Nguyễn Lệnh
18/02/2017
Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 17 tháng 02 năm 2017.
Kính gởi: Chính phủ các quốc
gia thành viên Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị.
F ĐƯỢC
- Căn cứ vào "Lời nói đầu" của
Công ước có ghi:
"Xét rằng, theo Hiến chương Liên hợp quốc, các
quốc gia có nghĩa vụ thúc đẩy sự tôn trọng và bảo đảm mọi mặt các quyền và tự
do của con người.
Nhận thấy rằng, mỗi cá nhân, trong khi có nghĩa vụ đối
với người khác và đối với cộng đồng của mình, thì phải có trách nhiệm phấn đấu
cho việc thúc đẩy và tôn trọng các quyền đã được thừa nhận trong Công ước
này".
- Căn cứ vào Điều 21 Công ước có
ghi:
"Quyền hội họp hòa bình phải được công nhận. Việc
thực hiện quyền này không bị hạn chế, trừ trường hợp do pháp luật quy định và hạn
chế này là cần thiết trong một xã hội dân chủ, vì lợi ích an ninh quốc gia, an
toàn và trật tự công cộng, để bảo vệ sức khỏe của công chúng hoặc nhân cách hoặc
bảo vệ quyền và tự do của những người khác".
- Căn cứ vào Điều 22 Công ước có
ghi:
"1. Mọi người có quyền tự do lập hội với những
người khác, kể cả quyền lập và gia nhập các công đoàn để bảo vệ lợi ích của
mình.
2. Việc thực hiện quyền
này không bị hạn chế, trừ trường hợp do luật pháp quy định và những hạn chế này
là cần thiết trong một xã hội dân chủ, vì lợi ích an ninh quốc gia, an toàn và
trật tự công cộng, để bảo vệ sức khỏe của công chúng hoặc nhân cách, hoặc các
quyền và tự do của những người khác. Điều này không ngăn cản việc hạn chế hợp
pháp đối với những người trong các lực lượng vũ trang và cảnh sát.
3. Không một quy định
nào của điều này cho phép các nước tham gia Công ước về tự do lập hội và bảo vệ
quyền được tổ chức hội năm 1948 của Tổ chức Lao động quốc tế được tiến hành những
biện pháp lập pháp hoặc áp dụng luật làm phương hại đến những đảm bảo nêu trong
Công ước đó".
- Căn cứ vào Điều 41 Công ước có ghi:
"Mỗi quốc gia thành viên Công ước này đều có thể
tuyên bố theo điều này vào bất kỳ thời điểm nào là họ công nhận thẩm quyền của Ủy
ban (Quyền con người) được nhận và xem xét những
thông báo về trường hợp một quốc gia thành viên khiếu nại một quốc gia thành
viên khác không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ của mình theo Công ước...".
- Căn cứ vào Hiến pháp và pháp luật Việt
Nam quy định về quyền lập hội, quyền hội họp của công dân.
- Căn cứ sự gia nhập của Việt Nam vào
Công ước ngày 24-9-1982.
Với những căn cứ nêu trên, tôi nhân
danh là một công dân nước Việt Nam và là một cựu Hướng Đạo sinh của Hội Hướng Đạo
Việt Nam (Hội HĐVN), nhận thấy có trách nhiệm phấn đấu cho việc thúc đẩy và tôn
trọng các quyền hội họp hòa bình và quyền tự do lập hội ghi trong Công ước phải
được đảm bảo thực hiện mọi mặt trên đất nước Việt Nam đối với trường hợp Hội
HĐVN của tôi. Vì thế, tôi xin trình bày vấn đề liên quan đến quyền tự do lập hội
và quyền hội họp hoà bình của các hội viên Hội HĐVN đã bị Đảng Cộng sản Việt
Nam (Đảng CSVN) cầm quyền và Chính phủ Việt Nam xâm phạm một cách nghiêm trọng
trong gần nửa thế kỷ vừa qua như sau:
Có 2 văn bản quan trọng được kèm theo
đây là những chứng cứ về hành vi vi phạm nhân quyền của những người làm ra các
văn bản này và những người thi hành lệnh ghi trong các văn bản. Đó là:
- Văn bản của Ban Bí thư Trung ương Đảng
CSVN số 143-TB/TƯ ngày 20/4/2004 với nội dung "Thông báo ý kiến của Ban Bí
thư về hoạt động hướng đạo Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh". (1)
- Văn bản của Ban Bí thư Trung ương Đảng
CSVN số 157-TB/TƯ ngày 20/5/2008 với nội dung "Thông báo ý kiến của Ban Bí
thư về hoạt động hướng đạo hiện nay tại một số tỉnh, thành phố". (2)
Cả 2 văn bản đều được ghi là "ý kiến
của Ban Bí thư". Nhưng theo quy định tại Điều 3 của Luật Tố tụng hành
chính thì các văn bản này do "tổ chức" là Đảng CSVN ban hành nên được
coi là những "quyết định hành chính".
Quyền hành của Đảng CSVN cũng như hiệu
lực của 2 văn bản trên được quy định tại Điều 4 của Hiến pháp ngày 15/4/1992 (sửa
đổi bổ sung 2001): "Đảng CSVN, đội tiên phong của giai cấp công
nhân VN, đại biểu trung thành quyền lợi của giai cấp công nhân, nhân dân lao động
và của cả dân tộc, theo chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, là lực lượng
lãnh đạo nhà nước và xã hội. Mọi tổ chức của Đảng hoạt động trong khuôn khổ Hiến
pháp và pháp luật".
Theo đây, tôi xin dẫn trình các chứng cứ
và căn cứ pháp lý để chứng minh là các văn bản của Ban Bí thư (BBT) đã vượt ra
ngoài khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật Việt Nam, đã xâm phạm quyền hội họp, lập
hội theo quy định pháp luật của các hội viên Hội HĐVN như sau:
1/
Văn bản số 143-TB/TƯ ngày 20/4/2004 đã có lời quy kết của một bản án:
Văn bản ghi rằng: "Hoạt động
hướng đạo du nhập vào Việt Nam từ đầu thế kỷ XX. Từ sau kháng chiến chống Pháp,
ở miền Bắc tổ chức hướng đạo đã ngừng hoạt động và gia nhập Hội Liên hiệp thanh
niên Việt Nam, trong khi ở miền Nam hoạt động hướng đạo tiếp tục phát triển và
phân hoá, ngoài tổ chức hướng đạo chính thống, Mỹ nguỵ xây dựng các loại hướng
đạo trong tôn giáo, quân đội, cảnh sát ... Sau năm 1975 tất cả các tổ chức này
mặc nhiên giải thể".
Lời quy kết này của Ban Bí thư (BBT) là
hoàn toàn không có căn cứ, là trái với quy định của pháp luật lẫn thực tế khách
quan. Xin dẫn chứng như sau:
- Hội HĐVN (ở miền Bắc) được
Bộ Nội vụ nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà cấp phép và duyệt y bản Điều lệ ngày
7/2/1946. Khi Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam được thành lập vào tháng 4/1957
thì Hội HĐVN là thành viên sáng lập của Hội Liên hiệp. Hội HĐVN là một thành
viên tập thể bên cạnh những thành viên là công dân và các thành viên tập thể
khác theo Điều lệ của Hội Liên hiệp. Sau khi gia nhập Hội Liên hiệp thanh niên
Việt Nam, Hội HĐVN vẫn còn giữ tư cách pháp nhân theo pháp luật dân sự và vẫn
hoạt động bình thường chớ không phải "đã ngừng hoạt động" như lời quy
kết của BBT. Ban Bí thư đã có một sự cố ý hiểu sai khái niệm "gia nhập"
thành ra là "sáp nhập" trong pháp luật dân sự. Lời nói không có chứng
cứ và căn cứ pháp lý này của BBT chỉ nhằm che đậy "cái chết" không
minh bạch của Hội HĐVN thành lập ngày 7/2/1946.
Xin nêu ra căn cứ pháp lý trong trường
hợp Hội HĐVN "ngừng hoạt động" như sau: Nghị định số 258-TTg ngày
14/06/1957 Quy định chi tiết thi hành Luật số 102-SL/L004 ngày 20/05/1957 về
quyền lập hội, có quy định tại Chương 3 "Thể thức giải tán hội" như
sau:
- Hội tự giải tán theo điều lệ (Điều 20); hoặc -Hội
bị giải tán theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền cho phép hoặc của toà án
(Điều 19). Các quy định này cho thấy Ban Bí thư đã không chứng minh được là Hội
HĐVN thành lập ngày 7/2/1946 đã tự giải tán hoặc bị giải tán vào năm 1957 theo
quy định của Nghị định 258-TTg ngày 14/06/1957.
Trái với lời quy kết hoàn toàn không có
căn cứ pháp lý của BBT nói trên, tôi xin kèm theo đây 2 tài liệu là bản gốc để
chứng minh rằng Hội HĐVN vẫn tiếp tục hoạt động bình thường sau khi gia nhập Hội
Liên hiệp thanh niên Việt Nam năm 1957. Các tài liệu gồm có:
Một là: 2 Thẻ đại biểu của
ông Phạm Ngọc Try trong Đoàn đại biểu Hội HĐVN đã tham dự Đại hội Thành lập Hội
Liên hiệp Thanh niên Việt Nam năm 1957 (lần thứ 1) và Đại hội Toàn quốc Hội
Liên hiệp Thanh niên Việt Nam năm 1961 (lần thứ 2). (3)
Hai là: Văn bản do ông Trần
Ngọc Chu ký tên, đóng dấu đỏ của Bộ Tổng Uỷ Viên Hội HĐVN, đề ngày 5/2/1965.
Trong văn bản này, ông Trần Ngọc Chu thay mặt cho Hội nghị Huynh trưởng Hướng đạo
sinh miền Bắc diễn ra ở Hội quán tại Hàng Trống Hà Nội, gởi lời thăm hỏi và
chúc mừng năm mới đến các anh chị Huynh trưởng và các bạn Tráng, Thiếu, Ấu Hướng
đạo sinh Trung, Nam bộ. (4)
Với những chứng cứ và căn cứ pháp lý nêu trên đã chứng
minh rằng Hội HĐVN ở miền Bắc vẫn tiếp tục hoạt động bình thường trong khuôn khổ
pháp luật sau khi gia nhập Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam vào năm 1957. Điều
mà BBT nói: "Từ sau kháng chiến chống Pháp, ở miền Bắc tổ chức hướng
đạo đã ngừng hoạt động và gia nhập Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam" trong
văn bản số 143-TB/TƯ ngày 20/4/2004 là hoàn toàn không có căn cứ pháp pháp lý
và không có chứng cứ gì trong thực tế. Đây là lời quy kết giả tạo do BBT tự đặt
ra trong văn bản để tạo cớ cho quyết định được BBT đưa ra là: "Vì
vậy, không đặt vấn đề tái lập tổ chức hướng đạo, cũng như tránh lập thêm các hội
đoàn mới". Trên thực tế, Hội HĐVN vẫn hoạt động bình thường từ 1946
cho đến năm 1969 là năm mà vị "Danh Dự Hội Trưởng" Hội HĐVN còn sống
- tức Chủ tịch Hồ Chí Minh (5). Sau năm 1969, theo lời các huynh trưởng Hướng đạo
lão thành, mới có "lệnh miệng" từ BBT ngăn cấm hoạt động của Hội HĐVN
ở miền Bắc.
- Hội HĐVN (ở miền Nam) được
Bộ Thanh niên và Thể thao của Quốc Gia Việt Nam - là chính thể thuộc Liên bang
Đông Dương thuộc Liên hiệp Pháp do cựu hoàng Bảo Đại làm Quốc Trưởng, ra Nghị định
số 326 - NĐ/TN ngày 9/2/1953 cho phép Hội HĐVN hoạt động trên toàn lãnh thổ Việt
Nam. Hội HĐVN này gia nhập Tổ chức Thế giới Phong trào Hướng Đạo (World
Organization of the Scout Movement/WOSM) và được tổ chức Hướng đạo thế giới này
công nhận Hội HĐVN có tư cách hội viên năm 1957. Tính đến ngày 31/12/1974 Hội
HĐVN ở miền Nam có tổng số 14.432 đoàn sinh và huynh trưởng đóng bảo hiểm,
trong đó có 2.204 huynh trưởng. Khi lực lượng vũ trang miền Bắc đánh chiếm Sài
Gòn và thống nhất nước Việt Nam ngày 30/4/1975, thì trụ sở của Hội HĐVN (ở miền
Nam) tại số 18 Bùi Chu, quận 1, bị chính quyền mới tịch thu bằng vũ lực chớ
không lập văn bản làm chứng cứ và nêu lý do làm căn cứ pháp lý để tịch thu tài
sản hợp pháp của một tổ chức xã hội dân sự là Hội HĐVN. Hành vi tịch thu trụ sở
này của chính quyền chế độ mới là dấu hiệu đàn áp công khai đầu tiên đối với Hội
HĐVN ở miền Nam khiến cho các hội viên và các đơn vị Hướng đạo phải tạm ngưng
sinh hoạt một thời gian để nghe ngóng tình hình. Đến năm 1980, đơn vị Hướng đạo
đầu tiên phục hoạt là Đạo Xuân Hoà thuộc Châu Gia Định, do huynh trưởng Trần
Văn Hợp làm Đạo trưởng. Đạo Xuân Hoà có đa số huynh trưởng và đoàn sinh là người
theo đạo Công giáo nên khi bị an ninh chính quyền đàn áp, truy bắt, anh em Hướng
đạo thường trốn, lánh vào các nhà thờ, cơ sở tôn giáo của đạo Công giáo để sinh
hoạt, được các linh mục, cha xứ che chở, giúp đỡ. Trưởng Trần Văn Hợp đã từng bị
an ninh chính quyền "làm việc" hàng chục lần cùng với rất nhiều huynh
trưởng và đoàn sinh khác chỉ vì lý do sinh hoạt Hướng đạo. Các linh mục, cha xứ
nào che chở, giúp đỡ anh em Hướng đạo cũng bị an ninh chính quyền làm việc, răn
đe. Có vô số nhân chứng là các hội viên Hội HĐVN bị an ninh chính quyền đàn áp
theo nhiều cách khác nhau từ sau năm 1975 chỉ vì họ là hội viên Hội HĐVN.
Trong văn bản số 143-TB/TƯ ngày
20/4/2004, Ban Bí thư đã đưa ra những lời quy chụp và buộc tội đối với Hội HĐVN
ở miền Nam hoàn toàn không có chứng cứ và căn cứ pháp lý như sau:
- BBT lập luận rằng: " ..., trong khi ở
miền Nam hoạt động hướng đạo tiếp tục phát triển và phân hoá, ngoài tổ chức hướng
đạo chính thống, Mỹ ngụy xây dựng các loại hướng đạo trong tôn giáo, quân đội,
cảnh sát... Sau năm 1975 tất cả các tổ chức này mặc nhiên giải thể".
Đây là lý luận theo cách chụp mũ và vơ đũa cả nắm. Bởi vì, trong Hiến chương của
Tổ chức Thế giới Phong trào Hướng đạo - viết tắt là WOSM, đã tự xác lập là một
phong trào góp phần giáo dục thanh thiếu niên qua hệ thống của Luật Hướng đạo,
Lời hứa Hướng đạo và Phương pháp Hướng đạo và là một tổ chức "phi chính phủ,
phi chính trị". Năm 1957, khi Hội HĐVN gia nhập WOSM, hội đã được công nhận
là tổ chức hướng đạo quốc gia (National Scout Organization/NSO) duy nhất ở Việt
Nam có tư cách hội viên theo quy định tại Điều V của Hiến chương WOSM. Điều lệ
của Hội HĐVN ở miền Nam cũng quy định tại Điều thứ 2 rằng "Hội HĐVN không
hoạt động và cổ động chính trị". Do đó, những tổ chức tự phát ở Việt Nam
dù có tự xưng là "hướng đạo" như Hướng đạo Công giáo, Cao Đài, Tin
Lành hoặc Quân đội, Cảnh sát ... đều không được WOSM công nhận là hội viên. Điều
lệ Hội HĐVN cũng không có một dòng nào quy định rằng những tổ chức hướng đạo
này là một bộ phận hoặc là thành phần nằm trong Hội HĐVN. Vì Hội HĐVN là một tổ
chức xã hội dân sự độc lập phi chính phủ và phi chính trị nên hội không phải chịu
trách nhiệm gì đối với những tổ chức khác và không thể bị "mặc nhiên giải
thể" sau năm 1975 cùng với các tổ chức đó.
- BBT tiếp tục buộc tội rằng: "Trong
các nhóm hướng đạo nói trên, ngoại trừ nhóm hướng đạo chính thống, các hệ phái
hướng đạo khác ở Thành phố Hồ Chí Minh hiện nay đều có gắn với tôn giáo, tâm
linh, hoạt động có tính chính trị. Nhiều tổ chức có quan hệ móc nối với các phần
tử phản động và số cầm đầu các nhóm hướng đạo ở hải ngoại và với tổ chức hướng
đạo thế giới, với Sứ quán, Lãnh sự quán Mỹ ở Việt Nam để tuồn thông tin, vu cáo
chế độ ta, xin chỉ đạo và tài trợ cho hoạt động của mình. Các tổ chức hướng đạo
Công giáo, Cao Đài, Tin Lành công khai dùng phương pháp hoạt động hướng đạo để
giáo dục tôn giáo, thực hiện tôn chỉ của các giáo hội được các giáo xứ và nhà
thờ ủng hộ mạnh mẽ về vật chất và tinh thần". Lời buộc tội này của BBT
xin được phân tích dưới 2 khía cạnh hình sự và chính trị. Về pháp luật hình sự:
BBT đã không đưa ra được một con người cụ thể nào, một hành vi vi phạm pháp luật
hình sự cụ thể nào. Như vậy, đây là lời buộc tội mơ hồ, trái với quy định của
Điều 9 Bộ luật tố tụng hình sự 2003 rằng: "Không ai bị coi là có tội
và phải chịu hình phạt khi chưa có bản án kết tội của Toà án đã có hiệu lực
pháp luật". Hơn nữa, Điều 2 Bộ luật hình sự còn quy định về cơ sở của
trách nhiệm hình sự như sau: "Chỉ người nào phạm một tội đã được
luật hình sự quy định mới phải chịu trách nhiệm hình sự. Hình phạt do Toà án
quyết định". Tức là, pháp luật hình sự của Việt Nam, vào thời điểm BBT
ra văn bản kết tội Hội HĐVN vào năm 2004, chỉ quy định trách nhiệm hình sự của
cá nhân chớ pháp nhân như Hội HĐVN không chịu trách nhiệm hình sự. Còn về khía
cạnh chính trị: BBT đã có ác ý khi cố quy chụp, buộc tội Hội HĐVN là "hoạt
động có tính chính trị" mà không dẫn ra được bất cứ một chứng cứ có giá trị
pháp lý nào. Trong khi đó, BBT thừa biết Điều lệ của Hội HĐVN đã quy định rõ tại
Điều thứ 2 là "Hội HĐVN không hoạt động và cổ động chính trị".
Thế nhưng BBT vẫn quyết tâm đưa ra "hình phạt" rằng "không
đặt vấn đề tái lập tổ chức hướng đạo". Theo quy định của pháp luật VN
và theo Điều lệ của Hội HĐVN thì pháp nhân Hội HĐVN không hoạt động và cổ động
chính trị nhưng cũng không cấm những chính khách, quân nhân, công chức, tu sĩ
v.v... gia nhập hội. Điều lệ Hội HĐVN chỉ quy định không cho phép hội viên
nhân danh Hội HĐVN để hoạt động và cổ động chính trị mà thôi. Từ lời buộc tội
vô căn cứ của BBT nói trên có thể nhận thấy ác ý của BBT đối với Hội HĐVN. Xin
nêu điểm khác biệt giữa chính thể Quốc gia Việt Nam và chính thể Cộng Hoà XHCN
Việt Nam về quyền tự do lập hội theo quy định của pháp luật như sau: Khi huynh
trưởng Hướng đạo nộp đơn số 003-HT-HĐĐ ngày 12/6/1952 để xin thành lập một Hội
HĐVN dưới chính thể Quốc gia Việt Nam thì Bộ Thanh niên và Thể thao đã căn cứ
vào quy định của pháp luật lúc bấy giờ là Dụ số 10 ngày 6/8/1950 ấn định thể lệ
các hiệp hội để ký Nghị định số 326 - NĐ/TN ngày 9/2/1953 cho phép Hội HĐVN hoạt
động trên toàn lãnh thổ Việt Nam. Bộ Thanh niên và Thể thao của chính thể Quốc
gia Việt Nam đã không bác đơn xin lập hội vì lý do chính trị, ví dụ như: Không
cho lập hội vì trước đây Hội HĐVN thành lập năm 1946 đã được lãnh đạo bởi những
chính khách, quân nhân, công chức có tiếng trong Đảng Cộng sản hay chính quyền
miền Bắc như Hồ Chí Minh, Tạ Quang Bửu, Phạm Ngọc Thạch, Thái Văn Lung, Kha Vạn
Cân, Nguyễn Văn Thủ, Mai Chí Thọ, Văn Cao, Thế Lữ, Nguyễn Đình Thi, Hoàng Quý,
Lưu Hữu Phước, Phan Huỳnh Điểu, Tôn Thất Tùng ... (Sau ngày 30/4/1975 các
huynh trưởng Nguyễn Phước Hoàng, Tôn Thất Quỳnh, Trần Hữu Khuê đã sưu tập một
danh sách trên 220 huynh trưởng và HĐS đã từng phục vụ trên nhiều lĩnh vực của
chính thể Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà).
Xin nói gọn về nội dung của văn bản số
143-TB/TƯ ngày 20/4/2004 như sau: - Một là: BBT đã đưa ra cái chết giả tạo, đầy
nghi vấn rằng Hội HĐVN ở miền Bắc "đã ngừng hoạt động và gia nhập
Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam" năm 1957; và Hai là: BBT đã vu
oan, chụp mũ cho Hội HĐVN ở miền Nam là "hoạt động có tính chính
trị". Đây là những nguyên cớ do BBT cố ý tạo ra để làm cơ sở cho lời kết
án trong văn bản là: "Vì vậy, không đặt vấn đề tái lập tổ chức hướng
đạo ...". Tuy nhiên, nếu đọc kỹ đoạn cuối của điểm số 1 văn bản này,
chúng ta sẽ thấy rõ ý muốn thật sự của BBT: "Hiện nay, ở nước ta
đã có nhiều hội, đoàn thể với đối tượng bao gồm mọi giới, mọi lứa tuổi đang hoạt
động, nếu chính thức cho tái lập thêm tổ chức hướng đạo thì sẽ dẫn đến tranh
giành lực lượng, tranh giành quần chúng giữa hướng đạo và các tổ chức đã có và
tạo ra tiền lệ đa nguyên trong tổ chức quần chúng, làm phức tạp thêm tình hình
chính trị xã hội. Nếu tổ chức hướng đạo được tái lập, các hội đoàn khác như Gia
đình Phật tử, Tịnh độ cư sĩ... cũng đòi hỏi được công nhận thì sẽ rất phức tạp".
Đây mới là ý muốn thật sự của BBT, nó bộc lộ động cơ và mục đích thật sự của
BBT trong văn bản này. Động cơ của BBT là muốn "Đảng CSVN độc quyền lập hội"
chớ không phải như Hiến pháp quy định "Công dân có quyền lập hội theo quy
định của pháp luật"; và mục đích của BBT là nhằm "xoá bỏ một tổ chức
xã hội dân sự độc lập là Hội HĐVN". Với động cơ và mục đích đó, BBT đã có
những hành vi vượt ra ngoài khuôn khổ của Hiến pháp và pháp luật Việt Nam và vi
phạm Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị năm 1966 mà Việt Nam đã
gia nhập vào năm 1982.
2/
Văn bản số 157-TB/TƯ ngày 20/5/2008 là mệnh lệnh
thi hành án:
Như đã trình bày ở trên, Hội HĐVN ở miền
Bắc đã không thể hoạt động công khai sau khi Chủ tịch Hồ Chí minh qua đời năm
1969 vì "lệnh miệng" của lãnh đạo cao cấp trong Đảng CSVN ngăn cấm hoạt
động của hội. Khi đất nước thống nhất vào ngày 30/4/1975, thì "lệnh miệng"
từ Đảng CSVN cầm quyền đã tịch thu trụ sở của Hội HĐVN ở miền Nam tại số 18 Bùi
Chu, quận 1, Sài Gòn mà không nêu ra căn cứ pháp lý và không lưu lại chứng cứ
gì nên đã gây hoang mang, lo sợ cho toàn thể hội viên ở miền Nam. Bên cạnh việc
tịch thu trụ sở hội là vô số trường hợp các hội viên ở khắp tỉnh, thành miền
Nam bị an ninh, chính quyền làm việc, tra hỏi, đe dọa, đàn áp dưới nhiều hình
thức khác nhau về những hoạt động hướng đạo khiến cho Hội HĐVN ở miền Nam gần
như là tan rã trong khoảng 5 năm sau ngày chiến thắng của Đảng CS và chính quyền
miền Bắc. Tuy nhiên, vì Hội HĐVN là một tổ chức xã hội dân sự "phi chính
trị, phi chinh phủ", có mục đích "giáo dục thanh thiếu nhi
trong toàn cõi Việt Nam về ba phương diện: đức, thể, thực, theo tôn chỉ và
phương pháp hướng đạo" như được ghi trong Điều lệ hội nên các hội
viên Hội HĐVN đã tự phục hoạt từ năm 1980 ở Sài Gòn, bất chấp mọi hình thức
đàn áp của lực lượng an ninh, chính quyền. Từ sinh hoạt chui, ẩn náu trong các
cơ sở tôn giáo, các hội viên cũ và mới (gia nhập sau 1975) bắt đầu sinh hoạt
công khai tại các công viên, các khu vui chơi giải trí, đông nhất là tại Tp. Hồ
Chí Minh. Lực lượng an ninh, chính quyền thi hành "lệnh miệng" đàn áp
hoạt động hướng đạo cũng nhận thấy rằng không những hoạt động hướng đạo vô hại
đối với chế độ mà ngược lại họ nhìn thấy sự lành mạnh, hữu ích của hoạt động
hướng đạo đối với xã hội nên họ cũng "thả nổi", không mạnh tay đàn áp
như trước nữa. Ngày càng có nhiều phụ huynh đưa con em mình gia nhập tổ chức hướng
đạo để được giáo dục đạo đức, rèn luyện những kỹ năng sống và tham dự nhiều
hình thức sinh hoạt ngoài thiên nhiên. Dần dần, tổ chức Hướng đạo thu hút nhiều
giới trẻ trong nhà trường và ngoài xã hội tham gia sinh hoạt mà không còn sợ
hãi bị an ninh, chính quyền đàn áp như trước. Bên cạnh đó, có nhiều huynh trưởng
hướng đạo công khai gởi hàng chục đơn, thư, kiến nghị đến các cấp lãnh đạo Đảng
CSVN và chính quyền VN để xin tái lập Hội HĐVN như:
- Trưởng Trần Hữu Khuê đã gởi đến các vị lãnh đạo Đảng
CSVN, Quốc hội và Nhà nước tổng cộng 6 văn bản vào các ngày: 18/11/1988,
6/4/1989, 14/10/1992, 28/3/1996, 8/8/1997, 1/7/2000.
- Trưởng Nguyễn Dực thay mặt 20 Trưởng Hướng đạo gởi
đơn ngày 3/3/1993.
- Trưởng Bạch Văn Quế gởi thư ngày 22/4/1997.
- Trưởng Nguyễn Phước Hoàng (Tôn Thất Hoàng) gởi thư
ngày 18/8/1997.
- Trưởng Nguyễn Phúc Quỳnh Hòe gởi thư ngày
18/3/2000.
Trước hoạt động công khai của Hội HĐVN
và sự phát triển lực lương hội viên ngày càng nhiều bất chấp "lệnh
miêng" ngăn cấm, đàn áp từ các cấp lãnh đạo Đảng CSVN và Nhà nước VN, đã
khiến BBT phải công khai đưa ra "bản án" cho Hội HĐVN là văn bản số
143-TB/TƯ ngày 20/4/2004. Nhưng sau 4 năm bị BBT kết án và bị đàn áp, phong trào
HĐVN vẫn không ngừng phát triển và bắt đầu giao lưu với Phong trào Hướng đạo của
khu vực và thế giới nên BBT phải ra tiếp văn bản số 157-TB/TƯ ngày 20/5/2008.
Trong văn bản này, cái mũ "các thế lực thù địch, phản động ở nước
ngoài và số cơ hội chính trị ở trong nước" được gán cho hoạt động
hướng đạo tại Việt Nam và trở thành nguyên cớ để BBT kiên quyết chỉ đạo "các
cấp ủy đảng, chính quyền các cấp, các đoàn thể quần chúng" thuyết
phục quần chúng không tham gia hoạt động hướng đạo; Ban cán sự đảng Chính phủ,
Ban Dân vận Trung ương, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Đoàn Thanh
niên Cộng sản Hồ Chí Minh, các đoàn thể, ban, ngành có liên quan và các tỉnh ủy,
thành ủy có hoạt động hướng đạo lập kế hoạch cụ thể thực hiện văn bản số
143-TB/TƯ ngày 20/4/2004. Văn bản số 157 này có nội dung giống như một lệnh
"thi hành án tử hình" rất chi tiết. Nó huy động toàn bộ sức mạnh của
hệ thống quyền lực Đảng CSVN, Nhà nước VN và các tổ chức xã hội vào một chiến dịch
có quy mô toàn quốc nhằm xóa bỏ cho được hoạt động hướng đạo ở Việt Nam.
Tuy nhiên, xem kỹ nội dung và thời gian
ra đời của 2 văn bản có cùng mục đích xóa bỏ Hội HĐVN (2004 - 2008), chúng ta sẽ
nhận ra lý lẽ bất cập của BBT và mệnh lệnh của BBT đã vô tình làm nổi bật chính
nghĩa của Hội HĐVN như sau:
- BBT lý luận rằng: "Nếu tổ chức hướng đạo
được tái lập, các hội, đoàn khác như Gia đình Phật tử, Tịnh độ cư sĩ... cũng
đòi hỏi được công nhận thì sẽ rất phức tạp. Vì vậy, không đặt vấn đề tái lập tổ
chức hướng đạo". Lập luận này nêu ra 2 tổ chức làm điển hình để ngăn cấm
nhưng chính 2 tổ chức này đã lần lượt được công nhận, cho thấy sự phi lý trong
lý lẽ của BBT. Bởi vì: - Năm 1997, Đại hội Phật giáo toàn quốc lần thứ IV diễn
ra tại Hà Nội, Gia đình Phật tử được chính thức công nhận, ghi vào Hiến chương
Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Chương V Điều 19, nay là Điều 21; và - Ngày
27/11/2007 Tịnh độ cư sĩ Phật hội Việt Nam được nhà nước Việt Nam chính thức
công nhận tư cách pháp nhân (Trích Ban Tôn giáo Chính phủ - btgcp.gov.vn).
- BBT đưa ra lời buộc tội trong văn bản số 143 năm
2004 rằng: "Mỹ ngụy xây dựng các loại hướng đạo trong tôn giáo,
quân đội, cảnh sát...", và "Các tổ chức hướng đạo Công
giáo, Cao Đài, Tin Lành công khai dùng phương pháp hoạt động hướng đạo
để giáo dục tôn giáo, thực hiện tôn chỉ của các giáo hội được các giáo sĩ
và nhà thờ ủng hộ mạnh mẽ". Nhưng đến văn bản số 157 năm 2008 lại
công khai ra lệnh rằng: "Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và Hội
Liên hiệp Thanh niên Việt Nam phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu, đổi
mới nội dung, phương pháp giáo dục, rèn luyện thanh niên, thiếu niên, nhi đồng; tiếp
thu có chọn lọc hình thức, phương pháp hướng đạo trong giáo dục và tổ chức hoạt
động của thanh thiếu niên; đáp ứng tốt hơn nhu cầu đa dạng, chính đáng về
sinh hoạt vui chơi, giải trí lành mạnh, bổ ích, thu hút thế hệ trẻ tham gia vào
các hoạt động của tổ chức đoàn, hội, đội". Và một năm sau (2009), một
Tổng đoàn Sao Bắc Đẩu được thành lập tại Tp Hồ Chí Minh, nằm trong Hội Liên hiệp
thanh niện Tp. HCM, có hình thức, trang phục tương tự các Hướng đạo sinh của Hội
HĐVN. Mệnh lệnh này của BBT là một hiện tượng rất lạ, chưa từng có ở các nước
theo chế độ CS, kiểu như tên một vở kịch "Hồn Mác Lê, Da Hướng Đạo" !
Điều này cho thấy cái tốt, cái chính nghĩa của Hội HĐVN đã thuyết phục được
BBT, khiến cho BBT phải ra lệnh cho các các cơ quan, hội, đoàn tiếp thu, làm
theo giống như các tôn giáo, quân đội, cảnh sát ở miền Nam VN đã làm trước năm
1975. Vậy cái phương pháp hướng đạo ấy như thế nào mà BBT phải lệnh cho các cơ
quan và hội, đoàn "tiếp thu" ? Xin nêu tóm tắc về phương pháp hướng đạo
được ghi trong Hiến chương của Tổ chức Thế giới Phong trào Hướng đạo như sau:
"Phương pháp Hướng Đạo là một hệ thống tự giáo
dục tiến bộ bằng cách:
- Giữ Lời Hứa và Luật Hướng Đạo.
- Học hỏi bằng thực hành.
- Tổ chức theo hàng đội tự quản
dưới sự hướng dẫn của huynh trưởng để biết dấn thân, khám phá tiến bộ và nắm được
các kỹ năng sống; biết phát huy chí khí, tính tự lực và tinh thần trách nhiệm;
biết tạo lập sự tin cậy, khả năng hợp tác và lãnh đạo.
- Tham gia những sinh hoạt hào hứng
theo sở thích bằng các trò chơi ngoài trời tiếp xúc với thiên nhiên, những hoạt
động hữu ích cho cộng đồng, những công tác xã hội thiện nguyện".
Tại điều luật thứ 10 của Luật Hướng Đạo
Việt Nam và Luật Hướng Đạo Thế Giới đều ghi rằng: "Hướng Đạo Sinh
trong sạch từ tư tưởng, lời nói đến việc làm" / "A Scout is clean in
thought, word and deed". Một Hướng Đạo Sinh giữ được điều luật thứ
10 thì không khác gì một tu sĩ thực hiện tôn chỉ của giáo hội. Khi một HĐS giữ
được Lời Hứa và Luật Hướng Đạo là đã thực hành 3 nguyên tắc (principles) của
Phong trào Hướng Đạo, tóm gọn như sau:
Một là: Trung thành với Tổ quốc và làm
tròn phận sự đối với tôn giáo của tôi (Bổn phận đối với Quốc gia và tôn giáo).
Hai là: Giúp đỡ mọi người không cứ lúc
nào (Bổn phận đối với tha nhân).
Ba là: Trong sạch từ tư tưởng, lời nói
đến việc làm (Bổn phận đối với bản thân).
3/
Hội HĐVN tiếp tục bị ngăn cấm, hội viên bị đàn áp:
Xin được nêu lên 4 sự việc cho thấy Hội
HĐVN vẫn tiếp tục bị ngăn cấm và hội viên bị đàn áp sau ngày BBT ban hành các
văn bản nói trên cho đến nay:
- Một là: Trường hợp ông Đặng
Văn Việt, một huynh trưởng HĐ, đã nộp đơn cho Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch
xin phục hồi hướng đạo và được cơ quan này trả lời bằng văn bản số
1507/BVHTTDL-TCCB ngày 17/5/2011 với nội dung như sau: (6)
"Ban Bí thư Trung ương Đảng đã có thông báo về
hoạt động hướng đạo hiện nay tại một số tỉnh, thành phố và ghi rõ: 'không đặt vấn
đề tái lập tổ chức hướng đạo, cũng như thành lập thêm hội mới'. Bộ Văn hoá, Thể
thao và Du lịch thông báo để ông biết".
Văn bản trả lời của Bộ Văn hoá TT &
DL cho thấy một thông báo của Ban Bí thư Trung ương có hiệu lực cao hơn Hiến
pháp và pháp luật. Bộ Văn hoá TT & DL đã không căn cứ vào quy định của Hiến
pháp và pháp luật về quyền lập hội để xem xét đơn của ông Đặng Văn Việt có hội
đủ điều kiện theo pháp luật quy định hay không mà chỉ nêu "ý kiến"
không cho phép của Ban Bí thư. Quyết định của cơ quan cấp bộ thuộc Chính phủ
này bộc lộ sự lộng quyền của "Đảng trị", phủ định nền tảng "Pháp
trị" mà Hiến pháp đã quy định tại Điều 4.
- Hai là: Trường hợp ông Phạm
Thanh Hiệp, huynh trưởng đại diện cho Hướng Đạo Việt Nam, đã cùng với đại điện
Hướng Đạo của 7 quốc gia Đông Nam Á là Brunei Darussalam, Indonesia, Malaysia,
Cambodia, Philippines, Singapoore và Thailand ký tên trên bản Hiến chương thành
lập Hội Hướng Đạo Đông Nam Á Hợp tác Khu vực (ASEAN Scout Association for
Regional Co-operation/ASARC) vào ngày 4/12/2010 tại Singapore. Hướng Đạo Việt
Nam chỉ được tham gia ASARC với tư cách là Quan sát viên (Observer) vì chưa có
tư cách pháp nhân (chưa được nhà nước VN công nhận). Ngày 18/10/2012, ông
Phạm Thanh Hiệp đã nộp đơn cho Sở Nội vụ Tp. Hồ Chí Minh đề nghị công nhận Ban
vận động thành lập Hội Hướng Đạo sinh Thành phố Hồ Chí Minh do ông đứng đầu,
theo quy định của Nghị định số 45/2010/NĐ-CP ngày 21/4/2010. Đến ngày
08/02/2013, Sở Nội vụ Tp. HCM trả lời bác đơn bằng văn bản số 164/SNV-VP với lý
do như sau: (7)
"Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Uỷ ban nhân dân
thành phố tại Công văn số 914/VP-VX ngày 04 tháng 02 năm 2013 của Văn phòng Uỷ
ban nhân dân thành phố về không thành lập Hội Hướng đạo sinh thành phố Hồ Chí
Minh vì hiện nay tại thành phố Hồ Chí Minh đã có nhiều tổ chức hoạt động của giới
trẻ như Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Đội Thiếu niên tiền phong Hồ Chí
Minh, Hội Liên hiệp thanh niên, Hội Sinh viên. Sở Nội vụ phúc đáp cho ông Phạm
Thanh Hiệp được biết và hoàn trả hồ sơ".
Có thể nhận thấy "ý kiến chỉ đạo của
UBND thành phố" mà Sở Nội vụ nêu ra để bác đơn ông Phạm Thanh Hiệp là vi
phạm Hiến pháp và pháp luật. Hiến pháp ngày 15/4/1992 (sửa đổi bổ sung 2001)
quy định tại Điều 69 rằng: "Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự
do báo chí, có quyền được thông tin, có quyền hội họp, lập hội, biểu tình theo
quy định của pháp luật". Và Nghị định số 45/2010/NĐ-CP ngày 21/4/2010
quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý hội có quy định tại khoản 1 Điều 5 về "Điều
kiện thành lập hội" như sau: "Có mục đích hoạt động
không trái với pháp luật; không trùng lặp về tên gọi và lĩnh vực hoạt động
chính với hội đã được thành lập hợp pháp trước đó trên cùng địa bàn lãnh thổ".
Câu hỏi đặt ra là giữa Hội HĐVN và các tổ chức như Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ
Chí Minh, Đội Thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp thanh niên, Hội
Sinh viên thì "hội nào được thành lập hợp pháp trước ?". Tôi xin trả
lời ngay: Hội HĐVN là hội được thành lập hợp pháp trước. Xin dẫn chứng như sau:
- Trong cuốn “Kỷ yếu Hướng Đạo Việt Nam 1930-1945”
do Trưởng Phạm Văn Nhơn sưu tầm, biên soạn vào năm 2009, có ghi ở trang 26 như
sau: “Năm 1930 Khai sinh Hướng Đạo Việt Nam - Ở Hà Nội, Trưởng Trần Văn
Khắc thành lập Đoàn Lê Lợi vào tháng 9 năm 1930 sau đó giao lại cho anh Nguyễn
Ngọc Vũ trông nom. Liền đó tháng 10/1930 Trưởng Hoàng Đạo Thúy thành lập Đoàn Vạn
Kiếp”. Đến năm 1932, do hệ thống chính trị ở 3 miền Việt Nam có tính
chất khác biệt nên có 3 hội Hướng Đạo lần lượt được thành lập theo khuôn khổ
pháp luật của mỗi miền với các tên gọi khác nhau là: Hội Hướng Đạo Bắc kỳ (thành
lập 28/9/1932), Hội Hướng Đạo An Nam (tức Hội Hướng Đạo Trung kỳ, thành lập
15/12/1932) và Tổng cuộc Hướng Đạo Nam kỳ (thành lập 24/7/1932). (trang 44, 45
Kỷ yếu HĐVN 1930-1945, Pham Văn Nhơn). Khi Vua Bảo Đại lên ngôi ngày 10/9/1932
(lúc 19 tuổi) thì Hội Hướng Đạo An Nam được vinh dự trao tặng danh vị “Hội Viên
Danh Dự” cho Vua Bảo Đại vào ngày 2/4/1934. Thủ tục nghi lễ lúc bấy giờ đòi hỏi
Bằng Hội Viên Danh Dự Hội Hướng Đạo An Nam phải được trao tặng qua vị Bộ Trưởng
Giáo Dục. (8)
- Sau khi nước Việt Nam độc lập năm 1945, một Hội
HĐVN được thành lập để thay và thống nhất ba hội Hướng Đạo Bắc kỳ, Trung kỳ,
Nam kỳ. Bản Điều lệ của Hội HĐVN được duyệt y ngày 7/2/1946, do ông Hoàng Minh
Giám, Đổng lý Văn phòng, ký thay Bộ trưởng Bộ Nội vụ.
- Ngày 31/5/1946, Chủ tịch Chính phủ Việt Nam Hồ Chí
Minh gởi thư cho ông Hội trưởng Hội Hướng đạo Việt Nam nhận làm Danh Dự Hội Trưởng.
Không hiểu BBT e ngại điều gì mà trong cả 2 văn bản nhằm xoá bỏ Hội HĐVN nói
trên đều bỏ sót, không hề nói đến tư cách Danh Dự Hội Trưởng Hội HĐVN của Chủ tịch
Đảng CSVN kiêm Chủ tịch Chính phủ Việt Nam ?
Đó là những chứng cứ cho thấy có 3 Hội
Hướng Đạo đã được thành lập hợp pháp từ năm 1932 trên cả ba miền của đất nước
có chế độ chính trị khác nhau. Đến khi Việt Nam độc lập và thống nhất năm 1945
thì một Hội HĐVN thống nhất cả nước - để thay cho 3 hội ở 3 miền, cũng được
thành lập hợp pháp vào ngày 7/2/1946 - là thời điểm chưa có Hiến pháp đầu tiên
(9/11/1946). Và vào thời điểm Hiến pháp đầu tiên được ban hành (9/11/1946), các
tổ chức như Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Đội Thiếu niên tiền phong Hồ
Chí Minh, Hội Liên hiệp thanh niên, Hội Sinh viên đều chưa được thành lập hợp
pháp.
- Ba là: Trại Hợp Lực 2015
được các hội viên HĐVN tổ chức để kỷ niệm 85 năm "khai sinh HĐVN" tại
Khu du lịch Bửu Long thuộc tỉnh Đồng Nai vào các ngày 16-19/7/2015. Sáng
16/7/2015 các trại sinh cùng đến đất trại để chuẩn bị khai mạc trại vào ngày
17/7/2015 nhưng ngay trong đêm hôm đó, CA mặc thường phục đã xông vào khống chế
lực lượng bảo vệ Khu du lịch và ra lệnh cho các trại sinh phải nhổ trại vào
sáng hôm sau. Danh sách đăng ký tham dự trại - thông qua hợp đồng dân sự hợp
pháp với Ban Giám đốc Khu du lịch Bửu Long, có tổng cộng là 2.017 huynh trưởng
và đoàn sinh HĐVN trên cả nước tham dự Trại Hợp Lực 2015. (9)
- Bốn là: Hội Bầy ngành Ấu
toàn quốc được tổ chức vào ngày 4/6/2016 ở Khu du lịch Mắt Xanh tỉnh Bình
Dương để kỷ niệm 100 năm ngành Ấu của Phong trào Hướng Đạo Thế giới. Có khoảng
trên 800 sói con và huynh trưởng khắp nơi về dự trại. Nhưng ngay ở những điểm tập
họp đầu tiên trên địa bàn tỉnh Bình Dương, các huynh trưởng và đoàn sinh HĐVN
đã bị công an mặc thường phục uy hiếp, xua đuổi chạy từ điểm tập họp này sang
điểm tập họp khác và sau cùng tất cả phải quay trở về địa phương mình !
4/
Kết luận và đề nghị:
Hiến pháp nước Việt Nam có đặt ra giới hạn đối với
hoạt động của Đảng CSVN khi quy định tại Điều 4 rằng: "Mọi tổ chức
của Đảng hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật". Nhưng cũng
tại Điều 4 này của Hiến pháp đã xác lập cho Đảng CSVN "là lực lượng
lãnh đạo nhà nước và xã hội" tức là đã trao cho tổ chức chính trị
này một quyền lực vô cùng rộng lớn mà chỉ với một câu gồm 10 từ. Một câu gồm 10
từ này có thể được giải thích theo nhiều cách khác nhau và đều có thể lấy đó
làm cơ sở pháp lý cho quyền hành của Đảng CSVN. Trong suốt 70 năm với 5 Bản Hiến
pháp mà Quốc hội VN vẫn không làm ra được một đạo luật để xác lập các quyền và
nghĩa vụ cụ thể của các đảng viên và Đảng CSVN trong việc "lãnh đạo nhà nước
và xã hội" để Đảng CSVN không thể lạm quyền, không thể vượt ra ngoài khuôn
khổ Hiến pháp và pháp luật. Căn cứ vào nội dung của Sắc lệnh Luật số
102-SL/L-004 ngày 20/5/1957 quy định quyền lập hội thì Đảng CSVN cũng chỉ là một
tổ chức, một hội như Hội HĐVN nhưng khác nhau ở “mục đích” – Đảng CSVN có mục
đích chính trị còn Hội HĐVN có mục đích xã hội. Nhưng đây là điều nghịch lý
trong một chế độ dân chủ pháp trị nếu so sánh với Hội HĐVN chỉ có gần 15.000 hội
viên nhưng được điều chinh bởi các văn bản pháp luật như: Các Hiến pháp, Sắc lệnh
Luật số 102-SL/L-004 ngày 20/5/1957 quy định quyền lập hội, Nghị định số
258-TTg ngày 14/6/1957 quy định chi tiết thi hành Luật quy định quyền lập hội,
rồi đến Nghị định số 88/2003/NĐ-CP ngày 30/7/2003 quy định về tổ chức, hoạt động
và quản lý hội, rồi đến Nghị định số 45/2010/NĐ-CP ngày 21/4/2010 quy định về tổ
chức, hoạt động và quản lý hội. Và sắp tới đây là một Dự thảo Luật về hội đang
chờ Quốc hội thông qua. Chính vì không phải chịu trách nhiệm pháp lý cụ thể,
không thể bị một chế tài nào của pháp luật VN nên đã có sự lạm quyền của BBT
khi làm ra các văn bản trái pháp luật để ngăn cấm tái lập Hội HĐVN và ra lệnh
đàn áp các sinh hoạt, hội họp của các hội viên. Hay nói cách khác là các cơ
quan bảo vệ pháp luật ở Việt Nam và cả hệ thống văn bản pháp luật VN đã không
thể bảo hộ quyền hội họp và quyền lập hội của các hội viên Hội HĐVN trước sự lạm
quyền của BBT và những người thi hành lệnh của BBT.
Nhưng Việt Nam đã tham gia Công ước quốc
tế về các quyền dân sự và chính trị từ ngày 24/9/1982 nên Đảng CSVN cầm quyền
và Chính phủ Việt Nam có nghĩa vụ phải tôn trọng các quyền đã được thừa nhận
trong Công ước này dành cho các hội viên Hội HĐVN. Theo đó, Việt Nam đã cam kết "đảm
bảo rằng bất cứ người nào bị xâm phạm các quyền tự do như được công nhận trong
Công ước này, thì đều được hưởng bảo hộ pháp lý một cách có hiệu quả, cho dù sự
xâm phạm này là do hành vi của những người thừa hành công vụ gây ra" (Khoản
3.a Điều 2 Công ước). Nhưng Đảng CSVN cầm quyền và Chính phủ Việt Nam vẫn cố ý
xâm phạm quyền lập hội và hội họp của các hội viên Hội HĐVN từ khi Việt Nam gia
nhập Công ước (1982) cho đến nay. Do đó, tôi xin kính gởi đề nghị đến Chính phủ
các quốc gia thành viên của Công ước như sau:
- Đề nghị các quốc gia thành
viên của Công ước - đặc biệt là với 164 quốc gia hiện nay có Tổ chức
Hướng đạo Quốc gia, có tư cách hội viên của WOSM – xin dẫn = (https://www.scout.org/node/67)
Hãy sử dụng quyền của mỗi quốc gia thành viên được
quy định tại Điều 41 Công ước để khiếu nại với Ủy ban Quyền con người về trường
hợp Việt Nam đã không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ của mình theo Công ước vì lý do
Đảng CSVN và Chính phủ VN đã liên tục xâm phạm quyền lập hội và quyền hội họp của
các hội viên Hội HĐVN từ 1975 đến nay.
- Đề nghị với Chính phủ Hoa Kỳ:
Ngày 25/7/2013, Hoa Kỳ và Việt Nam đã ký bản Tuyên bố chung xác lập quan hệ đối
tác toàn diện giữa hai nước nhằm xây dựng một khuôn khổ tổng thể để thúc đẩy sự
hợp tác trên nhiều lĩnh vực, trong đó có nội dung "bảo vệ và thúc
đẩy quyền con người". Đến ngày 9/12/2016, Tổng Thống Hoa Kỳ ban hành Đạo
luật Nhân quyền Magnitsky Toàn cầu (Global Magnitsky Human Rights
Accountability Act) đã được Lưỡng Viện Quốc Hội Hoa Kỳ thông qua trước đó. Đạo
luật Nhân quyền Magnitsky Toàn cầu chắc chắn sẽ giúp cho việc thực hiện bản
Tuyên bố chung ngày 25/7/2013 hiệu quả hơn và sẽ thúc đẩy Việt Nam thực hiện đầy
đủ hơn nghĩa vụ của mình theo Công ước. Các hội viên Hội HĐVN đặt nhiều hy vọng
vào mối quan hệ đặc biệt này giữa 2 Chính phủ Hoa Kỳ và Việt Nam khi hai bên
cùng xem xét về trường hợp của Hội HĐVN bị xâm phạm quyền lập hội và hội họp
theo pháp luật.
Tôi cũng xin đề nghị với bất cứ cá nhân
hay tổ chức nào có điều kiện, hãy chuyển gởi tiếp hồ sơ này đến các cơ quan, tổ
chức dưới đây để có thể có được sự hổ trợ cần thiết trước khi vấn đề Hội HĐVN
được Ủy ban Quyền con người xem xét:
Tổ chức phi chánh phủ: Human Rights Watch, Freedom House, Amnesty International, Human Rights
Campaign, Lawyers Committee for Human Rights, BPSOS, Mạng Lưới Nhân Quyền Việt
Nam.
Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ: Bureau of Democracy, Human Rights and Labor Affairs.
Hạ Viện Hoa Kỳ: Tom Lantos
Human Rights Commission.
Thượng Viện Hoa Kỳ:
Sub-committee on International Opeations and Organizations, Human Rights,
Democracy and Global Women’s Issues.
Sau cùng, tôi xin cám ơn tất cả những
cá nhân, tổ chức và những quốc gia đã và sẽ giúp đỡ các hội viên Hội HĐVN trên
con đường đấu tranh đòi lại các quyền lợi hợp pháp của mình, đòi lại sự công bằng
cho mình. Sự công bằng và công lý cho các hội viên Hội HĐVN là: Đảng CSVN và
Chính phủ VN phải thực thi những cam kết trong Công ước bằng cách công nhận quyền
hội họp và lập hội hợp pháp của các hội viên Hội HĐVN đã có từ năm 1932.
Nguyễn
Lệnh.
(Cựu Hướng đạo sinh Hội HĐVN - Luật sư tập sự thuộc
Luật sư Đoàn Tòa Thượng Thẩm Huế trước 30/4/1975 - Luật sư thực thụ thuộc Đoàn
Luật sư Tp. Hồ Chí Minh từ 16/8/1996 đến nay.)
(1) Văn bản số 143 – TB/TW ngày 20/4/2004:
No comments:
Post a Comment