Lê Phan
August 26, 2017
Trong nhiều năm, phe cực hữu ở Hoa Kỳ đã được
một sự ngấm ngầm ủng hộ và chấp nhận của nước Nga, nhưng Phát Xít Đức thì Nga
không thể chấp nhận được.
Các cơ quan truyền thông Nga, vốn ít khi bỏ
qua cho một cuộc khủng hoảng của Hoa Kỳ, đã nhanh chóng lên án trước vụ bất ổn
đầy tính chủng tộc xảy ra ở Hoa Kỳ hôm tuần rồi, vốn đã chứng kiến một phụ nữ
thuộc phe chống bị một người da trắng độc tôn đâm xe chết, theo sau là sự tức
giận rộng rãi sau khi Tổng Thống Donald Trump có vẻ tìm cách bênh vực cho những
người tham dự cuộc tuần hành. Các chương trình talk show trên truyền hình nhà
nước đã dành trọn giờ tốt nhất cho chương trình ngày Chủ Nhật để chĩa thẳng vào
vấn để chủng tộc ở Hoa Kỳ. Chương trình rất được hưởng ứng News of the Week, điểm
tin tức trong tuần, cho chiếu một tấm bản đồ Hoa Kỳ với 11 cựu tiểu bang từng
thuộc chế độ Confederacy của miền Nam, rồi họ nhanh chóng bôi màu đỏ để cho thấy
là ông Trump đã thắng tất cả những tiểu bang này trong kỳ bầu cử vừa qua. Rồi
thì có những giải thích dài dòng về sự khác biệt giữa tân Phát Xít và Ku Klux
Klan.
Nhưng những biểu tượng của Phát Xít Đức trong
các cuộc tuần hành ở Charlottesville (Virginia), và suốt cuối tuần qua, hình chữ
vạn lộn ngược và cái thập tự bằng sắt, đã trở thành mục tiêu chính của sự tức
giận của người Nga. Bà Veronika Krasheninnikova, một thành viên quan trọng của
viện dân sự, một hội đồng cố vấn cho Tổng Thống Vladimir Putin, nhận xét: “Ở Nga chúng ta có quá nhiều ảo tưởng về ông
Trump. Nay thì rõ là ông hành động với một chủ thuyết của hận thù, bạo động và
xâm lăng. Cái mặt nạ sau cùng đã bị gỡ bỏ.”
Truyền thông Nga thường phản ứng một cách
sung sướng và cười chế nhạo trước nhiều vụ khi hành động của Hoa Kỳ không theo
kịp được những lời lẽ cao quý của mình, và, ở một số khía cạnh, lần này cũng
không khác gì. Vụ bất ổn vì lý do chủng tộc ở Ferguson, Missouri, hồi năm 2014,
chẳng hạn, được loan truyền tỉ mỉ trong tất cả những chương trình được chiếu
trên các đài truyền hình của những “kẻ thù” của Hoa Kỳ, kể cả Iran và Nga, như
là bằng cớ cho vị thế mới của Hoa Kỳ là “một quốc gia thất bại.”
Cũng chả có gì đáng ngạc nhiên khi Nga sung
sướng trước những thiếu sót của Hoa Kỳ ở ngay lúc này. Liên hệ Mỹ-Nga xuống đến
mức tệ hại nhất kể từ những ngày của Chiến Tranh Lạnh. Để phản đối cho vòng trừng
phạt mới, tòa đại sứ Hoa Kỳ đang tìm cách giảm số nhân viên xuống 755 người,
theo lệnh của ông Putin, vốn nói là họ phải ra đi vào ngày 1 Tháng Chín. Hai
tài sản của tòa đại sứ bị đóng cửa. Hôm Thứ Hai tuần rồi, tòa đại sứ Hoa Kỳ ở
Moscow nói là họ phải ngưng cấp nhập cảnh vào Hoa Kỳ trong một tuần lễ. Trong một
thông cáo, tòa đại sứ nói: “Quyết định của Nga giảm thiểu sự hiện diện ngoại
giao của Hoa Kỳ ở đây đặt câu hỏi về sự nghiêm chỉnh của Nga trong việc theo đuổi
liên hệ tốt hơn.”
Sự thân thiện cá nhân, vốn đang bị theo dõi
điều tra, giữa Tổng Thống Trump và Tổng Thống Putin, vốn bắt đầu tương đối tốt,
đã trở thành không thể duy trì nổi nữa, ngay cả có những hứa hẹn cải thiện liên
hệ giữa hai nước. Khi tổng thống miễn cưỡng ký vào đạo luật áp dụng những cấm vận
mới đối với Nga hồi đầu tháng, ở Nga, cái cảm tưởng như đó là giọt nước làm đầy
ly. Kể từ đó, ông Trump bị Thủ Tướng Dmitry Medvedev chê trên Twitter là “yếu”
và “kẻ thất bại” trên các cơ quan truyền thông.
Thành ra, khi bóng đen của chế độ Phát Xít
ngóc đầu lên ở Hoa Kỳ, Nga nhanh chóng phản ứng.
Cuối tuần qua, một ngày sau khi trang web nổi
tiếng của phe tân Phát Xít, Daily Stormer, đã đăng ký tên miền ở Nga sau khi
công ty cung cấp dịch vụ GoDaddy đuổi họ ra khỏi, nhưng chính phủ Nga đã gỡ địa
chỉ này xuống, nói là nó “tuyên truyền cho những lý tưởng Tân Phát Xít.” Tòa đại
sứ Nga ở Washington đã vênh váo khoe khoang. Phát ngôn nhân Nick Lakhonin tweet
ra: “Nga làm việc đó chỉ sau vài giờ đối với điều mà (Hoa Kỳ) dung túng trong
nhiều năm.” Ông Lakhonin thêm là chủ thuyết Phát Xít “vẫn còn hợp pháp” ở Hoa Kỳ.
