Saturday, April 29, 2017

30/4/1975, NGÀY QUỐC HẬN ? AI THẮNG, AI BẠI, VÌ SAO ? (Nguyễn Gia Kiểng - Thông Luận)




29/04/2017

Không phải chỉ nhân dân miền Nam thất bại mà chính người miền Bắc cũng thất bại.
Những người thực sự chiến thắng chỉ là một vài ngàn người, có khi chỉ vài trăm người, chung quanh hai ông Lê Duẩn và Lê Đức Thọ. Họ khống chế Đảng cộng sản và dùng Đảng cộng sản để khuất phục và khống chế dân tộc Việt Nam. Đó là một thảm kịch quốc gia mà chúng ta vẫn chưa thoát khỏi.
Phải nói là tâm trạng chúng tôi lúc đó rất tuyệt vọng.

Lời giới thiệu : 42 năm đã qua kể từ ngày 30/4/1975. Năm nay chính quyền cộng sản Việt Nam có vẻ không còn chuẩn bị để kỷ niệm tưng bừng "chiến thắng lịch sử 30/4/1975" như mọi năm nữa. Họ đang lúng túng đối phó với những khó khăn chồng chất, hơn nữa cái hào quang chiến thắng mà Đảng cộng sản Việt Nam thường khoe khoang trong mỗi dịp kỷ niệm ngày 30/4 cũng đã trở thành quá nhàm chán khi mà sư lệ thuộc Trung Quốc đã quá lộ liễu và hơn thế nữa còn đang gây phẫn nộ sau thảm họa Formosa.

Sư lúng túng này sẽ đưa đảng và chế độ cộng sản tới đâu ? Sau 42 năm cầm quyền Đảng cộng sản đã phơi bày rõ ràng bản chất đạo tặc và tham nhũng, nhưng tại sao họ đã toàn thắng vào ngày 30/4/1975 và vẫn còn giữ được chính quyền ?

Kỷ niệm 42 năm biến cố 30/4/1975, từ Paris ông Nguyễn Gia Kiểng, thường trực ban lãnh đạo Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên, cựu thứ trưởng kinh tế và một nhân chứng của biến cố 30/4/1975 và cũng là người đã viết nhiều bài gây chú ý về biến cố lịch sử này đã có cuộc trò chuyện với nhà báo Trần Quang Thành.

Nội dung như sau - Mời quí vị cùng theo dõi.

*********************

(Youtube PV ông Nguyễn Gia Kiểng)

Ông Nguyễn Gia Kiểng trả lời phỏng vấn của nhà báo Trần Quang Thành
Văn bản lược ghi cuộc trò chuyện

Trần Quang Thành : Xin chào ông Nguyễn Gia Kiểng !
Nguyễn Gia Kiểng : Xin chào ông Trần Quang Thành !
.

TQT : Thưa ông Nguyễn Gia Kiểng, biến cố 30/4/1975 diễn ra đã tròn 42 năm. Gần nửa thế kỷ nhìn lại, ngày đó ông đang ở đâu và ký ức gì vẫn còn sâu đậm trong trí nhớ của ông đến ngày hôm nay ?

NGK : Vào ngày 30/4/1975 tôi đang ở Sài Gòn. Trước đó tôi đã có nhiều cơ hội để ra khỏi Việt Nam. Nhưng vì nhiều lý do vẫn phải ở lại không thể đi được. Một trong những lý do quan trọng là trước đó vài ngày miền Nam đã có thay đổi chính phủ và ông Phan Bá Cầm được chỉ định làm bộ trưởng kinh tế. Chúng tôi phải đợi ông Phan Bá Cầm đến để bàn giao thì mới hết trách nhiệm. Nhưng ông Phan Bá Cầm không bao giờ đến cả. Đêm 29/4 tôi và một số bạn có đến một điểm hẹn với một chuyên gia kinh tế của Mỹ. Ông này cho biết có phương tiện đưa chúng tôi ra khỏi Việt Nam. Chúng tôi chờ đến tận nửa đêm vẫn không thấy ông ấy nên phải ra về. Sau này chúng tôi được biết là ông ấy bị sứ quán Mỹ bắt di tản khẩn cấp. Lúc đó Sài Gòn đã hoàn toàn hỗn loạn. Sáng 30/4 theo sự chỉ dẫn của môt người thân tôi ra bến tầu định lên tầu Đại Hải để ra đi. Đến bến tàu thấy không khí hết sức hỗn loạn và nhốn nhào không thể nào lên tàu được. Trong khi đang hoang mang không biết phải làm gì thì nghe trên đài phát thanh có tuyên bố của ông đại tướng Dương Văn Minh vừa lên làm tổng thống mời quân cộng sản vào để bàn giao quyền hành. Chúng tôi đi về và trên đường đã thấy cảnh hôi của. Về đến nhà chưa được bao lâu thì nghe lời tuyên bố đầu hàng không điều kiện của ông Dương Văn Minh. Thế rồi tiếng xe tăng của quân đội cộng sản từ khắp các nẻo đường tiến vào trung tâm Sài Gòn cùng với những tiếng súng và tiếng reo mừng chiến thắng. Bất lực, bối rối, tuyệt vọng là những từ không đủ để mô tả tâm trạng của những người như chúng tôi lúc đó. Sáng hôm sau chúng tôi đến tiệm cà phê Givral ở góc đường Lê Lợi - Tự Do nay là Đồng Khởi để gặp các bạn chuyên viên cùng ở Pháp về. Trước đó chúng tôi có hẹn nhau khi cộng sản vào thì những người nào còn kẹt lại đến đó gặp nhau. Phải nói là tâm trạng chúng tôi lúc đó rất tuyệt vọng. Ngày hôm sau một người bạn của tôi là anh Nguyễn Trọng Huân, cựu chủ tịch Tổng Hội Sinh Viên Việt Nam tại Paris, tự tử. Như thế đủ hiểu tâm trạng chúng tôi tuyệt vọng đến mức nào.

Chiều 1/5 tôi vào bệnh viện Grall. Tại đó chúng tôi gặp rất nhiều viên chức thuộc chế độ Việt Nam Cộng Hòa trong đó có cả ông cựu bộ trưởng Trần Chánh Thành và ông cựu thủ tướng Phan Huy Quát. Tất cả những anh em đó họ vào bệnh viện Grall vì họ tin rằng bệnh viện Grall là một bệnh viện của Pháp nên có thể được coi như là lãnh thổ của Pháp vì thế họ có thể an toàn và sau đó có thể được chính quyền Pháp di tản. Thế nhưng điều này không đúng. Do một sự tình cờ tôi có quen với ông thiếu tướng quân y giám đốc bệnh viện Grall là ông bác sĩ Rainbault. Qua ông này tôi biết bệnh viện Grall đã được chuyển giao cho chính phủ Viêt Nam Cộng Hòa trước đó khá lâu rồi nên lúc đó nó là một bệnh viện Việt Nam, các bác sĩ người Pháp ở lại trong bệnh viện đó là do một thỏa hiệp giữa hai chinh phủ mà thôi. Các bạn tôi rất thất vọng khi nghe tôi nói như vậy. Ngày hôm sau ông Trần Chánh Thành tự tử. Cụ Phan Huy Quát, cựu thủ tướng, bị bắt đi học tập cải tạo và sau nay cụ chết trong tù.
Phải nói những kỷ niệm về ngày 30/4 nhiều lắm. Tất cả đều không thể mô tả bằng ngôn ngữ bình thường. Có thể nói đó là những kỷ niệm "sống để bụng, chết mang theo".
.

TQT : Vâng, sống để bụng chết mang theo là những kỷ niệm mà ông Nguyễn Gia Kiểng vẫn còn nhớ được tại Pháp. Những gì đã xẩy ra sau ngày 30/4 trên đất nước mình ?

NGK : Xin nói thêm là vào những ngày kế tiếp tôi có tới gặp ông Nguyễn Văn Diệp là bộ trưởng kinh tế cuối cùng của Việt Nam Cộng Hòa. Tôi là phụ tá của ông ấy. Thực ra ông Nguyễn Văn Diệp không phải là một bộ trưởng kinh tế bình thường. Trước đó ông Diệp là một đảng viên cộng sản và là một thành viên của Ủy Ban Trung Ương Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam. Ông ấy bị bắt, bị tù và sau đó ra làm ngân hàng. Ông ấy được bổ nhiệm làm bộ trưởng thực ra chỉ để làm bình phong thôi. Vai trò thực sự của ông là giúp chính quyền Nguyễn Văn Thiệu tìm cách liên lạc với bên cộng sản và tìm một hình thức thỏa hiệp nào đó, vì lúc đó rõ ràng là Hoa Kỳ đã quyết định bỏ rơi Việt Nam và rút đi rồi. Ông Nguyễn Văn Diệp không phải là một cán bộ nằm vùng như ông Vũ Ngọc Nhạ, ông Phạm Ngọc Thảo hay ông Phạm Xuân Ẩn. Khi đến gặp ông Diệp tôi cũng được gặp nhiều cấp lãnh đạo cộng sản.
Hai tuần sau tôi được gặp ông La Văn Liếm, tức là ông La Văn Lâm, tên thường gọi là Tám Lâm. Ông này mời tôi đến văn phòng của ông ở ngân hàng Việt Nam Thương Tín. Ông La Văn Liếm là một nhân vật rất đặc biệt mà tôi chắc ông Thành cũng phải biết. Ông ấy là một huyền thoại. Trong thời gian Cách Mạng Tháng Tám, ông là trưởng ban ám sát của cộng sản ở vùng Sài Gòn - Chợ Lớn. Rất nhiều người quốc gia đã bị ông ấy hạ sát. Có người còn nói rằng vào thời điểm đó trẻ con nghe tên ông La Văn Liếm không dám khóc đêm. Cho nên khi tôi được ông ấy mời các bạn tôi rất lo âu. Họ nghĩ đó là một điềm không lành và có lẽ vì công an cộng sản đã khám phá ra tôi là một người lãnh đạo phong trào chống cộng ở hải ngoai khi tôi còn ở nước ngoài. Nhưng khi tôi đến thì câu chuyện khác hẳn. Tôi nhận ra bà vợ ông La Văn Liếm là một nhân viên ở bộ kinh tế. Bà rất tươi cười và nói với tôi rằng bà đã quan sát tôi và rất có cảm tình với tôi. Thực ra tôi chỉ đối xử với bà như đối với mọi nhân viên khác. Ông bà Liếm mời tôi ở lại ăn cơm. Họ nói rằng họ sẽ bảo đảm an ninh cho tôi và họ có đủ khả năng để bảo đảm hoàn toàn an ninh cho tôi, tôi sẽ không phải đi học tập gì cả. Qua câu chuyện tôi cũng được biết là sau khi ra tập kết ở Hà Nội ông đã chuyển ngành đi làm kinh tế và giờ ông là một trong những người vào để tiếp thu kinh tế miền Nam.
Qua ông Nguyễn Văn Diệp và ông La Văn Liếm tôi cũng được nói chuyện với nhiều cán bộ cộng sản khác. Và dĩ nhiên cũng được nghe rất nhiều bản diễn văn, tuyên bố, phát biểu dồn dập của các cấp lãnh đạo cộng sản.

Phải nói về mặt an ninh, tôi gần như được hai ông Nguyễn Văn Diệp và La Văn Liếm bảo đảm hoàn toàn. Thế nhưng điều làm tôi kinh hoàng là trình độ hiểu biết của đa số các cấp lãnh đạo cộng sản mà tôi tiếp xúc lúc đó. Họ không biết ngay cả những kiến thức rất sơ đẳng. Họ nói những điều không thể tưởng tượng được. Thí dụ như là về khoa học kỹ thuật Liên Xô vượt hẳn Mỹ, Việt Nam trong vòng mười năm nữa sẽ bắt kịp các nước tiên tiến. Và rất nhiều điều rất hoang đường khác. Đặc tính của những người dốt họ không biết mình dốt và nói những điều ngây ngô một cách đầy tự tin. Cảm tưởng của tôi lúc đó là cảm tưởng chua chát như nhìn thấy một đạo quân man rợ tràn ngập lên một nền văn minh.

Cuối tháng 5 thì được thông cáo các viên chức, công chức, quân nhân của chế độ Việt Nam Cộng Hòa phải ra trình diện để đi học tập cải tạo. Cũng qua ông Diệp, ông Liếm và qua các tiếp xúc, tôi hiểu rằng những người đi học tập cải tạo đó sẽ không phải chỉ đi trong vài ngày, vài tuần mà thời gian sẽ rất là dài. Tôi nói với hai ông Nguyễn Văn Diệp và La Văn Liếm rằng tôi rất cảm ơn họ nhưng không thể chấp nhận sự bảo vệ của họ được. Tôi nói với họ là tôi sẽ đi học tập cải tạo như bao nhiêu người khác hoặc là tôi sẽ trốn đi. Tôi không thể để bạn bè nhìn mình như một kẻ phản bội. Sau đó tôi trốn về miền Tây để dự định trốn ra nước ngoài nhưng bị bắt. Cũng nhờ hai ông Nguyễn Văn Diệp và La Văn Liếm tôi không bị đi cải tạo nhiều năm mà chỉ trong vòng ba năm rưỡi mà thôi.
.

TQT : Thưa ông Nguyễn Gia Kiểng. Ông vừa kể lại một vài nét về biến cố 30/4 mà ông đã chứng kiến. Ông cũng đã kể lại về những người cộng sản đầu tiên mà ông đã tiếp cận ngay những ngày đầu đó và đã để lại cho ông nỗi thất vọng.
Chúng tôi muốn hỏi ông một điều. Như ông vừa nói so với trình độ khoa học kỹ thuật, về nhiều nhận thức, kiến thức những người đó rất tầm thường. So về nhiều khía cạnh kinh tế, văn hóa, xã hội Việt Nam Cộng Hòa lúc đó đang được coi là hòn ngọc của Viễn Đông, mạnh mẽ về nhiều mặt, tự do tư tưởng bắt đầu manh nha, lại được Mỹ giúp sức nữa. Môt chế độ như vậy tại sao lại không đánh thắng được chế độ cộng sản què quặt, lạc hậu, để nó xâm chiếm được miền Nam thưa ông ?

NGK : Bây giờ bình tĩnh nghĩ lại thì lý do đầu tiên phải nói là Đảng cộng sản là một lực lượng khủng bố.

Muốn chống lại được một lực lượng khủng bố với những phương tiện cổ điển có lẽ phải có tương quan lực lượng 100 hay 1.000 chống lại 1. Trong nhiều năm qua chúng ta đã chứng kiến thế giới chật vật mà cũng không dẹp hẳn được lực lượng khủng bố Hồi giáo toàn nguyên chỉ có vào khoảng 10.000 người thôi. Cho nên chống khủng bố là một điều rất khó khăn. Hơn nữa phong trào cộng sản lúc đó lại được một bối cảnh thế giới rất thuận lợi. Tôi ở bên Pháp được chứng kiến tận mắt hàng ngày. Lúc đó khủng bố không bị coi là hành động hèn nhát và thô bỉ như bây giờ đâu, trái lại nó được xưng tụng như một hành động anh hùng. Che Guevara, Fidel Castro, Hồ Chí Minh được coi là những thần tượng trong các cuộc biểu tình xảy ra hàng ngày tại Mỹ và Âu Châu.

Cho nên muốn thắng được khủng bố phải dứt khoát tranh thủ được lòng dân. Chế độ Việt Nam Cộng Hòa không làm được điều đó và cũng không ý thức thức được điều đó.

Và cũng không chỉ có thế. Chúng ta nên biết rằng khi một chính quyền phải đương đầu với môt cuộc chiến đấu sống còn thì lực lượng chỉ đạo phải là lực lượng chính trị và lực lượng này phải chỉ huy, phải điều khiển các lực lượng vũ trang. Tuy vậy phe chống cộng - Quốc Gia Việt Nam từ năm 1948 đến năm 1955, Việt Nam Cộng Hòa từ 1955 đến 1975 - hoàn toàn không có lực lượng chính trị đó. Họ chỉ là một bộ máy quân sự và hành chính, một bộ máy được tiếp liệu chủ yếu nhờ viện trợ của Hoa Kỳ. Cho nên khi Hoa Kỳ quyết định rút khỏi Việt Nam và cắt viện trợ thì chế độ bị kiệt quệ rất nhanh chóng. Lúc đó tôi ở trong chế độ Việt Nam Cộng Hòa nên có thể làm chứng cho sự kiệt quệ toàn bộ này. Đó chính là lý do khiến chế độ Việt Nam Cộng Hòa sụp đổ nhanh chóng sau khi bị Hoa Kỳ bỏ rơi một thời gian và cộng sản mở đợt tổng tấn công. Cần nhấn mạnh Việt Nam Cộng Hòa không có một lực lượng chính trị. Nó chỉ là một bộ máy hành chính và quân sự thôi. Nó giống như một bộ máy không có người điều khiển.

Chúng ta cũng không nên đổ lỗi cho Hoa Kỳ đã bỏ rơi Việt Nam. Điều đó không đúng. Sự thật là Hoa Kỳ đã can thiệp vào Việt Nam 15 năm. Trong suốt lịch sử của Hoa Kỳ chưa bào giờ họ kiên nhẫn trong một cuộc can thiệp vào nước ngoài như ở Việt Nam. Phải nói chế độ Việt Nam Cộng Hòa không tồn tại được vì không có sức sống chứ không phải vì bị Hoa Kỳ bỏ rơi.
.

TQT : Vâng, Việt Nam Cộng Hòa lúc đó không còn sức sống nên bị cộng sản thừa cơ xâm chiếm và lấy được miền Nam.
42 năm qua, người Việt sau khi di tản đã lấy ngày 30/4/1975 làm ngày quốc hận. Hàng năm cứ đến ngày 30/4, người Việt hải ngoại tỵ nạn cộng sản đều tổ chức ngày quốc hận.
Nhưng tôi nghĩ hình như Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên, mà ông Nguyễn Gia Kiểng là một trong những người lãnh đạo chủ chốt, lại xem ngày 30/4/1975 không phải là ngày quốc hận. Tại sao như vậy thưa ông ?

NGK : Quả thực anh em chúng tôi không gọi ngày 30/4 là một ngày quốc hận. Trước hết chữ "hận" thường đi đôi với hận thù, đó là điều chúng ta nên tránh. Nhưng lý do chính là "quốc hận" có nghĩa là một tai họa cho quốc gia đáng lẽ có thể tránh được nhưng đã xẩy ra vì một lý do đáng tiếc nào đó. Điều này không đúng. Chiến thắng của Đảng Cộng sản Việt Nam là điều không thể tránh được trong bối cảnh quốc tế và quốc gia vào lúc đó, nhất là bối cảnh quốc gia.

Ngày 30/4/1975 đã chính thức hóa một thất bại thê thảm nhưng không thể tránh được của toàn dân tộc Việt Nam. Không phải chỉ nhân dân miền Nam thất bại mà chính người miền Bắc cũng thất bại. Điều này tôi đã có thể nhận thấy ngay trước khi đi ở tù, chỉ sau một vài tuần tiếp xúc với những anh em từ miền Bắc tới tiếp thu, khi những cái mặt nạ đã rớt xuống và người ta có thể nói thực nhau. Họ không vui, nhiều người còn rất buồn vì Việt Nam Cộng Hòa đã không đủ quyết tâm chiến đấu để đến nỗi thất bại.

Sau này khi đọc những hồi ký của những cán bộ lão thành mà tôi chắc ông Thành cũng có đọc, tôi cũng thấy là trong đa số họ đã hiểu bản chất độc hại của đảng cộng sản ngay từ đầu nhưng không thể chống lại và do đó không dám chống lại. Tôi cũng đã tiếp xúc với nhiều quân nhân miền Bắc. Tuyệt đại đa số các bộ đội cũng chỉ vào Nam chiến đấu vì bị bắt buộc.

Những người thực sự chiến thắng chỉ là một vài ngàn người, có khi chỉ vài trăm người, chung quanh hai ông Lê Duẩn và Lê Đức Thọ. Họ khống chế Đảng cộng sản và dùng Đảng cộng sản để khuất phục và khống chế dân tộc Việt Nam. Đó là một thảm kịch quốc gia mà chúng ta vẫn chưa thoát khỏi.

Nguyên nhân của thảm kịch đó là di sản văn hóa Khổng giáo, trong đó những người có học thức chỉ có mộng ước được phục vụ một chính quyền dù là bạo ngược chứ không nghĩ là mình có trách nhiệm lãnh đạo xã hội và phục vụ dân tộc.

Sau năm 1975 đã có hàng ngàn cấp lãnh đạo Việt Nam Cộng Hòa, dân sự cũng như quân sự, ra được nước ngoài trong lứa tuổi cường tráng 30, 40, 50. Họ có đầy đủ phương tiện và kiến thức nhưng thử hỏi đã có bao nhiêu người tiếp tục tranh đấu cho những giá trị tự do dân chủ đã là lý do ra đời và tồn tại của chế độ Việt Nam Cộng Hòa ? Chỉ một vài người thôi.

Điều này chứng tỏ chế độ Việt Nam Cộng Hòa không có ý chí và sức sống. Và nó không có ý chí và sức sống bởi vì nó chỉ là một guồng máy hành chính và quân sự chứ không phải là một lực lượng chính trị có tổ chức. Những người lãnh đạo các chính quyền quốc gia chống cộng - từ chính quyền Bảo Đại tới chính quyền Nguyễn Văn Thiệu qua chính quyền Ngô Đình Diệm và Hội Đồng Quân Nhân sau ông Diệm - không ý thức được rằng sứ mệnh của họ là xây dựng một nước Việt Nam dân chủ và độc lập sau một thời gian dài mất chủ quyền và trước đe dọa của một phong trào cộng sản đang gặp thời cơ thuận lợi. Họ không có một tư tưởng chính trị và một dự án chính trị nào cho Việt Nam. Họ cũng không có một chiến lược để đấu tranh với Đảng cộng sản. Đối với họ chính trị chỉ là tranh nhau cầm quyền, tranh nhau làm quan.

Đại bộ phận những cấp lãnh đạo Việt Nam Cộng Hòa là những viên chức của thời Pháp thuộc. Vào ngày 30/4/1975 ông tổng thống Dương Văn Minh và ông bộ trưởng quốc phòng Trần Văn Đôn là hai cựu sĩ quan quân đội Pháp mặc dù người Pháp đã rút đi từ 20 năm rồi. Chế độ Việt Nam Cộng Hòa đã sụp đổ vì nó đã không biết đổi mới để thích nghi với những đòi hỏi mới của đất nước. Các đảng đã từng chiến đấu và hy sinh cho độc lập dân tộc như Việt Nam Quốc Dân Đảng và Đại Việt đều đã bị đàn áp và loại ra ngoài chính quyền.

Nói chung, chế độ Việt Nam Cộng Hòa không chỉ không có bản lĩnh chính trị mà còn không có cả điều mà ta có thể gọi là sự chính đáng lịch sử, cho nên đã không tranh thủ được sự ủng hộ của nhân dân và sự thất bại là không tránh khỏi. Nếu không hiểu được điều này, và tôi cảm tưởng rằng một số người vẫn chưa hiểu, thì chúng ta không thể tranh đấu có hiệu quả để đánh bại được Đảng cộng sản và giành thắng lợi cho dân chủ.

Cũng cần phải nói là trong sự xô bồ của nó chế độ Việt Nam Cộng Hòa trong 27 năm tồn tại đã tạo ra được một không gian tự do tương đối, và nhờ đó dần dần đã tạo ra được một lớp người trẻ có tinh thần dân tộc và kiến thức chính trị, nhưng lớp trẻ này vào thời điểm 1975 chưa nắm được những vai trò lãnh đạo quyết định thì cuộc chơi đã chấm dứt. Thảm kịch là ở chỗ đó.
.

TQT : 42 năm đã trôi qua. Cộng sản đã chiếm được và đặt ách thống trị trên toàn thể đất nước Việt Nam. Theo ông Nguyễn Gia Kiểng trong 42 năm qua những gì đã thay đổi nhiều nhất, những gì gây ấn tượng nhất mà ông thấy trên đất nước ? Và tương lai sẽ đi về đâu ?

NGK : Rất nhiều điều đã thay đổi. Sự cáo chung của chế độ cộng sản là điều hoàn toàn chắc chắn và không còn xa nữa.

Đảng cộng sản không còn bất cứ một sự chính đáng nào cả. Cái hào quang giả tạo của cuộc đấu tranh giành độc lập đã hoàn toàn tan biến. Đại bộ phận nhân dân Việt Nam ngày hôm nay nhìn hai cuộc chiến được gọi là "chống Pháp" và "chống Mỹ" như một cuộc nội chiến tội lỗi do Đảng cộng sản cố tình gây ra.

