Trọng Thành - RFI
Phát Thứ Bảy, ngày 22 tháng 4 năm 2017
Tiếng
Nga sụt giảm vị thế ; Quốc tế ngữ vẫn tiếp tục thu hút, một thế kỷ sau khi người
sáng lập qua đời ; người giàu ở Nga càng giàu thêm nhờ khủng hoảng ; doanh nghiệp
Mỹ tại Venezuela phải chấp nhận quốc hữu hóa ; nghiên cứu chấn động về các chất
độc gây rối loạn nội tiết ở Pháp là các chủ đề của Tạp chí Thế Giới Đó Đây tuần
này.
Bản đồ sử dụng tiếng Nga. Màu xanh lục là những nước có dưới 30% dân nói
tiếng Nga. Ảnh : Wikipedia
Trong những tháng gần đây, chính quyền Matxcơva liên
tục lên án Ukraina có chính sách tiêu diệt tiếng Nga, với việc coi tiếng
Ukraina là ngôn ngữ chính thức duy nhất (tháng 2/2017). Ukraina vốn là một quốc
gia song ngữ, với tiếng Nga từng là tiếng chính thức số một vào thời Liên Xô.
Báo Nga Sputnik dẫn một nghiên cứu của viện Gallup, Hoa Kỳ, theo đó, hiện nay vẫn
có đến 83% người Ukraina thích sử dụng tiếng Nga trong đời sống hàng ngày.
Tuy nhiên, kể từ khi Liên Xô tan vỡ, Ukraina độc lập,
tình hình biến đổi mạnh, đặc biệt sau chính biến 2014, cuộc can thiệp của Nga
sáp nhập bán đảo Crimée và xung đột bùng phát tại miền đông Ukraina thân Nga.
Con số mà Sputnik dẫn ra bên trên là kết quả của một cuộc điều tra từ năm 2008.
Vị thế sụt giảm của tiếng Nga hiện nay không chỉ là
vấn đề riêng của Ukraina, mà đây là tình hình chung của hầu hết các nước cộng
hòa thuộc khối Liên Xô trước đây. Theo một nghiên cứu mới đây của Euromonitor
International, một văn phòng nghiên cứu thị trường thế giới (dựa trên các số liệu
thống kê quốc gia và của Liên Hiệp Quốc).
Thông tín viên Regis Gente cho biết cụ thể :
« Tại Gruzia này, tôi thấy rõ là rất nhiều
sinh viên không biết tiếng Nga, tiếng Anh ngày càng được dùng nhiều hơn. Từ khoảng
15 năm nay, tiếng Anh được hỗ trợ rất mạnh.
Còn tại Kazakhstan, một quốc gia Trung Á vốn có quan
hệ mật thiết với Nga, chỉ còn khoảng 20% người dùng tiếng Nga trong gia đình,
so với hơn 33 % hồi 1994.
Ukraina cũng vậy, tỉ lệ người coi tiếng Nga là ngôn
ngữ số một giảm từ 34% còn 24% trong vòng 22 năm. Tỉ lệ sụt giảm tương tự ở các
nước vùng Baltic. Một ngoại lệ duy nhất là Belarus, người nói tiếng Nga hiện
chiếm đến 71%, so với ít hơn một nửa hồi 1994 ».
Ngày 12/04 vừa qua, Kazakhstan quyết định ngừng sử dụng
hệ chữ cái Kirin (vốn được sử dụng nhiều trong các cộng đồng ngữ hệ Slave, chủ
yếu là Nga) để chuyển sang hệ chữ Latinh, trước năm 2025. Tổng thống Kazakhstan
giải thích sự chuyển hướng này cho phép đất nước hiện đại hóa dễ dàng hơn, cho
phép giới trẻ hội nhập thuận tiện hơn trong các trao đổi quốc tế, về văn hóa
cũng như thương mại.
Thông tín viên RFI chỉ ra hai nguyên nhân của tình
trạng này :
« Có hai lý do giải thích cho sự sụt giảm của
tiếng Nga. Thứ nhất là về mặt địa chính trị. Các nước cộng hòa Liên Xô cũ muốn
độc lập, không còn chấp nhận sự thống trị của Nga… trong khi đó Matxcơva rõ
ràng có một thái độ thực dân mới. Vì vậy mà nhiều nước đã thực thi chính sách
khuyến khích tiếng Anh.
Lý do chủ yếu thứ hai là Matxcơva không có một chính
sách hỗ trợ ngôn ngữ. Nga không có Viện Puchtkin tại khu vực và thế giới, như
Alliance française của Pháp hay Viện Cerventes của Tây Ban Nha ».
Ngôn ngữ vừa là văn hóa, vừa có ý nghĩa chính trị. Vị
thế của tiếng Nga - vốn là một ngôn ngữ khu vực và quốc tế, được gần 300 triệu
người sử dụng trên khắp thế giới trong những năm 2000 – đang suy giảm, trong bối
cảnh các quốc gia Liên Xô cũ tìm cách khẳng định nền độc lập thực sự, chống lại
bá quyền của Matxcơva.
*
Quốc
tế ngữ : Hơn một triệu sinh viên Trung Quốc theo học
Có một ngôn ngữ có tham vọng quốc tế khác được nhiều
người nói đến gần đây. Đó là Quốc tế ngữ (Esperanto), mà người sáng lập đã qua
đời cách đây đúng một thế kỷ (bác sĩ nhãn khoa Ludiwig Zamenhof).
Phóng viên RFI Arnaud Jouve kể lại một câu chuyện.
Trong một cuộc họp thường niên các thổ dân tại Liên Hiệp Quốc, một người
Siberi, chỉ biết chút ít tiếng Nga, đã rất lúng túng trong các tiếp xúc. Một
thanh niên Touareg, một sắc tộc bản địa ở Bắc Phi, đã đến trợ giúp bằng tiếng
Quốc tế ngữ. Người dân Siberi nói trên hóa ra cũng đã từng được học Quốc tế ngữ
với các nhà dân tộc học.
Bác sĩ Ludwig Zamenhof (1859-1917), tác giả của Esperanto, tiếng nói của
"người hy vọng". Ảnh : Wikicommons/Association mondiale d'espéranto
Không được một quốc gia nào đóng vai trò thúc đẩy mạnh
mẽ, nhưng Quốc tế ngữ đã tự mình lan tỏa như một phép lạ. Quốc tế ngữ hay
Esperanto, nghĩa đen là « người hy vọng », đang được sử dụng
trên khắp thế giới. Khoảng ít nhất từ một đến hai triệu người, sinh sống tại
120 nước, nói Esperanto hàng ngày. Hơn 40 trường đại học tại 20 quốc gia giảng
dạy Quốc tế ngữ.
Bác sĩ Zamenhof, sinh trưởng tại Bialystok, một
thành phố miền đông bắc Ba Lan, vốn thuộc đế chế Nga cuối thế kỷ XIX, ắt hẳn sẽ
vui khi biết rằng hiện tại có đến 800.000 người đăng ký học tiếng Esperanto
trên mạng dạy ngoại ngữ miễn phí Duolingo.com.
Bà Laure Patas d'Illiers, thành viên Hiệp hội Quốc tế
ngữ (Esperanto) giải thích lý do về thành công của Esperanto :
« Vào thời điểm chúng ta đang nói chuyện, tại
Trung Quốc, có hơn một triệu sinh viên đang học Quốc tế ngữ trong trường đại học.
Đối với người châu Á, đây là một ngôn ngữ dễ học hơn nhiều so với các ngôn ngữ
châu Âu, như tiếng Anh, tiếng Pháp. Bởi ngữ pháp của nó rất đơn giản, không có
các trường hợp ngoại lệ.
Mặt khác, việc từ vựng được cấu tạo tương tự như các
ngôn ngữ châu Á, có nghĩa là các từ được tạo thành trên nền tảng các âm tiết cơ
bản. Tất cả những người châu Á, tiếp xúc với chúng tôi, đều nói rằng đây là một
ngôn ngữ dễ học hơn rất nhiều. Thường thì đây là một giai đoạn trung gian, để họ
tiếp tục học thêm sau đó, một ngôn ngữ châu Âu khác ».
Thành viên Hiệp hội Quốc tế ngữ hy vọng :
« Một báo cáo được thực hiện theo yêu cầu của
bộ Giáo Dục Pháp, cho thấy là việc sử dụng Quốc tế ngữ là một biện pháp thông
minh, hợp lý, có thể trở thành một yếu tố tạo thành tình cảm là thành viên của
cộng đồng châu Âu. Có một câu nói nổi tiếng : chúng ta đã lập ra được châu Âu,
bây giờ còn cần phải tạo nên các công dân châu Âu. Cái chúng ta thiếu là tình cảm
cộng đồng. Chúng ta cần một công luận châu Âu, một ngôn ngữ mà người châu Âu có
thể dùng để giao tiếp với nhau, Quốc tế ngữ có thể là một công cụ như vậy ».
Quốc tế ngữ để lại niềm hy vọng về một thế giới hòa
bình, tất cả mọi con người trên Trái đất đều coi nhau như anh em, nhờ một ngôn
ngữ chung làm cầu nối, một ngôn ngữ mang lại sự bình đẳng giữa những người sử dụng.
Nhưng nỗ lực mở rộng Quốc tế ngữ không đơn giản. Riêng tại Pháp, hiện mới có 6
trường học dạy thí điểm Quốc tế ngữ. Những người yêu ngôn ngữ này hy vọng
Esperanto sẽ được bộ Giáo Dục chấp nhận là một môn thi tốt nghiệp phổ thông tùy
chọn, giống như 58 sinh ngữ khác.
*
Tỷ
phú Nga : Càng khủng hoảng, càng giàu lên
Trở lại tình hình nước Nga, theo một xếp hạng thường
niên của tạp chí kinh tế Mỹ Forbes, số lượng tỉ phú nước này tăng gấp bội đúng
trong bối cảnh khủng hoảng.
Thông tín viên Muriel Pomponne từ Matxcơva cho biết
:
« Các tỉ phú Nga lợi dụng triệt để sự phục hồi
của nền kinh tế, đặc biệt là của các thị trường tài chính… Năm nay, số tỉ phú
Nga tăng từ 77 đến 96 người, và tài sản của 200 người Nga giầu nhất lên đến 460
tỉ đô la, tức 100 tỉ nhiều hơn năm ngoái.
Vị trí đầu bảng là của Leonid Mikhelson, cổ đông
chính của tập đoàn dầu khí Novatek, với tài sản ước tính 18,4 tỉ đô la. Đứng tiếp
theo là Alexei Mordachov, chủ tịch tập đoàn luyện kim Severstal, với 17,5 tỉ,
Vladimir Lissine, lãnh đạo công ti luyện kim NLKM với 16,1 tỉ.
Sự phục hồi của nền kinh tế Nga không có lợi cho tất
cả mọi người, bởi chưa từng bao giờ lại có nhiều người nghèo như thế kể từ 10
năm nay. Tổng cộng, khoảng 20 triệu người Nga, tức 14% sống dưới ngưỡng
nghèo.
Trong số những người bị bỏ rơi trong quá trình phục hồi kinh tế, gần 70% là các gia đình có con. Nga là nước rất bất bình đẳng, 1% dân số nắm giữ tới 75% tài sản quốc gia ».
Trong số những người bị bỏ rơi trong quá trình phục hồi kinh tế, gần 70% là các gia đình có con. Nga là nước rất bất bình đẳng, 1% dân số nắm giữ tới 75% tài sản quốc gia ».
*
Venezuela
: Doanh nghiệp Mỹ cũng phải chấp nhận quốc hữu hóa
Nhìn sang nước Venezuela Nam Mỹ, trong lúc căng thẳng
chính trị bước sang tuần thứ ba, đối lập tổ chức nhiều cuộc biểu tình lớn chống
lại việc tổng thống Maduro bám giữ quyền lực (ít nhất 20 người chết trong các đụng
độ), nhiều doanh nghiệp Mỹ buộc phải ngừng hoạt động.
Thông tín viên Anne-Marie Capomaccio cho biết tình
hình tại công ty xe hơi General Motors:
« Xí nghiệp duy nhất của General Motors vừa bị chính
phủ Venezuela quốc hữu hóa. Thủ tục khép lại vào ngày thứ Năm 20/04 vừa qua,
sau khi xí nghiệp bị tê liệt do những người bãi công chiếm lĩnh từ nhiều tuần
này. Ban lãnh đạo doanh nghiệp phải viện đến chính phủ, để trục xuất những người
chiếm giữ. Chính quyền yêu cầu quốc hữu hóa, và trưng thu toàn bộ số xe tại chỗ.
General Motors hoạt động tại Venezuela từ 70 năm
nay. Hoạt động của công ty suy giảm tùy theo mức độ khủng hoảng… Năm ngoái, chỉ
còn 4.000 xe xuất xưởng, so với gần 200.000 năm 2007.
Nếu tính cả nhân viên tại chỗ và ở các đại lý, tổng
cộng 6.500 người mất việc. General Motors không phải là doanh nghiệp Mỹ đầu tiên
phải đóng cửa. Các nhà sản xuất lốp xe, sản phẩm gia dụng và nước giải khát
cũng đã ngừng hoạt động. Phần lớn vẫn còn chưa muốn rời bỏ Venezuela, vì hy vọng
tình hình bình ổn và kinh tế phục hồi trở lại. Tuy nhiên điều đó không xảy ra ».
*
Pháp
: Phát hiện hơn 250 chất độc trong tóc trẻ em
Tại Pháp, ít ngày trước cuộc bầu cử tổng thống, một nghiên cứu chấn động về các độc chất gây rối loạn nội tiết tố phổ
biến ở trẻ em được công bố trên tạp chí « 60 triệu người tiêu dùng»,
hôm thứ Năm 20/04/2017. Nghiên cứu khẳng định dấu vết của khoảng 250 chất độc
đã được tìm thấy trong tóc của các thiếu niên từ 10 đến 15 tuối, sống tại nhiều
nơi trên khắp nước Pháp, ở các vùng nông thôn cũng như thành thị, trung bình 34
độc chất ở một trẻ (43 em theo mẫu điều tra).
Các độc chất gây rối loạn nội tiết tố có mặt ở nhiều
nguồn, từ thực phẩm cho đến đồ chơi, mỹ phẩm, vật liệu xây dựng... Bisphenol A
(chất gây ung thư bị cấm hoàn toàn từ năm 2015, thường được sử dụng trong các
loại bao bì), phtalate (phụ gia của sơn), các kim loại nặng, các hydrocacbon
thơm đa vòng (tức Polycyclic Aromatic Hydrocarbon, có nhiều trong các chế phẩm
từ dầu mỏ), các độc chất trong thuốc trừ sâu, diệt cỏ…
Báo "60 triệu người tiêu thụ/60 millions de consommateurs" công
bố một nghiên cứu gây chấn động về chất độc gây rối loạn nội tiết, tìm thấy
trên tóc trẻ em. Getty Images / Benjamin Egerland / EyeEm
Dù chỉ hiện diện với liều lượng rất nhỏ, nhưng theo
một số chuyên gia, chúng có thể để lại những tác hại rất nghiêm trọng đến sức
khỏe con người, đặc biệt là các em nhỏ bước vào tuổi dậy thì. Tháng 12/2016, một
nghiên cứu được công bố trên tạp chí Santé publique France cho thấy gần như
toàn bộ 4.000 phụ nữ Pháp mang thai đều có dấu vết của các độc chất gây rối loạn
nội tiết. Hiện tại, vẫn còn có các tranh luận về mức độ ảnh hưởng thực sự của
các độc chất như vậy ở hàm lượng nhỏ.
Theo một nghiên cứu năm 2015 của các nhà khoa học
Âu-Mỹ, được công bố trên tạp chí Journal of Clinical Endocrinoly &
Metabolisme, hậu quả đối với sức khỏe của các chất độc nói trên có thể làm cho
châu Âu thiệt hại đến 2% GDP, tức khoảng 270 tỉ euro/năm.
Tại châu Âu, Pháp là nước được đánh giá là đi đầu
trong cuộc chiến chống chất độc gây rối loạn nội tiết tố. Pháp là quốc gia đầu
tiên trên thế giới cấm gần như hoàn toàn việc sử dụng Bisphenol A (gây
ung thư), một phụ gia được dùng phổ biến trong các bao bì. Hiện tại Liên Hiệp
Châu Âu vẫn còn đang rất lúng túng trong việc đạt được một đồng thuận về vấn đề
này, bất chấp các đòi hỏi của giới chuyên gia y tế, giới bảo vệ môi trường. Một
trong những lý do là áp lực của các nhà sản xuất thuốc trừ sâu, diệt cỏ.
Theo nhiều nhà quan sát, các chất độc gây rối loạn nội
tiết và vấn đề y tế, môi trường nói chung trong cuộc tranh cử tổng thống vòng một
tại Pháp vừa qua đã bị nhiều vấn đề khác lấn át. Nhiều chuyên gia y tế, như
Antoine Vial (tác giả cuốn « Santé, le trésor menacé/Y tế, một di sản
quý báu bị đe dọa »), hy vọng hai ứng cử viên lọt vào vòng hai sẽ đưa
ra được các biện pháp xứng tầm.
No comments:
Post a Comment