Sự thức tỉnh chính trị của người gốc Việt ở New Orleans
Nguyễn Trung
22/12/2009
http://www.voanews.com/vietnamese/2009-12-22-voa57.cfm
Versailles là nơi cộng đồng người Mỹ gốc Việt sống quần tụ từ hàng chục năm nay tại thành phố New Orleans, bang Louisiana của Hoa Kỳ. Sau cơn bão dữ Katrina, cộng đồng này đã vượt qua những thách thức lớn để xây dựng lại cuộc sống, nhưng lại vấp phải một trở ngại từ chính quyền. Nhưng chính khó khăn đó lại trở thành chất xúc tác để người dân gốc Việt ở đây thể hiện tiếng nói chính trị của cộng đồng. Những chuỗi sự kiện đó được đã được thể hiện trong bộ phim tài liệu ‘A Village Called Versailles’ (Một ngôi làng mang tên Versailles).
Trong chuyên mục ‘Câu chuyện Việt Nam’ kỳ này, mời quý vị theo dõi cuộc trao đổi của Nguyễn Trung với đạo diễn Leo Chiang về ý tưởng cũng như thông điệp của bộ phim.
Bằng những hình ảnh chân thực, ‘A Village Called Versailles’ thuật lại những câu chuyện về một cộng đồng từng trải qua những ngày khốn khó trong cuộc sống, nhưng đã cùng nhau nỗ lực biến thảm họa thành cơ hội lên tiếng bày tỏ quan điểm trong xã hội.
Đạo diễn Hoa Kỳ gốc Đài Loan Leo Chiang cho biết ông cùng đoàn làm phim đã mất hơn hai năm để thực hiện bộ phim tài liệu này. Ông cho hay trước đó ông chưa từng nghe nói đến Versailles cũng như những cư dân gốc Việt tại đó.
Nhưng ngay sau khi trao đổi với một người bạn nghiên cứu về quá trình phục hồi của các nhóm sắc dân khác nhau sau khi cơn bão Katrina tàn phá New Orleans, ông Chiang đã muốn quay một cuốn phim về nơi này.
Ông Chiang nói: ‘Sau khi cơn bão Katrina xảy ra, phần lớn các phương tiện truyền thông chính thống chỉ quan tâm đưa tin tới người da trắng và da đen bị ảnh hưởng ra sao ở New Orleans mà không để tâm tới thực tế rằng có khoảng 2 – 3 chục nghìn người Mỹ gốc Việt sống dọc vùng bờ biển Vịnh Mexico. Họ là người tị nạn sau cuộc chiến và giờ lại phải rời bỏ nhà cửa lần thứ hai. Tôi quyết định làm phim vì những giá trị mang tính lịch sử của nó’.
Theo đạo diễn Leo Chiang, ‘A Village Called Versailles’ đã làm sáng tỏ cách cộng đồng vượt qua những cách biệt giữa các thế hệ để cùng nhau thay đổi, bởi lẽ cho dù đã sống ở Versailles hàng chục năm, thế hệ trước vẫn nhìn lớp con cháu sinh ra ở Hoa Kỳ, ưa chuộng nhạc hip-hop, với vẻ nghi kị xen lẫn lo lắng, là liệu chúng có nhớ tới nguồn gốc văn hóa Việt hay không.
Trong khi đó, giới trẻ lại cho rằng những người có tuổi nói tiếng Việt chỉ sống trong một thế giới riêng và không còn bắt nhịp được với cuộc sống ở Hoa Kỳ.
Nhưng mọi chuyện đã thay đổi kể từ khi cơn bão Katrina tàn phá New Orleans hồi tháng Tám năm 2005, gây ra tình trạng ngập lụt trên diện rộng, buộc người dân Versailles phải di tản khắp nơi.
Nhiều tuần sau đó họ trở về New Orleans với các kế hoạch tái phát triển đầy tham vọng cho cộng đồng, gồm việc xây dựng một nơi ở cho người lớn tuổi, thiết lập một trung tâm văn hóa và một khu chợ nông sản địa phương. Nhưng đúng lúc họ công bố những đề xuất đó thì lại vấp phải một thách thức khác.
Thị trưởng thành phố New Orleans, ông Ray Nagin, đã ra lệnh thiết lập một khu chứa rác thải độc hại do cơn bão Katrina gây ra nằm cách Versailles khoảng 3 km.
Cộng đồng vốn không quan tâm tới chuyện chính trị đã đứng lên tổ chức các chiến dịch chống lại quyết định này. Đó cũng là lúc, khoảng cách biệt giữa những thế hệ không còn nữa, khi cả người già và các thanh niên trẻ tuổi cùng đứng lên vì một mục tiêu chung.
Hàng trăm người đã tới dự các buổi điều trần công khai về vấn đề này. Lần đầu tiên, người ta có thể cảm nhận được sự hiện diện của người gốc Việt ở New Orleans. Một cuộc diễu hành ở Tòa Thị Chính đã buộc thị trưởng Nagin phải cam kết sẽ ngưng đổ chất thải cho tới khi nào các cuộc kiểm nghiệm được tiến hành nhằm bảo đảm sự an toàn của bãi rác, nhưng ông đã không giữ lời hứa.
Quá bất mãn, người dân Versailles đã biểu tình đòi đóng cửa bãi rác. Người diễu hành, già lẫn trẻ, cùng đứng bên nhau, hô vang các khẩu hiệu phản đối cả tiếng Việt và tiếng Anh. Họ đã chặn các xe tải chở rác, buộc thị trưởng Nagin phải xuống nước, đóng cửa bãi thải đó.
Đạo diễn Leo Chiang nói rằng bộ phim đã cho thấy người dân Versailles vốn ít lên tiếng đã thực sự được thức tỉnh về mặt chính trị khi bị đẩy vào những tình huống khó khăn. Ông cũng cho rằng việc xuất hiện của dân biểu Joseph Cao ở cuối phim mang một ý nghĩa nhất định.
Ông Chiang cho hay: ‘Có thể chỉ là một phần lý do, nhưng sức mạnh của tiếng nói cộng đồng đã lan tỏa, dẫn tới việc họ bầu lên một dân biểu gốc Việt đầu tiên vào Hạ viện Hoa Kỳ. Thực tế đó là một điều gây bất ngờ đối với cộng đồng người Việt khắp Hoa Kỳ, vì họ luôn nghĩ rằng một dân biểu đầu tiên như vậy có lẽ phải tới từ những nơi như San Jose, California hay Houston ở Texas nơi có nhiều người Việt sinh sống, chứ không phải từ một cộng đồng người Việt nhỏ bé ở New Orleans nơi ít người biết tới’.
Ông Chiang cũng cho rằng giờ người Mỹ gốc Việt ở Versailles đã cảm nhận được bản sắc và niềm tự hào mới của mình sau khi dám đương đầu với thách thức.
Ông nói: ‘Cộng đồng dường như đã chứng minh được rằng họ đã chấp nhận rủi ro khi nói lên tiếng nói của mình, khác xa so với thái độ của họ trước đây. Và chính bởi họ tham gia vào các hoạt động dân sự mang tính dân chủ, mà họ nhận được các kết quả tích cực. Tiếng nói và sự tồn tại của cư dân Versailles được nhiều người biết đến không chỉ ở khu vực, mà còn cả ở toàn bang, và thậm chí là cả quốc gia’.
Đạo diễn gốc Đài Loan nói rằng từng có thời cộng đồng Versailles bị coi là những người Việt thầm lặng, không bày tỏ chính kiến.
Nhưng giờ, họ không còn bị bỏ quên nữa.
No comments:
Post a Comment