Monday, February 20, 2017

KHÔNG ĐAU ĐÂU, ĐỪNG SỢ (FB Đoan Trang)





Từng làm phóng viên truyền hình, tôi nhận thấy nhiều người dân Việt Nam chia sẻ một đặc điểm không được thú vị lắm, đó là: Cứ thấy ống kính máy quay và nhà báo xin phỏng vấn, là từ chối, trốn, né, thậm chí đuổi quầy quầy. Thế nhưng cũng chính những người đó, nếu thấy phóng viên quay sang phỏng vấn người khác, thì lại đứng phía sau, tìm cách thò mặt vào khuôn hình cười cười hoặc lè lưỡi, giơ tay vẫy vẫy… để được lên tivi.

Ban đầu, tôi không thích cách ứng xử ấy lắm vì nó hơi trẻ con. Về sau, tôi nghĩ có thể nó còn xuất phát từ một nỗi sợ nào đó. Người ta sợ lên hình để trả lời phỏng vấn một cách nghiêm túc, vì nhiều lý do: sợ mình xấu, sợ mình không biết ăn nói, và nhất là sợ phiền. Về điểm này nhà văn Nam Cao đã viết từ năm 1941 trong tác phẩm Chí Phèo: “Không ai nói gì, nguời ta lảng dần đi vì nể cụ bá, lại để khỏi lôi thôi, nhỡ có chuyện gì người ta lại triệu mình đi làm chứng”. Còn chuyện vẫn thích thò mặt vào khuôn hình để lên tivi thì đó lại là biểu hiện của tính trẻ con – ta không bàn kỹ về việc ấy ở đây.

Nhưng mà, các bạn biết không, một trong các lý do thúc đẩy một số blogger, trong đó có tôi, viết nhiều điều chỉ trích đảng và nhà nước cộng sản ở Việt Nam, là bởi vì chúng tôi mong muốn thấy độc giả bước ra khỏi nỗi sợ hãi.

Chắc chắn là rất, rất nhiều, đại đa số dân Việt Nam, hiện vẫn nghĩ rằng “viết lách trên mạng, còm men, like, share linh tinh trên mạng rồi có ngày đi tù”.

Lối suy nghĩ ấy là kết quả của chính sách “nắm tư tưởng” của đảng và nhà nước ta suốt từ thời đầu thành lập đến nay. Chính quyền công an trị quả thật đã thành công trong việc khiến người dân không bao giờ có thể sống trong tư thế “đầu đội trời chân đạp đất”, “nhất sinh đê thủ bái mai hoa”. Chưa nói chuyện viết, mà thậm chí đến like, bày tỏ sự đồng tình với một status “phản động” nào đó thôi, nhiều người đã ớn rồi.

Nhưng các bạn thấy đấy, đã có nhiều blogger lên tiếng phản biện, chỉ trích nhà nước về các chính sách công, thậm chí chửi thẳng vào chế độ, mà có… đi tù đâu?

Nói một cách ngắn gọn là: Cái thời chỉ viết không thôi cũng đủ đi tù đã qua rồi.

ĐI TÙ KHÔNG DỄ ĐÂU!

Nhà nước Việt Nam hiện nay vẫn là nhà nước công an trị, và vẫn kiên quyết chống lại tự do báo chí, tự do biểu đạt, tự do học thuật, tự do tư tưởng. Nhưng vì nhiều lý do, nó cũng không thể dễ dàng bắt một người nào đó chỉ vì họ có hành động viết bài trên mạng. Like và share và comment càng không đủ để bạn đi tù.

Các lý do đó là gì? Có thể là sự hiện diện của Internet và mạng xã hội, là cái nhìn của cộng đồng quốc tế, hoặc có thể đơn giản là sự hạn chế về nguồn lực: Trong thời đại Internet, không chế độ nào đủ nhân lực, tài lực để kiểm soát hoàn toàn không gian mạng. Đảng Cộng sản Việt Nam và bộ máy công an của nó không đủ người, không đủ tiền, không đủ lực để thực hiện việc đó một cách triệt để.

Cho nên, bạn hãy cứ yên tâm là bạn có thể phát biểu chính kiến, ít nhất là trên mạng. Nói như ý của blogger Gió Lang Thang (Trịnh Anh Tuấn) là: Anh em trong Nam ngoài Bắc xếp hàng đi tù còn dài lắm, chưa đến lượt mấy facebooker chỉ vừa viết vài bài “bút chiến” trên bàn phím đâu.

Các bạn hãy lên tiếng đi, hãy thể hiện chính kiến đi, đừng sợ.

Đám phóng viên truyền hình, khi muốn “dụ dỗ” một người dân nào đó trả lời phỏng vấn, thường đùa: “Lên hình đi bác, không đau đâu. Thích lắm!”.

Tôi cũng nghĩ vậy. Can đảm thể hiện quan điểm đi các bạn, không đau đâu, thích lắm!

Tuy nhiên, cũng xin nói thêm: Việc tự do thể hiện quan điểm không đồng nghĩa với bịa đặt, tung tin đồn nhảm, lừa dối dư luận. Nhất là nếu bạn xác định làm truyền thông là công việc của bạn, thì bạn phải có trách nhiệm với công việc ấy và với người đọc, với khán giả của bạn.





No comments: