Cựu TNLT Đoàn Huy Chương, người vừa mãn hạn 7 năm tù
giam tiếp tục bị chính quyền gây khó khăn bằng việc khủng bố tinh thần gia đình
và không trả mọi giấy tờ tùy thân. Sau 7 năm xa cách, anh chỉ có thể ở bên vợ
và con nhỏ 1 đêm ngắn ngủi. Sau đó, anh phải rời Trà Vinh để lên Sài Gòn.
Chiều ngày 15/02 tại Sài Gòn, cựu TNLT Đoàn Huy
Chương đã trả lời một cuộc phỏng vấn ngắn với anh Dương Lâm, thành viên Mạng lưới
blogger Việt Nam.
CTV Danlambao gửi đến bạn đọc trong thôn clip phỏng vấn này của anh Dương Lâm.
CTV Danlambao gửi đến bạn đọc trong thôn clip phỏng vấn này của anh Dương Lâm.
VIDEO
:
Phỏng vấn anh Đoàn Huy Chương sau khi
mãn hạn 7 năm tù giam
Dân Làm Báo Published on Feb 15, 2017
--------------------------
Nhật
Bình/Người Việt
February 15, 2017
SÀI
GÒN, Việt Nam (NV) – “Họ
không muốn thấy hình ảnh nhiều người thân và gia đình tôi chào đón tôi vào ngày
ra tù. Nên họ cố tình chèn ép, đánh lừa để đưa tôi về công an địa phương ở Trà
Vinh trước khi trả tôi về gia đình.”
Ông Ðoàn Huy Chương, nhà hoạt động vì công nhân vừa
mãn hạn tù, cho nhật báo Người Việt như vậy, liên quan đến việc ông bị gây khó
dễ ngày ra tù.
Cựu tù nhân lương tâm Ðỗ Thị Minh Hạnh chúc mừng ông
Ðoàn Huy Chương trở về. (Hình: Nhật Bình/Người Việt)
Chiều ngày 15 Tháng Hai, nhiều nhà hoạt động chào
đón người tù Ðoàn Huy Chương thoát khỏi ngục tù Cộng Sản, tại văn phòng Công Lý
và Hòa Bình số 38 Kỳ Ðồng, Quận 3, Sài Gòn.
Trước đó hai ngày, một nhóm khoảng 30 người từ Sài
Gòn và gia đình ông Chương lên trại giam Xuân Lộc, Ðồng Nai, để đón ông trở về.
Tuy nhiên, họ không thể đón được ông, vì chính quyền can thiệp vào việc trả tự
do cho ông.
Ông Chương kể, “Sáng
ngày 13 Tháng Hai, tức đúng bảy năm họ bắt giam tôi, lúc 6 giờ sáng họ nói là
lên xe để chuyển trại làm thủ tục ra tù. Tuy nhiên, thực tế thì họ chở tôi về
Trà Vinh, họ không đưa giấy ra trại, mà đưa thẳng về công an xã ở địa phương. Ðến
đây họ mới đưa giấy.”
“Sau khi tôi biết được họ cố tình không cho người thân tôi đi đón về, tôi
đã đập cửa để đòi thả xuống dọc đường. Nhưng họ bất chấp, trên xe có đến sáu
công an khống chế tôi. Nên tôi không thể làm gì được,” ông kể tiếp. “Sau đó họ
đưa điện thoại để tôi gọi cho vợ tôi, tôi chỉ kịp nói ‘anh ra khỏi trại rồi’ là
họ liền dập máy. Hành động không cho tôi gặp vợ và hai con sau bảy năm xa cách
là một hành động trả thù đê hèn của trại giam, vì tôi đã không thỏa hiệp với họ.”
Giây phút hội ngộ đầy xúc động của ba tù nhân lương
tâm, từ trái, Ðoàn Huy Chương, Bùi Thị Minh Hằng, và Ðỗ Thị Minh Hạnh. (Hình:
Nhật Bình/Người Việt)
Nói về cảm xúc của mình khi được nhiều người tiếp
đón, ông Chương ứa nước mắt: “Hôm nay tôi
rất vui vì nhiều người rất xa lạ mà hôm nay họ đến chúc mừng tôi. So với bảy
năm trước, nay có rất nhiều người tham gia vào con đường tranh đấu. Tôi mừng vì
gặp được quá nhiều lời yêu thương, chia sẻ và dành tình cảm chân thành cho
tôi.”
“Anh có hối hận về những việc mình đã làm?”
