trùm" khủng bố Bin Laden.

Phương cách phòng thủ vững chãi nhất rất nhiều khi lại chính là sự tấn công ngoạn mục nhất; cũng như người Mỹ vẫn hay nói, "The best defense is a good offense."

Thy Trang - Sept 22, 2017

-----------------------------------------
Sách báo tham khảo, trích dẫn:
7. Các hình ảnh trong bài được tìm qua "nguồn" Google!

NOTE: Tác giả Thy Trang là cộng tác viên thường trực của đặc san Lâm Viên online tại www.dslamvien.com.








No comments: