Khi viết những lời này, tôi biết phần đông các bạn
giận hoặc ghét tôi lắm, các bạn phóng viên nội chính trong làng báo Việt Nam.
Có thể các bạn sẽ bảo tôi nói toàn những điều rác rưởi,
“mày không nói thì có ai bảo mày ngu
đâu”.
Nhưng tôi nghĩ mình vẫn nên liều “đổ dầu vào lửa”
xem sao. Tôi muốn nói bởi vì đây là một quan sát từ lâu của tôi, tôi không nêu
ra lúc này (sau vụ Đồng Tâm) thì cũng sẽ nêu lúc khác.
Ấy là chuyện về cái tâm lý “hội chứng Stockholm”
trong mỗi người làm báo.
* * *
Hội chứng Stockholm là gì thì chắc nhiều người biết
rồi, nó là “thuật ngữ mô tả một loạt những trạng thái tâm lý, trong đó con tin
lâu ngày chuyển từ cảm giác sợ hãi, căm ghét sang quý mến, đồng cảm, có thể tới
mức bảo vệ và phát triển phẩm chất xấu của kẻ bắt cóc”.
(Đây là định nghĩa tôi lấy từ Wikipedia, không hoàn
toàn đáng tin cậy, định nghĩa gốc thì không tìm được – tuy vậy vì thực dụng,
tôi xin phép dùng tạm).
Phần sau của định nghĩa quan trọng hơn: “Tuy nhiên, những cảm xúc nói trên của nạn
nhân hoàn toàn vô lý vì họ đang nhầm lẫn hành vi hành hạ với lòng tốt của kẻ bắt
cóc, mặc cho những nguy hiểm mà họ đã phải trải qua”.
Tôi nhận thấy đa số nhà báo Việt Nam, nhất là trong
mảng nội chính, có biểu hiện của hội chứng Stockholm ở thể nhẹ.
Xin nhấn mạnh là “thể nhẹ”, bởi vì các nhà báo đó
chưa tới mức sợ hãi, căm ghét thủ phạm, họ cũng chưa thấy ai là kẻ bắt cóc,
hành hạ họ cả. Tâm lý phổ biến của họ chỉ mới ở mức thông cảm với chính quyền,
với các quan chức, cán bộ Đảng và Nhà nước mà họ thường xuyên tiếp xúc do yêu cầu
công việc.
Đó là một điều hoàn toàn có thể hiểu được.
Khi không gần gũi quan chức chính quyền, ta không thể
hiểu hết họ – cho dù có đọc báo, xem tivi, nghe đài về họ nhiều đến mấy đi
chăng nữa. Nhất là, nếu chỉ qua mạng Internet, đọc bài của “thế lực thù địch”
hay những kẻ “bất mãn, chống đối chính quyền”, ta sẽ thấy quan chức hiện lên
như ác quỷ, hay ít nhất cũng như một lực lượng vừa ngu dốt vừa tham nhũng, tóm
lại là xấu xa.
Chỉ khi gặp gỡ thường xuyên, gần gũi, tiếp xúc trực
tiếp với họ, ta mới chứng kiến những gì họ làm, nghe những lời họ nói, tận mắt
nhìn nét mặt, cử chỉ, điệu bộ của họ. Khi đó, ta sẽ thấy điều gì? Gạt bỏ hết
cái vỏ ngoài quan chức, bộ complet (hoặc quân phục), những phòng họp máy lạnh,
xe hơi, cảnh vệ, thư ký, v.v. thì họ cũng chỉ là những người bình thường như
ta.
Ta sẽ thấy Nguyễn Tấn Dũng không phải là “thủ tướng
tưởng thú”, “y tá Dũng”, kẻ tham nhũng và kéo lùi nền kinh tế đất nước nhiều
năm, mà chỉ còn là một người cha thương con hết mực, một vị thủ trưởng có tình
có nghĩa, hết lòng bảo vệ lính, một nhà lãnh đạo quyết đoán, từng tuyên bố
“không đổi chủ quyền lấy tình hữu nghị viển vông”.
Ta sẽ thấy Nguyễn Phú Trọng không phải “đảng trưởng”,
“tổng bí lú”, mà chỉ còn là một ông giáo tóc bạc kính trắng, một trí thức hiền
lành nho nhã, một cán bộ cao cấp mà trong sạch, không tham nhũng.
Tiếp xúc sâu hơn nữa, ta sẽ còn thấy những giây phút
các nhà lãnh đạo căng thẳng lo “đàm phán với Trung Quốc, quyết tâm bảo vệ chủ
quyền đất nước”, ngặt nỗi “Trung Quốc mạnh quá, rắn quá, mà Việt Nam thì nội lực
yếu”. Ta sẽ nghĩ: Làm gì có chuyện lãnh đạo bán nước, đ.mẹ cái bọn phản động chỉ
bôi nhọ là giỏi.
Ta sẽ thấy những khoảnh khắc thật là cảm động, khi
các vị đại biểu quốc hội đi xe riêng đến điểm nóng gặp dân, không quên mua cho
phóng viên và người đồng nhiệm miếng bánh mì lót dạ. Hay là khi các vị ấy lặng
lẽ thu thập tài liệu và thức đêm ngồi đọc, tự mình tìm hiểu vấn đề để cố gắng
giúp dân theo cách của mình…
Và rồi ta sẽ nổi giận khi bọn phản động hằn học, bất
mãn ra sức họ, chê bai bỉ bôi họ. Ta sẽ nghĩ: Đ.mẹ cái lũ não phẳng chỉ chửi đổng
là giỏi.
Đơn giản bởi vì ta đã chứng kiến những gì chúng
không được chứng kiến. Ta tự tin rằng ta “có thông tin” còn chúng thì không,
chúng chẳng biết cái quái gì.
Chỉ có điều, khi mê mải với những sự thật đó, ta
quên mất một sự thật khác quan trọng hơn nhiều, rằng: Thực ra, những việc ấy là
điều mà quan chức nhà nước, đại biểu quốc hội phải làm, đó là NGHĨA VỤ của họ,
hoặc cũng là chuyện họ nên làm để lấy lòng dân chúng. Họ không thực hiện thì họ
đáng bị lên án, còn nếu thực hiện, thì là bình thường, đúng chức năng phận sự,
không có gì đáng để ca ngợi.
Và còn nữa, khi mê mải với những việc làm tốt, những
cử chỉ thân thiện của quan chức, ta cũng quên luôn là nhà nước này định hướng
thông tin tuyên truyền, kiểm soát báo chí đến mức nào.
* * *
Sự tiếp xúc, gần gũi thường xuyên của các phóng
viên, nhà báo với quan chức dần dần sẽ tạo ra tâm lý cảm thông của họ với quan
chức nói riêng và bộ máy chính quyền nói chung.
Đây là điều có thật, là xu hướng có thể xảy ra với tất
cả nhà báo trên thế giới chứ không riêng Việt Nam, và là trong quan hệ giữa nhà
báo với mọi thành phần xã hội chứ không riêng với chính quyền. Tuy nhiên, rõ
ràng là trong các giới trong xã hội, thì quan chức nhà nước và doanh nghiệp là
hai nhóm có khả năng mua chuộc nhà báo cao nhất.
Vì thế, trong báo chí phương Tây thường có lời
khuyên dành cho các nhà báo: “Hãy tránh xa những công ty mua quảng cáo trên báo
của bạn”.
Tương tự, người làm báo chính trị nên cố gắng giữ
khoảng cách với quan chức chính quyền, đừng thân thiết quá với họ, để không nảy
sinh tâm lý cảm thông và chia sẻ, nhất là để tránh trở thành phát ngôn
viên/nhân viên PR/cán bộ tuyên truyền của các lãnh đạo.
Tôi biết những điều này rất khó áp dụng ở Việt Nam.
Trong nền báo chí công cụ, nhà báo giỏi là người quan hệ rộng, quan hệ sâu với
quan chức. Nếu bị bất kỳ cá nhân lãnh đạo hay cơ quan nhà nước nào ghét, tẩy
chay, dẫn đến mất nguồn tin, thì chỉ có nhà báo thiệt.
Tôi hiểu tình trạng đó và cũng hiểu trình độ của
mình ở mức nào, nên không dám và không có tư cách để “răn dạy” hay “khuyên” các
bạn điều gì. Chỉ xin các bạn cảnh giác với “hội chứng Stockholm” – tâm lý thông
cảm với những người lẽ ra phải chủ động làm những việc thuộc nghĩa vụ của họ.
Xin đừng tự tin với việc mình “có thông tin”, bởi một
xã hội trong đó nhà báo và công an tự tin vì mình “có thông tin chính thống”,
như một lợi thế so với người dân, là một XÃ HỘI MAN RỢ.
Và cũng xin các bạn bớt hằn học với “bọn phản động”
suốt ngày bới móc và rình cơ hội chửi rủa chính quyền. Về căn bản, họ chỉ là những
người dân thường đã và đang đòi hỏi ở giới lãnh đạo những điều bình thường.
No comments:
Post a Comment