Sunday, April 23, 2017

ĐỒNG TÂM VÔ PHÁP ! (FB Manh Dang)




Luật sư Manh Dang
23/04/2017

Dân Luận: Vụ việc ở Đồng Tâm từ đầu tới cuối đều cho thấy pháp luật ở Việt Nam không có giá trị. Việc công nhiên bắt giữ người thi hành công vụ xảy ra bởi vì chính những người thi hành công vụ làm trái pháp luật, khiến người dân không còn cách nào khác là phải vùng dậy.

Theo đơn kêu cứu của bà con Đồng Tâm, trước khi sự việc xảy ra, đã có nhiều đơn kêu cứu gửi lên Chủ tịch Hà Nội mà không ai lắng nghe, không ai phản hồi. Đồng Tâm trở thành miếng gân gà của chính quyền, đàn áp và xử lý nặng tay với người dân sẽ dẫn đến phản ứng mạnh mẽ từ dư luận, mà nếu bỏ qua và giải quyết thấu đáo cho người dân thì sẽ tạo thành một tiền lệ là các làng bị cưỡng chế trên cả nước sẽ học tập Đồng Tâm: Sử dụng bạo lực để đạt mục đích là được lắng nghe và giải quyết.

---------

Giấy cam kết viết tay của Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung.

Sau việc ông Nguyễn Đức Chung, chủ tịch cơ quan hành chính của thành phố Hà Nội lập giấy cam kết, đồng thời, với việc dân chúng Đồng Tâm thả tự do cho toàn bộ số cán bộ công chức đang bị câu thúc thân thể còn lại đã giúp tạm kết thúc sự kiện khủng hoảng nhiều ngày qua ở Đồng Tâm.

Theo đó, dưới góc độ pháp lý, một loạt vấn đề mang tầm vóc vô tiền khoáng hậu được đặt ra.

BỎ LỌT TỘI PHẠM:

Thứ nhất, việc dân chúng Đồng Tâm công nhiên bắt giữ người trong suốt nhiều ngày trái pháp luật, nhất là đối với số nhân viên công lực đang thi hành nhiệm vụ, phá hủy xe cơ giới của Nhà nước ... Đều là những hành vi BUỘC phải truy cứu trách nhiệm hình sự theo Bộ luật hình sự hiện hành, thậm chí với các tình tiết “có tổ chức, đối với người thi hành công vụ và và đối với nhiều người” đều là tình tiết định khung tăng nặng hình phạt, ít nhất cũng trong ba tội danh:

- Tội bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật (Điều 123).
- Tội chống người thi hành công vụ (Điều 257).
- Tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản (Điều 143).

Cho dù động cơ chính đáng như thế nào đi nữa, thì cũng không thể phủ nhận một thực tế rằng những hành vi kể trên đều đã quá đủ các yếu tố cấu thành tội phạm để các cơ quan tiến hành tố tụng phát động quyền khởi tố vụ án hình sự.

Nếu thực tế dân chúng Đồng Tâm không bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì đây sẽ là một vụ án bỏ lọt người phạm tội lớn nhất chưa từng có trong lịch sử tố tụng hình sự Việt Nam.

CHỦ TỊCH CƠ QUAN HÀNH CHÍNH CÓ QUYỀN MIỄN TRUY CỨU HÌNH SỰ?

Kết quả buổi làm việc với dân chúng Đồng Tâm, chủ tịch cơ quan hành chính của thành phố Hà Nội là ông Nguyễn Đức Chung lập bản cam kết, trong đó, cam kết thứ hai của ông là “Không truy cứu trach nhiệm hình sự đối với toàn thể nhân dân xã Đồng Tâm”(trích).

Về pháp lý, thẩm quyền xem xét, quyết định truy cứu hay miễn truy cứu trách nhiệm hình sự thuộc về các cơ quan tiến hành tố tụng như Cơ quan Cảnh sát Điều tra hay Viện Kiểm sát Nhân dân. Người đứng đầu cơ quan hành chính của thành phố như ông Chung không có thẩm quyền này. Việc ông lập cam kết miễn truy cứu miễn trách nhiệm hình sự cho người vi phạm pháp luật thay cho các cơ quan tư pháp (cơ quan tiến hành tố tụng) đích danh là sự tiếm quyền tư pháp, cho nên, sự cam kết của ông là bất hợp pháp.

Giả thiết, trong trường hợp ông Chung thực hiện được lời cam kết của mình, thì rõ ràng, sự độc lập mang tính nguyên tắc của cơ quan tư pháp đã bị phá vỡ trọn vẹn. Cơ quan tư pháp lộ nguyên hình là cánh tay thuộc hạ nối dài mạo danh chấp pháp của chính quyền mà thôi. Nhưng nếu ông ấy không thực hiện được cam kết thì cũng khó trách, vì có vẻ như trong giây phút hồ hởi say men chiến thắng, dân chúng Đồng Tâm đã quên đi rằng ông ấy đã cam kết một việc không thuộc thẩm quyền của mình. Bởi lẽ, “không ai có thể tặng cho một vật mà mình không sở hữu”.

CÔNG LÝ TỰ BAN PHÁT:

Như một xã hội văn mình, có luật pháp, nếu dân chúng Đồng Tâm cho rằng quyền lợi của họ bị xâm phạm không chính đáng và hợp pháp, họ có thể chờ đợi công lý được ban phát bởi cơ quan có thẩm quyền, bằng cách tiến hành các thủ tục pháp lý bằng khiếu nại hay khởi kiện theo quy định của pháp luật. Thì đằng này, thất vọng vì sự vô hiệu, bất lực của hệ thống luật pháp, dân chúng Đồng Tâm đã phải tự mình ban phát công lý cho chính mình bằng các giải pháp cực đoan và vô pháp như bắt giữ người làm con tin để buộc chính quyền hứa hẹn giải quyết yêu cầu của mình. Chiến thắng may mắn cho dân chúng Đồng Tâm, nhưng thất bại bẽ bàng cho nền tư pháp nước nhà khi sự tự ban phát công lý lại đang được vuốt ve thỏa mãn.

Để tham khảo thêm, sự tự ban phát công lý là hình thức thô sơ và mông muội nhất của luật pháp, nó chỉ hiện diện ở giai đoạn loài người chưa tổ chức được xã hội.

* * *
Hôm nay, công chúng chứng kiến các hành vi vô pháp một cách chính đáng của Đồng Tâm được chiều chuộng bằng các biện pháp vô pháp của chính quyền. Sự đồng tâm vô pháp của cả hai sẽ tạo tiền lệ, sẽ truyền thông điệp cho những đoàn dân oan khắp 63 tỉnh thành trong tương lai. Công chúng không còn cần luật pháp hay tòa án nữa, cái họ cần một nhà văn hóa làm nơi giam giữ con tin, một vài chiến lũy đơn sơ trên phố và một ông quan đầu tỉnh đến lập cam kết. Đó là cách thức công lý xứ sở này đang vận hành.

Công chúng vẫn vốn phê bình sự vô pháp, nhưng lạ thay, họ dường như đang hả hê cổ vũ nhiệt thành cho sự vô pháp ... Vì cuối cùng, với tấm gương Đồng Tâm, họ cũng đã biết cách tìm công lý bằng cách thức nào ?

Ngày này, sự vô pháp chính thức đăng quang !

Manh Dang

* Ảnh minh họa từ nguồn internet





No comments: