Fri,
07/01/2016 - 14:28 — Kami
Trong
cuộc họp báo công bố thông tin nguyên nhân gây ra hiện tượng cá chết ở biển miền
Trung của Chính phủ chiều 30/6/2016, có một chi tiết đáng chú ý. Đó là việc Bộ
trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũngcho
rằng, việc đưa vụ án ra khởi tố hay không thì Chính phủ Việt Nam sẽ cân nhắc.
Theo ông Mai Tiến Dũng, Formosa Hà Tĩnh đã nhận lỗi việc nhận lỗi cũng như
cam kết bồi thường, nên "...Hy vọng nhân dân Việt Nam có thái
độ khoan hồng, độ lượng, thể hiện sự cao thượng đối với Formosa.".
Điều
đó cho người ta thấy, cái kết của vụ việc này tiếp theo sẽ là, Formosa Hà Tĩnh
chỉ cần bỏ ra 500 triệu USD trả cho nhà nước Việt nam, thì mọi chuyện sẽ được xếp
lại và họ sẽ thoát hiểm.
Sự
dễ dãi đáng ngờ
Điều
này đã khiến cho nhiều người phải băn khoăn về sự dễ dãi quá mức của chính quyền
Việt nam đối với nhà đầu tư Formosa, vì còn nhớ rằng, ngày 1/5/2016 khi làm việc
với 4 tỉnh Bắc Trung bộ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã khẳng định "...
đây là sự cố nghiêm trọng về môi trường ở bốn tỉnh miền Trung Việt Nam, làm ảnh
hưởng nghiêm trọng đến đời sống nhân dân ven biển..." và đã yêu cầu
xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật, không loại trừ bất cứ tổ chức, cá
nhân nào. Vậy tại sao khi xác định được thủ phạm, thì ông Thủ tướng lại quay ra
nói rằng "Nếu Formosa tái diễn sẽ kiên quyết đóng cửa"?
Được
biết ở các quốc gia khác trên thế giới, sự trừng phạt đối với thủ phạm gây ra
các thảm họa môi trường với những bản án cực kỳ nghiêm khắc và người ta không
bao giờ vội vã hay đơn giản vấn đề. Ví dụ: ngày 13/3/2015, Tòa án công lý quốc
tế (ICJ) tại La Haye, Hà Lan, đã ra phán quyết yêu cầu Tập đoàn dầu khí Mỹ
Chevron bồi thường 9,5 tỷ USD cho những thiệt hại về môi trường đã gây ra cho
Ecuador do hủy hoại môi trường khi khai thác dầu. Và vụ kiện kéo dài trong suốt
20 năm. Hoặc ngày 4/4/2016, Tòa Án Mỹ đã quyết định án phạt khoảng 20 tỷ USD buộc
tập đoàn dầu khí BP của Anh để giải quyết các yêu cầu bồi thường thiệt hại sau
sự cố dầu tràn tại vịnh Mexico năm 2010. Không chỉ thế, tập đoàn BP còn phải
thanh tóan 5,5 tỷ USD cho các hình phạt liên quan và BP còn mất thêm 28 tỷ USD
cho công tác dọn dẹp và đền bù sau sự cố tràn dầu.
Vậy
mà thảm họa môi trường do Formosa Hà Tĩnh gây ra, được đánh giá là đã làm ảnh
hưởng đến nghiêm trọng đến cuộc sống của hàng triệu người ở các tỉnh bắc Trung
bộ; huỷ diệt môi trường biển; làm tê liệt các hoạt động kinh doanh du lịch.
Quan trọng hơn, có những nghi ngại sâu sắc về các vấn đề sức khoẻ và các hậu quả
lâu dài có thể lâu đến 70 năm do tình trạng ô nhiễm biển đã gây ra. Chưa kể đến
việc ngư dân bỏ biển sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sự toàn vẹn của chủ quyền của Việt
nam trên Biển Đông, trước âm mưu thôn tính của Trung quốc.
Phát
ngôn cá nhân của ông Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, phải là chủ trương chung của
ban lãnh đạo đảng CSVN, nhằm kết thúc một cách chóng vánh sự cố, bất kể sự giận
dữ của người dân. Trong lúc tổng số thiệt hại của Formosa Hà Tĩnh gây ra, cho
môi trường biển 4 tỉnh miền Trung chưa xác định rõ là bao nhiêu? Khi mà sáng
1/7/2016, sau khi công bố nguyên nhân cá chết 1 ngày, lãnh đạo UBND tỉnh Hà
Tĩnh mới ráo
riết thành lập Hội đồng đánh giá thiệt hại sau sự cố môi trường
do Formosa Hà Tĩnh gây ra và có lẽ các tỉnh còn lại cũng như thế. Thì tại sao
Chính phủ lại phải vội vàng chấp nhận thỏa thuận với Formosa Hà Tĩnh trong khi
chưa đánh giá được tổng số mức độ thiệt hại. Và căn cứ vào đâu để Chính phủ chấp
nhận số tiền đền bù của Formosa là 500 triệu USD? Trong trường hợp khi xác định
được mức độ thiệt hại lớn hơn con số 500 triệu USD mà Formosa cam kết thì Chính
phủ sẽ có biện pháp xử lý ra sao?
Những
ưu đãi quá đặc biệt
Quay
trở lại với những nghi vấn trước đây về việc cấp phép cho Formosa Hà Tĩnh với mức
độ thần tốc chưa từng có Điều đó khiến cho người ta buộc phải nghĩ rằng, những
người đại diện cho nhà nước không chỉ có những xử sự quá ưu ái mà đang đứng
cùng bên với Formosa Hà Tĩnh - đã gây nên thảm họa biển 4 tỉnh miền Trung? Lâu
nay, người ta thấy rằng, Dự án Formosa tại Vũng Áng đã nhận được sự ưu đãi đặc
biệt từ Tỉnh ủy Hà tĩnh. Cụ thể Kết
luận của Thanh tra Chính phủ đã khẳng định rằng, việc tỉnh Hà Tĩnh cấp
phép đầu tư cho Formosa tại Vũng Áng, với thời hạn 70 năm khi chưa được Chính
phủ đồng ý là vượt quá thẩm quyền, có dấu hiệu vi phạm pháp luật.
Không
kể đến việc cho Formosa tại Vũng Áng thuê hơn 3.300 ha đất trong vòng 70
năm, được miễm tiền thuê đất 15 năm với giá chỉ hơn 96 tỷ đồng, mà phía Việt
Nam còn có các ưu đãi cho Dự án Formosa đặc biệt chưa từng thấy. Như về thuế
thu nhập doanh nghiệp chỉ là 10%, trong lúc áp dụng cho doanh nghiệp trong nước
là 22%; hay miễn thuế thu nhập trong bốn năm và giảm 50% số thuế phải nộp trong
9 năm tiếp theo; được miễn thuế nhập khẩu máy móc, thiết bị.... là những ví dụ.
Cùng với sự buông lỏng quản lý tới mức đáng ngờ của các cơ quan chức năng Hà
Tĩnh, khi Formosa là một dự án luyện kim có khối lượng chất thải rất lớn, với
nhiều chất độc hại được thải ra môi trường. Thế nhưng, việc chủ đầu tư có thể xả
trộm hết ra biển các chất cực độc với khối lượng lớn mà không ai biết. Trong
khi việc quan trắc, giám sát từ phía các cơ quan của nhà nước lại chỉ thực hiện
theo chu kỳ theo hợp đồng do Formosa Hà Tĩnh thuê lại Sở TN&MT Hà Tĩnh.
Căn
cứ vào trả lời của ông Chu Xuân Phàm - trưởng văn phòng Formosa tại Hà Nội nói
thẳng rằng: "Muốn bắt cá, bắt tôm hay nhà máy, cứ chọn đi. Nếu chọn
cả hai thì làm thủ tướng cũng không giải quyết được…" thì sẽ thấy,
tập đoàn Formosa đã nắm đầu các quan chức Hà tĩnh nói riêng và ban lãnh đạo đảng
CSVN đến mức nào?
Chính
vì thế người ta phải đặt câu hỏi: Thế lực nào đã chống lưng cho Formosa Hà
Tĩnh, vì mục đích gì mà họ lại dành cho nhà đầu tư Đài Loan những ưu đãi đặc biệt
như vậy?
Góc
khuất ở Formosa Vũng áng
Việc
tìm ra nguyên nhân và thủ phạm gây ra việc cá chết hàng loạt ở biển miền Trung
không phải mất thời gian gần 90 ngày như vừa qua, vì theo Phó GS-TS Nguyễn Tác
An nguyên Viện trưởng Viện Hải dương học, Chủ tịch Ủy ban Hải dương học liên
chính phủ (IOC), ngày 05/5/2016 đã khẳng định:"Cá chết là thảm họa môi
trường, không nên để lâu nữa. Những chứng cứ khoa học đã có thể kết luận được
nguyên nhân rồi. Vì hôm 20/4/2016 những kết quả ấy đã được phân tích, được hình
thành báo cáo.", Điều đó có nghĩa rằng việc tìm ra nguyên nhân và
thủ phạm là điều không khó. Nếu hiểu trong kinh doanh, người Trung quốc luôn nổi
tiếng trong việc dùng việc hối lộ tiền bạc để mua chuộc đối tác, thì trong dự
án Formosa Hà Tĩnh sẽ không phải là ngoại lệ. Việc cấp giấy phép đầu từ cho tập
đoàn Formosa nhanh chóng đến kinh ngạc, sau khi dự án này buộc phải rút khỏi
Đài loan do bị dân chúng quốc gia đó phản đối đã cho thấy điều đó.
Việc
Formosa Hà tĩnh đã bỏ tiền để “mua” chức Uỷ viên Trung ương và các ghế Bộ trưởng
cho các quan chức ở Hà Tĩnh và đút lót cho rất nhiều lãnh đạo cấp cao khác đã
khiến các quan chức hàng đầu há miệng mắc quai. Chính vì thế giới chức Việt nam
và Formosa Hà Tĩnh phải mất tới gần 90 ngày, cò cử nhằm thương lượng,
để tìm ra một giải pháp dung hòa giữa các bên mà vẫn đảm bảo trấn an được dân
chúng. Quan trọng hơn là trong lúc này, phía Việt nam đều sợ, một khi bị đẩy
vào thế cùng thì Formosa sẽ sẵn sàng tố ngược và công bố các bí mật này. Không phải ngẫu nhiên mà ngày 22/4/2016,
sau khi xảy ra thảm họa môi trường thì đích thân Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
phải tới Formosa Hà Tĩnh để thương lượng.
Việc tại Đại hội Đảng CSVN toàn quốc lần
thứ 12, Hà Tĩnh một tỉnh nghèo nhất nước đột nhiên có
tới 16 Uỷ viên Trung ương chính thức và dự khuyết, và là tỉnh tỉnh có
nhiều Uỷ viên Trung ương nhất cả nước. Theo dư luận thì hầu hết các quan chức Hà
tĩnh hiện nay hoàn toàn không đủ năng lực và trình độ, và học vấn chỉ dựa vào chuyện
mua bán bằng cấp giả. Điều này chứng tỏ những ngờ vực trước đây khi
cho rằng có bàn tay và tiền bạc của Formosa trong kết quả này là có cơ sở. Đáng
chú ý, trong số đó có ông Trần Hồng Hà được giữ chức Bộ trưởng Bộ TN&MT và
ông Nguyễn Chí Dũng thì giữ chức Bộ trưởng Bộ Kế Hoạch & Đầu Tư. Đó là những
chiếc ghế cực kỳ quan trọng đối với Formosa Hà Tĩnh, nó có thể quyết định các
chính sách mang lại lợi ích cho Formosa nhiều nhất trong quá trình đầu tư ở Việt
nam, Việc Formosa Vũng Áng, một dự án kéo dài gần 10 năm, với mức đầu tư tăng từ
10 tỷ tăng lên 27 tỷ đô la trong thời gian qua cho thấy điều đó.
Cụ
thể một việc không lớn, lẽ ra Formosa Hà Tĩnh nếu làm đúng quy trình xả thải,
Formosa phải mất tới 2-3 tỷ USD để đầu tư, nhưng trên thực tế họ chỉ cần đầu tư
450 triệu USD mà vẫn được chấp nhận đưa vào vận hành. Chênh lệch nhiều tỷ đô là
trong một vụ việc như thế, cho thấy việc Formosa Hà Tĩnh dùng tiền bạc để lobby
hay vận động hành lang là chuyện có thật và không phải bàn cãi. Trong một xã hội
như Việt nam, khi nền kinh tế mang nặng tính tư bản thân hữu, được chi phối bởi
các nhóm lợi ích dựa trên mối quan hệ chặt chẽ về quyền lợi giữa
doanh nghiệp và các quan chức nhà nước, thì đây là điều đương nhiên. Chưa kể đến
họ có thể đặt vấn đề thẳng với thủ phạm Formosa Hà Tĩnh, về số tiền đền bù chỉ
một số nào đó, còn lại thì... Mấy ông quan chức thời nay thì có gì mà họ không
dám (!?)
Nếu
để ý sẽ thấy, trước đây ít ngày, Phó chủ tịch Formosa Hà Tĩnh nói với báo chí rằng:"Chúng
tôi vẫn hoạt động bình thường ở đây, chẳng có gì là đình chỉ hoạt động cả. Chỉ
là chúng tôi ngừng việc khánh thành sản xuất một chút. Chúng tôi cần sự cho
phép của chính phủ Việt Nam.". Song mới nhất Chủ tịch HĐQT của
Formosa lại gửi thư cho các nhân viên đã không ngần ngại tuyên bố "Trong
bất kỳ tình huống nào, công ty vẫn giữ cho nhà máy tiếp tục hoạt động, đặt sự
an toàn và lợi ích của toàn thể cán bộ nhân viên lên hàng đầu, nỗ lực để phát
triển bền vững và lâu dài tại Việt Nam". Cần phải hiểu rằng, đó là sự
răn đe của Formosa Hà tĩnh đối với các quan chức phía Việt nam, họ muốn nhắc lại
rằng họ vẫn đang nắm đằng chuôi trong vụ việc này. Chính vì thế, ngay sau khi
công bố kết quả nguyên nhân và thủ phạm cá chết, Chính phủ đã khẩn trương
bằng mọi cách để giải quyết hậu quả với mục đích thoát khỏi vụ scandal này càng
sớm càng tốt.
Kết:
Dù
rằng, nguyên nhân và thủ phạm gây ra việc cá chết đã được công bố, song việc dễ
dãi với các hứa hẹn của Formosa Hà tĩnh từ chính phủ Việt nam, đã khiến cho dư
luận xã hội càng bức xúc hơn. Vì thế, việc tạo các áp lực cần thiết đòi hỏi nhà
nước Việt nam phải có hành động pháp lý, thông qua việc khởi kiện Formosa Hà
tĩnh là điều hết sức cần thiết. Vì chỉ có như vậy mới buộc Formosa Hà
tĩnh phải có trách nhiệm trong việc tái thiết, bồi thường, đền bù do đã
phá hủy sinh thái, môi trường sống cũng như hoạt động kinh doanh, du lịch ở 4 tỉnh
miền Trung. Thậm chí là phải đóng cửa nhà máy của Formosa Hà tĩnh.
Điều
đó sẽ đẩy Formosa Hà tĩnh vào tình thế đối mặt với tổn thất rất lớn nhiều tỷ đô
la, và khi "đường cùng" thì họ sẽ giứt dậu thì họ sẽ không ngại ngùng
tố cáo những kẻ đã nhận hối lộ. Đây chính là tử huyệt của Đảng CSVN và là lý do
vì sao trước ngày công bố nguyên nhân cá chết, Bộ trưởng Công an Tô Lâm đã nhấn
mạnh việc cần thiết ngăn chặn kích động biểu tình.
Vì
thế các tổ chức XHDS cần phải có biện pháp cụ thể, để tạo ra các áp lực cần thiết
đối với chính quyền, thông qua các cuộc tuần hành, xuống đường với quy mô lớn,
buộc họ phải xử lý triệt để với Formosa Hà tĩnh. Mặt khác cần phối hợp với các
luật sư để tiến hành việc vận động lấy chữ ký để khởi kiện Formosa Hà tĩnh ra
trước Tòa án công lý quốc tế (ICJ) tại La Haye, Hà Lan.
Xin
hãy nhớ, một khi môi trường sống quanh ta bị hủy hoại, thì nó sẽ không buông
tha cho bất cứ cá nhân nào và Napoleon nói rằng: “Thế giới đã phải
chịu tổn thất rất lớn. Không phải vì sự tàn ác của những người xấu, mà là vì sự
im lặng của những người tốt”, để mỗi người xác định trách nhiệm của
mình trong lúc này.
Ngày
01/07/2015
©
Kami
*
Đây là trang Blog cá nhân của Kami. Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á
châu Tự do RFA.
-------------------------------------
Fri,
07/01/2016 - 12:03 — nguyenanhtuan
Bạn
có biết, ban đầu FORMOSA định đặt nhà máy thép ở Vân Lâm
(Yunlin), Đài Loan (năm 2007) nhưng làn sóng phản đối của báo giới, xã hội
dân sự và một số người có trách nhiệm trong các cơ quan môi trường của Đài Loan
đã chặn đứng thành công dự án này.
Năm
2008, FORMOSA chuyển dự án sang một nước khác, nghèo hơn, nơi họ có thể cắt giảm
được các chi phí về môi trường.
(Biểu
tình chống dự án Nhà máy thép Formosa dự định xây dựng tại Vân Lâm, Đài Loan -
2007. Nguồn: Taiwan PTS)
Dự
án ngay lập tức được Chính phủ nước đó chấp nhận, trong một tiến trình xét duyệt
hồ sơ dự án nhanh bất thường.
Bạn
có biết đó là nước nào không?
Chính
là Việt Nam.
Khoảnh
khắc tôi nhớ nhất khi ở cùng đoàn làm phim Taiwan PTS ở Hà Tĩnh là khi một
thành viên trong đoàn hỏi tôi:
'Dân Đài Loan chúng
tôi đã phản đối quyết liệt để dừng dự án nhà máy thép của FORMOSA vì nguy
cơ gây ô nhiễm môi trường của nó.
Sao các bạn lại còn
rước nó về?’
Lúc
ấy, và ngay cả lúc này, chưa bao giờ tôi thấy mình có lỗi đến thế với mảnh đất
nơi mình sinh ra, lớn lên.
Giá
mà ngay khi FORMOSA dự định đầu tư vào Việt Nam, tôi và nhiều người nữa
tìm hiểu thật kĩ thông tin về tập đoàn này, và làm hết sức mình, dành hết tâm
trí của mình đấu tranh quyết liệt với các cấu kết quyền-tiền để ngăn chặn
dự án như những người bạn Đài Loan đã làm, thì dẫu có thành công hay không, tôi
cũng không phải chịu cảm giác có lỗi này.
Tôi
thành thật cảm thấy phần lỗi của mình trong thảm họa này. Có lỗi với mảnh đất
này, với các thế hệ tương lai sau này.
Nhưng
dẫu vậy tôi vẫn phải khẳng định rằng:
Ai, tổ chức nào rước FORMOSA về, cấp phép nhanh kinh
ngạc, ký hợp đồng giao đất 70 năm cho nó mới là kẻ phải chịu trách nhiệm lớn nhất đối
với nhân dân, với quê hương xứ sở.
70
năm tới, hàng chục triệu người sẽ phải sống trong nơm nớp lo sợ, không biết thảm
họa lúc nào sẽ tái diễn.
70
năm tới, cư dân địa phương sẽ chết dần chết mòn vì ô nhiễm nước, không khí -
như những gì đã và đang xảy ra với người dân sống xung quanh nhà máy
FORMOSA Đài Loan ở hai huyện Vân Lâm và Chương Hóa. Cư dân địa phương nơi
đây đang tiến hành thủ tục kiện FORMOSA đòi đền bù chi phí chữa trị ung
thư và mai táng cho người thân của họ đã chết vì những bệnh được cho là có
liên quan tới khí thải của tập đoàn này. [2]
70
năm tới, đất nước sẽ phải song hành với một trong những tập đoàn tai tiếng nhất
thế giới về gây ô nhiễm môi trường, đã từng bị trao giải Hành Tinh Đen 2009, và
đã từng chấp nhận việc vi phạm, nộp phạt để tiếp tục vận hành vì số tiền
phạt quá nhỏ so với khoản lợi nhuận khổng lồ thu được từ việc vi phạm.
'Sao
lại rước FORMOSA về?' - Câu hỏi cứ văng vẳng bên tai tôi.
[1]http://boxitvn.blogspot.com/2016/05/nhung-bat-cap-trong-trien-khai-du.html
[2]http://www.taipeitimes.com/News/taiwan/archives/2015/08/15/2003625417
[2]http://www.taipeitimes.com/News/taiwan/archives/2015/08/15/2003625417
No comments:
Post a Comment