Về những kẻ “trí thức” giỏi nói nịnh
Hoàng Ngọc-Tuấn
01/12/2009 7:00 sáng 5 phản hồi
http://www.talawas.org/?p=14388
Bài viết “Khi con người trở thành con vẹt” của tôi đã nhận được rất nhiều ý kiến đồng tình. Tôi xin chân thành cảm ơn quý độc giả đã chia sẻ với tôi trong việc vạch ra đúng tẩy cái bệnh nói nịnh của một số “trí thức” Việt kiều nhẹ dạ, nông nổi hay cố tình muốn làm cái loa tuyên truyền để lập công với nhà cầm quyền.
Chỉ có ý kiến phản biện của Nguyên Austin cho là talawas đã “cắt xén nguyên văn câu trả lời của GSTS Trần Thanh Vân” và tôi đã trích theo sự cắt xén đó. Nhưng thực ra chính Nguyên Austin khi trích đoạn văn này lại cắt xén và thay vào bằng những dấu ba chấm (như độc giả Vũ Quang Khải đã vạch ra). Ngược lại, talawas không hề cắt xén một chữ nào cả. Mọi người đều có thể thấy talawas trích ra nguyên văn một đoạn từ bài GSTS Trần Thanh Vân trả lời phỏng vấn của báo Dân Trí (như talawas đã chứng minh). Tôi cũng trích lại nguyên văn như vậy. Có lẽ Nguyên Austin không hiểu “trích” là gì và “cắt xén” là gì. Khi người ta trích câu “I have a dream” của Martin Luther King, thì người ta chỉ chép nguyên văn câu đó ra từ một bài diễn văn dài gần 2000 chữ của Martin Luther King chứ không cần phải đăng lại cả bài diễn văn đó. Một câu chỉ có 4 chữ, nhưng trích đúng chỗ, thì đủ để nói lên tấm lòng của Martin Luther King!
Tôi nghĩ đoạn văn trích lời GSTS Trần Thanh Vân đó là đủ để cho thấy cái kiểu nói của ông ta. Đọc cả bài phỏng vấn GSTS Trần Thanh Vân trên Dân Trí thì có lẽ độc giả càng thấy rõ ràng hơn: ông ta giỏi nói nịnh. Vì nói nịnh, cho nên ở những điểm cần nói thật thì sự mâu thuẫn lòi ra một cách đáng nực cười. Thử nêu ra vài ví dụ.
GSTS Trần Thanh Vân nói “sống ở Việt Nam rất hấp dẫn và sung sướng hơn nhiều ở nước ngoài. Các GS được xã hội rất tôn trọng”, nhưng ông lại nói: “Nhưng Việt Nam muốn thu hút các tài năng về làm việc thì phải trả xứng đáng với công sức họ bỏ ra. Tôi biết số lượng GS ở Việt Nam rất ít mà lương GS ở Việt Nam lại rất thấp nên để trang trải cuộc sống họ phải đi dạy thêm không còn thời gian dành cho nghiên cứu khoa học.” Rồi ông nói: “Tôi mong rằng 5 – 10 năm tới, khi kinh tế Việt Nam phát triển hơn thì Chính phủ có tiền để trả lương xứng đáng, tạo môi trường làm việc độc lập thì tự nhiên các GS, PGS sẽ đổ về làm việc, không cần phải kêu gọi gì.”
Nói vậy thì ở Việt Nam, sống và làm việc như một GS đâu có gì “rất hấp dẫn và sung sướng hơn nhiều ở nước ngoài”, cũng đâu có “được xã hội rất tôn trọng” như GSTS Trần Thanh Vân nói nịnh. Đồng lương thì “rất thấp”, không “xứng đáng với công sức họ bỏ ra”. Để trang trải cuộc sống thì các GS “phải đi dạy thêm không còn thời gian dành cho nghiên cứu khoa học”. Môi trường làm việc thì không được độc lập.