Tòa đại sứ Nga ở Nam Phi, có vẻ chả có lý do nào cả, tweet hôm cuối tuần rồi một
văn kiện lịch sử về chiến thắng của Liên Xô đối với Phát Xít Đức hồi Thế Chiến
2.
Nhưng sự tức giận của Nga về người Mỹ theo chủ
nghĩa tân Phát Xít không phải chỉ là một chỉ trích có tính cách cơ hội. Giáo Sư
Maria Lipman, một nhà phân tích chính trị ở Moscow, chủ bút của tập san
Counterpoint của đại học George Washington, giải thích: “Trước hết và trên hết, bất cứ điều gì xấu xa về Hoa Kỳ cũng được quan
chức Nga hớn hở chào đón. Nhưng cũng còn có một sự tức giận cao cả và hữu lý đối
với việc sử dụng các biểu tượng của Phát Xít Đức. Chiến thắng của Liên Xô chống
lại Phát Xít Đức là một niềm tự hào của tuyệt đại đa số người Nga.”
Nga chia sẻ một liên hệ phức tạp với chế độ
Phát Xít Đức của Hitler. Chiến thắng của Liên Xô hồi Thế Chiến 2 với Adolf
Hitler, được ăn mừng trên toàn nước Nga mỗi năm với nhiều nghi thức màu mè, và
chiến thắng đó đã trở thành một yếu tố định hình cho nước Nga ngày nay, vốn vẫn
còn chưa hồi phục về phương diện dân số sau khi mất đi 27 triệu công dân trong
cuộc chiến – lớn hơn tất cả sự thiệt hại của các quốc gia tham chiến khác. Dĩ
nhiên, không có bao nhiêu chú ý được nêu ra về việc cũng chính Liên Xô đã ký kết
thỏa thuận Molotov – Ribbentrop hồi năm 1939, là thỏa thuận để Liên Xô và Đức
phân chia Đông Âu, kể cả Ukraine. Nó đã bị Hitler xé bỏ khi cho quân xâm lăng
lãnh thổ Nga và ngày nay hiệp ước đó đã bị lờ đi trong sách sử Nga.
Những biểu tượng Phát Xít Đức, như được thấy ở
Charlottesville, quả đã đụng vào một vết thương chưa lành của Nga. Nhưng sự phản
ứng từ thâm tâm đó không phải liên hệ đến các chủ thuyết kỳ thị hay bài ngoại
mà là những cái giơ tay chào kiểu Hitler và chữ vạn lộn ngược mà phe tân Phát
Xít ở Hoa kỳ đã phô trương ở cuộc tuần hành của họ. Một loạt những tổ chức cực
hữu trên toàn Âu Châu nhận được tài trợ và ủng hộ chính trị từ Moscow, và Nga
là nơi hỗ trợ cho nhiều tổ chức theo kiểu tân Phát Xít, ủng hộ dân Slave, đặt nền
tảng trên hận thù chủng tộc. Nhưng những tổ chức này tránh không có những cử chỉ
hay biểu tượng trực tiếp liên hệ với chủ thuyết Phát Xít. Cách đây ba năm, ông
Putin chính thức ra luật khiến các hành động như tìm cách biện minh cho chủ
thuyết Phát Xít hay phổ biến việc chối bỏ cuộc thảm sát Do Thái là một tội,
nhưng các nhà tranh đấu cấp tiến thì bảo đó chỉ là một phương tiện mới để giới
hạn tự do ngôn luận.
Sự tức giận của quần chúng Nga đối với phong
trào Phát Xít đóng một vai trò trong cuộc chiến ở Ukraine. Bộ máy tuyên truyền
của nhà nước Nga thường diễn tả cuộc chiến hiện nay ở Ukraine, nơi những tay
súng được Moscow ủng hộ đang chiến đấu chống lại Ukraine ở phía Đông, là chống
lại một lực lượng Phát Xít. Những nhà tranh đấu cho Ukraine, chẳng hạn, thường
tôn trọng ông Stepan Bandera, một người theo chủ nghĩa quốc gia Ukraine chống lại
cả Phát Xít lẫn Liên Xô, nhưng Nga bảo ông có cảm tình với Phát Xít. Tuyên truyền
này thật thô sơ nhưng gây sợ hãi và thành công – và căn bản cho sự sợ hãi là vì
hành động của những người ủng hộ ông Bandera, như chào kiểu Hitler ở một số các
cuộc biểu tình ủng hộ Ukraine và bán các sản phẩm Phát Xít ở các khu chợ ở Kiev
– rất thực.
Russia Today mà ngày nay chỉ còn được biết dưới
ký hiệu RT, một cơ quan thông tấn bằng tiếng Anh do điện Kremlin tài trợ, so
sánh cuộc tuần hành ở Charlottesville giống như những cuộc biểu tình ở Ukraine
trong những năm gần đây. RT viết: “Cùng những biểu tượng Phát Xít đó, tuần hành
rước đuốc, chỉ có tường thuật khác.” Ý muốn nói truyền thông Tây phương là đạo
đức giả khi gọi những người Mỹ là “tân Phát Xít” nhưng không gọi những người đội
nón rước đuốc ở Ukraine như vậy.
Thành ra, Tổng Thống Trump có vẻ không thể vừa
muốn thân Nga nhưng lại vừa dung túng cho tân Phát Xít ở Hoa Kỳ, hay làm cả
hai.
No comments:
Post a Comment