Trần Ngọc Sương – ‘Chốt thí’ của tranh giành đất đai
Lữ Tống (Viết riêng cho Người Việt)
Wednesday, December 02, 2009
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/anmviewer.asp?a=104956&z=2
Kỳ 1: ‘Anh hùng’ hay ‘nạn nhân’ của mô hình XHCN?
Lời Tòa Soạn: Trong những ngày gần đây, báo chí và dư luận trong nước xôn xao về vụ án xử bà Trần Ngọc Sương (thường gọi là Ba Sương), nguyên giám đốc Nông Trường Sông Hậu thuộc tỉnh Cần Thơ. Theo truyền thông nhà nước, bà Ba Sương bị tòa án huyện Cờ Ðỏ, tỉnh Cần Thơ xử 8 năm tù về tội tham nhũng, lập “quỹ trái phép.” Nhưng dư luận thì nghĩ bà chỉ là “con chốt thí” trong việc tranh giành đất đai của giới cầm quyền tại Việt Nam. Vụ bà Ba Sương gây chia rẽ dư luận khi người bênh, kẻ chống. Nó “nổi tiếng” đến mức ngay cả cựu Phó Chủ Tịch Nước Nguyễn Thị Bình, đương kim Chủ Tịch Nước Nguyễn Minh Triết, Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng “nhảy vào” có ý kiến. Vậy bà Ba Sương là ai và vì sao vụ án này “nổi tiếng” như vậy? Bài viết dưới đây của tác giả Lữ Tống sẽ giải thích phần nào cho những câu hỏi này.
-------------------------------
Năm 1981, bà Trần Ngọc Sương bước vào Nông Trường Sông Hậu thuộc huyện Cờ Ðỏ, thành phố Cần Thơ, chính thức làm một cán bộ nông trường. Năm 2000, bà thừa hưởng vị trí giám đốc nông trường do cha bà là ông Trần Ngọc Hoằng để lại sau khi ông qua đời. Ông Hoằng được phong danh hiệu “Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới.” Cũng trong năm 2000, bà được nhà nước phong tặng danh hiệu “Anh hùng lao động” và đây là trường hợp hiếm hoi mà trong một gia đình cả cha và con cùng được phong danh hiệu này.
Vậy mà trớ trêu thay, người được phong “danh hiệu anh hùng” vài năm trước giờ đang phải đối mặt với bản án 8 năm tù về tội “lập quỹ trái phép.”
Bà Sương chính thức bị công an thành phố Cần Thơ khởi tố vì “lập quỹ trái phép” trên 9.2 tỉ đồng. Các sai phạm của bà Sương được báo chí công bố qua chứng cứ thu thập được từ cơ quan điều tra xác định Ban Giám Ðốc Nông Trường Sông Hậu mà cụ thể là bà Sương đã ra lệnh cho bộ phận kế toán, thủ quỹ chi hết số tiền này vào các việc như: mua nhà, đất, mua cổ phần, quà sinh nhật, chi phí đi công tác không minh bạch... trên 3 tỉ đồng; chi biếu tặng cá nhân, các cơ quan, ban ngành, chi cho đoàn kiểm toán, đám tiệc, để tiếp khách... trên 5 tỉ đồng. Kết quả giám định tài chính cho thấy việc chi nguồn quỹ trái phép hơn 9 tỉ đồng nêu trên làm ngân sách bị thiệt hại 5,3 tỉ đồng.
Báo chí cũng đưa tin cơ quan điều tra phát hiện bà Sương đã ra lệnh xuất quỹ tiền mặt của nông trường hơn 9 tỉ đồng khác để mua 32 miếng đất, 1 căn nhà với tổng diện tích trên 203,000m2, giao cho người nhà của bà và 7 cá nhân ở NTSH đứng tên chủ sở hữu. Trong số tiền này, bà Sương hưởng 243 triệu đồng khi vào năm 2003 bà ra lệnh mua căn nhà số 22 Ðinh Tiên Hoàng, phường Thới Bình, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ và 337 triệu đồng mua căn nhà số 17 Ðiện Biên Phủ, quận Bình Thạnh, Sài Gòn.
Cơ quan điều tra còn phát hiện được nhiều phiếu chi từ các nguồn tiền trên từ năm 2000 đến năm 2006 như: chi mua 16 lượng vàng 24K để mừng sinh nhật và chúc tết bà Trần Ngọc Sương.
Ông Trần Ngọc Hoằng, nguyên giám đốc Nông trường Sông Hậu, cha bà Sương, đã chết từ Tháng Bảy, năm 2000, nhưng bà Sương vẫn tiếp tục ra lệnh cho kế toán lập chứng từ chi trả lương kiêm nhiệm và trợ cấp lương cho ông Hoằng hằng tháng, từ Tháng Bảy, 2000 đến Tháng Mười Hai, 2007, với số tiền trên 250 triệu đồng do bà Sương trực tiếp ký nhận... Bà Sương cũng đã ra lệnh thủ quỹ xuất tiền quỹ trái phép của Nông Trường Sông Hậu để cho nhân viên của nông trường đứng tên 6 lô đất trên 70,000m2 và 1 căn nhà, sau đó bà Sương chỉ đạo bán 4 lô, với diện tích 25,000m2 được trên 4 tỉ đồng để ngoài sổ sách. Cơ quan điều tra cũng phát hiện bà Sương đã ra lệnh lấy 14,449m2 đất của Nông Trường Sông Hậu chuyển cho bà đứng tên chủ quyền...
Danh sách sai phạm của bà Trần Ngọc Sương còn dài, tuy nhiên tất cả những chia chác của bà Sương nếu tính lại thì không thấm vào đâu so với những vụ tham nhũng khác, chẳng hạn như PMU 18 hay gần đây nhất là vụ Huỳnh Ngọc Sỹ. Có điều lạ là khi tòa phúc thẩm Cần Thơ tuyên y án 8 năm tù giam cho bà Sương thì dư luận lập tức phản ứng. Trước tiên là các tên tuổi, chức sắc cao cấp nhất của chế độ, tiếp đến là mặt trận báo chí và sau cùng kéo theo một số blogger tên tuổi nhập cuộc.
Căn nguyên nào mà vụ việc lại trở nên lùm sùm như vậy?
Như ở phần mở đầu, bà Sương và cha bà là ông Trần Ngọc Hoằng từng được phong tặng anh hùng khi Nông Trường Sông Hậu liên tiếp gặt hái nhiều thành quả đáng kể mà theo báo chí tường thuật thì từ tay không, ông Hoằng đã gây dựng lên nhiều ngàn héc ta đất canh tác, quy tụ hàng trăm hộ nông dân và sau một thời gian ngắn nông trường ngày trở nên trù phú và thu hoạch khá nhiều kết quả. Nhà nước nhận thấy đây là mô hình theo kiểu tập trung sản xuất thành công nhất từ trước tới nay nên khuyến khích bằng cách phong tặng danh hiệu anh hùng cho cả hai cha con bà Sương với mục đích nhân rộng điển hình của mô hình xã hội chủ nghĩa.
Và từ danh hiệu anh hùng này, bà Sương rơi dần vào sai trái khi một mình nắm cả cơ đồ trong tay. Nông Trường Sông Hậu chỉ thành công ở giai đoạn đầu, tức là thời kỳ đổi mới. Càng về sau, khi tiếp cận với thị trường cạnh tranh nó trở nên chậm chạp, chi nhiều hơn thu, kế hoạch nào cũng thất bại và nợ nần ngày một cao dần lên. Bà Sương chạy không khỏi kết quả do mình tạo ra khi những người ủng hộ bà lúc xưa dần dần bỏ đi, người chết, người về hưu và trong đó không ít người đã thất sủng. Còn lại vài người cảm thấy phải bảo vệ cho bà nên buộc phải lên tiếng cho dù vị thế của họ không còn trọng lượng như xưa, trong đó bà Nguyễn Thị Bình, nguyên phó chủ tịch nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam là một.
Bên lề cuộc họp Quốc Hội, bà Bình lên tiếng cho rằng bản án này rất bất công khi xử một con người từng được phong tặng danh hiệu anh hùng. Rằng bà Sương xứng đáng được đặc xá và bản án này cho thấy có dấu vết sai phạm và cần được xét lại.
Sau bà Bình là bà Hà Thị Khiết, bí thư Trung Ương Ðảng kiêm Trưởng Ban Dân Vận Trung Ương. Rồi đến Bộ Trưởng Tư Pháp Hà Hùng Cường. Ông Viện Trưởng Viện Kiểm Sát Nhân Dân Tối Cao Trần Quốc Vượng, cùng với Chánh Án Tòa Án Nhân Dân Tối Cao Trương Hòa Bình, rồi Ban Thường Trực Ủy Ban T.Ư Mặt Trận Tổ Quốc Việt Nam, và cuối cùng đích thân thủ tướng Việt Nam là ông Nguyễn Tấn Dũng cũng lên tiếng cho là cần xem lại vụ án này.
Báo chí nhập cuộc ngay sau khi Luật Sư Nguyễn Ðăng Trừng, người biện hộ cho bà Sương tranh luận trước tòa rằng cả hai cha con bà Sương đều là anh hùng vì vậy nếu tuyên án bà Sương tức là nã đại bác vào quá khứ. Ông Trừng còn nhấn mạnh “đây không phải là quá khứ bình thường, đây là quá khứ đã được tôn vinh.”
Nhiều bài báo vận động sự thông cảm của dư luận cho bà Sương vì hiện nay bà đang trong tình trạng nghèo túng. Vì bà là nạn nhân của cơ chế và vì gia đình bà có công thành lập một nông trường hiện đang bảo bọc cho hơn ba ngàn con người. Báo chí đòi xét nhân thân để đặc xá cho bà và cuối cùng người ta lôi ra những chi tiết chứng minh rằng bà Sương là nạn nhân của một thế lực đang có âm mưu tống bà vào tù để họ thành lập khu công nghiệp cao ngay trên mảnh đất của Nông Trường Sông Hậu.
Báo chí cũng đưa ra những bằng chứng cho thấy tỉnh ủy tỉnh Cần Thơ đã chỉ đạo vụ án ngay từ đầu và vì vậy vi phạm nghiêm trọng đến thủ tục tố tụng của Bộ Luật Hình Sự Việt Nam.
Mặc cho dư luận chống đối, tỉnh Cần Thơ không có dấu hiệu bỏ cuộc khi Viện Kiểm Sát Nhân Dân huyện Cờ Ðỏ tiếp tục khởi tố thêm nhiều tội khác của bà Ba Sương.
Nhà báo Phan Lợi tức blogger Bút Lông viết trong một bài tổng hợp các nguồn tin từ báo chí: “Bất chấp dư luận đang phản ứng dữ dội bản án 8 năm đối với Ba Sương, Viện Kiểm Sát Nhân Dân huyện Cờ Ðỏ tiếp tục khởi tố Ba Sương về tội tham ô... Cú này coi như Cần Thơ thách đấu với dư luận xã hội!”
Dư luận đặt câu hỏi tại sao báo chí và nhiều ông to bà lớn cùng đứng chung một phía để bênh vực cho bà Trần Ngọc Sương đến như vậy. Phải chăng Tòa án tỉnh Cần Thơ đã vi phạm Bộ Luật Hình Sự khi kết tội bà Sương và phải chăng sự kết tội này nhằm triệt tiêu tiếng nói của bà để thành ủy Cần Thơ dễ dàng thu hồi 4,000 ha đất của Nông Trường Sông Hậu nhằm quy hoạch xây dựng khu công nghiệp nằm trong dự án khu đô thị mới - một dự án siêu lợi nhuận - kéo theo quyền lợi của một số người có chức có quyền ở thành phố Cần Thơ?
Còn điều gì khuất tất nữa phía sau vụ án này? Nếu tòa án Cần Thơ làm đúng chức năng của mình thì đúng ở điểm nào? Tại sao dư luận báo chí trước đó từng lên án việc xét nhân thân đối với Huỳnh Ngọc Sỹ nay lại cùng lúc nói tiếng nói chung là đòi xét nhân thân cho bà Sương?
Xin đón xem tiếp phần sau chúng tôi sẽ trình bày những ẩn khuất đang được một số báo chí cố tình che giấu hay luồn lách sự thật khi đưa những nhận định một chiều có lợi cho bị cáo.
(Còn tiếp)
Lữ Tống
Trần Ngọc Sương – ‘Chốt thí’ của tranh giành đất đai (Kỳ 2)
Lữ Tống (Viết riêng cho Người Việt)
Thursday, December 03, 2009
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/anmviewer.asp?a=105036&z=2
Những đường tên lỗi thời
... Kết luận của Thẩm Phán Nguyễn Văn Trinh đưa ra như một tiếng súng chát chúa vang lên tại phòng xử.
Người tin vào công lý thỏa mãn với kết quả mà tòa đạt được. Kẻ liên lụy thở dài thiểu não vì mọi nỗ lực bào chữa đều không có kết quả.
Theo báo chí đưa tin thì bà Trần Ngọc Sương không có mặt tại phiên tòa và đại diện cho bà là Luật Sư Nguyễn Ðăng Trừng sau nhiều ngày nghiên cứu hồ sơ đã không tập trung nhiều vào các tình tiết tố tụng, ông chỉ đặt các vấn đề để mong Hội Ðồng Xét Xử suy nghĩ. Vấn đề chính mà Luật Sư Trừng đưa ra để tòa “suy nghĩ” là “một đơn vị như Nông Rrường Sông Hậu đã 2 lần anh hùng, ông Trần Ngọc Hoằng là anh hùng. Con gái ông Hoằng là bà Sương cũng là anh hùng. Cha con đều là anh hùng, đơn vị được nhiều lần tôn vinh. Nếu không xem xét, thì theo ông Trừng chính phiên tòa hôm nay sẽ nã đại bác vào quá khứ. Mà đây không phải là một quá khứ bình thường. Ðây là một quá khứ đã được tôn vinh”
Kêu gọi tòa giảm nhẹ mức án có nhiều cách nhưng lấy thành quả chính trị để xa gần đòi hỏi tòa phải nhượng bộ là một cách tranh luận lạ lùng. Luật Sư Trừng đồng thời là đại biểu Quốc Hội và hiện đang giữ chức chủ nhiệm kiêm bí thư đảng Ðoàn Luật Sư Thành Phố Sài Gòn. Mang nhiều chức vụ như vậy nhưng ông quên rằng trước tòa án mọi người đều bình đẳng như nhau, yếu tố nhân thân có thể áp dụng để giảm án nhưng không thể dựa vào đó như một cái khiên che những cáo buộc cho hành vi phạm tội.
Ông Trừng cũng cho rằng công trạng của bà Sương làm nên của cải cho nông trường rất lớn vậy thì bà có tiêu xài ngoài mục đích vài tỷ cũng chưa đủ số tiền đáng ra bà đã được hưởng theo phần trăm mà Bộ Tài Chánh đưa ra. Ông Trừng quên rằng số huê hồng nếu có chỉ hợp pháp khi mọi thu chi đã công khai và chứng minh được lợi nhuận thật sau khi thi hành thuế. Ông không chứng minh được điều này trước tòa do đó mức án phúc thẩm vẫn giữ như bản án sơ thẩm.
Bản án đưa ra được chờ đợi những tiếng khen vì đã quyết liệt căn cứ trên các bằng chứng cũng như lời khai của nhân chứng lẫn bị can và không áp dụng yếu tố nhân thân như các quan tòa trước đây từng bị dư luận đả kích. Thẩm Phán Nguyễn Văn Trinh tỏ ra cứng tay đối với mọi sức ép và dư luận khá ngạc nhiên về những phán quyết này của ông. Có thật là Thẩm Phán Nguyễn Văn Trinh muốn làm người hùng giữa lúc hệ thống tòa án Việt Nam đang ngày một xuống cấp hay không?
Báo chí không nghĩ như vậy. Họ có cách lý luận khác, và những lý luận này không căn cứ trên những quy định của pháp luật. Lý do mà hầu hết báo chí đưa ra là Tỉnh Ủy Cần Thơ đã vi phạm pháp luật khi chỉ đạo vụ án. Lý do thứ hai quan trọng hơn, động lực thúc đẩy họ không phải chỉ đơn thuần bênh vực cho bà Sương mà còn nhằm chận đứng âm mưu lấy 4,000 héc ta đất của Nông Trường Sông Hậu để thành lập khu công nghiệp mà theo đánh giá của ông Phạm Thanh Vận, phó bí thư Thành Ủy Cần Thơ thì khi đi vào thực hiện khu vực này sẽ trở thành 'khu công nghiệp thương mại dịch vụ, xóa những dấu tích nông nghiệp trước đây theo mô hình mới. Ông Vận cho biết Thành Ủy đã xin ý kiến chính phủ chuyển đổi toàn bộ đất của cả hai nông trường Sông Hậu và Cờ Ðỏ, tổng cộng hơn 12,000 héc ta để thành lập khu đô thị mới.
Trong đó có cả phi trường, đường cao tốc, sân golf...
Ông Vận cũng khẳng định hiện đang có các nhà đầu tư của Mỹ, Hàn Quốc và một số nhà đầu tư lớn khác xin vào đầu tư. Thường Vụ Thành Ủy đang chọn lựa xin ý kiến và kiểm tra năng lực của các nhà đầu tư. Sẽ giao đất hai nông trường Sông Hậu và Cờ Ðỏ cho các nhà đầu tư theo kiểu đầu tư từ đầu tới cuối, kể cả đầu tư, khai thác, thiết kế... Ðây là hướng tương lai mà Thường Vụ Thành Ủy đang giải quyết.
Phát xuất từ những vụ tham nhũng từ trước tới nay, báo chí đánh hơi thấy đây là một phi vụ lớn mà nếu trở thành hiện thực thì người hưởng lợi nhiều nhất chính là các quan chức trong UBND tỉnh cùng các giới chức liên quan.
Thế là hầu như cùng lúc, mọi mũi tên đều chĩa về hướng này như một xác quyết, một định hướng đúng đắn bảo vệ quyền lợi đất nước. Và niềm tin này chưa thấy ai phản hồi trên mặt báo.
Người ta lo ngại tham nhũng trên tất cả mọi dự án. Và người ta luôn luôn đúng trong tình hình hiện nay, ít ra trong một thời gian dài sắp tới.
Thấy cây cong nhớ đến cung nỏ là tâm lý tự kỷ và tâm lý này che chắn mọi nỗ lực thúc đẩy đất nước trên bước đường phát triển. Nếu thật sự dự án lấy đất Nông Trường Sông Hậu để thành lập khu công nghệ mới đúng như kế hoạch mà tỉnh Cần Thơ đưa ra sẽ giúp cho tỉnh này phát triển mạnh mẽ thì mọi ngăn trở xa gần có đáng được đề cao hay không? Chưa thấy ai làm một nghiên cứu về câu hỏi này để tìm hướng thoát ra khỏi chiếc vòng kim cô mang tên “nghi ngờ” vây bủa mọi nỗ lực tìm sự phát triển cho đất nước.
Nhà báo Huy Ðức rất nổi tiếng với trang blog Osin đã viết: “Sở dĩ, hàng vạn tập đoàn, hợp tác xã, nông trường... được hình thành theo phương thức sản xuất xã hội chủ nghĩa đã tan tác hoặc chỉ còn tồn tại như những thây ma từ cuối thập niên 80, trong khi nông trường Sông Hậu vẫn tồn tại cho đến ngày nay là bởi có những con người thực lòng trung thành như cha con bà Ba Sương và có những nhà lãnh đạo muốn họ tiếp tục giữ mô hình ấy như một minh chứng: chủ nghĩa xã hội cũng có thể trở thành hiện thực.”
Có thật là mô hình này đã và đang thành công hay không khi chính tin tức trên VNNet cho biết theo kết luận của cơ quan điều tra thì sau nhiều năm làm giám đốc Nông Trường Sông Hậu, bà Trần Ngọc Sương đã “góp phần” đưa tổng số tiền nông trường này đang nợ ngân hàng lên đến 260 tỉ đồng, hằng tháng phải trả lãi ngân hàng gần 3 tỉ đồng. Ngoài ra, nông trường cũng đang nợ 2 tỉ đồng thuế từ nhiều năm chưa thanh toán được.
Vụ án này không nằm trong phạm vi nhà nước mà thoát hẳn ra ngoài. Báo chí đưa tin có 110 chữ ký của nông trường viên tình nguyện ở tù thay cho bà Sương vì cảm kích những việc làm của bà với họ trong thời gian qua. Mặc dù 110 chữ ký này chưa hề được chứng minh bằng căn cước thật nhưng dư luận vẫn chấp nhận như là một thành tố chứng tỏ bà Sương luôn được kính trọng vì những việc làm tốt đẹp của bà dành cho nông trường viên. Có điều đáng tiếc là trong bản cáo trạng của Viện Kiểm Sát thì nhiều cá nhân đã nợ nông trường nhưng sau đó đã được lãnh đạo xóa nợ. Số tiền xóa nợ mà cơ quan điều tra xác định lên đến trên 7,6 tỉ đồng, trong đó có hai Việt kiều ở nước ngoài được xóa trên 2,5 tỉ đồng và 14 ngàn USD.
Vấn đề xóa nợ và hiện tượng 110 người đứng tên xin ở tù thay khiến người ta dễ dàng liên tưởng đến tình trạng Thái Lan hiện nay. Câu chuyện của Thủ Tướng Thaksin cho nông dân vay tiền để mua hàng hóa do thuộc hạ và gia đình ông ta sản xuất dưới danh nghĩa yểm trợ nông thôn rồi sau đó xóa sạch nợ cho họ khi họ không thể trả nổi. Sự xóa nợ đã làm cho hàng triệu nông dân vay vốn nhà nước cảm kích Thủ Tướng Thaksin và vẫn tranh đấu đến cùng cho chiếc ghế của ông ta mãi cho đến hôm nay vẫn chưa chấm dứt.
Riêng trong trường hợp bà Trần ngọc Sương thì phải hiểu việc bà xóa nợ cho nhiều nông dân lẫn viên chức có ý nghĩa như thế nào?
Nhà báo Phạm Viết Ðào có lẽ là người hiếm hoi đi khác lề với tất cả nhà báo khác. Ông viết trên trang blog của mình: “Qua vụ án Trần Ngọc Sương cho thấy hình như đã xuất hiện trận tuyến giữa một bên là báo chí với một số quan chức của các cơ quan trung ương và bên kia là các cơ quan quyền lực của thành phố Cần Thơ? Vậy đất nước ta đang ở thời kỳ “tiền Tam Quốc” hay “hậu Tam Quốc” đây?
Vụ án Trần Ngọc Sương liệu có là “khối u” của cơ chế mà không sớm thì muộn, không chỗ này thì chỗ kia cũng sẽ bục vỡ ra bởi trong cơ chế này mỗi con người đôi khi vừa là nạn nhân lại đồng thời là thủ phạm...”
Mũi tên bắn bà Sương từ Thành Ủy Cần Thơ và những mũi tên khác từ báo chí cũng như những quan chức khác phe bắn trả lại khiến người ta lo nghĩ về một vấn nạn đang xảy ra trên đất nước này đó là “Nạn Sứ Quân.” Nạn sứ quân tuy còn manh nha nhưng âm ỉ và không kém phần mãnh liệt. Bà Sương ngồi chính giữa nhận đòn từ nhiều phía, kể cả bên được xem là bênh vực cho bà. Bênh vực với những luận cứ thiếu thuyết phục chỉ làm cho sự thật mờ thêm. Và vì thế những đường tên vun vút trong không gian có vẻ như đã lỗi thời mặc dù chúng chưa đi đến đích.
Lữ Tống
1 comment:
Tôi chưa đọc những bài viết trên trang này nhiều, đây là lần đầu tiên. Tôi nghĩ rằng đây là một bài viết hay nhất mà tôi đọc được viết về vụ NTSH. Tác giả lập luận chặt chẽ, suy luận rất logic. Có thể nói đây là bài thâu tóm toàn bộ sự kiện, thâu tóm thông tin nhiều chiều không thiên lệch. Tôi hy vọng sẽ được đọc những bài tương tự như thế này. Xin cám ơn rất nhiều!
Post a Comment