“Tôn trọng” mà trong khi tiêu phí tiền bạc như nước cho những công trình ma, công trình dởm, các loại tiệc tùng, hội nghị vô bổ, thì lại trả lương cho các GS không “xứng đáng với công sức họ bỏ ra”, lương thấp đến độ các GS “phải đi dạy thêm không còn thời gian dành cho nghiên cứu khoa học”? “Tôn trọng” mà không cho các GS có một môi trường làm việc độc lập? Thực trạng cuộc sống và việc làm của các GS ở Việt Nam như vậy, mà GSTS Trần Thanh Vân vẫn nói “sống ở Việt Nam rất hấp dẫn và sung sướng hơn nhiều ở nước ngoài. Các GS được xã hội rất tôn trọng”, thì đúng là nói nịnh không biết ngượng.
Vì cứ muốn nói nịnh, nên GSTS Trần Thanh Vân liên tục phát biểu những câu rất nông cạn. Đánh giá chất lượng giáo dục trung học phổ thông, GSTS Trần Thanh Vân nói: “Tôi nhận thấy giáo dục THPT của mình rất tốt, không thua các nước trong khu vực ở các cuộc thi Olympic.”
Để đánh giá chất lượng giáo dục trung học phổ thông, thì không thể chỉ căn cứ trên những thành tích cá nhân của một số học sinh giỏi toán ở các cuộc thi Olympic toán học. Chất lượng giáo dục phải được đánh giá toàn diện. Và trong thực tế, chất lượng giáo dục trung học phổ thông của Việt Nam hiện nay thế nào thì ai cũng biết cả rồi, ngán tới óc rồi.
Về dự án xây dựng 4 trường “đại học đẳng cấp quốc tế” và “đào tạo 20.000 tiến sĩ”, GSTS Trần Thanh Vân nói: “Bên cạnh đó, tôi thấy Chính phủ Việt Nam hiện đang xây dựng 4 trường ĐH đẳng cấp quốc tế và đào tạo 20.000 tiến sĩ, đây là một điều rất mừng. Với việc đào tạo 20.000 tiến sĩ nhiều người lo ngại chất lượng không tốt nhưng theo tôi, trong số này có 500 tiến sĩ giỏi thì tốt lắm rồi, ít còn hơn không.”
Về thực chất việc xây dựng 4 trường “đại học đẳng cấp quốc tế” và “đào tạo 20.000 tiến sĩ” thì đã có nhiều lời bàn rồi, tôi khỏi lập lại mất thì giờ. Mời quý vị xem lại bài “100 triệu Đô la” của Phạm Việt Vinh, và bài “Giáo dục: xin cho tôi nói thẳng” của GS Hoàng Tụy.
Nói nịnh kiểu Trần Thanh Vân thì chẳng có gì là độc đáo vì cả đống người có thể nói giống y như vậy. Điều đáng lưu ý là Trần Thanh Vân lại nói ở vị trí một ông “Giáo sư Tiến sĩ” đang rất mực lưu tâm đến chất lượng giáo dục của Việt Nam. Thử hỏi: “đào tạo 20.000 tiến sĩ” mà trong số đó chỉ “có 500 tiến sĩ giỏi thì tốt lắm rồi”, thì nghe có được không? Tiêu phí bao nhiêu tiền bạc của nhân dân, bao nhiêu thì giờ, công sức của người giảng dạy để đào tạo 19.500 tiến sĩ dỏm mà nói là “tốt lắm rồi”, thì nghe có thích hợp với tư cách của một ông Giáo sư hay không?
Những người như Trần Thanh Vân và Nguyễn Hữu Liêm sống ở nước ngoài, thỉnh thoảng về Việt Nam để góp tiếng hót cho bộ máy tuyên truyền của nhà nước và được họ khen ngợi, chiêu đãi, nên cảm thấy “sướng” là tất nhiên. Trong thực tế, những trò diễn như “phái đoàn chúng tôi lên xe buýt – có xe cảnh sát hú còi mở đường” theo lời mô tả say sưa của ông Nguyễn Hữu Liêm sẽ không còn nữa, một khi các ông “trí thức” này đã về sống hẳn ở Việt Nam. Khi đó, các ông sẽ phải sống và làm việc giữa muôn vàn sự khó khăn và bó buộc. Chắc hẳn các ông cũng đã biết điều đó nên các ông vẫn tiếp tục sống ở hải ngoại, chỉ ghé về thăm Việt Nam lai rai để nói nịnh, nói dóc và hưởng thụ những ngày vui phù du trên đầu của hàng triệu người dân nghèo nàn khốn khổ.
Tôi thử tìm hiểu về GSTS Trần Thanh Vân thì thấy ông có nhiều thành tích khoa học rất cao. Nhưng những điều này không liên quan gì đến tư cách ứng xử của ông trong môi trường chính trị. Đúng như Vương Thế Lan nhận định: “Những thành quả khoa học của một người sẽ không hề làm cho người ấy miễn nhiễm về đạo đức hay tư cách sống. Một nhà khoa học giỏi vẫn có thể đồng thời là một kẻ xu nịnh, cơ hội, hèn nhát. Rất nhiều nhà khoa học tài ba đã vì quyền lợi cá nhân nên tình nguyện tận tụy phục vụ cho các chế độ Stalin và Hitler. Trong giới trí thức của người Việt hải ngoại tất nhiên có một số người giỏi về chuyên môn nhưng tồi tệ về tư cách. Đại hội Việt kiều vừa qua chính là lúc những kẻ ấy xuất đầu lộ diện.”
Một nhà khoa học giỏi vẫn có thể là kẻ xu nịnh quyền lực, vì hèn nhát hay vì hám danh, vì thích được nhận bằng khen, thích được chiêu đãi, tôn vinh rởm, hay vì những lợi lộc cho cá nhân. Giovanni Battista Bonino (1899-1985) là nhà khoa học hàng đầu về vật lý lượng tử của nước Ý, nhưng ông ta là một kẻ đắc lực phục vụ chế độ fascist của Mussolini, và mặc dù được chế độ Mussolini tán dương tột bậc vào thời ấy, thì cái ô danh của Bonino vẫn sẽ không tẩy rửa được trong lịch sử. Còn danh sách của những nhà khoa học tài ba đã phục vụ chế độ Quốc xã của Hitler và chế độ cộng sản dã man của Stalin thì dài dằng dặc.
Ngược lại, Andrei Sakharov (1921-1989), một nhà khoa học hàng đầu của Liên Xô, đã dũng cảm nói lên sự thật và thẳng thắn phê phán sự đàn áp trí thức dưới chế độ cộng sản. Ông đã nhiều lần biểu tình bằng cách tuyệt thực công khai và chịu bị giam cầm ở Gorky gần 7 năm trời cho đến khi được Mikhail Gorbachev trả tự do năm 1986. (Trước khi bị cầm tù, ông đã được trao giải Nobel Hoà bình năm 1975 nhưng nhà nước Liên Xô không cho phép ông sang Oslo để nhận lãnh.)
Đất nước Việt Nam hôm nay cần những nhà khoa học vừa có tài ba vừa có lòng dũng cảm như Andrei Sakharov, chứ không cần những nhà “trí thức” giỏi nói nịnh theo nhà cầm quyền. Sự đàn áp tự do tư tưởng, đời sống văn hoá suy đồi, chất lượng giáo dục thảm hại, sự độc tài, tham nhũng và thối nát của chế độ chính trị ở Việt Nam sẽ còn kéo dài cho đến chừng nào tất cả các tiếng nói trí thức đều đồng thanh nói thật, và không còn một ai nói nịnh, nói hùa theo nó nữa.
© 2009 Hoàng-Ngọc Tuấn
© 2009 talawas blog
No comments:
Post a Comment