29.07.2016
Âm nhạc
là một yếu tố không thể thiếu trong các cuộc tụ họp, ngay cả các cuộc tập hợp
chính trị. Mới đây trong Đại Hội Toàn quốc Đảng Dân Chủ của Hoa Kỳ, ca sĩ Paul
Simon, nổi danh trong tư cách là một thành viên của đôi song ca Simon &
Garfunkel vang bóng một thời, đã lên sân khấu trình bày nhạc phẩm “Bridge Over
Troubled Waters”, một trong những top hit và cũng là tác phẩm cuối cùng trước
khi cặp song ca Simon & Garfunkel chia tay.
Về phía
Đảng Cộng Hòa, âm nhạc cũng được sử dụng rộng rãi trong chiến dịch vận động
chính trị, kể cả nhạc khúc Nessun Dorma- một tác phẩm của nhạc sĩ Giacomo
Puccini do danh ca Luciano Pavarotti trình bày.
Bản nhạc
Nessun Dorma, nguyên gốc tiếng Ý có nghĩa là “không ai đi ngủ”, kết thúc với điệp
khúc “At dawn, I will win! I will win! I will win!”- xin tạm dịch tới hừng đông,
tôi sẽ thắng, tôi sẽ thắng, tôi sẽ thắng!
Có lẽ
chính nhờ điệp khúc này mà nó đã được chọn để được phát đi phát lại trong các
cuộc tập hợp chính trị của trùm bất động sản Donald Trump, người mới được Đảng
Cộng Hòa đề cử đại diện cho đảng ra dự tranh để giành chiếc ghế Tổng Thống Mỹ.
Nhưng hãng tin Reuters hôm 21/7 vừa qua tường thuật rằng gia đình của cố danh
ca Pavarotti ở Ý, đã lên tiếng phản đối và yêu cầu ngưng sử dụng giọng ca của
Pavarotti trong chiến dịch vận động tranh cử của ông Trump.
Tuyên bố
của gia đình Pavarotti có đoạn viết:
“Trong tư cách là những thành viên trong gia
đình trực hệ của ca sĩ Pavarotti, chúng tôi muốn nhắc nhở rằng những giá trị về
tình huynh đệ và tình đoàn kết mà Luciano Pavarotti sinh thời thường thể hiện
trong suốt sự nghiệp nghệ thuật của ông Hòan toàn không phù hợp với thế giới
quan của ứng cử viên Donald Trump.”
Nessun
Dorma là bản nhạc được đài BBC dùng làm nhạc mở đầu cho các chương trình World
Cup tổ chức ở Ý năm 1990, giúp nhạc phẩm này trở nên phổ biến trên khắp thế giới.
Bản nhạc cũng trở thành nhạc phẩm biểu tượng cho giọng ca vàng Pavarotti, giúp
đưa ông lên đài danh vọng và trở thành một trong những danh ca opera ‘được ngưỡng
mộ nhất trong mọi thời đại’.
Thành
công lại tiếp nối thành công với buổi Hòa nhạc Three Tenors tuyệt vời khi
Pavarotti xuất hiện cùng với hai giọng nam cao nổi danh không kém, là Placido
Domingo và Jose Carreras, dưới sự điều khiển của nhạc trưởng Zubin Mehta.
Dĩa nhạc
thâu âm buổi Hòa nhạc Three Tenors trở thành album classic bán chạy nhất ở mọi
thời đại. Dấu ấn không thể quên trong buổi Hòa nhạc là phần trình diễn nhạc
khúc “O Sole Mio” do Pavarotti trình bày với sự phụ họa của hai tenor Domingo
và Carreras. Phần trình diễn đó đã trở thành thời khắc đáng nhớ nhất trong lịch
sử Hòa nhạc opera hiện đại.
Danh ca
Luciano Pavarotti qua đời vì bệnh ung thư tuyến tuỵ vào năm 2007. Là một tenor-
giọng nam cao, sự nghiệp âm nhạc của Pavarotti khởi sự vào năm 1961 ở Ý và khép
lại với buổi trình diễn cuối cùng khi ông trình bày nhạc phẩm “Nessun dorma” tại
Thế vận hội Mùa Đông 2006 ở Turin.
Ngoài
âm nhạc, Pavarotti được biết đến nhiều về những hoạt động từ thiện của ông để
phục vụ những người tỵ nạn và Hội Chữ Thập đỏ quốc tế cùng nhiều hội từ thiện
khác. Ông từng là bạn thân của Công nương Diana xứ Wales và đã tích cực tham
gia công tác gây quỹ để dọn sạch mìn bẫy của công nương Diana trên khắp thế giới.
Năm 1998, ông được cử làm Sứ giả Hòa bình Liên Hiệp Quốc.
Người
thân của danh ca Pavarotti đã viện các hoạt động từ thiện và những lý tưởng cao
cả của Pavarotti để phản đối việc sử dụng giọng ca của nghệ sĩ quá cố này trong
các chiến dịch vận động tranh cử của ông Donald Trump.
Nhưng gia đình ông Pavarotti không phải
là bên duy nhất phản đối chiến dịch vận động cho ông Trump sử dụng âm nhạc của
họ mà không được phép. Ngoài gia đình Pavarotti, còn một số ban nhạc, ca sĩ và
nghệ sĩ khác cũng bày tỏ bất bình về việc ứng viên Tổng Thống Đảng Cộng Hòa
dùng âm nhạc của họ trong các mít tinh chính trị của ông Trump. Trong đó có ban
nhạc Rolling Stones, ban nhạc rock R.E.M, ca sĩ Adele và một số nghệ sĩ khác
cũng đưa ra yêu cầu này, viện các lý do tương tự như những lý do của gia đình
Pavarotti.
Ảnh tư liệu - Ban nhạc The Beatles trình diễn
trong chương trình "Ed Sullivan Show" của đài CBS ở New York, ngày 9
tháng 2 năm 1964.
Những
người thừa kế gia tài của George Harrison, một trong tứ quái trong ban nhạc huyền
thoại The Beatles của Anh, cũng khiếu nại về việc nhạc của George Harisson bị sử
dụng trái phép tại đại hội Đảng Cộng Hòa ở Cleveland.
Gia
đình Harrison mới đây đã dùng mạng Twitter để phản đối việc chiến dịch vận động
cho ông Trump sử dụng bài “Here Comes the Sun” để giới thiệu ái nữ của ông
Trump, Ivanka, trước khi cô lên phát biểu. Họ viết: “hành động đó gây phẫn nộ vì nó đi ngược lại với ý muốn của gia đình
George Harrison.”
Ca sĩ
nhạc rock Paul Rodgers cũng than phiền về việc bản nhạc “All Right Now” của ông
được phát đi vào lúc cao điểm trong bài diễn văn của ông Trump. Và sớm hơn
trong đại hội Đảng Cộng Hòa, ban nhạc Queen phản đối việc sử dụng bản nhạc hit
"We Are the Champions" do Freddie Mercury sáng tác trong một lần xuất
hiện của ông Trump tại đại hội. “We are the Champions” được ban nhạc Queen thu
âm và biểu diễn, là một trong những bản nhạc hay nhất của ban và trở thành ca
khúc ưa chuộng được trình bày để mừng chiến thắng, đặc biệt trong lĩnh vực thể
thao.
--------------------------
XEM THÊM :
Michael
Cooper -
The New York Times
DCVOnline
Posted
on July
26, 2016 by editor — 0
Comments
No comments:
Post a Comment