Trọng Thành - RFI
Đăng
ngày 27-07-2016
Môi trường sông Mêkông, nguồn sống của hàng
chục triệu cư dân hạ lưu, đặc biệt là cư dân đồng bằng Nam Bộ Việt Nam, đang bị
đe dọa nghiêm trọng. Bên cạnh các đập thủy điện, nạn hút cát phục vụ các công
trình xây dựng. Theo một số nghiên cứu, trong những năm gần đây, hàng năm
trầm tích trên Mêkông bị hút tới 50 triệu tấn, tức gấp hai lần rưỡi lượng trầm
tích từ thượng nguồn trôi về trong cùng thời gian.
Ngay tại
khu vực gần sát thủ đô Vientiane, cấu trúc của dòng sông này cũng đang biến đổi
mạnh mẽ với việc cát, sỏi, đá, bị khai thác ồ ạt để phục vụ các công trình xây
dựng lớn. 80% số cát được khai thác phục vụ cho việc sản xuất bê tông.
Tại
châu Á, việc hút cát sông, cát biển dùng cho xây dựng là hoạt động rất phổ biến,
nhưng cho đến nay Lào vẫn được coi là tương đối không bị ảnh hưởng. Tuy nhiên,
trong thời gian gần đây, quốc gia vốn yên bình này đang biến thành một công trường
lớn.
Nói
chuyện với AFP, ông Air Phangalay, 44 tuổi, đứng đầu một công ty khai thác cát
đang phát triển rất mạnh, cho biết ngày càng có nhiều doanh nghiệp, trong đó rất
nhiều doanh nghiệp người Trung Quốc, ồ ạt xây dựng cơ sở tại thủ đô Lào. Ông thừa
nhận việc khai thác cát quy mô lớn khiến dòng chảy thay đổi mạnh, về hướng đi,
về chiều sâu, tác động đến các tầng nước ngầm.
Nhà chức
trách Lào cũng chỉ thừa nhận một cách rất ngắn gọn là : « Việc hút cát
Mêkông tác động đến cấu trúc dòng sông và hệ sinh thái ».
Trên thực
tế, chính quyền Lào không nắm được số liệu về lượng cát được khai thác trong những
năm gần đây. Chủ công ty hút cát nói trên cho biết, các công ty không bị giới hạn
về số lượng cát được phép khai thác.
Người
phụ trách hồ sơ nước của Quỹ Bảo Vệ thiên nhiên của vùng Mêkông, ông Marc
Goicho, cảnh báo : « Việc khai thác cát như vậy trên thượng nguồn
Mêkông chắc chắn sẽ để lại những hậu quả nặng nề đối với vùng châu thổ sông và
việc này không thể kéo dài ».
Sông Mêkông
tạo ra khoảng 20 triệu tấn trầm tích hàng năm. Tuy nhiên, theo một số nghiên cứu,
trong những năm gần đây, lượng khai thác lên đến khoảng 50 triệu tấn, tức gấp
hai lần rưỡi, trong cùng thời gian.
Một
chuyên gia của Quỹ Môi trường Liên Hiệp Quốc nhận xét : trong một thời gian
dài, người ta đã từng cho rằng cát là một nguồn tài nguyên vô tận… Nhưng trong
những năm gần đây tốc độ tiêu thụ cát tăng lên khủng khiếp. Chỉ trong vòng bốn
năm Trung Quốc tiêu thụ bằng Hoa Kỳ trong suốt một thế kỷ, với khoảng 18 tỷ tấn,
chiếm 60% tổng tiêu thụ toàn cầu.
Cơn sốt
địa ốc của Trung Quốc không dừng lại ở biên giới. Giờ đây nó đang lan qua Lào.
Pak
Beng : Dự án thủy điện thứ ba trên Mêkông
Tương
lai con sông càng trở nên bất trắc hơn với việc các đập thủy điện đang lần lượt
được xây dựng trên dòng chính. Cuối tháng 7/2016, báo chí Việt Nam bắt đầu nói
đến việc Lào chuẩn bị xây dựng thêm Pak Bang, một con đập
thứ ba trên dòng chính sông Mẹ Mêkông. Sau Xayaburi và Don Sahong, người ta bắt đầu nói đến Pak Bang. Từ Sài Gòn,
nhà nghiên cứu môi trường Nguyễn Hữu Thiện, thành viên Mạng Lưới Sông Ngòi Việt
Nam (VRN), cho biết về thông tin này. : "Hiện nay ở Việt Nam chưa có
thông tin gì nhiều về việc Lào chuẩn bị khởi công đập Pak Beng. Chỉ một số ít
chuyên gia có theo dõi chuyện thủy điện Mêkông thì biết được thông tin từ Thông
tấn xã Lào, ngoài ra không có thông tin nào khác, vì vậy công chúng đa phần là
chưa hay biết gì".
Nhà
nghiên cứu Nguyễn Hữu Thiện cho biết ba tác hại chính của con đập Pak Bang, nếu
công trình này được khởi công :
"Thứ nhất, đập Pak Beng có thể
xem là cây domino thứ ba trong chuỗi 11 cây domino sắp đổ. Pak Bang là đập thứ
ba trong chuỗi 11 đập trên dòng chính Mêkông sau đập Xayaburi và đập Don Sahong
đã khởi công. Theo hiệp định 1995 thì các đập này phải đi qua quy trình PNPCA tức
là Thông báo, tham vấn trước, và đồng thuận nhưng kinh nghiệm đối với 2 đập vừa
qua thì dù hồ sơ Đánh giá tác động môi trường của các đập đó không đầy đủ, thiếu
đánh giá tác động xuyên biên giới nhưng cuối cùng thì Lào vẫn tiến hành xây dựng.
Như vậy, xem ra những quan ngại của các nước láng giềng và cộng đồng bị ảnh hưởng
không có ảnh hưởng đến quyết định cuối cùng. Có thông tin rằng Lào đã điều chỉnh
thiết kế của đập Xayaburi để giảm tác động về phù sa và thủy sản, nhưng việc điều
chỉnh thiết kế như thế nào thì không rõ vì không có công bố, hơn nữa việc điều
chỉnh thiết kế đó cũng chưa được chứng minh có hiệu quả hay không trên thực tế.
Với hai tiền lệ là Xayaburi và Don Sahong như thế, và nay là đập Pak Beng nữa
thì rất có thể toàn bộ 11 đập dòng chính sẽ được xây dựng. Như thế thì tác
động tổng thể từ 11 đập đối với ĐBSCL sẽ rất nghiêm trọng.
Thứ hai, đập Pak Beng là một
trong những đập có khả năng lưu giữ phù sa cao. Nếu được xây dựng, đập sẽ
làm giảm lượng phù sa về vùng hạ lưu và ĐBSCL ở Việt Nam, ảnh hưởng đến năng suất
nông nghiệp ở ĐBSCL và quan trọng hơn đó là gia tăng sự sạt lở bờ sông, bờ biển
do làm mất cân bằng cán cân phù sa. ĐBSCL là một đồng bằng trẻ, được chính dòng
sông Mêkông bồi đắp tạo nên trong khoảng 6,000 năm qua. Đó là quá trình tự
nhiên, gọi là quá trình kiến tạo đồng bằng. Nay lượng phù sa giảm, thì quá
trình kiến tạo đồng bằng sẽ ngưng và quá trình ngược lại sẽ diễn ra, tức là quá
trình sạt lở sẽ dữ dội hơn.
Thứ ba, dù các đập dòng
chính này là loại đập dâng (run-of-river dam) vận hành khoảng 8-12 giờ mỗi
ngày, tức là trong những năm bình thường thì các đập này cho nước đi qua trong
ngày, nhưng đối với những năm khô hạn thì riêng đập Pak Beng có khả năng lưu nước
từ 1 đến 1.5 ngày, các đập kia trong số 11 đập có khả năng lưu nước từ 3 ngày đến
18 ngày. Như vậy trong những năm khô hạn thì nước đi qua tất cả 11 đập này sẽ rất
chậm, làm nước về đến ĐBSCL muộn đi cả tháng, làm gia tăng xâm nhập mặn ở vùng
ven biển ĐBSCL trong mùa khô".
No comments:
Post a Comment