Ông Ðoàn Huy Chương cho biết: “Tôi không có gì phải hối hận về những việc làm của tôi trước đây, mặc
cho nó đã khiến tôi phải trả giá bằng những năm tháng lao tù. Bản án mà họ cố
tình gán ghép cho tôi và hai người cùng chí hướng là Ðỗ Thị Minh Hạnh và Nguyễn
Hoàng Quốc Hùng, chỉ thể hiện một nhà nước vô pháp luật. Xem thường người dân.”
Nói về những dự tính tương lai, ông Chương cho biết:
“Tôi vừa mới ra tù, lại bị chính quyền
gây khó dễ nên đầu óc vẫn còn chưa tỉnh táo. Sau bảy năm, bây giờ ra ngoài, lại
thấy anh em bạn bè vẫn còn nhớ đến tôi nên tôi rất cảm kích. Cảm giác con người
cứ lâng lâng nên chưa thể nghĩ nhiều về tương lai.”
“Trước mắt tôi phải lo cho gia đình là vợ và hai con nhỏ của mình. Là một
người cha nhưng suốt bảy năm qua tôi không trực tiếp chăm sóc cho tụi nhỏ. Những
công việc sau đó thì tôi chưa định hình được mình sẽ làm gì cụ thể. Tuy nhiên,
tôi vẫn sẽ lên tiếng nếu còn những bất công ở Việt Nam, nhất là với các anh chị
em công nhân,” ông nói tiếp.
Có mặt trong nhóm người chào đón ông Chương còn có
bà Bùi Thị Minh Hằng, một nhà đấu tranh cho dân chủ nhân quyền ở Việt Nam vừa
ra khỏi nhà tù vào ngày 11 Tháng Hai vừa qua.
Bà Hằng cho biết: “Về mặt tuổi đời thì tôi hơn Chương, nhưng về kinh nghiệm đấu tranh,
thì tôi còn phải học hỏi Chương rất nhiều. Em ấy là người có trách nhiệm cho đất
nước, từ khi còn rất trẻ em đã dấn thân và hy sinh cho những việc làm của
mình.”
“Những tù nhân lương tâm như tôi rất vui và cảm thấy ấm áp khi được nhiều
anh em tiếp đón và còn nhớ tới mình. Bởi vậy hôm nay tôi đến đây để chia sẻ những
niềm vui với Chương trong ngày đầu tiên gặp gỡ những người yêu chuộng tự do hòa
bình,” bà Hằng cho biết thêm.
Ông Ðoàn Huy Chương (thứ ba từ phải) cùng những người
chào đón mình. (Hình: Nhật Bình/Người Việt)
Ông Ðoàn Huy Chương sinh năm 1985, là một trong ba
thành viên sáng lập Phong Trào Lao Ðộng Việt cùng với ông Nguyễn Hoàng Quốc
Hùng (hiện vẫn đang thụ án chín năm tù giam) và bà Ðỗ Thị Minh Hạnh.
Cuối năm 2010, phong trào này đứng ra tổ chức đình
công, đấu tranh đòi quyền lợi cho công nhân ở công ty giày da Mỹ Phong ở ấp Tân
Ðại, xã Hiếu Tử, huyện Tiểu Cần, tỉnh Trà Vinh. Cuộc đình thu hút hơn 10,000
công nhân và kéo dài hơn 10 ngày.
Sau đó, phía chính quyền và chủ quản công ty giày có
những bước nhượng bộ như tăng lương cho công nhân. Tuy nhiên, sau đó, nhà cầm
quyền đã bắt giam ba thành viên cốt cán của Lao Ðộng Việt và kết án vào năm
2010 với tội danh “phá rối an ninh nhằm chống chính quyền nhân dân” theo Ðiều
89 Bộ Luật Hình Sự.
Vào Tháng Ba, 2011, tòa phúc thẩm tòa án nhân dân tối
cao ra phán quyết y án ông Chương và bà Hạnh bảy năm tù giam, ông Hùng chín năm
tù giam. Tuy nhiên, bà Hạnh được trả tự do trước thời hạn do áp lực của các tổ
chức nhân quyền quốc tế.
Sau phiên tòa này, tổ chức theo dõi nhân quyền Human
Rights Watch nói ông Hùng, ông Chương, và bà Hạnh là những người “tích cực ủng
hộ phong trào khiếu kiện của dân oan, hỗ trợ công nhân nghèo và nông dân mất đất,
đòi chính quyền phải xem xét lại việc đền bù cho họ.”
Trước đây, vào năm 2006, ông Chương từng bị nhà cầm
quyền kết án 18 tháng tù giam với tội danh “Lợi dụng tự do dân chủ, xâm phạm lợi
ích nhà nước,” khi ông là thành viên sáng lập Hiệp Hội Ðoàn Kết Công Nông.
No comments:
Post a Comment