Sunday, April 23, 2017

CUỘC CÁCH MẠNG SẮP ĐẾN CỦA NƯỚC PHÁP (Zaki Laïdi - Project Syndicate)




Zaki Laïdi  -  Project Syndicate
Biên dịch: Nguyễn Huy Hoàng
Posted on 24/04/2017 by The Observer

Trong vài tuần tới, Pháp sẽ bầu ra vị tổng thống kế tiếp. Với quyền lực hành pháp đáng kể, bao gồm thẩm quyền giải thể Quốc hội, cuộc bầu cử tổng thống tổ chức năm năm một lần là cuộc bầu cử quan trọng nhất của Pháp. Nhưng lần này rủi ro đang lớn hơn bao giờ hết.

Hai ứng cử viên dẫn đầu là Marine Le Pen của Đảng Mặt trận Quốc gia cực hữu và Emmanuel Macron, bộ trưởng kinh tế dưới thời Tổng thống François Hollande của Đảng Xã hội nhưng đang tranh cử với tư cách là ứng cử viên độc lập. Nếu đúng như dự kiến, Le Pen và Macron sẽ đối đầu trong vòng hai của cuộc bầu cử vào ngày 7 tháng 5, thì đây sẽ là một dấu mốc chính trị lớn đối với nước Pháp: lần đầu tiên trong 60 năm các đảng chính của cả cánh tả lẫn cánh hữu đều không góp mặt trong vòng bầu cử thứ hai.

Pháp chưa phải trải qua một cuộc hỗn loạn chính trị như vậy từ năm 1958, khi giữa Chiến tranh Algerie, tướng Charles de Gaulle lên nắm quyền và soạn thảo bản Hiến pháp của nền Cộng hòa thứ Năm. Diến biến này, giống như bất kỳ đứt gãy chính trị lớn nào khác, đều được thúc đẩy bởi sự kết hợp giữa các động lực nền tảng sâu xa và hoàn cảnh cụ thể.

Ngày nay cũng không khác. Thứ nhất, động lực nền tảng: sự trỗi dậy, giống như ở các nước phát triển nhất ngày nay, của sự mất lòng tin của công chúng đối với giới tinh hoa, cảm giác bị tước quyền, nỗi sợ toàn cầu hóa kinh tế và di cư, và nỗi lo địa vị xã hội xuống dốc và bất bình đẳng gia tăng.

Những cảm giác này – cùng với vai trò lịch sử của nhà nước Pháp trong việc thúc đẩy bản sắc dân tộc và phát triển kinh tế – đã góp phần vào làn sóng ủng hộ Mặt trận Quốc gia. Thông điệp dân tộc chủ nghĩa, bài ngoại và các chính sách kinh tế dân túy của Le Pen giống hệt như của ứng cử viên cực tả Jean-Luc Mélenchon.

Mặc dù sự ủng hộ dành cho Mặt trận Quốc gia đã gia tăng trong hơn một thập niên qua, đảng này cho đến nay vẫn nằm ngoài quyền lực do hệ thống bầu cử hai vòng của Pháp cho phép cử tri có thể đoàn kết chống lại nó trong vòng thứ hai. Và, do Mặt trận Quốc gia không có khả năng thành lập liên minh, quyền lực vẫn nằm trong tay các đảng chính của cánh tả và cánh hữu, ngay cả khi Pháp đã dần hướng tới một hệ thống chính trị ba đảng.

Macron đang tận dụng hoàn cảnh hiện tại để thúc đẩy hệ thống ba đảng. Tầm nhìn lớn của Macron mà ban đầu rất ít người nhận ra là sự chia rẽ tả-hữu đã cản trở sự tiến bộ, và cuộc bầu cử tổng thống là một cơ hội vàng để thoát ra khỏi điều đó mà không cần sự trợ giúp của một phong trào chính trị có tổ chức. Khi người Pháp ngày càng phản đối cơ cấu đảng phái truyền thống, điểm yếu ban đầu của Macron đã nhanh chóng trở thành sức mạnh.

Như Macron tự mình nhận ra, cả cánh hữu lẫn cánh tả đều phân mảnh trong những năm gần đây. Điều này đặc biệt đúng ở cánh tả, nơi sự chia rẽ xuất hiện rõ giữa nhóm cải cách, dẫn đầu là cựu Thủ tướng Manuel Valls, và nhóm thủ cựu, với đại diện là ứng cử viên Đảng Xã hội Benoît Hamon. Vấn đề của Đảng Xã hội càng phức tạp do sự hiện diện của một nhóm cánh tả cấp tiến đang hoạt động tích cực nhằm loại bỏ họ, giống như Đảng Podemos cánh tả của Tây Ban Nha đã tìm cách thay thế Đảng Công nhân Xã hội ở nước này.

Nguồn gốc khó khăn của cánh hữu chủ lưu thì ít rõ ràng hơn. Các lực lượng cánh hữu nói chung vẫn thống nhất về các vấn đề kinh tế và xã hội. Trên thực tế, cho đến tận vài tháng trước, ứng cử viên cánh hữu François Fillon của Đảng Cộng hòa vẫn được chờ đợi là sẽ dẫn đầu vòng bầu cử thứ nhất với khoảng cách lớn. Nhưng một vụ bê bối liên quan đến hành vi cá nhân (ông được cho là đã trả lương khống cho vợ con mình trong thời gian còn là nghị sĩ) đã làm tổn hại đến vị thế ứng cử viên của ông – có lẽ đến mức chí tử.

Bất kể lý do gây ra sự suy thoái của cánh hữu là gì đi chăng nữa thì Macron cũng đã được hưởng lợi đáng kể từ đó, cũng như từ những đứt gãy ảnh hưởng đến cánh tả. Hiện nay, ứng cử viên độc lập trẻ tuổi này đang thực sự có cơ hội để trở thành tổng thống đắc cử vào ngày 7 tháng 5, lật đổ hệ thống chính trị của nền Cộng hòa thứ Năm.

Nhưng thắng cử chỉ là bước đầu tiên. Để quản trị chế độ nghị viện tổng thống lai của Pháp, Macron cần đảm bảo được một đa số trong Quốc hội. Điều này mở ra hai kịch bản.

Trong kịch bản thứ nhất, Macron sẽ nhanh chóng giành được một đa số trong Quốc hội, khi cử tri Pháp tìm cách củng cố nhiệm kỳ của ông trong cuộc bầu cử Quốc hội tháng 6. Điều này là khả dĩ, nhưng lại không chắc chắn: đây là nơi mà việc thiếu đi một phong trào chính trị có tổ chức trong dân chúng vẫn là một điểm yếu đối với Macron.

Do vậy mà cuộc bầu cử tháng 6 có thể dẫn đến kịch bản thứ hai: chung sống với một liên minh ở Quốc hội, bao gồm một nhóm cánh hữu nhỏ, một nhóm trung dung lớn, và một nhóm cánh tả bị chia rẽ một cách vô vọng. Diễn biến như vậy sẽ là điều quen thuộc ở nhiều nước châu Âu. Nhưng ở Pháp, nơi chủ nghĩa cộng hòa đã làm nổi lên phổ ý thức hệ tả-hữu vốn định hình nền chính trị trên toàn phương Tây ngày nay, đó sẽ là một cuộc cách mạng đích thực – một cuộc cách mạng có thể đặt dấu chấm hết cho Đảng Xã hội.

Với quyền lực biểu trưng của sự chia rẽ tả-hữu, cử tri cũng như các nhà lãnh đạo của nước Pháp từ lâu đã có xu hướng đóng khung ý thức hệ cho gần như mọi vấn đề của đất nước. Công chúng và các chính trị gia có rất ít kinh nghiệm với một chính phủ dựa trên các thỏa thuận liên minh rộng rãi. Điều này lý giải một phần tại sao hệ thống chính trị Pháp đã trở nên bế tắc, đôi khi khiến các cải cách khó thực hiện, và tại sao thông điệp của Macron, bao gồm các kế hoạch cải cách rõ ràng, lại bất thường đối với nước Pháp đến thế.

Nếu bằng cách nào đó Le Pen lên nắm quyền thì nền chính trị Pháp – chưa nói đến Liên minh châu Âu – sẽ bị đảo lộn. Nhưng ngay cả Macron vốn có vẻ ngoài ôn hòa cũng thể hiện một lập trường cấp tiến thực sự, theo cách của riêng ông. Với việc cả hai ứng cử viên này rất có thể sẽ lọt vào vòng bầu cử thứ hai, Pháp đang đứng trên bờ vực của một cuộc cách mạng chính trị, bất kể là ai thắng.

*
Zaki Laïdi, giáo sư ngành Quan hệ Quốc tế tại Sciences Po, nguyên là cố vấn chính trị cho Thủ tướng Pháp Manuel Valls. Cuốn sách gần đây nhất của ông là Le reflux de l’Europe.

Copyright: Project Syndicate 2017 – The Coming French Revolution

Nguồn: Zaki Laïdi, “The Coming French Revolution,” Project Syndicate, 17/04/2017.






No comments: