Mặt hồ Irving buổi trưa im vắng chợt nghe như có tiếng
chim bay. Vâng, cánh hạc Nguyễn Xuân Phước vừa từ giã chúng ta hôm nay 22 tháng
6, 2015.
Nguyễn Xuân Phước, người cha thân yêu của Rebecca Bội
Anh và Matthew Mạnh Tường Nguyễn, luật sư, nhà tranh đấu cho nhân quyền và người
bạn thân thiết của rất nhiều người Việt trong nước cũng như đang sống khắp năm
châu vừa qua đời sau hơn một năm chiến đấu với căn bệnh ung thư máu ngặt nghèo.
Nguyễn Xuân Phước
Nguyễn Xuân Phước sinh ngày 26 tháng 1, 1954 tại
Khánh Bình, một làng nhỏ rất đẹp nằm bên bờ sông Thu Bồn, thuộc quận Quế Sơn, tỉnh
Quảng Nam, Việt Nam.
Anh sinh ra và lớn lên trong gia đình kính Chúa và
có niềm tin sâu xa vào ân điển cứu độ của Chúa Cứu Thế. Thân phụ anh, Cố Mục sư
Nguyễn Xuân Ba, là một trong những Mục sư đầu tiên của đạo Tin Lành tại Việt
Nam. Các anh của anh cũng đều là Mục sư, gồm có Mục Sư Nguyễn Xuân Hồng, cố Mục
sư Nguyễn Xuân Hà, Mục sư Nguyễn Xuân Đức, Mục sư Nguyễn Xuân Bình và Mục sư
Nguyễn Xuân Sơn.
Nguyễn Xuân Phước tốt nghiệp Trung Học Petrus Ký
niên khóa 1972 và du học tại Hoa Kỳ trong cùng năm. Anh được UC Berkeley nhận
và tốt nghiệp Cử nhân Kinh Tế tại đại học danh tiếng này vào năm 1978. Sau một
thời gian làm việc tại Đông Nam Á, anh trở lại Mỹ để học Luật tại Rutgers
University và tốt nghiệp Tiến Sĩ Luật Khoa (Doctor of Jurisprudence) năm 1996.
Đầu năm 1997, anh mở văn phòng luật sư tại Dallas.
Ngoài khả năng chuyên môn, Nguyễn Xuân Phước dành thời
gian và công sức để đóng góp vào các đề án nhân quyền dân chủ cho Việt Nam. Anh
tích cực yểm trợ cho phong trào “kết nghĩa dân chủ” và các “Ủy Ban Yểm
Trợ Dân Chủ Quốc Nội” tại hải ngoại. Anh góp phần sáng lập nhiều tờ báo và
cố vấn luật pháp cho nhiều đoàn thể tại Dallas. Anh là cây bút thường xuyên về
các vấn đề luật pháp cho các báo tại Dallas, giải đáp các thắc mắc về luật pháp
cũng như tham gia Diễn Đàn Văn Hóa Lịch Sử trên đài phát thanh.
Trong quan hệ quốc tế, Nguyễn Xuân Phước và các bạn
anh đã đi nhiều nơi tại châu Âu như Tiệp Khắc, Ba Lan, Hungary để học hỏi kinh
nghiệm phục hưng đất nước sau CS. Tại Á Châu, anh đến Miến Điện, Thái Lan, Nam
Hàn, Philippines, Singapore. Tại Nam Hàn, anh đã làm việc với các thành viên của
lãnh tụ đối lập Kim Dae-jung, người sau đó trở thành Tổng thống Đại Hàn nhiệm kỳ
1998-2003. Riêng tại Miến Điện, anh đã tìm cách liên lạc các thành phần dân chủ
thuộc đảng Liên minh Dân tộc Dân chủ (National League for Democracy) đối lập của
bà Aung San Suu kyi khi bà còn bị tù. Sau khi bà Aung San Suu kyi được tự do,
năm 2013, Nguyễn Xuân Phước đã trở lại Miến Điện lần nữa trong nỗ lực vận động
dân chủ cho Đông Nam Á trong đó có Việt Nam.
Từ 2005 trở về sau, Nguyễn Xuân Phước đã đệ trình
hàng loạt danh sách tù nhân lương tâm đang bị CS giam giữ tại Việt Nam lên Ủy
Ban Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc.
Trong lãnh vực tin học, mặc dù không phải là chuyên
viên điện toán, anh đã tự học các phương pháp xây dựng trang mạng khi kỹ thuật
Mạng lưới Toàn cầu hình thành vào cuối thập niên 1990. Nguyễn Xuân Phước cũng
là một trong những người đầu tiên mở rộng chiến dịch vận động chữ ký qua phương
pháp Internet.
Trong quan điểm chính trị, Nguyễn Xuân Phước có một
lập trường Quốc Gia Dân Tộc và Dân Chủ ôn hòa nhưng dứt khoát. Trong tiểu luận
xuất sắc viết nhân dịp 30-4 2004, anh khẳng định:
“Đảng Cộng Sản Việt Nam đã biến đất nước thành một
nhà tù vĩ đại. Hơn 300.000 quân cán chính Việt Nam Cộng Hoà đã bị giam giữ vô hạn
định. Đây là thảm hoạ lịch sử mà cái tàn ác của vua Gia Long khi ngài trả thù
nhà Tây Sơn cũng không thể nào so sánh được. Và suốt lịch sử 5000 năm của dân tộc
cũng không có một thời đại nào có cuộc trả thù khủng khiếp như thời kỳ Cộng Sản
thống nhất đất nước… Cộng Sản là hiểm hoạ lớn nhất của loài người từ trước đến
nay” và anh khẳng định chỉ có “tính hợp
pháp của nhà cầm quyền là điều kiện tiên quyết và là nhu cầu cấp bách để xây dựng
một nền chính trị dân bản bền vững. Và nền chính trị dân bản bền vững là nền tảng
để mở ra thời đại phục hưng dân tộc, làm bệ phóng cho giai đoạn cất cánh về
kinh tế toàn dân và để bảo đảm sự toàn vẹn lãnh thổ.”
Về tương lai dân tộc, Nguyễn Xuân Phước ôm ấp một “Giấc
Mơ Việt Nam”:
“Mỗi lần đến ngày 30 tháng Tư là một cơ hội để chúng
ta suy nghĩ về những thất bại lịch sử và để mơ đến “Giấc Mơ Việt Nam”. Để từ những
nơi xa xôi trên trái đất đến những trung tâm vận động phục hưng dân tộc ngay tại
trong nước, mọi người Việt đều phải cùng nhau chia sẻ một viễn tượng về sinh mệnh
dân tộc và hướng đi tới của đất nước. Từ đống tro tàn của lịch sử, những con
phượng hoàng sẽ cùng nhau cất cánh. Từ đó, mọi người Việt sẽ cùng nhau tái tạo
một nước Đại Việt mới, một tổ quốc Đại Việt của thời đại 2000 với không gian Việt
trải dài khắp nơi trên thế giới, một tổ quốc của mọi người mang dòng máu và văn
hoá Việt không phân biệt chính kiến, tôn giáo hay bất cứ một quá khứ chính trị
nào.”
Nguyễn Xuân Phước yêu nước Việt và yêu lịch sử dân tộc
Việt. Anh không những dành nhiều thời gian để học sử, viết về lịch sử Việt Nam
mà còn sống với các sự kiện lịch sử. Khoảng đầu năm 2000, xúc động khi được đọc
về hành trình tỵ nạn của Hoàng Tử Lý Long Tường, anh đã đến tận Nam Hàn để thăm
hỏi ông Lý Xương Căn, trưởng tộc của họ Lý tại Nam Hàn. Buổi gặp gỡ gia đình họ
Lý đã củng cố niềm tin trong anh về Việt Tính như anh nhắc lại sau đó:
“Điều tôi biết chắc chắn là qua câu chuyện của dòng
họ hoàng tử Lý Long Tường, chúng ta thấy rằng, Việt tính vẫn tồn tại qua không
gian và thời gian. Và tôi tin rằng một ngày không xa, tinh thần Việt ấy sẽ được
phục hưng trên đất nước chúng ta. Ngày ấy tổ quốc Đại Việt sẽ hồi sinh. Ngày ấy
Thăng Long và Sài Gòn sẽ phải được trả lại cho dân tộc và lịch sử. Và tôi tin rằng
ngày ấy sẽ không có một đảng phái, một tôn giáo nào, một cá nhân nào chiến thắng,
mà chỉ có dân tộc Việt là kẻ chiến thắng”.
Truyền thống văn hóa, các bài học lịch sử và khí tiết
của các anh hùng dân tộc như Nguyễn Trãi, Đặng Dung luôn là niềm thôi thúc để
anh nghiên cứu và sáng tác. Anh viết không nhiều nhưng những tiểu luận văn hóa,
chính trị, lịch sử của anh cho chúng ta thấy niềm tin vào lịch sử dân tộc của
anh vô cùng sâu đậm. Dưới đây là 10 tiểu luận tiêu biểu của Nguyễn Xuân Phước
đã được phổ biến rộng rãi trên internet:
- Bách Việt trong lòng Đại Việt
- Nhân ngày 30-4 xem lại bài học thống nhất đất nước
- Từ Phan Liêu, Đặng Dung đến Nguyễn Trãi, tâm sự của
một thế hệ.
- Bàn về hai chữ văn minh
- Bài học phục hưng dân tộc
- Những nghịch lý lịch sử của thế kỷ 20 và hành
trình đi tìm tính chính thống lịch sử ở thế kỷ 21
- “Máu ta từ thành Văn Lang dồn lại…”
- Một số vấn đề pháp lý quanh hiệp định biên giới Việt-Trung.
- Xét lại giá trị pháp lý và tính chính thống của Hiến
Pháp Việt Nam hiện nay
- Thân Thanh Triều nên mất nước.
Nick trên internet của Nguyễn Xuân Phước là Ngàn
Cánh Hạc. Anh Đỗ Thành Công, bạn của Nguyễn Xuân Phước viết bài thơ Ngàn cánh hạc
tặng anh và đọc cho anh nghe bên giường bệnh trong lần ghé thăm đầu tháng 5,
2015:
ngàn cánh hạc
chiều chưa tắt nắng
dậy mà nghe
Nguyễn Trãi bình Ngô
chí ta lớn
sao trời không thương
đường đoạn trường
thôi đưa nhau rồi
ly khách xa
buồn như muốn khóc
hôm qua trăng sáng
Đặng Dung ơi
ly khách đi
về đâu khách ơi
lòng ai thôi cũng
nát tơi bời
vỗ tay cho
hết đời nhân thế
chờ ta mà cạn
chén ly bôi.
Nguyễn Xuân Phước là một người khiêm cung, đơn giản.
Ngoài một số bạn cùng chí hướng, ít ai nghe anh nói về mình. Đa số người quen
chỉ biết một Nguyễn Xuân Phước hồn nhiên, vui tính và hiếu khách. Khi cần phải
tự giới thiệu, anh thích khoe cách nấu phở rất ngon, cách làm bánh tét dân chủ
[Phước dự tính làm bánh tét bán để lấy tiền giúp cho thân nhân những đồng bào
đang bị CS giam tù nên gọi là bánh tét dân chủ trong mỗi dịp Tết] rất nghề hơn
là những đóng góp của anh cho tiến trình dân chủ Việt Nam về nhiều mặt, bao
nhiêu công sức anh đã đổ ra, bao nhiêu nơi anh đã đến, bao nhiêu tháng năm anh
đã miệt mài.
(Bánh tét do Nguyễn Xuân Phước gói và nấu)
Nguyễn Xuân Phước có tấm lòng luôn rộng mở. Căn nhà
của anh bên bờ hồ Irving là địa điểm gặp gỡ giữa các nhà hoạt động, nhà văn,
nhà thơ có khuynh hướng dân chủ có dịp ra nước ngoài, lãnh đạo các tổ chức,
đoàn thể đấu tranh dân chủ tại hải ngoại và là địa điểm sinh hoạt thường xuyên
của giới văn nghệ sĩ trong vùng cũng như từ khắp nơi, kể cả trong nước, khi đến
viếng thăm thành phố Dallas.
Anh là người yêu âm nhạc, văn, thơ, thích hát, thích
đàn. Khi được yêu cầu, anh thường hát nhạc phẩm Giọt nước có biết mình là sông
của Khúc Lan:
…..
Giọt nước có biết mình là sông, nhưng sông vẫn chảy
Ngọn cỏ có biết mình về nguồn, đâu lời khóc than
Giọt nước có biết mình là mây, mây sao chưa nổi
Giọt nước hóa kiếp mình vào đời, dù dặm trường xa
xôi….
"Lời khóc than" hay những lời tiên tri dành cho số phận của một áng mây chưa kịp thành mưa tắm mát quê hương đã vội "hóa kiếp mình vào đời" trên quê người, đất lạ.
(Nguyễn Xuân Phước hát Giọt nước có biết mình là
sông)
Từ mái hiên của căn nhà không cao sang, rộng lớn
nhưng đầy kỷ niệm của Nguyễn Xuân Phước, nhà thơ Nguyễn Xuân Thiệp đứng nhìn những
giọt mưa nhỏ xuống mặt hồ. Cuộc đời của một người bạn nhỏ thân thương đang tan
dần trước mắt anh như thế. Nhà thơ không nói ra nhưng trong lòng anh và trong
lòng bạn hữu của Nguyễn Xuân Phước đều biết một cuộc chia tay sắp sửa xảy ra.
Đêm đó nhà thơ Nguyễn Xuân Thiệp viết bài thơ Mưa Xám như một lời từ giã:
…….
mưa xám
giăng. giăng. qua đời tôi. đời bạn. và còn những ai
nữa. hở em
như chiều qua
mưa xám lạnh mặt hồ. ngôi nhà ở irving. của nguyễn
xuân phước
tôi ngồi nhìn
mặt trời
nói lời từ giã
adieu.
(Chiều mưa trên hồ Irving sau nhà Nguyễn Xuân Phước)
Vâng, cuộc đời vốn là những adieu, nhưng nếu còn nhớ
Nguyễn Xuân Phước, xin hãy nhớ đến anh trong những lần hạnh ngộ.
Cố Tổng thống Abraham Lincoln có lần đã nói, đại ý “Cuối
cùng, điều quan trọng không phải bạn đã sống được bao nhiêu năm mà là ý nghĩa
cuộc sống của bạn trong những năm tháng ấy” (In the end, it’s not the
years in your life that count. It’s the life in your years). Nguyễn Xuân Phước
chỉ sống 61 năm nhưng 61 năm dâng hiến cho quê hương, đất nước. Anh đã sống nhiều
hơn so với bao nhiêu người có tuổi tác cao hơn.
Cánh hạc Nguyễn Xuân Phước vừa bay nhưng sẽ không xa
khuất bên kia bờ ước vọng mà như vẫn còn đây soi bóng dưới mặt hồ Irving. Mai
này, bạn bè anh có thể không còn dịp trở lại căn nhà đẹp đó nữa nhưng mùi phở
thơm, tiếng đàn và giọng Quảng Nam của Phước nghêu ngao “Giọt nước có
biết mình là sông nhưng sông vẫn chảy” sẽ còn vang vọng mỗi đêm. Tất cả
còn đó và sẽ mãi mãi còn trong mỗi trái tim người.
Những người thân yêu của Nguyễn Xuân Phước ơi, đừng
khóc cho giờ chia tay hôm nay mà hãy cùng cười hồn nhiên và vui tính với anh.
Xin dành những giọt nước mắt đó cho “ngày đoàn viên dân tộc, ngày hội lớn tự do
dân chủ trên quê hương, ngày phục hưng của dòng giống Đại Việt anh hùng” mà
Nguyễn Xuân Phước thân yêu của chúng ta hằng mơ ước.
Boston, viết xong vào ngày Phước đi xa, 22 tháng 6, 2015
Boston, viết xong vào ngày Phước đi xa, 22 tháng 6, 2015
---------------------------
Posted on June 23,
2015 by Editor — 0 Comments
DCVOnnline vừa mất một người bạn quý. Một
thời anh đã bay cùng Đàn Chim Việt.
DCVOnline.net
Anh Nguyễn Xuân Phước sinh ở Quảng Nam, Việt Nam
ngày 26 tháng 1 năm 1954.
Là cựu học sinh trường trung học Petrus Trương Vĩnh
Ký ở Sài Gòn (196x-1972); 1972 anh sang Hoa Kỳ theo học khoa Kinh tế ở Đại
học California tại Berkeley, tốt nghiệp cử nhân năm 1978; tiếp tục theo học Luật
và tốt nghiệp Doctor of Jurisprudence (JD) tại Đại học Rutgers năm 1996. Luật
sư Nguyễn Xuân Phước mở văn phòng hoạt động ở Dallas từ năm 1997.
Phước là người cầm bút, và còn là một người tích cực
vận động dân chủ cho Việt Nam. Hoạt động vì dân chủ đã đưa anh đến nhiều nước ở
Châu Á như Myanmar, Thái Lan, Singapore, Philippines, Nam Hàn nơi anh đã gặp
Kim Dae-Jung, lãnh đạo đối lập tại Hàn Quốc vào thời điểm đó; Phước cũng đã
liên lạc với Liên minh Quốc gia vì Dân chủ (National League for Democrac) của
Aung San Suu Kyi cả khi bà còn đang bị quản thúc và sau khi được trả tự do năm
2013.
Từ năm 2005 trở đi Phước đã nhiều lần đệ trình danh
sách các tù nhân lương tâm tại Việt Nam cho Ủy ban Nhân quyền Liên Hiệp Quốc.
Một năm sau khi bắt đầu trị bệnh ung thư máu anh
Nguyễn Xuân Phước đã qua đời vào ngày 22 tháng 6 năm 2015.
Bằng hữu và gia đình sẽ mãi mã thương nhớ anh. Mong
anh bình an nơi nước Chúa.
Phước, áo đen ngồi
giữa, bên phải, trong phiên họp với Đàn Chim Việt, tháng 10, 2005. USA. Nguồn
Đàn Chim Việt.
Phước, người bạn
quý mến của Đàn Chim Việt/DCVOnline (Circa 2013-2014). Nguồn TTĐ
Dưỡng đường ở Dallas nới Phước đã có thòi gian
hồi dưỡng. Những ngày tháng sau cùng Phước ở với gia đình người chị.
Nguồn PBV.
No comments:
Post a Comment