Phải nhấn mạnh không có tội nào lớn hơn tội gây ra nội chiến làm đồng bào bắn giết lẫn nhau và làm tan vỡ tinh thần dân tộc. Hào quang giả tạo giải phóng dân tộc đã hoàn toàn tiêu tan. Trái lại Đảng cộng sản đang được nhân dân nhìn như là một đảng đã đưa đất nước vào vòng lệ thuộc Trung Quốc, một quan thầy có bản năng lấn chiếm. Đảng cộng sản đã nhường cho Trung Quốc hơn 700 km vuông đất ở biên giới phía Bắc, đã cho Trung Quốc thuê dài hạn nhiều khu rừng đầu nguồn, đã dâng cho Trung Quốc một số đảo tại Trường Sa, để Trung Quốc dựa vào đó mà vẽ ra cái đườn lưỡi bò quái đản làm cả thế giới phẫn nộ, đã cho Trung Quốc lập những khu của riêng người Trung Quốc khắp nơi trên lãnh thổ Việt Nam và lập những công ty hủy hoại môi trường. Formosa là hậu quả kinh hoàng nhất nhưng cũng chỉ là một trong những thí dụ mà thôi. Họ còn đàn áp thô bạo và cho công an và côn đồ đánh đập dã man những người dân chủ. Dưới mắt nhân dân Việt Nam, chế độ cộng sản là một lực lượng chiếm đóng tham lam thô bạo chứ không phải là một chính quyền Việt Nam.
Huyền thoại Hồ Chí Minh cũng đã hoàn toàn bị lố bịch hóa, đã trở thành một trò cười.
Còn chủ nghĩa Mac - Lênin ? Nó đã bị thế giới lên án như là một tội ác đối với nhân loại. Không còn một đảng viên cộng sản nào tin chủ nghĩa này cả, đại đa số còn không biết nó là gì. Ngay cả ông Nguyễn Phú Trọng và ông Đinh Thế Huynh cũng đã phải thấy nó sai và độc hại. Nền tảng ý thức hệ đã hoàn toàn sụp đổ.

Và cũng đừng quên rằng chế độ này đã bị tham nhũng và bất tài tàn phá đến độ kiệt quệ mất hết ý chí, tự trọng, đoàn kết nội bộ và cạn cả ngân quỹ. Nó đang khủng hoảng nặng cả về kinh tế lẫn đạo đức và chính trị vào giữa lúc mà một là sóng dân chủ mới, làn sóng dân chủ thứ tư trong lịch sử thế giới, đang dâng lên.

Mặt khác xã hội Việt Nam đã thay đổi. Lớp trí thức lão thành hụt hẫng về tư tưởng và lúng túng với quá khứ của mình đã qua đi.

42 năm đã trôi qua, ba phần tư người Việt chưa sinh ra hoặc còn quá nhỏ vào thời điểm 30/4/1975. Ngày 30/4/1975 đã hoàn toàn thuộc vào lịch sử. Xã hội Việt Nam đã hoàn toàn đổi mới.

Lớp trí thức mới, trưởng thành sau 1975, vừa dứt khoát với chủ nghĩa Mác - Lênin vừa nhìn rõ bản chất của chế độ cộng sản. Họ có kiến thức chính trị rộng hơn, vững hơn và chính xác hơn. Họ được thông tin nhanh chóng, đều đặn, đầy đủ. Họ biết thực trạng Việt Nam và những gì đang xẩy ra trên thế giới. Và họ ngày càng phẫn nộ với chế độ hiện tại, càng ngày càng thêm ý chí muốn thay đổi số phận của đất nước. Có thể nói, chúng ta đang chứng kiến sự ra đời của một lớp trí thức chính trị, một lớp người mà Việt Nam chưa bao giờ có và đang mong đợi. Một cuộc đổi đời nhất định phải đến.

Ngay trong lúc này, nhiều người cho rằng phong trào dân chủ đang rệu rã và khựng lại. Tôi không chia sẻ cái nhìn bi quan đó. Phong trào dân chủ Việt Nam đang tạm thời khựng lại vì một lớp trí thức chính trị đang thành hình và ngày càng đông đảo. Lớp trí thức chính trị này đang ý thức rằng phải xét lại phương thức đấu tranh, phải từ bỏ lối đấu tranh nhân sĩ, lối đấu tranh cá nhân và phải đấu tranh có tổ chức, bởi vì đấu tranh chính trị không bao giờ là đấu tranh cá nhân cả mà luôn luôn phải là đấu tranh có tổ chức. Và tổ chức phải được xây dựng một cách có bài bản trên một tư tưởng chính trị, một dự án chính trị và một đội ngũ nòng cốt. Tôi tin chắc rằng phong trào dân chủ sẽ khởi sắc sau cuộc xét lại rất cần thiết này. Đất nước nhất định sẽ thay đổi vì trên thực tế nó đã thay da đổi thịt.
.

TQT : Đất nước đã thay da đổi thịt. Đó là niềm tin vững chắc của người Việt Nam chúng ta khi nhìn về tương lai. Xin chia sẻ với ông Nguyễn Gia Kiểng niềm tin đó và xin cảm ơn ông.

Trần Quang Thành thực hiện
(29/04/2017)





No comments: